Cơ hội xuất khẩu giày dép sang thị trường Đức

Thị trường tiêu thụ: Đức là thị trường tiêu thụ giày dép lớn nhất tại EU và lớn thứ ba về giá trị tiêu thụ, sau Pháp và Anh. Tiêu thụ giày dép của Đức năm 2007 đạt 8,45 tỷ euro với số lượng hơn 330 tr

 

Theo số liệu của cơ quan Thống kê EU Eurostat, giày dép phụ nữ có thị phần lớn nhất trong tiêu dùng giày dép của Đức. Năm 2007, thị phần giày dép nữ chiếm 50,3%, đạt 4,48 tỷ euro, giày dép dành cho nam giới chiếm 32%, đạt 2,7 tỷ euro và giày dép dành cho trẻ em là 17,7%, tương đương 1,27 tỷ euro. Trong đó giày thể thao chiếm 20%, giày dép thông thường chiếm 60%, giày dép dùng cho các trường hợp đặc biệt chiếm 16,5% và 3,5% là giày dép đi trong nhà.

Do có sự khác nhau về lối sống, độ tuổi và vùng miền nên thị phần tiêu dùng giày dép ở Đức rất đa dạng, phong phú về mẫu mã và chủng loại. Đối với những người ở độ tuổi trung niên, họ thích sử dụng những loại giày đi thoải mái nhưng phải kiểu cách. Giới trẻ ưa dùng giày dép có phong cách thể thao và hợp thời trang. ở vùng Tây Đức, người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi xu hướng thời trang nhiều hơn là ở vùng Đông Đức. Ngoài ra, còn do khoảng cách về thu nhập giữa hai vùng miền tương đối lớn, nên chi tiêu cho giày dép ở vùng Tây Đức lớn hơn nhiều do với vùng Đông Đức, mặc dù khoảng cách này đang dần được rút ngắn. Về màu sắc, ba màu đen, nâu và ghi vẫn là ba màu giày được ưa chuộng ở Đức. Ngoài ra, màu đỏ và màu xanh nhạt cũng đang được giới trẻ quan tâm.

Sản xuất: Đức là nước sản xuất giày dép lớn nhứ 6 của EU, sau Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Rumani. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sản xuất giày dép của Đức đang có xu hướng giảm. Năm 2007, sản xuất giày dép của nước này chiếm 3,4% tổng sản xuất giày dép của toàn EU, đạt giá trị 727 triệu euro (tương đương 25 triệu đôi). So với năm 2003 (kim ngạch là 1,1 tỷ euro, số lượng là 35 triệu đôi), trung bình mỗi năm, sản xuất giày dép của Đức giảm 9,9% về trị giá và 1,8% về lượng.

Nhập khẩu: Năm 2007, Đức nhập khẩu 431 triệu đôi giày các loại, trị giá 4,4 tỷ euro, chiếm 15% về số lượng và 17% về giá trị của tổng mức nhập khẩu giày dép trong toàn EU. So với xuất khẩu, nhập khẩu giày dép của Đức gấp 2 lần về giá trị và 3,6 lần về số lượng. Sản xuất trong nước giảm và thị trường tiêu thụ tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của EU, nhưng Đức vẫn là nước nhập khẩu giày dép lớn nhất EU. Bên cạnh đó, Đức cũng là một nước tái xuất khẩu tương đối lớn về giày dép trong EU, sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với mức độ xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu của Đức đều được tái xuất khẩu vào các thị trường khác trong EU.

Hiện nay, 45% thị phần nhập khẩu của Đức là từ các nước đang phát triển. Trung Quốc là nước cung cấp lớn nhất với 185 triệu đôi giày, tương đương 889 triệu euro (chiếm 20% thị phần nhập khẩu). Nước cung cấp lớn thứ hai là Việt Nam với 62 triệu đôi, đạt 503 triệu euro (chiếm 11,4%). Ngoài ra, ấn Độ, Inđônêxia và Marốc cũng là những nước đang phát triển xuất khẩu giày dép tương đối lớn sang Đức. Thị phần giày dép xuất khẩu của các nước đang phát triển vào Đức tăng nhanh theo từng năm. Nếu năm 2003, các nước này chiếm khoảng 29% thì đến năm 2007 thị phần đã lên đến 45% và xu hướng còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Trong EU, Italia là nước cung cấp lớn nhất cho thị trường Đức với 35 triệu đôi giày, đạt 623 triệu euro (chiếm 8,2%), tiếp đến là Bồ Đào Nha chiếm 5,5% thị phần (12 triệu đôi giày tương đương 243 triệu euro) và Hà Lan.

Giày da: Đây là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Đức với giá trị 2,78 tỷ euro (175 triệu đôi) chiếm 63% thị phần nhập khẩu giày dép của nước này. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có dấu hiệu giảm dần (so với 2,81 tỷ euro năm 2003).

Các nước trong khối EU là Italia, Bồ Đào Nha, Hà Lan hiện là những nước đang chiếm thị phần lớn nhất đối với mặt hàng giày da xuất khẩu vào Đức với 61%. Các nước đang phát triển hiện chiếm 36% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Đức.

Xuất khẩu: Năm 2007, Đức xuất khẩu được 119 triệu đôi giày, trị giá 2,079 tỷ USD. Từ năm 2003 đến năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 4,6% mỗi năm, đưa Đức trở thành nước xuất khẩu giày dép lớn thứ ba của EU, sau Italia và Bỉ. 72% số lượng giày dép xuất khẩu của Đức được xuất sang các nước trong khu vực EU với các điểm đến chính là áo, Hà Lan và Pháp. Ngoài ra, Đức còn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ, Nga và Hoa Kỳ.

Cơ hội cho Việt Nam: Với một thị trường bán lẻ trong nước ổn định, kết hợp với xu hướng sản xuất đang giảm dần theo từng năm, Đức là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu đến từ những nước đang phát triển. Hiện nay, các nhà cung cấp giày dép chính của châu á vẫn có vị thế vững chắc trên thị trường Đức. Mặc dù hiện mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị phần nhập khẩu giày dép, nhưng giày vải đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đây sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường Đức, đặc biệt là các loại giày có kiểu dáng thể thao đang được giới trẻ Đức ưa dùng. Thị phần giày cao su và giày nhựa cũng là một khe thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, mặc dù là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ ba của Đức, song về giá trị và số lượng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với hai nước đứng đầu là Trung Quốc và Italia. Để nâng cao vị thế của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chất lượng tốt, ít nhất cũng ngang bằng với các nước khác và giá cả phải rẻ hơn để có thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý tới xu hướng nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng của Đức để có thể chủ động ký kết được các hợp đồng lớn.

 

                                                                         (Vinanet)

  • Tags: