Hai ngày cuối tuần về quê, tôi lại được sống trong cái không khí của mùa gặt. Mùa mà những người nông dân luôn mong đợi, là mùa của thu hoạch, mùa của ấm no... mùa của những con đường rơm.

Sáng sớm, ngoài đồng đã lố nhố từng tốp người đi gặt. Tiếng cười nói, tiếng công nông chở lúa, tiếng trâu bò "than thở" gồng xe lúa nặng. Trong làng, từng nhà, thóc lúa phơi đầy sân, ngổn ngang nào máy tuốt, bồ cào, máy quạt lúa và nhiều nhất vẫn là rơm, đâu cũng thấy rơm.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh một đám cưới trên con đường rơm ở quê mình. Cô dâu, chú rể đi trên rơm. Đoàn người đi trên con đường vàng óng, thơm mùi thóc lúa. Hồi nhỏ, mỗi lúc được về quê đúng vụ gặt, tôi lại được mấy cu hàng xóm rủ chơi trận giả. Chiến trường là những đống rơm ven đường làng, tha hồ mà núp, tha hồ lăn lộn trên rơm.

con đường rơm
"Trận chiến" trên những ... con đường rơm (ảnh Kháng Trần)

Trẻ con ngày đó không có nhiều trò chơi công nghệ cao như bây giờ, nhưng lại có nhiều trò chơi với... rơm. Quái nhất là lấy rơm tươi phi vào xe đạp của mấy đứa con gái cùng tuổi trong xóm. Rơm quấn vào líp xe đạp thì chỉ có nước ngồi khóc.

Ra đồng thả trâu, bọn nhỏ mang đi những “mồi lửa” bằng rơm. Nút đó được bện chặt, trước khi đi chăn trâu, châm lửa rồi, nó có thể giữ được lửa cháy đến chiều. Nhờ có lửa, có rơm mà sinh ra đủ trò cho mấy nhóc trẻ trâu: nướng khoai, nướng cá, hun chuột. Người quê tôi không đốt rơm luôn ở ngoài đồng như một số nơi. Lúc gặt, họ mang cả cây về nhà rồi mới tuốt lúa. Cây lúa sau khi đã tách hết hạt, đem phơi khô được gọi là rơm.

Người ta phơi rơm khắp đường làng, thế mới có những con đường rơm. Tối đến lại đánh đống thành những đống rơm nhỏ, đợi ngày sau phơi tiếp đến khi khô nỏ, vàng óng. Sau vụ gặt, nhà nào cũng đánh một đống rơm to đùng, cao quá nóc nhà. Giờ về quê, tôi thấy còn rất ít những đống rơm như thế.

con đường rơm
Con đường rơm gắn liền với cuộc đời của Ngoại, với tuổi thơ của những thằng trẻ quê (ảnh Kháng Trần)

Bà Ngoại tôi bảo, đánh đống rơm để dự phòng cho trâu, bò ăn rồi để đun nấu. Khoái nhất là được ăn cơm đun rơm, nấu bằng nồi gang, đến khi cơm cạn, quấn một vòng rơm quanh nồi, lửa cháy bùng bùng, nấu cơm sẽ có cháy quanh nồi, ăn ngon phải biết. Bà Ngoại còn chọn mớ rơm nếp, những mớ rơm ngon nhất, tỉ mỉ ngồi tết thành những chiếc chổi rơm. Làm chổi rơm cũng là cả nghệ thuật, trông lạ mắt mà quét thì lâu mòn.

Rơm còn được dùng như một thứ dây buộc, buộc mạ, xâu cá, xâu ếch. Loại rơm làm dây buộc cũng phải chọn, là những cọng rơm to và dai. Tôi thấy mấy bác hàng xóm phơi trên nóc bếp, dựng lên, xòe ra như những cái nơm bắt cá. Mấy nhóc ở thành phố chắc không biết nhiều đến công dụng của rơm. Vì thế, chúng nghĩ rơm là thứ bỏ đi. Đấy là điểm khác nhau giữa những đứa trẻ của phố thị và những đứa trẻ nhà quê.

Lúc này, tôi đang đi trên những con đường rơm dẫn vào làng. Từng bước chân êm như bước trên thảm. Con đường rơm nhắc tôi nhớ tới nguồn gốc của mình - một thằng trẻ quê, nhắc tôi phải luôn biết tận dụng và trân trọng những gì mình có.

Thế Đạt