Vận hành tối ưu trên nền tảng công nghệ chính là lý do giúp rất nhiều start-up gọi được những dòng vốn khổng lồ từ các ông lớn. Theo số liệu mới công bố của CBInsight, từ năm 2012 đến nay, có 8.500 thương vụ đầu tư với 208 tỷ USD đổ vào các start-up công nghệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo bảng xếp hạng của CBInsight, trong số 20 đại diện đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được rót vốn nhiều nhất, có 6 start-up kỳ lân (được định giá trên 1 tỷ USD). Dẫn đầu danh sách gọi vốn là Ant Financial Services, thuộc Alibaba Group Holding. Start-up kỳ lân lớn nhất Trung Quốc này được định giá 150 tỷ USD, hiện gọi được tổng cộng 19 tỷ USD. Các vị trí theo sau là Grab của Singapore (gọi được 14 tỷ USD), Go-Jek của Indonesia (gọi được 10 tỷ USD), Coupang của Hàn Quốc (gọi được 9 tỷ USD), Olacabs của Ấn Độ (gọi được 6 tỷ USD) và Lalamove của Hồng Kông (gọi được 1 tỷ USD).

Không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ, các ứng dụng kết nối cung cấp dịch vụ trên nền tảng chia sẻ đang dần dịch chuyển để hình thành các siêu ứng dụng bằng cách liên kết tích hợp nhiều dịch vụ, nhiều người dùng dịch vụ khác nhau trong một ứng dụng. Bên cạnh WeChat, Go-Jek, siêu ứng dụng Grab là ví dụ điển hình cho những giá trị của kinh tế chia sẻ và khả năng kết nối đa dịch vụ.

Ngày 8/4, Grab công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực và đang đặt mục tiêu gọi 6,5 tỷ USD trước cuối năm 2019. “Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trong năm nay, đồng thời huy động được 6,5 tỷ USD vốn đầu tư vào cuối năm nay”, ông Ming Maa, Chủ tịch Grab chia sẻ.

Nền tảng cho tăng trưởng của Grab chính là việc SoftBank và các nhà đầu tư chiến lược quan trọng khác đã đầu tư hơn 4,5 tỷ USD vào vòng gọi vốn Series H hiện tại của start-up này. Tháng 3/2019, Grab đã nhận khoản đầu tư 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank.

Ông Anthony Tan, đồng sáng lập, kiêm CEO Grab cho biết: “Sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư chiến lược như SoftBank và những nhà đầu tư khác sẽ cho phép chúng tôi tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm nay ở khắp các lĩnh vực thanh toán, di chuyển và giao nhận thức ăn. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại của Grab, chúng tôi dự kiến phát triển lớn gấp 4 lần so với đối thủ gần nhất của mình ở Indonesia và trên toàn khu vực vào cuối năm nay. Khi Grab phát triển để trở thành siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, chúng tôi nhận thấy cơ hội cực kỳ to lớn để mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp tục phục vụ khách hàng, đối tác tài xế và đối tác kinh doanh ngày càng tốt hơn trên toàn Đông Nam Á”.

Nền tảng cho tăng trưởng của Grab chính là việc SoftBank và các nhà đầu tư chiến lược quan trọng khác đã đầu tư hơn 4,5 tỷ USD vào vòng gọi vốn Series H của start-up này.

Nhờ các nguồn vốn đầu tư và lợi thế công nghệ vượt trội, Grab đã phát triển nền tảng siêu ứng dụng. Tháng 11/2018, Grab và Moca công bố hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trên nền tảng Grab. Từ đó, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên ứng dụng Grab đã tăng trưởng 370%. Trong khi đó, GrabFood ghi nhận số lượng đơn đặt hàng tăng gấp 23 lần và số lượng đối tác kinh doanh tăng gấp 4 lần sau khi ra mắt hồi tháng 6 năm ngoái.

Với tốc độ phát triển nhanh, Grab đã gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng cho các đối tác của mình, giúp các cửa hàng và hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có điều kiện phát triển, vận hành các ứng dụng bán hàng riêng tăng doanh thu. Grab cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người, giảm bớt thời gian nhàn rỗi, từ đó gia tăng nguồn đóng góp vào ngân sách nhà nước, giúp phát triển nền kinh tế.

Trong khi đó, Go-Jek là doanh nghiệp thứ hai của Đông Nam Á, sau Grab, trở thành start-up có mức định giá từ 10 tỷ USD... Go-Jek và Grab đang trong một cuộc đấu gay cấn nhằm giành vị thế thống lĩnh tại thị trường gọi xe Đông Nam Á, sau khi Uber rút lui khỏi khu vực này vào năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, Go-Jek đã được Tập đoàn Astra đầu tư 100 triệu USD trong vòng gọi vốn F.

Go-Jek chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với tên gọi Go-Việt vào tháng 8/2018. Go-Việt cung cấp dịch vụ gọi xe, sau đó mở rộng sang lĩnh vực giao thức ăn và giao hàng. Tuy nhiên, Go-Việt đang gặp một số khó khăn khi hai nhà đồng sáng lập, trong đó có giám đốc điều hành (CEO) sẽ rời vị trí lãnh đạo. Thay đổi nhân sự cấp cao đang đặt ra câu hỏi về sự phát triển bền vững của Go-Việt tại Việt Nam.