Công nghiệp chế biến, chế tạo: Vẫn còn nhiều dư địa trong năm 2019

Năm 2018 khép lại với điểm sáng của khu vực công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,98%.

Đây được xem như động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm vừa qua. Mặc dù năm 2019 được dự báo với nhiều biến động của kinh tế thế giới, nhưng các sản phẩm của nhóm ngành này vẫn được đánh giá còn nhiều dư địa trên các thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp năm 2018 đạt 201,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017 và chiếm 82,8% tỉ trọng xuất khẩu cả nước. Trong đó, có 22 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD tăng trưởng mạnh góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp.

Trong đó, cao nhất là nhóm điện thoại và linh kiện (49 tỷ USD); dệt may (30,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (29,3 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (16,5 tỷ USD); giày dép (16,2 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (7,9 tỷ USD); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (5,2 tỷ USD); sắt thép (4,5 tỷ USD); xơ sợi (4 tỷ USD).

Dệt may, da giày: Nhóm “tỷ đô” tiếp tục có chỗ đứng

Một trong những nhóm hàng “tỷ đô” được Bộ Công Thương đánh giá còn nhiều tiềm năng trong năm 2019 là dệt may.

Theo đó, năm 2018, nhóm hàng dệt may đạt mức tăng trưởng trên hai con số, đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng này có mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (tăng 11,6%), Nhật Bản (tăng 22,6%), Hàn Quốc (24,9%), Trung Quốc (tăng 39,6%), EU (9,9%).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận, những diễn biến mới nhất từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như các Hiệp định FTA sắp có hiệu lực là yếu tố tiềm năng giúp tăng đơn đặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cần thận trọng, vì lo ngại về thay đổi chính sách kinh tế khi các quốc gia khác áp dụng thêm thuế tự vệ.

Nhóm hàng da giày tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết. Sở dĩ nhóm hàng này được đánh giá còn nhiều dư địa bởi hiện tại Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD trong năm 2019, chỉ số sản xuất tăng trên 10% so với năm 2018. Bởi, năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tốt. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung sản xuất công nghệ cao.

Do đó, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chờ cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019.

Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, bắt đầu tác động đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2018 - 2019 để tránh tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các FTA có hiệu lực trong năm 2019. Do đó, xuất khẩu da giày năm 2019 sẽ tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng.

“Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó có sản phẩm da giày. Tuy nhiên, việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Điện thoại và linh kiện: 2019 có tiếp tục dẫn đầu?

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt trên 49 tỷ USD, tăng khoảng 12,63% so với năm 2017, tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, đóng góp chính cho sự tăng trưởng của các dòng sản phẩm này là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia với sự góp mặt của Samsung, LG..., những doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm sản xuất chính trên thế giới và khu vực, kéo thêm hàng trăm nhà cung cấp linh kiện đi cùng nên đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này tăng cao.

Nhóm hàng này tiếp tục dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2019 với kim ngạch đạt 6,79 tỷ USD.

Có thể thấy, mặc dù Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp điện tử với khoảng trên 200 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI nhưng chủ yếu là phụ tùng thay thế, chưa sản xuất được sản phẩm chính. Trong khi đó, đặc thù của các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành điện tử là cần công nghệ cao, thì  doanh nghiệp điện tử Việt Nam còn yếu về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong năm nay, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, Bộ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa.

“Thời gian tới, sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên; trong đó, có công nghiệp hỗ trợ để năng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu...”, Thứ trưởng nói.

Bộ Công Thương dự kiến, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13% còn khai khoáng giảm bằng 91% so với năm 2018.