An toàn từ bên trong

Tôi đến thăm Petrolimex Sài Gòn vào một ngày đầu tháng 8. Buổi sáng, nắng Sài Gòn thật là dễ chịu. Trước khi đi thực tế, ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó giám đốc Công ty nói với chúng tôi: “BVMT là phải từ bên trong, bao gồm cả các công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), phòng cháy chữa cháy (PCCC). Về công tác này, nếu chỉ đọc báo cáo thôi thì nhà báo chưa hình dung rõ nét. Vậy nên, tôi cử anh Đỗ Kim Mã - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ và An toàn mời nhà báo đi thực tế tại các cơ sở của Petrolimex Sài Gòn. “Trăm nghe không bằng một thấy” mà.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè. Trên đường đi, anh Mã cho biết: Trong thời chiến cũng như thời bình, các công trình xăng dầu bao giờ cũng là trọng điểm của công tác bảo vệ. Chúng tôi tự hào 38 năm qua đã làm tốt công tác này để kinh doanh hiệu quả, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân và TP. Hồ Chí Minh. Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè là kho xăng dầu lớn nhất Việt Nam, nằm bên bờ sông Nhà Bè. Cảm nhận ban đầu của tôi là một sự ngăn nắp, sạch sẽ; quy trình chặt chẽ và tác phong chuyên nghiệp. Qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, đến nay kho có sức chứa thiết kế đến hơn 700.000m3, có 9 cầu tàu nhập xuất thủy và 3 bến xuất bộ. Tổng kho có năng lực nhập xuất hàng năm đến 8 triệu m3, tấn xăng dầu.

Để hạn chế bay hơi, các bể chứa xăng đã được lắp đặt mái phao nổi. Đây là công nghệ hiện đại nhất vừa giảm hao hụt do bay hơi tự nhiên trong quá trình tồn chứa, vừa không ô nhiễm môi trường. Về kiểm soát lượng hàng tồn chứa thì đã có hệ thống đo bồn tự động thay thế việc trước đây công nhân phải trèo lên nóc bể đo thủ công bằng thước dây. Hệ thống này còn có tác dụng chống tràn khi nhập xăng dầu và kiểm soát cả nhiệt độ để quản lý hàng hóa khi nhập xuất, bởi xăng dầu là mặt hàng lỏng co giãn theo nhiệt độ. Đối với nước thải, Tổng kho có hệ thống xử lý tập trung áp dụng công nghệ mới, không sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường. Tổng kho còn có hệ thống PCCC cố định lắp đến từng bể kết nối với các trạm bơm chữa cháy; bên cạnh đó, còn có lực lượng chữa cháy di động với đội hình xe chữa cháy và nhiều trang thiết bị chuyên dùng khác. Tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn, được kiểm tra định kỳ, luôn ở trạng thái sẵn sàng đối phó với sự cố, các lực lượng trực 24/24 giờ.

Bảo vệ từ bên ngoài

Ở bên ngoài kho, để phòng ngừa các tình huống tràn dầu do các nguyên nhân bất khả kháng, Tổng kho thành lập Đội ứng phó sự cố tràn dầu với 3 trạm phao cố định, các trang thiết bị xử lý sự cố tràn dầu. Lực lượng này gồm 20 cán bộ nhân viên nghiệp vụ với tính chuyên nghiệp cao luôn trực sẵn sàng xử lý sự cố tại khu vực các cầu tàu và trong kho dầu. Tổng kho còn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương hỗ trợ giúp công tác bảo vệ trật tự trị an từ vòng ngoài; đặc biệt, phải kể đến sự quan tâm hỗ trợ của Công an huyện Nhà Bè.


Hóa ra, kinh doanh xăng dầu không đơn giản “chỉ có đổ vào, múc ra, rồi thu tiền của khách” như một vài người đã phát biểu với báo chí. Để bảo đảm an toàn cho giọt xăng ngay cả khi nó đang nằm im trong bể tại Tổng kho đã biết bao sức người, sức của với một ý thức trách nhiệm rất lớn của đội ngũ CBCNV-NLĐ tại đây về hiệu quả cho mình, an toàn cho người dân, cho thành phố, cho xã hội.

Rời Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, chúng tôi đến thăm một số cửa hàng xăng dầu thuộc Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Petrolimex Sài Gòn. Thật dễ nhận ra cửa hàng xăng dầu Petrolimex bởi dấu hiệu nhận diện đặc trưng gắn liền với chữ P nổi tiếng, thân yêu. Công tác PCCC, PCCN và BVMT ở đây cũng gồm nhiều công đoạn và trang thiết bị. Nào là bình cứu hỏa, các quy trình, các biển cảnh báo, quy trình nhập kín - xuất kín, tiếp địa chống tĩnh điện… Chen lẫn trong tiếng ồn ào đặc trưng của phố phường là giọng nói miền Nam nhẹ nhàng mà nghiêm túc của người bán hàng nhắc nhở khi thấy khách vào đến địa phận mua xăng rồi mà vẫn quên chưa tắt xe, vẫn đang sử dụng điện thoại di động, thậm chí vẫn đang còn hút thuốc… Các cửa hàng xăng dầu Petrolimex Sài Gòn đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Cột bơm điện tử Tatsuno với độ chính xác cao, nhiều cửa hàng có biển phục vụ 24/24 giờ. Một số cửa hàng ứng dụng nhận diện bằng alumex - nhìn chẳng khác gì siêu thị. Mỗi cửa hàng xăng dầu là một công trình kiến trúc đô thị hài hòa với nhịp sống sôi động của người dân thành phố này.

Chất lính và tính chuyên nghiệp

Petrolimex Sài Gòn đã thành lập riêng một Xí nghiệp dịch vụ xây lắp và thương mại Petrolimex. Một trong những hoạt động nổi bật của Xí nghiệp là xử lý chất thải cặn dầu tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, tiêu hủy chất thải nguy hại - đã được Tổng cục Tài nguyên Môi trường cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, Xí nghiệp cung cấp ra ngoài xã hội các dịch vụ súc rửa bồn bể, thu gom và xử lý chất thải nhiễm dầu.

Mặc dù được đầu tư công phu và có quy trình chặt chẽ như vậy, nhưng Petrolimex Sài Gòn vẫn không quên nhắc nhở, tuyên truyền CBCNV-NLĐ: không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác, không đùa được với “giặc lửa”. Bên cạnh việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất; huấn luyện, diễn tập định kỳ, Công ty còn kết hợp với các cơ quan, lực lượng PC66 của địa phương để không ngừng nghiên cứu cải tiến trong lĩnh vực này. Petrolimex Sài Gòn còn đề ra phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; phương tiện trang thiết bị tại chỗ; lực lượng tại chỗ; và phối hợp hậu cần tại chỗ. Tư tưởng chính của phương châm này là “chủ động là chính”, không trông chờ ỷ lại. Chính vì thế ở Petrolimex có câu: “Mỗi CBCNV - NLĐ là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC”.

Chứng kiến công tác BVMT, PCCN, PCCC tại Petrolimex Sài Gòn; tôi hiểu vì sao mỗi người công nhân áo xanh trong các đơn vị có chữ P tỏa sáng lại tự hào đến vậy. Đó là “chất lính” trong nề nếp làm việc, tác phong nghiêm túc, chuyên nghiệp của họ, của cả đội ngũ từ người lãnh đạo đến người công nhân bình dị nhất. Đó cũng chính là thương hiệu của một doanh nghiệp có bề dày lịch sử, có trách nhiệm xã hội cao, luôn nỗ lực một cách thầm lặng và biết tự làm mới mình để tiến xa hơn

Hóa ra, kinh doanh xăng dầu không đơn giản “chỉ có đổ vào, múc ra, rồi thu tiền của khách” như một vài người đã phát biểu với báo chí. Để mỗi lít dầu đến với người tiêu dùng được an toàn là biết bao công sức.