Công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty Cổ phần VNCOM

NGUYỄN NHƯ MẠNH (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trước sự biến động của nền kinh tế thế giới, sự linh hoạt của nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh không chỉ đơn thuần là sự cạnh tranh về giá cả. Do vậy vấn đề tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm được coi là mục tiêu đối với mỗi doanh nghiệp. Công ty Cổ phần VNCOM cũng không nằm ngoài nhu cầu này. Bài viết sẽ đưa ra đánh giá về thực trạng hạch toán kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty. Từ đó kiến nghị Công ty cần phải có những giải pháp để đạt được mục tiêu tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm và có sức hấp dẫn trên thị trường.

Từ khóa: Công ty Cổ phần VNCOM, kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm.

1. Đánh giá chung về thực trạng kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty Cổ phần VNCOM

      Công tác tập hợp chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm được tiến hành khá nề nếp giữa kế toán giá thành và các phần việc kế toán ghi chép chính xác, đầy đủ. Đó chính là cơ sở để đảm bảo cho giá thành sản phẩm được tính toán một cách chính xác.

            Về bộ máy kế toán: Được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm theo hình thức tập trung phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của Công ty.

            Về hệ thống chứng từ: Hệ thống chứng từ của cơ quan tương đối đầy đủ. Công ty đã có một số chứng từ riêng để thuận tiện, phù hợp với bộ máy kế toán chẳng hạn như phiếu sản xuất, các bảng tổng hợp chi phí… Điều này là rất cần thiết.

            Về luân chuyển chứng từ: Chứng từ được luân chuyển theo trình tự nhất định, đúng chế độ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm tra của kế toán trưởng. Tuy nhiên, việc luân chuyển chứng từ lại làm cho công việc kế toán không trải đều mà hay dồn vào cuối tháng, cuối quý.

            Về hệ thống sổ sách: Nhìn chung thì hệ thống sổ sách của Công ty khá đầy đủ song kết cấu sổ vẫn chưa thật hợp lý, chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của Công ty. Vì vậy dẫn đến việc theo dõi các khoản chi phí phát sinh trong tháng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là vấn đề Công ty cần xem xét, nghiên cứu và hoàn thiện.

            Về đối tượng tập hợp chi phí sản xuất: Công ty xác định là từng sản phẩm. Việc xác định đối tượng tập hợp chi phí sản xuất như vậy là hoàn toàn hợp lý, thích hợp với điều kiện cụ thể của Công ty về mô hình, cách thức tổ chức sản xuất (đặc điểm tổ chức sản xuất của Công ty là sản xuất hàng loạt nhiều mặt hàng), thích hợp với yêu cầu tính giá thành và trình độ hạch toán của Công ty.

            Thế nhưng, trong thực tế khi tiến hành tập hợp chi phí sản xuất lại không được tập hợp theo đúng đối tượng đã xác định. Cụ thể là có khoản mục chi phí tập hợp theo phân xưởng sản xuất mà không tập hợp theo từng sản phẩm (tập hợp chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung). Việc làm này sẽ gây ra một số những hạn chế nhất định trong công tác quản lý chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm. Kết quả tập hợp chi phí sản xuất không cho biết được chi phí sản xuất cho từng sản phẩm.

            Về các khoản trích theo lương: Hiện tại, Công ty chưa trích và lập quỹ công đoàn. Việc không lập và trích tài khoản này vừa không đúng theo quy định của Nhà nước vừa làm cho giá thành thấp hơn so với giá thực tế.

            Kế toán chi phí nhân công trực tiếp: Hiện nay, Công ty áp dụng hình thức trả lương cho công nhân sản xuất theo hình thức lương sản phẩm bằng cách lấy số công nhân với đơn giá thực tế bình quân toàn phân xưởng dẫn đến tình trạng không tạo ra công bằng giữa những cá nhân hăng say lao động với thành phần đi sớm về muộn, làm việc không năng suất gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Điều này cũng không thúc đẩy được năng suất lao động tòan phần xưởng cũng gây ra hạn chế nhất định đòi hỏi Công ty nghiên cứu và hoàn thiện.

            Kế toán chi phí sản xuất chung: Tiền lương CNV bộ phận quản lý phân xưởng có thêm phụ cấp kết quả công việc (theo khối lượng thành phẩm hòan thành trong tháng). Công ty thực hiện phương thức này vừa thúc đẩy sản xuất vừa tăng phần trách nhiệm của nhân viên quản lý.

 Ở công ty, chi phí sản xuất chung được tổ chức tập hợp cho toàn Công ty mà không phân chi tiết cho từng phân xưởng. Điều này gây ra một số hạn chế trong công tác quản lý chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số khoản chi phí được hạch toán vào chi phí sản xuất chung còn thiếu chính xác. Đây cũng là một vấn đề mà Công ty phải nghiên cứu và hoàn thiện.

            Về công tác đánh giá sản phẩm dở dang: Thực tế tại Công ty, giá trị sản phẩm dở dang của từng sản phẩm được đánh giá theo phương pháp nguyên vật liệu trực tiếp là chưa hoàn toàn hợp lý và khoa học. Tuy nhiên, Công ty chỉ kiểm kê khối lượng dở dang tại công đoạn thành phẩm và chỉ đánh giá ở giai đoạn đó là hoàn toàn hợp lý.

            Như vậy, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, trong thời gian còn hạn chế, công tác kế toán của Công ty Cổ phần VNCOM vẫn còn những điểm tồn tại nhất định.

2. Một số ý kiến nhằm hoàn thiện công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm

- Hoàn thiện hơn nữa đối với khoản mục chi phí nhân công trực tiếp

Trích trước chi phí tiền lương công nhân nghỉ phép: Công ty không tiến hành trích trước tiền lương công nhân sản xuất nghỉ phép mà chỉ khi tháng nào có xét duyệt thì mới tính toán khoản chi phí này và ghi vào kỳ phát sinh. Chi phí nhân công không ổn định do có những tháng phát sinh nhiều, có tháng không phát sinh. Mặt khác, khoản trích trước chi phí tiền lương công nhân nghỉ phép là một bộ phận cấu thành nên chi phí nhân công trực tiếp, việc công ty không đưa vào có nghĩa công ty thực hiện chưa đầy đủ yêu cầu về quản lý các khoản mục chi phí.

Việc tính lương cho công nhân hiện tại theo đơn giá thực tế trung bình toàn phần xưởng là bất hợp lý. Do đó, hàng ngày dựa vào định mức lương đã có và số lượng sản phẩm mà công nhân thực hiện được ở từng bước công nghệ trong ngày tiến hành tính toán cụ thể tiền lương phải trả cho từng ca sản xuất ngày đó và chia đều trên số người làm trong ca. Đến cuối tháng, kế toán sẽ tập hợp tiền lương từng ngày để trả lương từng công nhân trong tháng đó.

Hiện tại, chi phí nhân công trực tiếp được tính theo phương pháp phân bổ. Cụ thể là tập hợp chi phí nhân công toàn phân xưởng để tiến hành phân bổ chi phí nhân công trực tiếp cho từng loại sản phẩm theo tiêu thức khối lượng thực tế của từng loại sản phẩm trên khối lượng thực tế của các loại sản phẩm sản xuất trong tháng. Từ thực tế cho thấy: việc tập hợp chi phí sản xuất là chưa đảm bảo tính chính xác.

- Về kế toán chi phí sản xuất chung

            Việc trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ: Công ty không tiến hành trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, việc này vừa gây nên sự mất ổn định giữa chi phí phát sinh trong các tháng vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động sửa chữa tài sản mỗi khi xảy ra sự cố. 

Công ty không phân bổ chi phí sản xuất chung cho gia công nên trong giá thành đơn vị sản phẩm, chi phí sản xuất chung chiếm tỷ lệ cao. Điều này phản ánh không chính xác giá thành đơn vị sản phẩm, làm tăng giá thành. Từ đó, tăng giá bán, giảm khả năng cạnh tranh. Do đó, để xác định chính xác khoản mục chi phí sản xuất chung, Công ty nên bóc tách phần khoản mục chi phí sản xuất chung. Để bóc tách được, nên sử dụng tiêu thức phân bổ là chi phí nhân công trực tiếp. Căn cứ vào bảng thanh toán tiền lương của các tổ có thể tính ra tổng chi phí nhân công trực tiếp sản xuất (chính và phụ) và tổng chi phí nhân công trực tiếp gia công.

- Theo dõi khoản chi phí thiệt hại trong quá trình sản xuất

            Trong quá trình sản xuất, có một số trường hợp xảy ra như rách bao, hỏng,… Điều này do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như chất lượng vật tư không tốt, sai sót của dây truyền sản xuất… Chi phí cho những thiệt hại này được Công ty tính cho giá thành sản phẩm. Ví dụ bộ phận kế toán phân xưởng sản xuất theo dõi và tập hợp toàn bộ số lượng bao bị hỏng và ghi:

  • Bao: 105 chiếc

Nếu như chỉ theo dõi như trên sẽ khó có khả năng đánh giá được mức độ hao phí do những thiệt hại gây ra. Mặc dù những thiệt hại này là không đáng kể và không tránh khỏi nhưng để đạt được mục tiêu hạ giá thành, việc giảm thiểu các khoản thiệt hại là điều hết sức cần thiết. Vì thế, trong quá trình tập hợp chi phí sản xuất, các khoản chi phí này cần theo dõi cụ thể hơn để có thể kiểm tra, phát hiện nguyên nhân, đánh giá được mức độ thiệt hại và hạn chế chúng.

- Ứng dụng máy vi tính và phần mềm kế toán

            Trong môi trường nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ, việc nắm bắt thông tin kế toán và đưa ra một số quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp có tầm quan trọng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác quản trị doanh nghiệp đòi hỏi phải tính toán chính xác, kịp thời hơn chi phí sản xuất và giá thành để có thể đưa ra quyết định nhanh nhạy, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Tất cả những điều này khẳng định sự cần thiết phải áp dụng máy vi tính trong công tác kế toán nói chung và công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành nói riêng. Sử dụng máy vi tính trong công tác kế toán không những giúp cho việc đưa ra con số nhanh và chính xác mà còn giảm được lao động kế toán, tiết kiệm một khoản chi phí cho doanh nghiệp. Nếu như sử dụng kế toán thủ công thì cần phải tra nhiều loại sổ và việc ghi chép đôi khi lại trùng nhau và dễ nhầm lẫn, khó sửa đổi. Áp dụng kế toán máy tránh được công việc trùng lặp đó và việc tự động hóa trong luân chuyển sổ sách tránh được nhầm lần, tiết kiệm thời gian và việc lưu trữ thông tin trở nên thuận tiện hơn.

            Là một công ty sản xuất sản phẩm với khối lượng lớn, phát sinh nhiều nhiệm vụ, VNCOM vẫn còn đang thực hiện công tác kế toán bằng tay là chủ yếu. Điều này làm cho công việc rất nặng nề, tốn nhiều công sức và khó quản lý. Để đáp ứng được thông tin ngày càng cao, để phủ hợp với xu thế mới - hiện đại hóa, công nghiệp hóa và giảm bớt công việc cho công tác kế toán, Công ty nên áp dụng phần mềm kế toán máy.

            Hiện nay, có rất nhiều chương trình kế toán được áp dụng tại các doanh nghiệp như chương trình kế toán IMAS của Bộ Tài chính và thương mại, chương trình kế toán AC soft của Công ty hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quicken của Mỹ, Fast accounting của FPT. Công ty có thể lựa chọn chương trình phù hợp nhất với quy mô, đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tình hình tài chính của mình.

- Hình thức sổ kế toán

            Hiện nay, hình thức sổ kế toán của Công ty áp dụng là hình thức Nhật ký - Sổ cái. Trên thực tế cho thấy, Công ty cần phải thay đổi cách ghi chép và hình thức sổ kế toán cho thật phù hợp. Cụ thể, ở Công ty Cổ phần VNCOM do việc tập hợp chi phí sản xuất đã được xác định chưa thật đúng với đối tượng tập hợp chi phí sản xuất. Thế nên, trên bảng phân bổ và bảo hiểm xã hội chỉ thể hiện chi phí nhân công trực tiếp cho từng phân xưởng mà không biết được chi phí nhân công trực tiếp của từng sản phẩm là bao nhiêu.

            Với khối lượng công việc, số lượng tài khoản sử dụng khá nhiều cho nên hình thức Nhật ký - Sổ cái là chưa hoàn toàn phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay đối với một công ty có quy trình sản xuất liên tục, thường xuyên như vậy.

            Công ty nên áp dụng hình thức Nhật ký chung. Nó sẽ giúp cho việc ghi chép đơn giản hơn, dễ kiểm tra đối chiếu. Hơn nữa, thuận tiện cho chuyên môn hoá công tác kế toán thích hợp với xu thế hiện nay, phù hợp với việc đưa máy tính vào ứng dụng công tác kế toán. Tuy nhiên, áp dụng Nhật ký chung cũng có những nhược điểm là ghi chép bị trùng lặp nhiều, song vẫn có thể khắc phục được khi áp dụng máy vi tính

- Quản lý tài chính

            Công ty nên áp dụng kế toán quản trị vào trong quá trình quản lý tài chính của doanh nghiệp. Thực chất, Công ty tồn tại hai hình thức, vừa sản xuất ra để bán, vừa mua để bán. Do vậy, Công ty nên kết hợp kế toán quản trị để xác định các chi phí trong năm. Thật vậy, Công ty nên lập báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận theo các ứng xử chi phí, làm như vậy Công ty sẽ xác định một cách chính xác thực chất chi phí trong năm, tránh được những chi phí cố định còn tồn đọng ở hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Công ty nên tách báo cáo kết quả kinh doanh theo hai khía cạnh sản xuất ra tiêu thụ và kinh doanh thương mại. Cụ thể sau mỗi quý kinh doanh, phòng kế toán lập báo cáo kết quả kinh doanh làm ba phần: Thứ nhất là quá trình sản xuất ra để bán, thứ hai là quá trình kinh doanh thương mại, thứ ba là tổng hợp hai quá trình trên. Các chi phí được tách ra theo từng bộ phận và chi phí chung được xác định trong phần tổng hợp như vậy, khi ban giám đốc xem xét sẽ thấy rõ được kết quả kinh doanh của công ty. Mặt khác, Công ty nên lập báo cáo kết quả kinh doanh theo cách ứng xử chi phí và phân chia bộ phận để làm rõ hơn kết quả thực tế kinh doanh và chi phí thực tế của toàn Công ty.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. TS. Đặng Thị Loan. 2012. Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp. Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Chế độ kế toán trong các doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ – BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  3. Các hóa đơn, chứng từ, bảng biểu sổ sách Công ty Cổ phần VNCOM.

 

THE ACCOUNTING WORK OF THE COST OF PRODUCTION

AND THE CALCULATION OF THE COST OF GOODS MANUFACTURED

AT VNCOM JOINT STOCK COMPANY

NGUYEN NHU MANH

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In the context of fluctuations in the world economy and the flexibility of the market economy, the business competition is not merely about price of products. As a result, reducing the cost of production and lowering the cost of goods manufactured have become goals of every business including VNCOM Joint Stock Company. This article is to assess the actual situation of the accounting work of the cost of production and the calculation of the cost of goods manufactured at VNCOM Joint Stock Company. Based on assessments, the article proposes solutions to help the company achieve its goals in reducing its cost of production, lowering its cost of goods manufactured but still ensuring its product quality and attractiveness. 

Keywords: VNCOM Joint Stock Company, cost of production accounting, cost of goods manufactured calculation.