Một số dự án sản xuất công nghiệp chế biến sâu của tỉnh sẽ đi vào sản xuất ổn định và một số doanh nghiệp tái cơ cấu, mở rộng sản xuất làm tăng năng lực sản xuất công nghiệp của địa phương. Sức mua của thị trường trên địa bàn tỉnh theo dự báo trong năm 2015 sẽ tăng lên do thu nhập của người dân tăng.

Với truyền thống cách mạng vẻ vang, mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Ngành Công Thương Bắc Kạn đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, làm tốt công tác quản lý nhà nước để tham mưu cho các cấp chính quyền; tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp có hiệu quả, triển khai tích cực các dự án đầu tư, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, đi đôi với việc chú trọng tăng cường chất lượng phục vụ người tiêu dùng trên mọi địa bàn của tỉnh, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá của địa phương để sản phẩm hàng hoá của tỉnh có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Với nhưng cố gắng đó năm 2015, Ngành Công Thương Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành một số mục tiêu cơ bản như sau:

- Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) phấn đấu đạt 925 tỷ đồng, tăng 6,14% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, công nghiệp khai thác là 358 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo là 499,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,0%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hoà không khí là 48,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải là 19,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,1%. Thực hiện được 15 đề án khuyến công, trong đó: 04 đề án KCQG và 11 đề án KCĐP. Có thêm 12 xã đạt tiêu chí về điện; đưa tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh đạt 95%.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 3.810 tỷ đổng; Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 triệu USD; trong đó: Xuất khẩu đạt 4 triệu USD, Nhập khẩu đạt 6 triệu USD.

Để hoàn thành mục tiêu kinh tế mà Tỉnh giao, Ngành Công Thương Bắc Kạn tiếp tục tìm giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 21/7/2011 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/4/2012 của Tỉnh uỷ về phát triển Thương mại, dịch vụ, du lịch tỉnh Bắc Kạn từ nay đến 2015, định hướng đến 2020.

Trong lĩnh vực công nghiệp, cần có giải pháp giải quyết dứt điểm những doanh nghiệp không có khả năng tái cơ cấu, đổi mới sản xuất; Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp (Nhà máy sản xuất MDF của Công ty CP SAHABAK; Khu Liên hợp gang, thép của Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi – Bắc Kạn; Nhà máy điện phân chì – kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh; tạo điều kiện cho các dự án đầu tư mới khởi công trong năm 2015) và đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động sản xuất ổn định;

Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên kết trong việc khai thác và cung cấp nguyên liệu chế biến cho các dự án sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đôn đốc tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho các thôn bản chưa có điện để sớm điện khí hóa nông thôn, giúp cho công nghiệp nông thôn phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và cải thiện nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.

Trong lĩnh vực thương mại, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường xã hội, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tập trung đến thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

Tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin và dự báo tình hình thị trường, tình hình sản xuất, tình hình xuất, nhập khẩu để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt tình hình để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả;

Tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, ưu tiên đưa hàng nông sản có thương hiệu của Bắc Kạn vào các chương trình xúc tiến, vào các siêu thị, trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố trong khu vực để tiêu thụ; Phát triển mạng lưới phân phối hàng hoá nhất là mô hình mua, bán tiện ích, hiện đại, văn minh; Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, kêu gọi xã hội hoá đầu tư để mở rộng mạng lưới thương mại dịch vụ đến tận các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; Tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh...