Công trình trọng điểm của Vinatex đi vào hoạt động, ngành may thêm phần chủ động nguyên liệu

Đưa Nhà máy dệt Hòa Xá đi vào hoạt động, không chỉ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, mà còn góp phần cùng ngành Dệt May Việt Nam chủ động hơn, không quá

Ngày 24/7 vừa qua tại Nam Định, Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Lễ gắn biển công trình Nhà máy Sợi Hòa Xá thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.

Nhà máy sợi Hòa Xá do Tổng CTCP Dệt May Nam Đinh đầu tư với giá trị 369 tỷ đồng, có quy mô 3,12 vạn cọc, công suất 7.000 tấn/năm, thu hút 230 lao động. Đây là dự án điểm của Vinatex trong lộ trình hoàn thiện chuỗi cung ứng, đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

Khởi công từ ngày 06/12/2016 hoàn thành sau 1 năm xây dựng, vận hành thương mại từ tháng 4 năm 2018, bước đầu giúp Vinatex có thêm nguồn cung sợi chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhà máy Sợi Hòa Xá có nhà xưởng được thiết kế hiện đại, phù hợp với môi trường công nghiệp, được áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến, dây chuyền liên hợp với hệ thống tự động hóa cao; thiết bị hoạt động khép kín, khắc phục được tối đa bụi bông và tiếng ồn, tạo môi trường và điều kiện tốt cho công nhân làm việc.

Điều đặc biệt, mặc dù đã 30 năm Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định không làm chủ đầu tư nhưng Nhà máy Sợi Hòa Xá đã hoàn thành công trình đúng thời hạn, với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại không chỉ tương đương với các nhà máy sợi hiện đại nhất trong Tập đoàn mà còn tương đương với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Trước đây, sợi của Nam Định là được định vị ở cấp trung bình và thấp, nay với 1 nhà máy mới, chất lượng được định vị ở cấp cao, do đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng lâu dài tại Nhà máy Sợi Hòa Xá, xây dựng thị trường ổn định, khách hàng ổn định, chủng loại mặt hàng có chất lượng, định hình lại các thông số của công nghệ và đảm bảo chi phí sản xuất.

Đưa Nhà máy dệt Hòa Xá đi vào hoạt động, không chỉ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động. Nhờ đó sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tốt hơn, góp phần cùng ngành Dệt May Việt Nam chủ động hơn, không quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu sợi từ các quốc gia khác.

Trước đó, Nhà máy Sợi Phú Cường đã đi vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư gần 465 tỷ đồng, mỗi năm cung cấp khoảng 5.000 tấn sợi cao cấp cho các nhà máy dệt chất lượng cao trong Tập đoàn Dệt may để đảm bảo nguồn vải may xuất khẩu. Một dự án khác là Nhà máy Sợi Đồng Văn 1 (Hà Nam) do Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 500 tỷ đồng; quy mô hơn 3 vạn cọc sợi, công suất 5.500 tấn sản phẩm/năm cũng đã đi vào sản xuất.

Một trong những điểm chung dễ thấy từ các dự án đầu tư sợi mà Vinatex và các doanh nghiệp thành viên thực hiện thời gian gần đây là thời gian thi công chỉ khoảng 1 năm, tiết kiệm được nhiều chi phí tài chính và nguồn lực.