Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật và việc giám sát thực thi

ThS. NGUYỄN NGỌC LAN (Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Quản trị GES)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, người khuyết tật (NKT) chiếm khoảng 7,2% dân số toàn quốc (số liệu thống kê năm 2017). Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã ban hành nhiều văn kiện nhằm thúc đẩy Quyền của NKT, trong đó có Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (CRPD), mà Việt Nam đã tham gia, quy định cả về cơ chế giám sát thực thi công ước. Để quyền của NKT được đảm bảo, Việt Nam cần thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia giúp thúc đẩy việc thực thi đầy đủ công ước, bảo đảm có NKT là thành viên của Ủy ban. Bài viết phân tích các yêu cầu đặt ra với các quốc gia trong việc thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.

Từ khóa: Người khuyết tật, Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Cơ quan nhân quyền quốc gia.

1. Khái quát lịch sử ghi nhận quyền của người khuyết tật trong pháp luật quốc tế

Người khuyết tật là một bộ phận dân cư, một nhóm cấu thành trong xã hội. Họ ở bất cứ đâu và trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), người khuyết tật hiện chiếm khoảng 10% tổng số thành viên nhân loại[1]. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, hiện có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật[2] từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số trên tổng số hơn 95 triệu dân (thống kê năm 2017).

Năm 1981, Liên hợp quốc đã phát động Năm quốc tế về Người khuyết tật thông qua Chương trình hành động vì Người khuyết tật năm 1982[3], với mục tiêu tới năm 2010 sẽ xác lập một xã hội công bằng cho tất cả mọi người. Đến nay, Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế khác đã ban hành nhiều văn kiện nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Trong đó, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, với mục đích nhằm bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật).[4]

Quyền của người khuyết tật cũng được thể hiện trong Chương trình hành động về người khuyết tật (1982) của Liên hợp quốc và văn kiện có tên là “Tiêu chuẩn công bằng cơ hội cho người khuyết tật” (1993) của tổ chức này. Ở cấp khu vực, khu vực châu Mỹ có Công ước Liên Mỹ về việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật (năm 1999).

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) ra đời là để bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn quyền của người khuyết tật. Bởi cho đến thời điểm Liên hợp quốc thông qua công ước (năm 2007), người khuyết tật ở nhiều nơi trên thế giới vẫn bị coi là đối tượng nhận sự trợ giúp từ xã hội hơn là chủ thể của quyền con người.

Sự ra đời của CRPD là kết quả quá trình vận động của các tổ chức, nhóm và phong trào của người khuyết tật. Do sự vận động này, liên tiếp trong các năm 2004, 2005, Ủy ban quyền con người của Liên hợp quốc đã thông qua hai nghị quyết về quyền của người khuyết tật. Trong đó, các nghị quyết thúc giục nhiều quốc gia ngăn ngừa và cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại những người khuyết tật, đồng thời thành lập một ủy ban lâm thời để soạn thảo một điều ước quốc tế về vấn đề này.

CRPD được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 3/2007,[5] thiết lập cơ chế quốc tế bảo vệ quyền của 650 triệu người khuyết tật trên toàn thế giới. Đây là điều ước quốc tế đầu tiên về nhân quyền trong thế kỷ XXI. Nó đã mang lại vị thế và sự bảo đảm cho các quyền của người khuyết tật, dựa trên cơ sở nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người chứ không phải là vấn đề từ thiện thuần túy. CRPD còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn nhận đối với tình trạng khuyết tật bằng việc xem đó là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền[6].

Lời nói đầu của CRPD nêu mục đích của Công ước là “bảo vệ, thúc đẩy và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ”[7]. Như vậy có thể hiểu, CRPD thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật trên tất cả các khía cạnh về kinh tế, xã hội, chính trị, pháp lý và văn hóa. Tính tới nay, có khoảng 158 quốc gia đã ký tham gia, trong đó có tới 150 quốc gia đã phê chuẩn CRPD.[8]

2. Các nguyên tắc và quyền của người khuyết tật trong CRPD

 2.1. Các nguyên tắc

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 3 mức độ suy giảm là khiếm khuyết, khuyết tật và tàn tật[9]. Còn theo quan điểm của Tổ chức quốc tế người khuyết tật thì người khuyết tật trở thành tàn tật là do bị thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như những người khác. Vì vậy, khuyết tật phản ánh sự tương tác giữa các tính năng của xã hội và các tính năng của cơ thể mà trong đó người khuyết tật sinh sống[10]. 

Điều 1 của CRPD lần đầu tiên nêu ra định nghĩa cụ thể về người khuyết tật trong Luật nhân quyền quốc tế, theo đó: “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”

Mặc dù còn những quan điểm khác nhau về thuộc tính của khái niệm “người khuyết tật”, song việc lần đầu tiên có một định nghĩa về người khuyết tật được xác định trong Luật nhân quyền quốc tế có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của đối tượng này trên thế giới.

Bên cạnh định nghĩa về người khuyết tật, CRPD đã có quy định cụ thể về các nguyên tắc chung về quyền của nhóm xã hội này (Điều 3), bao gồm:

  “1. Tôn trọng nhân phẩm vốn có, quyền tự chủ của cá nhân, trong đó có tự do lựa chọn, và tôn trọng sự độc lập của cá nhân.

  1. Không phân biệt đối xử.
  2. Tham gia và hòa nhập trọn vẹn và hữu hiệu vào xã hội.
  3. Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật là bộ phận của nhân loại có tính đa dạng

    …

Nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử còn được quy định cụ thể trong điều 5 của CRPD. Điều này đặt ra yêu cầu với các quốc gia thành viên phải thực thi những biện pháp thích hợp để ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuyết tật và bảo vệ một cách hiệu quả những người khuyết tật khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử.

Người khuyết tật có những quyền cơ bản giống như những người khác trong xã hội, trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cụ thể như: Quyền sống; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền tự do đi lại; quyền được giáo dục; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền bình đẳng về lao động và việc làm; quyền tham gia các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, thể thao; quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng; quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập vào cộng đồng; quyền được hỗ trợ trong việc đi lại...[11]. Ví dụ: 

2.2. Một số quyền của người khuyết tật trong CRPD

2.2.1. Một số quyền dân sự, chính trị

Quyền sống                

Đây được coi là quyền tối cao, không được phép tùy tiện vi phạm, thậm chí trong cả tình trạng khẩn cấp đe dọa đến vận mệnh quốc gia[12]. Quyền này được quy định tại Điều 3 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR), và Điều 6 Công ước dân sự chính trị (ICCPR). Quyền sống cũng được đề cập trong các Điều 10, 11 của CRPD. Ngoài những nội dung thông thường, đối với người khuyết tật, quyền này còn bao gồm việc được bảo vệ và hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp như xung đột vũ trang, thảm họa thiên nhiên,… Cụ thể, tại Điều 10 CRPD quy định: “Các quốc gia thành viên khẳng định một lần nữa rằng, mọi người có quyền được sống và sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách hiệu quả quyền này trên cơ sở bình đẳng với những người khác”.

Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng

Đây là một trong những quyền dân sự chính trị quan trọng của con người nói chung và của người khuyết tật nói riêng. Điều 7 ICCPR khẳng định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào…”; Điều 14 ICCPR cũng nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước các tòa án và cơ quan tài phán”. Quyền này cũng được ghi nhận tại Điều 12, 13 CRPD.

Quyền được tự do đi lại, tự do lựa chọn quốc tịch và nơi sinh sống

Quyền này có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển cá nhân, đồng thời là tiền đề cho phát triển xã hội. Đây là quyền dân sự cơ bản, áp dụng chung cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Quyền này được quy định tại Điều 18 CRPD, trong đó nhấn mạnh không ai có thể bị tước bỏ các quyền này chỉ vì lý do họ bị khuyết tật, cụ thể trong các vấn đề như cấp, sở hữu, sử dụng các giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, xuất nhập cảnh hay việc đăng ký khai sinh,…

2.2.2. Một số quyền kinh tế, xã hội, văn hóa

Quyền có mức sống thích đáng và được bảo trợ xã hội

 Điều 28 CRPD quy định người khuyết tật cũng được hưởng các quyền này mà không bị phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật. Không chỉ vậy, các quốc gia thành viên CRPD phải thực thi những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho họ, bao gồm các chương trình bảo trợ xã hội và giảm nghèo, các chương trình công cộng về nhà ở, hưu trí, phúc lợi xã hội.

Quyền được giáo dục

 Giáo dục là công cụ quan trọng để thực hiện quyền con người. Đối với người khuyết tật, giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng, vì nhờ có giáo dục, người khuyết tật được nâng cao nhận thức, mở rộng các quan hệ, cơ hội để hoà nhập vào cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với người khuyết tật, CRPD đã yêu cầu các quốc gia thành viên phải đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng cho người khuyết tật ở mọi cấp và hình thức giáo dục cũng như phải trợ giúp để người khuyết tật có những phương tiện, cơ sở vật chất, công nghệ và phương pháp giáo dục thích hợp. Điều này có nghĩa là, không được tách người khuyết tật ra khỏi hệ thống giáo dục chung của quốc gia, cũng như không được tước bỏ quyền được giáo dục tiểu học miễn phí của trẻ em khuyết tật.

Quyền được chăm sóc sức khỏe

Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng mức độ sức khỏe cao nhất có thể đạt được để sống một cuộc sống có nhân phẩm; người khuyết tật cũng không nằm ngoài nhu cầu về quyền này. Điều 25 CRPD khẳng định “các quốc gia thành viên của công ước này thừa nhận người khuyết tật có quyền thụ hưởng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao nhất có thể mà không có sự phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật. Các quốc gia thành viên của công ước này cam kết thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế mang tính nhạy cảm giới, bao gồm phục hồi chức năng có liên quan đến vấn đề y tế…”.

Quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng

 Đây là quyền đặc thù của người khuyết tật, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể đạt được sự độc lập ở mức độ tối đa năng lực nghề nghiệp, xã hội, tinh thần, thể chất, và có thể hòa nhập một cách trọn vẹn ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào năm 1983 đã thông qua Công ước số 159, đề cập tới việc phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật, nhằm giúp người khuyết tật phục hồi sức khỏe để tiếp tục các quan hệ lao động mang lại thu nhập cho bản thân. Đến năm 2006, CRPD được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua đã đặc biệt coi trọng vấn đề phục hồi chức năng, không chỉ áp dụng với người lao động là người khuyết tật mà áp dụng đối với mọi người khuyết tật nói chung[13]. Theo Điều 26 CRPD, để đạt được mục đích đó, các quốc gia thành viên phải tổ chức, củng cố và mở rộng các dịch vụ cũng như chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng cho người khuyết tật, đặc biệt là trên các lĩnh vực y tế, việc làm, giáo dục và xã hội, bảo đảm những chương trình và dịch vụ như vậy phải có sẵn, tiện dụng cho mọi người khuyết tật, kể cả ở các vùng nông thôn và được cung cấp cho người khuyết tật ở giai đoạn sớm nhất, có thể dựa trên nhu cầu và khả năng của từng cá nhân.

Quyền về lao động và việc làm

            Đây là lĩnh vực mà sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật diễn ra phổ biến và dai dẳng nhất. Ở các quốc gia, tỷ lệ người khuyết tật bị thất nghiệp cao gấp hai đến ba lần người bình thường. Ở những nơi người khuyết tật có việc làm thì thông thường họ chỉ được làm những công việc với mức lương thấp và thường bị tách khỏi thị trường lao động. Quyền lao động việc làm một mặt giúp người khuyết tật tạo thu nhập cho bản thân mình, mặt khác còn giúp họ phục hồi chức năng, hoà nhập với cộng đồng. Điều 27 CRPD yêu cầu các quốc gia thành viên phải cấm sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuyết tật trong việc tuyển dụng, thuê và nhận vào làm việc, duy trì việc làm, thăng tiến, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, điều kiện làm việc, an toàn và vệ sinh lao động, tham gia công đoàn…

3. Cơ chế giám sát thực thi Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD)

Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, tiếp theo đó Nghị định thư không bắt buộc của Công ước[14]. Có hai hình thức chấp nhận sự ràng buộc đối với Công ước, đó là phê chuẩn và gia nhập. Trong đó, gia nhập Công ước là sau khi công ước có hiệu lực pháp lý.

Việc thực hiện CRPD đòi hỏi các quốc gia thành viên phải chỉ định một hoặc một số cơ quan nhà nước làm đầu mối chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến việc thi hành Công ước. Công ước không quy định cụ thể một cơ quan nào mà chỉ quy định tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của nước mình mà các quốc gia thành viên tự xác định cơ quan đầu mối.

Tương tự, Công ước cũng quy định các quốc gia thành viên “chỉ định cơ chế điều phối của Nhà nước để tạo thuận lợi cho các hành động liên quan với nhau trong các lĩnh vực khác nhau và ở các cấp độ khác nhau”[15]. Việc giám sát thực thi được quy định cụ thể trong Điều 33 của Công ước: “Phù hợp với hệ thống pháp lý và quản lý của mình, quốc gia thành viên duy trì, củng cố và chỉ định hoặc thành lập ở quốc gia thành viên một khuôn khổ, trong đó có một hoặc một số cơ chế độc lập nếu thích hợp, để bảo vệ, thúc đẩy và giám sát việc thi hành công ước này”. Với cơ chế thực hiện và giám sát độc lập, Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải duy trì, tăng cường hoặc thiết lập các cơ chế độc lập để thúc đẩy, bảo vệ và giám sát việc thực hiện công ước và phải quan tâm tới Nguyên tắc Pari[16]. Công ước cũng khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức của người khuyết tật, vào cơ chế giám sát độc lập việc thực hiện Công ước này.

4. Các vấn đề/yêu cầu đặt ra với các quốc gia trong việc thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật

Như đã phân tích ở trên, sau khi Công ước được một quốc gia ký kết tham gia, quốc gia đó cần có lộ trình để nội luật hóa những quy định của Công ước và xây dựng, hoàn thiện kế hoạch trong nước để thực hiện Công ước. Việc phê chuẩn, làm hài hòa giữa nội dung Công ước và pháp luật quốc gia, là những bước khởi đầu cho quá trình hiện thực hóa các quyền của người khuyết tật. Điều này liên quan tới trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước của các quốc gia thành viên, trách nhiệm thực hiện pháp luật của Nhà nước cũng như việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của cộng đồng, các cơ quan, cá nhân. Để có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả công ước, các quốc gia thành viên cần phải lưu ý và cân nhắc tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đây là công ước quốc tế, được hình thành dựa trên những chuẩn mực cơ bản của quốc tế, nên để thực hiện ở cấp quốc gia, quốc gia thành viên cần tiến hành việc nội luật hóa những quy định của công ước này vào hệ thống pháp luật nước mình. Cần đảm bảo hệ thống pháp luật trong nước phải nhất quán với những quy định trong công ước[17]. Trong quá trình lập pháp, khi xây dựng những quy định liên quan tới người khuyết tật cần phải khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người khuyết tật, vì không ai có thể hiểu về người khuyết tật bằng chính họ.

Thứ hai, thực hiện triệt để và đầy đủ những quy định của công ước liên quan tới quyền của người khuyết tật, đặc biệt là các điều khoản đặc thù như Điều 26 về Phục hồi chức năng, Điều 9 về Tiếp cận, Điều 24 về Giáo dục, Điều 27 về Lao động - Việc làm, Điều 12 về Bình đẳng trước pháp luật. Đây là 5 lĩnh vực đặc thù liên quan trực tiếp tới quyền của người khuyết tật mà cần phải được thực hiện đầy đủ.

Thứ ba, các quốc gia thành viên phải thành lập Ủy ban về quyền của người khuyết tật, hay còn gọi là Ủy ban quốc gia để thực thi Công ước. Việc thực thi Công ước không chỉ đòi hỏi cần phải có các luật và chính sách phù hợp, mà còn cần có nguồn tài chính đảm bảo cũng như khả năng thực hiện các luật và chính sách. Công ước khuyến khích các quốc gia thành viên xác định một cơ chế điều phối ở các cấp độ khác nhau từ địa phương tới Trung ương [18], trong đó đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức xã hội khác.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

 

[1] Theo Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (2018). (http://asvho.vn/m6O-co-so-du-lieu-ve-nguoi-khuyet-tat-nhung-van-de-con-bat-cap), truy cập ngày 26/11/2018

[2] Theo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (2018). (http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/ChiTiet.aspx?IDNews=26790), truy cập ngày 26/11/2018

[3] United Nations (2007). From Exclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities, chapter 2, page 9.

[4] United Nations (2014). The convention on the right of person with disabilities CRPD_Training Guide, No 19, page 21

[5] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao và Lã Khánh Tùng (2014). Giáo trình Lý luận và pháp luật về QCN, tái bản lần thứ 2, NXB Chính trị quốc gia, trang 287.

[6] Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật <https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_Qu%E1%BB%91c_

t%E1%BA%BF_v%E1%BB%81_Quy%E1%BB%81n_c%E1%

BB%A7a_Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Khuy%E1%BA%BFt_t%E1%BA%ADt>

[7] United Nations (2007). From Exclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities

[8] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội <http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=21837>

[9] Người khuyết tật <https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_khuy%E1%BA%BFt_t%E1%BA%ADt>

[10] U.S. Department of Justice. A Guide to Disability Rights Laws, February 2020. <https://www.ada.gov/cguide.htm>

[11] United Nations (2007). From Exclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities, page 15

[12] Khoa Luật, Đại học quốc gia HN (2010), Bình luận chung số 6 - Quyền sống, Quyền con người: Tập hợp những bình luận/ khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr.254

[13] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr 170

[14] Liên Hợp quốc (2006). Nghị quyết A/RES/61/106 ngày 123/12/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc

[15] United Nations (2014). The convention on the right of person with disabilities CRPD_TrainingGuide, No 19, Module 6, page 97.

[16] United Nations (2014). The convention on the right of person with disabilities CRPD_TrainingGuide, No 19, Module 6, page 97.

[17] United Nations (2007). From Exclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities, page 73.

[18] United Nations (2007). From Exclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities, page 94.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Andrew byrnes (2015), From Exclusion to Equality Realizing the rights of person with disabilities, United nations.
  2. UN-DESA, OHCHR, IPU (2007). FromExclusion to Equality: Realizing the rights of persons with disabilities (Handbook for Parliamentarians on the Convention on the Rights of Persons with Disabilities and its Optional Protocol), http://www.un.org/disabilities/documents/toolaction/ipuhb.pdf
  3. United Nations (2009). General Comment No. 20 <https://www.refworld.org/docid/4a60961f2.html>
  4. United Nations (1994). CESCR General Comment No. 5: Persons with Disabilities <https://www.refworld.org/docid/4538838f0.html>
  5. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  6. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2012), Luật Nhân quyền quốc tế, những vấn đề cơ bản, Nhà xuất bản Lao động-xã hội.
  7. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Quyền con người: Tập hợp những bình luận/ khuyến nghị chung của Ủy ban Công ước Liên hợp quốc, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  8. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  9. Liên hợp quốc (2018). Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (bản dịch tiếng Việt) <https://www.globaldisabilityrightsnow.org/sites/default/files/related-files/256/Vietnamese_CRPD.pdf>, truy cập ngày 26/11/2018.
  10. Các cơ chế quy định theo các Công ước Nhân quyền. <http://thuviennhanquyen.vn/Monitoring/Paper/cac-co-che-quy-dinh-theo-cac-cong-uoc-nhan-quyen>, truy cập ngày 26/11/2018.

 

CONVENTION ON THE RIGHTS OF PERSONS WITH DISABILITIES

AND MONITORING THE IMPLEMENTATION

Master. NGUYEN NGOC LAN

GES Center for Governance Science Research and Consultancy

ABSTRACT:

In Vietnam, People with disabilities (PWDs) account for about 7,2% total Population (Data statistics in 2017). The United nations (UN) and many International Organizations have issued several regulations to promote the Rights of People with disabilities, including the Convention on the Rights of person with disabilities (CRPD), that Vietnam is a party. Content of CRPD convention also regulated the enforcement mechanism of convention. In order to the rights of PWDs to be guaranteed, Vietnam needs to establish a National human rights agency to promote and ensure the full implementation of the convention, ensuring that PWDs are members of that committee.

Keywords: People with disabilities, The United Nations, Convention on the Rights of person with disabilities, Nation Human rights agency.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]