Cho đến thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã hơn 1 tháng không có bệnh nhân Covid mắc mới ở cộng đồng, toàn dân đã trở về trạng thái bình thường mới, thì cùng với các lực lượng chức năng khác, lực lượng quản lý thị trường mới có thể thở phào một chút. Trận chiến 120 ngày chống “giặc” Covid ở một giác độ khác đã mang đến cho các anh những trải nghiệm không thể nào quên!

Thời kỳ “tiền” Covid -19

“Đúng là không đùa được với tốc độ của Covid. Khi Việt Nam còn chưa có bệnh nhân nào, hôm đó tôi có việc chạy ra hàng thuốc mua hộp khẩu trang giá là 35 nghìn đồng. Thế mà ngay hôm sau, cũng cửa hàng ấy, giá đã lên đến trời 140 nghìn. Tôi hỏi cô bán hàng: Các vị bán hàng giá cả cắt cổ thế không sợ quản lý thị trường à? Cô ấy bảo bác có mua thì mua nhanh không thì “cháy hàng” đấy ạ. Vậy đấy. Khi xảy ra dịch bệnh thì cũng là cơ hội cho những kẻ thu lợi bất chấp mọi giá, nhất là đây lại siêu lợi nhuận. Lực lượng quản lý thị trường chúng tôi lại chuẩn bị cho chiến dịch mới” – ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội kể chuyện.

Ngược dòng thời gian, Tết Canh Tý 2020 mới chỉ là những thông tin dịch bệnh ở đâu đâu còn chưa được ai chú ý đến, vậy mà khi toàn dân kết thúc nghỉ Tết bắt đầu đi làm trở lại thì dịch Covid-19 đã lan truyền ngày càng rõ hơn và nhanh chóng trở thành mối lo ngại cho chúng ta. 

Chính vì vậy, ngay sau ngày đầu tiên đi làm trở lại, đúng mùng 7 Tết, lịch dương là ngày 31/1/2020, cùng với những lực lượng khác, lực lượng Quản lý thị trường đã cùng toàn dân Việt Nam thực sự bắt đầu bước vào cuộc chiến 120 ngày chống “giặc” Covid-19. Nhiệm vụ cụ thể của họ trong chống dịch là kiểm tra, kiểm soát, bằng mọi cách làm sao đảm bảo không có hiện tượng, dồn ép tăng giá găm hàng, đầu cơ tích trữ.... 

Cũng ngay trong ngày mùng 7 Tết đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý hàng loạt các quầy bán thuốc tại “chợ thuốc” lớn nhất miền Bắc, ở tòa nhà Hapulico, quận Thanh Xuân.

Tuy nhiên, cuộc chiến Covid -19 đã thực sự chuyển sang giai đoạn cấp bách hơn khi Hà Nội có bệnh nhân thứ 17 đêm 6/3.  Hôm đó,  Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có một đêm mất ngủ, thị trường Hà Nội ngay sáng hôm sau đã xảy ra tình trạng khan hàng cục bộ tại một số điểm.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, đội phó Đội Quản lý thị trường số 1 kể: “Giải pháp của chúng tôi khi đó là căng - dàn - mỏng để làm sao mỗi 1 siêu thị sẽ có ít nhất 1 cán bộ, công chức quản lý thị trường để theo dõi thị trường xem ở đây thiếu mặt hàng gì, lượng khách hàng ra sao... để báo cáo lại Cục, Tổng cục, Ủy ban Thành phố… để liên kết với Sở Công Thương các tỉnh thành nhằm điều tiết, lưu thông hàng hóa, mặt khác để người tiêu dùng yên tâm khi thấy sự có mặt của cơ quan quản lý nhà nước”.

Từ khẩu trang, nước rửa tay, nước diệt khuẩn, rồi thiết bị bảo hộ y tế... , tất cả đều phải trong sự kiểm soát. Ngoài ra, trong một vài thời điểm nhất định, cán bộ quản lý thị trường còn tham gia bán thuốc cùng các cơ sở kinh doanh y tế vừa có thể hỗ trợ nhà thuốc bán hàng, vừa điều tiết công tác an ninh trật tự.

quan ly thi truong
Mỗi 1 siêu thị có ít nhất 1 cán bộ, công chức quản lý thị trường để theo dõi tình hình thị trường

Giãn cách xã hội, quản lý thị trường có giãn cách?

Câu trả lời là không!

Ngược lại, họ còn làm việc với 200% sức lực.

Số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường, lũy kế từ ngày 31/1/2020 đến ngày 18/5/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.154; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4.729 tỷ đồng.

Riêng Hà Nội, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 7/5/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 278 vụ, xử lý 245 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm bị xử phạt 1.569.915.000 đồng.

Nếu như trong giai đoạn đầu tiên, lực lượng quản lý thị trường chưa chuẩn hóa toàn bộ công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng không thể ngồi đó chờ đợi, họ đã quăng mình, xông pha trên mọi tuyến đầu chống dịch, ngay từ những ngày đầu tiên. Rồi trong quá trình làm việc, anh em vừa làm vừa trau dồi kiến thức phòng, chống dịch, vừa bảo vệ cho bản thân, cho anh em đồng nghiệp.

Đồng thời, tuyên truyền luôn tới bà con, người tiêu dùng. Trong 120 ngày chiến dịch, trên đường đi làm nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường đã trở thành những tuyên truyền viên, đem những kiến thức chuyên môn, đem những hiểu biết mà nghề nghiệp của mình mang lại chia sẻ với chính các doanh nghiệp, người dân…

Đất nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc anh em đội ngũ quản lý thị trường phải đối mặt với những nguy hiểm và khó khăn mới.

Virus Covid-19 gây ra bệnh viêm phổi cấp có thể lây truyền qua rất nhiều vật chủ, trong không khí, bám trên bề mặt của vật dụng như tiền mặt, kim loại, nhựa... Trong khi đó, quản lý thị trường thì cứ thấy sai phạm là phải bắt, phải thu giữ mang về trụ sở, không có phòng cách ly như bệnh viện, không có kho chứa... cho nên khả năng phơi nhiễm là rất cao.

Nhưng vì càng hiểu rõ điều đó, họ càng phải lao ra ngoài để làm nhiệm vụ, vì thiếu họ, thị trường sẽ ra sao? Ông Nghĩa cho biết: “Chúng tôi quan niệm rất rõ ràng rằng, dịch bệnh không chừa một ai cả. Khi mình chống dịch thành công bên ngoài xã hội thì có nghĩa, gia đình mình, bản thân cá nhân mình đều được an toàn. Chúng tôi đều đã phải chuẩn bị cho mình tình huống xấu nhất để khỏi phải bất ngờ ”.

Đến giờ, khi dịch bệnh đã tạm lui, sức khỏe của anh em không ai bị ảnh hưởng, họ nhìn lại với tâm thế của những chiến sĩ đã hoàn thành trận đánh. Cảm giác đó được gọi tên là sung sướng, tự hào!

Quản lý thị trường thời 4.0

Với đặc thù lây lan qua tiếp xúc, dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất từ trước đến nay của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, công tác phòng chống sẽ không thể triển khai trên một tỉnh, thành phố hay một địa phương nào đó mà phải là đồng bộ tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Tổng cục Quản lý thị trường đã cùng với các Chi cục quản lý thị trường ở 64 tỉnh thành trong toàn quốc, xuống tới các đội cấp nhỏ nhất thực hiện rà soát tất cả các cơ sở vật tư, thiết bị y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch, từ khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, rồi thiết bị bảo hộ y tế… Tất cả đều trong sự kiểm soát.

So với mô hình quản lý thị trường hoạt động theo chiều ngang như giai đoạn trước thì mô hình quản lý theo chiều dọc này đã nhận được sự chỉ đạo điều hành đạt 3 yếu tố: tốt - đúng – trúng, có như vậy mới có thể cùng toàn đất nước vượt qua đại dịch Covid-19!

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trận chiến với giặc Covid-19 ở một khía cạnh khác đã mang đến một “cú hích” thúc đẩy một số kế hoạch được triển khai một cách nhanh chóng hơn. Trong lúc cao điểm giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh truyền thống bị ngưng trệ thì kinh doanh online cực kỳ phát triển.

Nắm rõ tình hình, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã có báo cáo và Bộ Công Thương đã có hẳn một chuyên đề xử lý sai phạm trên thương mại điện tử, tập trung vào những mặt hàng chống dịch.

Thậm chí, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường với các thành phần có kinh nghiệm, tập trung những công chức, cán bộ ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây cũng có để nắm bắt được thông tin để xử lý.

“Quản lý thị trường có 4.0 được hay không chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng chắc chắn, qua cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 này, chúng ta ai cũng nhìn thấy nhiệm vụ của mình trong xu thế mới khi mà thương mại điện tử sẽ trở thành chủ yếu” - ông Trần Việt Hùng khẳng định!