CPTPP: Định hình lại thương mại toàn cầu

CPTPP mang lại những giá trị mới có khả năng định hình lại thương mại toàn cầu - kết hợp giữa tự do hóa thương mại và công bằng thương mại.

Những cú sốc… có hậu

CPTPP được WTO coi là FTA lớn nhất trong thời gian gần đây; còn Bộ trưởng Toshimitsu Motegi, người phụ trách đàm phán của Nhật Bản nhận định, về bản chất CPTPP cao hơn, tiến bộ hơn so với các FTA từng được ký kết.

Tuy nhiên, trước khi đi đến ký kết vào ngày 8/3 tới, CPTPP đã trải qua những cú sốc, dù là có hậu nhưng đã nhiều lần mang tới cảm giác nghẹt thở, chỉ có thể so sánh với sự kịch tính trong các phim hành động kiểu Mỹ.

TPP được ký kết ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Nhưng ngày 23/1/2017, đúng 2 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cho phép Mỹ rời TPP. Khỏi phải nói thế giới bị “sốc phản vệ” thế nào! Ngập tràn trên trang nhất các tờ báo lớn đều đưa ra phỏng đoán TPP đã chết lâm sàng.

Trong trường hợp ngược lại, để duy trì TPP thì buộc phải tái đàm phán nhằm thêm, bớt một số nội dung, và thời gian để bắt đầu khởi động lại ít nhất được tính bằng năm. Nằm ngoài mọi dự đoán, TPP tái khởi động chỉ 4 tháng sau đó, và cũng chỉ mất 6 tháng để các bộ trưởng tại cuộc hội đàm ở Đà Nẵng ngày 9/11/2017 đồng ý về mặt nguyên tắc đối với thỏa thuận TPP-11.

Thế giới “sốc” với các cuộc đàm phán marathon trong 6 tháng đã mang lại kết quả. Tất cả dường như quá nhanh, quá hiệu quả, không gì cản nổi. Để rồi, thế giới tiếp tục “ôi, a” trong vòng 10 giờ đồng hồ có tới 2 cú “sốc” trái ngược. Đầu tiên, theo kế hoạch, lúc 13h45 ngày 10/11/2017, lãnh đạo 11 nước TPP sẽ gặp mặt để chốt những vấn đề cụ thể. Nhưng vào phút chót, cuộc họp không diễn ra do Thủ tướng Canada không đến dự.

Tưởng chừng tương lai của TPP có thể rơi vào bất định sau sự cố này, nhưng cú “sốc” thứ hai đã kịp thời xuất hiện; đến nửa đêm ngày 10/11 Canada đã lại thông báo rằng, các nước thành viên đã đạt được thoả thuận về “những phần cốt lõi” cho hiệp định TPP-11, với tên gọi mới CPTPP.

Mặc dù thế giới đã quen với những tình huống kịch nhất của TPP thì những cú “sốc” vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 23/1/2018, cuộc hội đàm cuối cùng của 11 nước thành viên đã giải quyết dứt điểm các vấn đề còn lại thì 2 ngày sau, Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố nước Mỹ sẵn sàng quay lại CPTPP. Rồi Anh cũng mong tham gia CPTPP sau khi nước này rời khỏi EU (Brexit). Một số nước khác như Colombia, Indonesia, Thái Lan, hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng bày tỏ nguyện vọng tương tự.

Gần đây nhất, ngày 25/2/2018, 25 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump quay trở lại bàn đàm phán CPTPP. Tiếp đến, ngày 27/2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông “đã bắt đầu các cuộc đối thoại cấp rất cao” về CPTPP và khẳng định Mỹ trở lại thỏa thuận thương mại khu vực này là một lựa chọn được tổng thống Donald Trump cân nhắc.

Công bằng hơn, khả thi hơn

Những cú sốc, dù là có hậu đã nhiều phen khiến thế giới chao đảo, nhưng trên hết đã đặt ra trước chúng ta một vấn đề, CPTPP khi không có Mỹ, chỉ chiếm 13% GDP và gần 15% thương mại thế giới, nhưng vì sao tiến trình hình thành FTA này được nhiều nước quan tâm theo dõi đến thế? Vì sao nhiều nước muốn tham gia khi FTA này đã hoàn thành?

Chẳng hạn, theo số liệu của Viện Công nghệ Massachusetts, kim ngạch xuất khẩu của 11 nước thành viên CPTPP vào Anh chỉ chiếm gần 8% tổng giá trị nhập khẩu của Anh trong năm 2017, trong khi riêng kim ngạch của Đức xuất khẩu vào Anh đã chiếm 11%. Hoặc với Mỹ, ông Trump từng nói với phóng viên CNBC “Tôi thích các hiệp định song phương, vì nếu có vấn đề gì thì bạn sẽ dễ dàng hủy bỏ nó. Bạn sẽ không thể lựa chọn như vậy với các hiệp định đa phương”; vậy tại sao Anh, Mỹ muốn tham gia CPTPP?

Lực hút của CPTPP bắt đầu từ giá trị định hình lại cách thức của thương mại toàn cầu, mà ta có thể thấy ngay từ sự thay đổi tên gọi. Kết thúc cuộc họp tại Đà Nẵng tháng 11 năm trước, giải thích về việc đổi tên từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Các thành viên đã thảo luận và thống nhất quan điểm duy trì TPP - 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ”

Tính Toàn diện và Tiến bộ thể hiện ở Biểu thuế hải quan được gỡ bỏ đến 95% cho tất cả hàng hóa. Cùng với đó, các cam kết tự do hóa trong các lĩnh vực chủ chốt như dệt may; các rào cản kỹ thuật đối với thương mại; các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ; lao động và giải quyết tranh chấp lao động… đã đạt đến độ thuận lợi nhất cho thương mại.

Nhưng điểm thứ hai quan trọng hơn và mang tính thực tiễn hơn. 5 vòng đàm phán từ tháng 5/2017 đến cuối tháng 1/2018 các trưởng đoàn đã thống nhất được cách tiếp cận mới, duy trì hiệp định với chất lượng cao, toàn diện và đảm bảo tính thực thi cho 11 nền kinh tế. Do đó, thay vì sửa đổi hoặc bỏ đi một số nội dung trong TPP trước đây thì thống nhất tạm hoãn lại 20 điều khoản. Các thành viên được thêm thời gian, được hỗ trợ thúc đẩy cải cách trong nước trước khi mở cửa tiếp nhận các điều khoản tạm hoãn.

Đặc tính Toàn diện và Tiến bộ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước. Anh muốn tham gia CPTPP vì đàm phán vào nhóm này sẽ thuận lợi hơn so với đàm phán những hiệp định song phương với từng nước CPTPP. Thú vị hơn, Canada thì sử dụng luôn các tiêu chuẩn của CPTPP mới đạt được để đàm phán Nafta với Hoa Kỳ. Giờ đây, CPTPP như một “tiêu chuẩn nền” để các nước tham chiếu cho các cuộc đàm phán song phương hay đa phương.

Đó chính là những giá trị mới có khả năng định hình lại thương mại quốc tế - là sự kết hợp giữa tự do hóa thương mại và công bằng thương mại. Đây cũng chính là lý do khi kết thúc vòng đàm phán cuối cùng tại Nhật Bản ngày 23/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thốt lên: “Hôm nay là ngày của nền thương mại tiến bộ trên thế giới”. Chữ Tiến bộ mà Thủ tướng Canada nói mang hàm ý rằng, CPTPP đã mang lại một nền thương mại công bằng cho những nước có trình độ phát triển thấp hơn, do đó, FTA này mang tính khả thi cao hơn, có lợi cho cả những nước có trình độ phát triển cao hơn.

Nguyễn Văn