Cứ 5 hộ gia đình có 1 hộ kinh doanh

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh
Cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh

Doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp chính là đội quân chủ lực, trong đó các doanh nhân là "những vị tướng lĩnh, những sĩ quan chỉ huy" để lãnh đạo, quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, quyết định sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh, trên tổng số 26 triệu hộ gia đình, tức cứ 5 hộ gia đình có 1 hộ kinh doanh. Số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.

Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của doanh nghiệp FDI cơ bản giữ nguyên.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại, hiện thực khát vọng hùng cường vào năm 2045 trong giai đoạn 2021- 2030 yêu cầu phải tiếp tục thực hiện tốt các đột phá chiến lược. Đồng thời, tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để huy động nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nuôi dưỡng khát vọng làm giàu

Theo Phó Thủ tướng, phải ưu tiên nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mà trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin.

Dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại của Nhà máy ống thép Hòa Phát tại Hưng Yên
Dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại của Nhà máy ống thép Hòa Phát tại Hưng Yên

Ưu tiên thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.

“Những nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chính là điều kiện, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, những mục tiêu, khát vọng phát triển sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vào cuộc của doanh nghiệp, doanh nhân. Trước hết, doanh nhân cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển doanh nghiệp.

“Từ khát vọng làm giàu, sẽ thôi thúc doanh nghiệp, doanh nhân tìm kiếm mọi cơ hội để đầu tư, sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng hiệu quả, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.

Tiên phong ứng dụng KH-CN

Muốn vậy, các doanh nghiệp phải tập trung, nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở nhu cầu của thị trường, lấy thị trường khu vực, quốc tế làm mục tiêu tái cấu trúc.

Ứng dụng khoa học công nghệ kiểm tra sự sinh trưởng của cây
Ứng dụng công nghệ số vào trồng trọt

 

Doanh nghiệp, doanh nhân phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển trên nền tảng công nghệ số, tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh toàn cầu”

Đồng thời, tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu…

Vân Đồn