Cục QLTT tỉnh Nam Định: Khắc phục khó khăn, góp phần bình ổn thị trường

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định đã kiểm tra 485 vụ, xử lý 262 vụ, tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước 1.421.797.000 đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 532.172.000 đồng.

Trong đó, chú trọng kiểm tra, xử lý đối với các nhóm mặt hàng vi phạm như: Xăng dầu, thuốc lá, khí hoá lỏng, dược phẩm, mỹ phẩm, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm hàng hóa phục vụ chống dịch Covid- 19,... và các nhóm hành vi vi phạm phổ biến trên địa bàn như: thương mại điện tử, hàng lậu, hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực giá, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ...

Cục QLTT Nam Định vinh dự đón nhận cờ thi đua của UBND tỉnh Nam Định trao tặng

Ngoài ra, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022 Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định (Cục QLTT Nam Định) đã tham mưu cho Trưởng ban và UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành các kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các kế hoạch chuyên đề, các văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; chú trọng thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại công văn số 1669/VPCP-V.I ngày 17/3/2022 của văn phòng chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đầu cơ, tăng giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid – 19.

Cục QLTT Nam Định tạm giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu và không rõ nguồn gốc

Đáng chú ý, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng cho thấy, số vụ việc cơ quan Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì đã kiểm tra 43 lượt, xử lý 43 vụ, phạt 547.117.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 526.845.000 đồng. Cơ quan Quản lý thị trường là đơn vị phối hợp kiểm tra 161 lượt, xử lý 21 vụ, phạt 310.500.000 đồng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, 768 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã ký cam kết với Cục QLTT Nam Định về chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng thời, Cục QLTT Nam Định đã yêu cầu 203 cơ sở kinh doanh ký cam kết nghiêm chỉnh, chấp hành các quy định Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó khuyến cáo người tiêu dùng l­­­ưu ý khi lựa chọn, mua sắm hàng hoá, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lư­­ợng, hàng quá hạn sử dụng, bình tĩnh trong nhận thức trư­­ớc những tin đồn thất thiệt về khan hiếm hàng hóa giả tạo; tố giác kịp thời với các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nam Định tiêu hủy gần 1.000 bộ Kit test Covid-19, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ông Lê Ngọc An, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT Nam Định nhận định: “Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhờ chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại. Điều đó đã góp phần nâng cao vị thế của lực lượng Quản lý thị trường trong mắt người dân và lãnh đạo”.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được thì còn tồn tại, hạn chế như: Khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số: Việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng vi phạm dùng nhà ở, làm nơi chứa đựng hàng hóa, làm nơi livestream nên việc tiếp cận kiểm tra rất khó khăn.

Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Để khắc phục những tồn tại và hạn chế trên, cũng như góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa phát triển, bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường tỉnh 6 tháng cuối năm, của Cục QLTT Nam Định triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu: Không để xảy ra tình trạng kinh doanh công khai hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ; chú trọng chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu trên khâu lưu thông, kết hợp với công tác quản lý địa bàn có hiệu quả; nhất là các mặt hàng dung dịch sát trùng, khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, thực phẩm thiết yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, hàng điện tử, xăng dầu, vàng bạc, quần áo thời trang, hóa chất…

Song song với đó, là tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong nhiệm vụ chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong việc chủ động triển khai thực hiện chương trình công tác cũng như phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Cục QLTT Nam Định mở Chiến dịch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường toàn Cục đã kiểm tra 172 lượt, xử lý 113 vụ, tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước 555.792.000 đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 252.213.000 đồng, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Hoàng Dương