Cung ứng dịch vụ hành chính công ở tỉnh Yên Bái - Kết quả và kinh nghiệm

TS. LÊ VĂN HIẾU (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn - Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) - THS. LÊ THANH HUYỀN (Khoa Luật - Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Dịch vụ hành chính công là dịch vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản trị, góp phần xây dựng chính quyền “Kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc có điểm xuất phát thấp, tuy nhiên lại có nhiều lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện hiệu quả “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm tiết giảm thời gian, chi phí; cá nhân và tổ chức không phải đi từ “một cửa” này đến “một cửa” khác như trước đây.

Từ khóa: dịch vụ hành chính công, tỉnh Yên Bái, quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “dịch vụ công” lần đầu tiên được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) (năm 1999) và đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đã khẳng định: “... cung cấp một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó, Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn” [1]. Đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dịch vụ hành chính công được nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn đặc thù. Thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ” [2]. Có thể thấy, qua các giai đoạn, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định nhất quán xây dựng chính quyền điện tử và tăng cường sự giám sát của người dân.

Dịch vụ hành chính công là một hợp phần nằm trong “nền hành chính nhà nước”. Có 4 yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước: (1) Hệ thống thể chế nhà nước; (2) Hệ thống tổ chức hành chính nhà nước; (3) Nhân sự trong bộ máy hành chính nhà nước; (4) Các nguồn lực vật chất cần thiết cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 4 yếu tố trong nền hành chính nhà nước là một thể thống nhất, có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó yếu tố con người trong bộ máy hành chính nhà nước luôn luôn là quan trọng nhất, quyết định nhất đến hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính. Dịch vụ hành chính công “là những hoạt động phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện dựa vào thẩm quyền hành chính - pháp lý của Nhà nước” [3].

2. Kết quả cung ứng dịch vụ công ở tỉnh Yên Bái

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về đẩy mạnh cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, Đảng và Nhà nước ta xác định đây là một khâu quan trọng mang tính đột phá nhằm xây dựng nền hành chính công vững mạnh, chuyên nghiệp với các mục tiêu cụ thể được phản ánh trong “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020” và được triển khai toàn diện trên nhiều nội dung cơ bản: từ cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đến cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính công [4].

Theo Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái, ngày 8/6/2018, Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá về cải cách hành chính, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Yên Bái trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hiện nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái là đầu mối tập trung các thủ tục hành chính của 15 sở, 3 cơ quan trung ương (công an tỉnh; cục thuế tỉnh; bảo hiểm xã hội tỉnh và 2 doanh nghiệp (công ty điện lực, bưu điện tỉnh) với tổng số 1.662 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính đưa vào Trung tâm dịch vụ hành chính công đều được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ, chuyển kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng thời, UBND tỉnh Yên Bái ban hành văn bản số 2781/UBND-HCC ngày 14/9/2020 về nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã (đặc biệt là việc triển khai giải pháp “Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết đối với 32 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh tại Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã”),... Các thủ tục hành chính tại Trung tâm dịch vụ hành chính công được niêm yết công khai, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận và tìm hiểu một cách tiện lợi. Theo kết quả công bố trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái có bộ thủ tục hành chính tại 3 cấp: cấp tỉnh bao gồm 1.695 hồ sơ; cấp huyện bao gồm 427 hồ sơ; cấp xã bao gồm 120 hồ sơ. Tại các cấp đều có các loại hình cơ bản của dịch vụ công như các hoạt động cấp các loại giấy phép (giấy phép xây dựng, giấy phép bãi xe, giấy phép đầu tư, giấy phép xuất nhập cảnh, giấy đăng kí kinh doanh và giấy chứng chỉ hành nghề,...); các loại giấy xác nhận, chứng thực (cấp giấy khai sinh, khai tử, đăng kí kết hôn, chứng thực bản sao, công chứng...); các loại giấy tờ liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các quy định của Nhà nước được công khai, đảm bảo cho người dân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công một cách tiện lợi, thông suốt; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội Tỉnh phát triển bền vững.

Qua bảng số liệu thống kê (Bảng 1), ta thấy, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận vào hệ thống 509.060 hồ sơ (trong đó: tiếp nhận mới 503.789 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 5.271 hồ sơ); hồ sơ đã giải quyết 503.573 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 503.519 hồ sơ (đạt 99,99%), hồ sơ quá hạn là 54 hồ sơ (chiếm 0,01%). Cụ thể: các sở, ban, ngành đã tiếp nhận 55.721 hồ sơ (tiếp nhận mới 54.653 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 1.068 hồ sơ); đã giải quyết 52.692 hồ sơ, trong đó, hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 52.650 hồ sơ (đạt 99,92%), hồ sơ quá hạn là 42 hồ sơ (chiếm 0,08%).

Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện đã tiếp nhận 80.669 hồ sơ (tiếp nhận mới 76.938 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 3.731 hồ sơ), đã giải quyết 79.804 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 79.799 hồ sơ (đạt 99,999%), quá hạn 5 hồ sơ (chiếm 0,001%). Bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã đã tiếp nhận 336.836 hồ sơ (tiếp nhận mới 336.524 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 312 hồ sơ), đã giải quyết 336.107 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 336.100 hồ sơ (đạt 99,997%), quá hạn 7 hồ sơ (chiếm 0,003%).

Các cơ quan ngành dọc cấp trên tiếp nhận 35.834 hồ sơ (tiếp nhận mới 35.674 hồ sơ, chuyển kỳ trước sang 160 hồ sơ); đã giải quyết 34.970 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 34.970 hồ sơ (đạt 100%) và không có hồ sơ quá hạn.

Qua so sánh đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp đã chỉ rõ, cơ quan ngành dọc cấp trên (Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Công ty điện lực, Cục thuế tỉnh) không có hồ sơ quá hạn, UBND cấp xã không có hồ sơ đang giải quyết quá hạn. Số lượng thủ tục hành chính quá hạn tại UBND cấp tỉnh, cấp huyện chiếm số lượng tương đối lớn. Qua đó, các UBND cấp tỉnh, huyện cần sớm hoàn thiện hồ sơ quá hạn, không để tồn đọng vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp,...

Qua đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có thể rút ra một số nhận xét sau: Một là, nhìn chung các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính đạt chất lượng tốt chiếm số lượng cao (xã, phường, thị trấn là 166/173 (đạt tỷ lệ 95,95%); Sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh, cơ quan ngành dọc cấp trên là 17/19 (đạt tỷ lệ 89,47%); Huyện, thị xã, thành phố là 9/9 (100%). Hai là, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đạt loại xuất sắc chiếm số lượng tương đối ít: Xã, phường, thị trấn là 7/173 (đạt tỷ lệ 4,05%). Sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh, cơ quan ngành dọc cấp trên là 2/19 (đạt tỷ lệ 10,53%). Huyện, thị xã, thành phố là 0/9 (0%). Qua đó thấy rằng, từ khi thực hiện dịch vụ hành chính công, chất lượng giải quyết công việc đã được nâng cao, hiệu quả mang lại thực chất hơn, đánh giá mức độ hài lòng đạt loại tốt, xuất sắc (không có loại khá, trung bình, yếu kém) [5]. (Biểu đồ 1)

Theo số lượng thống kê tại Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Yên Bái có 2.245 hồ sơ dịch vụ hành chính công, trong đó, dịch vụ công mức độ 2 là 1.487 hồ sơ, mức độ 3 là 126 hồ sơ, mức độ 4 là 632 hồ sơ. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần giảm dịch vụ hành chính công mức độ 2, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3, mức độ 4, cho phép người dân, tổ chức sử dụng thanh toán lệ phí được thực hiện trực tuyến; việc trả, nhận kết quả qua đường bưu điện đến người sử dụng dịch vụ, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, công dân số.

Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020, Quyết định số 2229/QĐ-UBND ngày 28/09/2020 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020 thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tỉnh Yên Bái và các văn bản chỉ đạo UBND tỉnh, tổng số dịch vụ công mức độ 3 tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia là 137/322 dịch vụ, đạt tỷ lệ 42,5%; tổng số dịch vụ công mức độ 4 tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia là 47/147 dịch vụ, đạt tỷ lệ 32%. Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tích hợp, kết nối kiểm thử tổng số 182 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (trong đó, 120/182 thủ tục hành chính đảm bảo đáp ứng các điều kiện thực hiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 66%).

Bên cạnh những ưu điểm, việc cung cấp dịch vụ hành chính công còn bộc lộ những hạn chế, như sau:

Một là, Bảng 1 cho thấy kết quả tại các cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính còn tồn đọng hồ sơ kì trước tương đối lớn với 5.271 hồ sơ (trong đó, nhiều nhất là số lượng hồ sơ thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND cấp huyện với 3.731 hồ sơ; tiếp đến là ở cấp tỉnh với 1.068 hồ sơ); số lượng hồ sơ đang giải quyết và đã giải quyết chiếm số lượng không nhiều, tuy nhiên vẫn còn tình trạng quá hạn. Điều đó cho thấy, mặc dù cải cách hành chính đã có sự đổi mới, song vẫn chưa đáp ứng được 100% yêu cầu phục vụ người dân.

Hai là, nhiều loại dịch vụ người dân có nhu cầu chưa được quan tâm giải quyết đúng mức, như dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ việc làm,… Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân còn nhiều vướng mắc, không dứt điểm; người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng nhà, công chứng, hộ khẩu,…

Dựa trên cơ sở ưu điểm và hạn chế nhằm đẩy mạnh dịch vụ hành chính công cần thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp; giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại. Thực hiện nhất quán nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.

Hai, tập trung rà soát và cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt lưu ý các lĩnh vực như: thành lập, giải thể, tạm ngưng, phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; đầu tư xây dựng công trình, dự án và nhà ở; quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; xuất nhập khẩu; nộp thuế; hộ tịch, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thị thực xuất nhập cảnh; công chứng, chứng thực,...

Ba là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính phải huy động cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương vào cuộc, nâng cao ý thức phục vụ dân, gần dân, giúp dân, học dân. Tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện; UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả) thay cho “2 tại chỗ” (tiếp nhận - trả kết quả) tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã. Qua đó, góp phần giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

3. Một số kinh nghiệm trong cung ứng dịch vụ hành chính công tại tỉnh Yên Bái

Một là, trong thực hiện dịch vụ công lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Kể từ khi thực hiện “cơ chế một cửa”, “một cửa liên thông”, tỉnh Yên Bái đã đáp ứng tốt nhu cầu cũng như sự hài lòng của người dân về chất lượng các dịch vụ hành chính công. Theo kết quả công bố tại Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến có 81.814 kết quả đánh giá ở mức rất hài lòng; có 9.217 kết quả đánh giá ở mức hài lòng và không có kết quả đánh giá không hài lòng [6]. Từ kết quả trên thấy được hầu hết người đến Trung tâm phục vụ hành chính công đều cảm thấy hài lòng với tinh thần trách nhiệm và sự tận tình trong công việc; khách hàng hài lòng với sự chính xác và tính chuyên nghiệp, thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức. Đặc biệt, đối với những người thực hiện thủ tục hành chính liên thông, liên quan đến nhiều sở, ngành, việc đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức tại Trung tâm dịch vụ hành chính công và bộ phận phục vụ hành chính công các cấp, đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự hài lòng của người dân. Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh về cử cán bộ, công chức quản lý, vận hành và cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; tổ chức tập huấn thực hiện quy chế một cửa, một cửa liên thông và những hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với cán bộ, công chức. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh có 3 bộ phận gồm: Bộ phận Hành chính - Tổng hợp; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Bộ phận Kiểm tra, giám sát. Trung tâm được biên chế 11 người; số lượng cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành cử ra làm việc tại Trung tâm là 30 người, ngoài ra còn có 1 cán bộ của Công ty Điện Lực, 1 cán bộ của Bưu Điện tỉnh được cử ra làm việc tại Trung tâm. Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về trình độ, kinh nghiệm, năng lực công tác. Trong quá trình làm việc, cán bộ, công chức đã thực hiện tốt quy chế tổ chức và hoạt động, đạo đức công vụ, nếp sống văn hóa tại công sở; chấp hành và phục vụ tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận, đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Hai là, trong thực hiện dịch vụ hành chính công, tỉnh Yên Bái luôn tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng đối với công tác hoạch định chính sách và đảm bảo chất lượng dịch vụ hành chính công. Sự tham gia của người dân với tư cách chủ thể và đối tượng quản lý có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, công khai. Đặc biệt, trong lĩnh vực hoạch định chính sách nói chung và chính sách về dịch vụ hành chính công nói riêng, sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách, nhất là chính sách về dịch vụ hành chính công và đảm bảo chất lượng dịch vụ công sẽ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ của Nhà nước thông qua việc cải tiến quản lý dịch vụ hành chính công và tăng cường sự minh bạch trong quyết định chính sách.

4. Kết luận

Việc cung ứng dịch vụ hành chính công ở tỉnh Yên Bái đã mang lại hiệu quả lớn về mặt thời gian, tiết giảm nhiều chi phí phát sinh trong giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua dịch vụ hành chính công, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập bộ thủ tục một cách nhanh chóng, nộp hồ sơ qua mạng, tra cứu hồ sơ, hỏi đáp và phản ánh đến cơ quan công quyền một cách rõ ràng và tiện lợi nhất. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp cũng có thể đánh giá mức độ hài lòng hay không hài lòng ngay cả khi ở nhà. Qua đó, giúp cho cơ quan công quyền thấy được đánh giá của người dân để có biện pháp phục vụ các dịch vụ công tốt hơn, góp phần hình thành “công dân số” trong xây dựng “chính phủ số”, nền kinh tế số, xã hội số. Việc thực hiện dịch vụ hành chính công ở tỉnh Yên Bái không những tác động tích cực đến hiệu quả nền hành chính, mà còn góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.339.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập II), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.148.

[3]. United Nations Development Programme - UNDP (2009). Hành chính công và phát triển kinh tế ở Việt Nam: Tái thiết nền hành chính công cho thế kỷ 21, báo cáo nghiên cứu.

[4]. Lê Như Thanh (2014). Những thách thức đối với nền hành chính công Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 225, tr. 18-22.

[5]. https://dichvucong.yenbai.gov.vn/yenbai/bcth_clgq >.

[6]. https://dichvucong.yenbai.gov.vn/yenbai/thongke >.

Providing public administrative services in Yen Bai Province: Results and experiences

Ph.D Le Van Hieu 1

Master. Le Thanh Huyen 2

1 Faculty of Social Sciences and Humanities, Thai Nguyen University of Sciences, Thai Nguyen University

2 Faculty of Law, Thai Nguyen University of Sciences, Thai Nguyen University

ABSTRACT:

Public administrative services are associated with the state management functions in order to improve governance capacity of the state and promote the national development. Although the northern mountainous province of Yen Bai faces many challenges, it has many advantages to promote the provincial socio-economic development along the administrative reform. The province can provide public administrative services through one-stop shop and inter-agency one-stop shop mechanisms to help individuals and organizations save time and costs effectively.

Keywords: public administrative services, Yen Bai Province, state management, administrative reform.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]