"Cuộc chiến" tự cung tự cấp chip trên toàn cầu

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc là một trong những tác nhân gây nhiều bất ổn cho chuỗi cung ứng chip toàn cầu, làm gia tăng mức độ phụ thuộc vào chip Đài Loan và thúc đẩy "cuộc chiến" tự cung tự cấp chip.

 “Đổ xô” tích trữ chip

Theo Chủ tịch Mark Liu, Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), có ba yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip trầm trong, đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19, sự không thể đoán trước và không chắc chắn do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và sự chuyển đổi kỹ thuật số đang thúc đẩy việc sử dụng thiết bị điện tử vì đại dịch. Trong đó, căng thẳng giữa Mỹ - Trung mang lại nhiều bất ổn nhất cho chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Chất bán dẫn trong thời gian qua là “điểm yếu” đặc biệt của Trung Quốc khi thành phần cơ bản này buộc phải có mặt trong tất cả thiết bị điện tử hiện đại và trở thành “chiến trường” trọng yếu trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các hãng công nghệ Trung Quốc như SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc và Huawei.

Trong đó, Mỹ cấm các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn trên toàn thế giới bán sản phẩm sử dụng dù chỉ một phần nhỏ công nghệ của Mỹ cho Huawei. Còn SMIC bị đưa vào “danh sách đen” của Mỹ, theo đó công ty này bị cấm tiếp cận với những công nghệ và máy móc cần thiết để thực hiện hoạt động của mình.

Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết các lệnh trừng phạt áp dụng đối với công ty này trong hai năm qua là “làm tổn hại đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu” vì đã “phá vỡ mối quan hệ đáng tin cậy trong ngành”. Do lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei buộc phải đột ngột tăng cường dự trữ chip. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn - dự trữ càng lớn, nguồn cung càng thắt chặt, khuyến khích nhiều công ty hoạt động theo kiểu tương tự.

TSMC có 55% thị phần sản xuất bán dẫn và Samsung là 18%
TSMC có 55% thị phần sản xuất bán dẫn và Samsung là 18%

Phụ thuộc vào chip Đài Loan

Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều phụ thuộc vào Đài Loan để sản xuất chip. Do đó, vai trò của Đài Loan càng trở nên đáng chú ý trong bối cảnh thế giới khan chip trầm trọng. Các nước tìm đến Đài Loan như là nhân tố giải quyết “nút thắt cổ chai” trong sản xuất chip.

Theo dữ liệu của Trendforce, TSMC (Đài Loan) thống trị thị trường sản xuất chip theo hợp đồng với 55% thị phần, Samsung Electronics (Hàn Quốc) đứng thứ hai với 18% thị phần, còn lại là GlobalFoundries (Mỹ), SMIC (Trung Quốc) và UMC (Đài Loan). Rõ ràng ngành bán dẫn toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào Đài Loan.

Với việc mọi công ty sử dụng chíp trong sản phẩm của mình đều hoảng sợ và “điên cuồng” gom hàng tích trữ, tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng, thổi giá chíp tăng vọt. Do hiệu ứng “đặt hàng gấp đôi” ngày càng lớn, TSMC phải mất nhiều công sức hơn để xác định đơn đặt hàng nào thực sự khẩn cấp và đơn đặt hàng nào sẽ phải chờ.

TSMC cho biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2022. TSMC cũng cho biết họ có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để tăng công suất tại các nhà máy của mình. Các chuyên gia dự báo rằng sẽ mất phải một khoảng thời gian dài để cân bằng lại nguồn cung ứng chip.

"Cuộc chiến" tự cung tự cấp chip

Mỹ, quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip và sản xuất phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), đang tụt hậu về sản xuất chip, trong khi Trung Quốc đang phải vật lộn để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các vi mạch tích hợp (IC) tiên tiến. Chính vì vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn phát triển sản xuất chip trong nước, nhằm phần nào bớt phụ thuộc hơn vào các đối tác nước ngoài.

Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường sản xuất chất bán dẫn vào năm ngoái, nhưng tốc độ nhập khẩu không hề suy giảm đã cho thấy nước này vẫn còn cách xa mục tiêu tự cung tự cấp về công nghệ. Do đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy ngành sản xuất chip, trong đó miễn thuế nhập khẩu máy móc và các nguyên liệu thô phục vụ cho lĩnh vực này đến năm 2030. Ngoài ra, SMIC - nhân vật chủ chốt trong kế hoạch tự cường bán dẫn của Trung Quốc - đang xây nhà máy mới trị giá 2,35 tỷ USD tại Thâm Quyến.

Trong khi đó, chính quyền Joe Biden cũng đã đưa ra kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD, trong đó có khoản phân bổ 50 tỷ USD cho các ưu đãi sản xuất chip trong nước. Tập đoàn Intel của nước này gần đây đã công bố kế hoạch trị giá 20 tỷ USD để xây dựng hai cơ sở sản xuất silicon mới ở Arizona.

Mi Mi (tổng hợp)