Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã ra đời như thế nào?

Hỏi: Đã nghe về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ lâu, xin cho tôi hỏi về sự ra đời của cuộc vận động này? (Hoàng Điệp – Hưng Yên)

Đáp: Tại phiên họp ngày 15-6-2009, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo về Đề án tổ chức cuộc vận động “Người Việt Namưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Tờ trình số 115-TTr/BTGTW, ngày 07/5/2009) Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

1. Trong hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng nhanh, thu nhập bình quân GDP đã đạt trên 1.000 USD/đầu người/năm. Xuất khẩu tăng cao (chiếm 60% GDP của cả nước). Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Namngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như: cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, hàng may mặc, điện tử… Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu trong sản phẩm, hàng hóa cao hơn các nước, hàm lượng trí tuệ và công nghệ thấp. Là nước có tiềm năng lớn để phát triểu thị trường nội địa nhưng chưa quan tâm khai thác; tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng…

Đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, nhưng tác động của nền kinh tế thế giới đến nước ta sẽ nhanh mạnh; sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như nội địa đối với các sản phẩm hàng hóa Việt Namngày một gay gắt hơn. Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới đang tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta, xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, số người thất nghiệp tăng cao…

2. Trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

3. a) Mục đích cuộc vận động:

Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

  1. b) Nhiệm vụ và giải pháp cơ bản thực hiện cuộc vận động:

- Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị -xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

- Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế trong nước không trái với các quy định của WTO, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chỉ tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số hoạt động: Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt Nan về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất; xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

- Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống con người, như lương thực, thực phẩm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Nam Việt