Đáp:

Thực hiện Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009, kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" như sau:

1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Thường vụ cấp ủy cùng cấp ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở tỉnh, thành phố do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố làm trưởng ban, các thành viên gồm có:

- Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, thành phố, Phó trưởng ban thường trực;

- Đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, Phó trưởng ban;

- Đồng chí Phó trưởng Ban Ban Dân vận tỉnh, thành ủy, Phó trưởng ban;

- Đồng chí Chủ tịch: Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành phố, thành viên;

- Đồng chí Giám đốc đài Phánh thanh, truyền hình; Tổng Biên tập Báo của tỉnh, thành phố, thành viên.

- Đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên.

2. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, thành phố thành lập Bộ phận Thường trực gồm đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, thành phố làm Trưởng Bộ phận, thành viên gồm một số cán bộ lãnh đạo cấp Phòng của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để giúp cho Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện Cuộc vận động ở địa phương mình.

3. Phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để vận động tất cả cán bộ, nhân dân ở địa phương thay đổi nhận thức và hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Việt Nam làm ra, cụ thể:

Mỗi cán bộ và nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân như một hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập thể ... sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm công. Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ … khi triển khai thực hiện các dự án, công trình … sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ nội địa có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa, dịch vụ ... của Việt Nam ở trên địa bàn cam kết và thực hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu của địa phương và Quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Các cơ quan chức năng của chính quyền rà soát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ thị trường người tiêu dùng và sản xuất trong nước không trái với quy định của WTO; khuyến khích và định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam trong cán bộ và nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu.

Tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra nhu cầu của người tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối .... để đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tận tay và đáp ứng thị hiếu lành mạnh người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Cuộc vận động trong phạm vi của tỉnh, thành phố; tổ chức sơ kết hằng năm để bổ sung, điều chỉnh nội dung, phương thức thực hiện cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế ở mỗi địa phương; tiến hành tổng kết Cuộc vận động sau thời gian triển khai từ 3 đến 5 năm một lần.

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước, phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mang lại. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với Thường vụ cấp ủy triển khai các bước của Cuộc vận động để bảo đảm với tiến độ chung. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thường xuyên thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo kết quả về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Tuyên giáo của UBTƯMTTQVN, số 46 Tràng Thi, Hà Nội; Điện thọai và Fax: 04.39289210) để kịp thời theo dõi, tổng hợp kết quả chung của Cuộc vận động.