Cuối tuần vợ rủ đi uống bia hơi Hà Nội

Ngoài tác dụng chữa trị cơn đau đầu bí hiểm, giờ đây chúng tôi còn được trải nghiệm nhiều câu chuyện lý của của “tây” lẫn “ta” xung quanh cốc bia hơi Hà Nội

Cũng như bao chị em khác, vợ tôi chưa bao giờ chủ động uống bia. Nàng chỉ uống khi có ai đó đề nghị hưởng ứng nhân một dịp lễ lạt quan trọng, như chúc mừng năm mới, đám cưới, đám hỏi hay sinh nhật đầy tháng.

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một bài báo có tựa đề “Bia có tác dụng giảm đau nhanh hơn paracetamol”, trong đó dẫn một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Greenwich, nước Anh đối với 404 tình nguyện viên, làm tới 13 xét nghiệm, và đi đến kết luận như tiêu đề bài báo nói trên.

Tôi cẩn thận in ra, mang bài báo về. Nàng đọc chậm rãi từng chữ, rồi phán một câu xanh rờn “Cuối tuần rủ em đi uống bia nhé!”. Uống bia thay vì uống paracetamol thì rõ rồi; nhưng tại sao lại cứ phải cuối tuần? Cái này có… lịch sử của nó.

Vợ tôi làm kế toán ở một công ty xây dựng nhỏ. Công ty nhỏ nhưng nhận được rất nhiều công trình. Công trình nhiều nên doanh thu to đùng. Doanh thu to đùng nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu vì công ty chuyên làm thầu phụ.

Vì nhận rất nhiều công trình, vì doanh thu to đùng, vì thu nhập chẳng được bao nhiêu nên kế toán cực kỳ bận rộn. Mỗi ngày vợ tôi đánh vật với hàng đống giấy tờ liên quan đến dự toán chi phí; tạm ứng; tạm thu; phân bổ các khoản doanh thu, lợi nhuận, thu nhập cho từng người, từng nhóm người, từng công trình… 

a
Điểm quyến rũ hơn là sự pha trộn kỳ lạ giữa các món ăn dân tộc với bia hơi Hà Nội.

 

Căng thẳng từ thứ hai đến thứ bảy. Ngày nghỉ cuối tuần duy nhất là chủ nhật thì vật vã với những cơn đau đầu. Cơn đau đầu bí hiểm cứ đều đặn diễn ra vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, kéo dài hàng chục năm, trong sự ngạc nhiên và bất lực của các bác sĩ đầu ngành thần kinh trung ương, thành phố. Ngoài chồng con, vợ tôi không không nói cơn đau đầu oái oăm này cho ai biết. Nói cũng chẳng ai tin, biết đâu có khi lại bị gán cho là hoang tưởng!

Rồi đến một ngày, trên chuyến xe khách về quê, ngồi cùng hàng ghế với một ông bác sĩ… chưa bao giờ chữa bệnh. Ông là bác sĩ chuyên ngành y học lao động, chỉ nghiên cứu, thống kê tần suất các loại bệnh trong ngành xây dựng cầu đường, phục vụ cho công tác y học dự phòng. Thế nhưng ông đã làm được cái điều mà các bác sĩ chữa bệnh hàng chục năm nay bó tay: giải thích cho vợ tôi căn nguyên căn bệnh rất đơn giản.

Tương tự như ai đó xây nhà. Ròng rã 5 - 6 tháng trời ăn xó mó niêu, sinh hoạt đảo lộn chẳng sao; đến lúc hoàn thành thì lăn ra ốm. Đơn giản thôi, trong lúc xây nhà, vất vả ngược xuôi mua nguyên vật liệu, nấu ăn phục vụ tốp thợ, chân có thể mỏi, lưng có thể đau, tay có thể rã rời, nhưng các nơ ron thần kinh còn mải mê với những con số, những sắt thép, xi măng, gạch đá… nên không tiếp nhận tín hiệu mỏi mệt. Chỉ đến khi nhà cửa hoàn thành, các nơ ron thần kinh được ngơi nghỉ chút ít, tín hiệu đau nhức từ cơ thể mới rầm rập tiếp cận, và cái ốm xảy ra tức thì.

“Cơ chế” đau đầu vào ngày nghỉ cuối tuần của vợ tôi cũng như vậy. Giải thích xong, ông bác-sĩ-không-bao-giờ-chữa-bệnh khuyên vợ tôi nên lợi dụng ngay cơ chế hình thành cơn đau để chữa bệnh: Mỗi sáng chủ nhật uống 1 viên panadol. Thành phần paracetamol trong thuốc có tác dụng giảm đau, nhưng quan trọng hơn, uống viên thuốc vào, tự khắc các nơ ron thần kinh nhận được tín hiệu: tôi đã chữa bệnh và yên tâm không tiếp nhận các tín hiệu đau, nhức, mỏi khác nữa.

“Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau” (thơ của cụ Nguyễn Du ạ). Đã tin vào cách giải thích của ông bác-sĩ-không-bao-giờ-chữa-bệnh, thì vợ tôi cũng tin luôn toa thuốc được kê, mỗi sáng uống 1 viên panadol. Trộm vía, từ đó cơn đau đầu biến mất một cách bí hiểm, y như cách nó xuất hiện, không để lại một dấu vết nào. Mặc dù thế, uống thuốc là việc bần cùng, nay đã có giải pháp uống bia thay thế, ai lại không muốn!

Thế là, cứ chủ nhật cuối tuần, vợ chồng tôi lại rong ruổi đi uống bia. Là phụ nữ, nàng thích uống bia hơi hơn do hàm lượng đường cũng ít hơn bia chai. Mà nói tới bia hơi, chuẩn nhất vẫn là bia hơi Hà Nội và cũng chỉ có bia hơi Hà Nội mới có đủ sức hút để trở thành một thương hiệu. Đi riết rồi mới biết… người “tây” vô cùng thích thú bia hơi Hà Nội. Hỏi chuyện Eric Hoffman, một du khách Hoa Kỳ tại quán bia hơi Hải Xồm, anh ta bảo, một trong những điều du khách nước ngoài thích thú nhất khi thưởng thức bia hơi Hà Nội là có nồng độ cồn thấp, chỉ khoảng 3-4%, nhiều người uống 5-6 cốc vẫn lái xe máy về nhà trong dòng xe cộ đông đặc.

a

 

Hỏi thêm, Eric Hoffman cho biết, giá rẻ, không khí nhộn nhịp, món ăn đặc sản phong phú, và điểm nhấn quyến rũ hơn là sự pha trộn kỳ lạ giữa các món ăn dân tộc, với bia hơi Hà Nội. Tuy nhiên, điều thích nhất với anh là mỗi sáng, tận mắt thấy nhiều đoàn xe của Nhà máy Bia Hà Nội tỏa ra các đường phố, lâu lâu dừng lại một quán để “quẳng” xuống vài “bom” bia hơi. Eric Hoffman cũng thấy có nhiều quán tự mang xe máy, xe ba bánh, hay xe tải nhỏ tự chở bia hơi về. - “Đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị”.

Một lần khác, nói chuyện với cặp vợ chồng người Australia. Người chồng khẳng định, chẳng gì tuyệt hơn cảm giác nhâm nhi cốc bia hơi mát lạnh vào một buổi chiều ở Hà Nội. Cầm chiếc cốc trên tay, bạn có thể nhìn rõ lớp bọt bia trắng xốp phập phồng trên miệng và những dòng tăm sủi bọt nối đuôi nhau nổi lên từ đáy cốc. Màu vàng của bia hơi trộn lẫn với màu xanh của chiếc cốc tạo nên sự hài hòa, mát dịu. Hình như, chỉ khi rót vào cốc vại, bia hơi mới phát huy được hết sức hấp dẫn vốn có của nó.

Đã 3 năm kể từ khi được vợ rủ đi uống bia hơi Hà Nội, đến nay chúng tôi vẫn duy trì đều đặn. Ngoài tác dụng chữa trị cơn đau đầu bí hiểm cứ đều đặn diễn ra vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, giờ đây chúng tôi còn được trải nghiệm nhiều câu chuyện lý của của “tây” lẫn “ta” xung quanh cốc bia hơi Hà Nội, như một nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.