Đa dạng sinh học Rong Hypnea khu vực Nam Trung Bộ - Việt Nam

TS. NGUYỄN VĂN TÚ - ThS. LÊ THỊ TRANG (Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam) và ThS. TRẦN THỊ HÀ - ThS. ĐÀO PHAN THOẠI - ThS. NGUYỄN THÀNH CÔNG - ThS. NGUYỄN THỊ THU HẰNG - TS. TRẦN

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát sự phân bố và đa dạng thành phần loài của chi rong Hypnea ở vùng nghiên cứu gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu theo cách tiếp cận sinh học phân tử trong phân loại. Kết quả nghiên cứu ghi nhận được 9 loài thuộc chi Hypnea ở vùng nghiên cứu gồm loài: Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea charoides J.V.Lamouroux, Hypnea cornuta (Ktzing) J.Agardh, Hypnea cenomyce J.Agardh, Hypnea esperi Bory de Saint-Vincent, Hypnea nidulans Setchell, Hypnea pannosa J.Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing và Hypnea valentiae (Turner) Montagne. So với các địa phương trong vùng nghiên cứu, tỉnh Khánh Hòa có số lượng loài ghi nhận được cao nhất với 8/9 loài. Phân loại bằng hình thái học kết hợp với phương pháp sinh học phân tử là cách tiếp cận chính xác và cần thiết cho nghiên cứu hệ thống học phân loại rong biển; chúng tôi sử dụng marker rbcL với cặp mồi F8 & F481 kết hợp với cặp mồi R464 & R1381 đã thể hiện rõ được mối quan hệ giữa các loài trong hệ thống học phân loại chi Hypnea. Có 3 nhóm loài của chi Hypnea được xác định là có phân bố ở khu vực Nam Trung Bộ gồm các nhóm Virgatae, nhóm Spinuligerae và nhóm Pulvinatae.

Từ khóa: Hypnea, RBCL rong biển, rong đỏ, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chi Hypnea J.V.Lamouroux thuộc bộ Gigatinales là chi rong chủ yếu sống ở vùng triều và rạn san hô, có vùng phân bố khá rộng gồm cả khu vực ôn đới và nhiệt đới. Rong Hypnea có thân dạng hình trụ hay trụ dẹp, chia nhánh nhiều theo các hướng, trên nhánh chính và nhánh bên thường có rất nhiều nhánh nhỏ dạng gai ngắn, các nhánh được cấu tạo bởi 2 đến 3 lớp tế bào gồm các lớp ngoài cùng là các tế bào chứa thường có kích thước nhỏ chứa sắc tố, các lớp tế bào giữa thường có hình dáng đa dạng, kích thước lớn hơn và trong cùng là các tế bào hình trụ nhỏ (Phạm Hoàng Hộ 1969). Hypnea cũng được biết đến là loài rong kinh tế quan trọng, rong chứa hàm lượng carrageenan cao và chất lượng tốt nhất là các loài rong sinh trưởng ở vùng nhiệt đới.

Hiện nay, chi Hypnea gồm có 75 loài và được chia làm 3 nhóm loài trên cơ sở dạng sống gồm nhóm Virgatae, Spinuligerae và Pulvinatae (Phạm Hoàng Hộ 1969, Nguyễn Hữu Dinh 1993). Nghiên cứu phân loại dựa trên hình thái học của chi Hynea chủ yếu được thực hiện trong thời gian trước những năm 2000. Việc phân loại rong Hypnea dựa trên hình thái học gặp rất nhiều khó khăn, do các đặc điểm quan trọng trong phân loại như tảo quả không phải lúc nào cũng thu được mẫu (Geraldino 2010). Những năm gần đây, nỗ lực nghiên cứu đánh giá về đa dạng sinh học loài cũng có những đóng góp mới quan trọng, trong đó nổi bật là các loài mới cho khoa học gồm Hypnea caespitosa sp. nov. (Geraldino 2010), Hypnea edeniana sp. nov. và Hypnea flava sp. nov. (Nauer et al., 2014), Hypnea wynnei và Hypnea yokoyana (Nauer et al., 2016).

Đa dạng thành phần loài rong biển Việt Nam cần được nghiên cứu đánh giá theo các vùng địa lý, nhằm cung cấp dữ liệu cho việc đánh giá đa dạng sinh học, hệ sinh thái và tài nguyên sinh học biển. Việc xác định rõ được thành phần loài giúp cho việc nghiên cứu đánh giá và tài nguyên và tiềm năng ứng dụng được thuận lợi hơn (Onno 1998). Hướng nghiên cứu tiếp cận sinh học phân tử trong nghiên cứu phân loại ở Việt Nam còn khá mới mẻ, cho đến nay chỉ mới một vài loài được sử dụng làm mẫu so sánh trong các công trình nghiên cứu quốc tế mang tính tổng hợp như [Lê Như Hậu & Showmei-Lin, Nguyen Van Tu et al. 2014, G.H.Boo et al, 2016). Nghiên cứu phân loại rong biển dựa trên trình tự gene được đẩy mạnh trong khoảng 15 năm trở lại đây, đối với ngành rong đỏ các trình tự gene rbcL, rbcLS, cox 1, cox 3 và psaA được sử dụng khá nhiều. Tuy vậy, mỗi chi rong thường có sự khác nhau về marker sử dụng trong phân loại, như trong nghiên cứu của Geraldino (2010) về phân nhóm chi Hypnea, ông sử dụng cả 3 marker rbcL, cox 1 và psaA, Nauer & Oliveira (2016) sử dụng các marker COI-5P, rbcL và UPA nghiên cứu phân loại rong ở Ghana dựa vào DNA barcode. Đối với Hypnea, việc sử dụng các đoạn mồi của gene mã hóa cho enzyme ribulose 1,5-bisphosphate carboxylase/oxygenase(rbcL) cho thấy sự hiệu quả cao trong nghiên cứu phân loại, vì lẽ đó gene rbcL được chúng tôi sử dụng để nghiên cứu cây phát sinh loài của hypnea vùng biển Nam Trung Bộ.

2. Vật liệu và phương pháp

2.1. Khảo sát phân bố, thu thập mẫu vật

Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu trong giai đoạn 2012 - 2016. Vùng khảo sát được tập trung ở những vị trí có độ đa dạng sinh học cao của mỗi tỉnh, gồm các vùng: Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa); Núi Chúa, Sơn Hải, Hộ Diêm (Ninh Thuận); Phú Quý, Phan Thiết (Bình Thuận) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Mẫu nghiên cứu được lưu giữ dưới dạng tiêu bản mẫu cho nghiên cứu hình thái tổng hợp. Các mẫu nghiên cứu tế bào được bảo quản bằng dung dịch formol được pha loãng bằng nước biển với nồng độ 5%. Mẫu phân tích DNA được xử lý và bảo quản trong hỗn hợp Silicagel (0,2 - 1mm; 3 - 4 mm).

2.2. Nghiên cứu hình thái học

Rong được phân loại hình thái học dựa trên các đặc điểm về cấu trúc thân, nhánh, tế bào vào tảo quả. Các tài liệu sử dụng cho phân loại rong, gồm: Agarh (1852), Dawson (1954), Phạm Hoàng Hộ (1969), Nguyễn Hữu Dinh et al. (1993), Masuda (1997). Ngoài ra, việc phân loại mẫu còn xem xét tới đặc điểm sinh thái của đối tượng.

2.3. Chiết xuất DNA, chạy PCR và giải trình tự

Rong được chiết xuất DNA bằng phương pháp CTAB. Theo đó, lấy một đoạn mẫu nghiền nhỏ bằng nitơ lỏng trong ống eppendof 1,5 ml, thêm một lượng 500µl CTAB đã được làm nóng ở nhiệt độ 60oC vào ống mẫu và khuấy đều, ủ ống mẫu ở nhiệt độ 60oC trong vòng 40 phút và lắc đều ống mẫu mỗi 5 phút một lần. Sau khi kết thúc quá trình ủ mẫu, tiến hành ly tâm với tốc độ 13.500 vòng/phút trong 10 phút, sau đó hút lớp dịch phía trên sang ống eppendof mới, tiến hành thêm một lượng Phennol: chloroform: isoamyl alcohol với tỉ lệ 25:24:1 lắc đều cho dung dịch trộn lẫn với mẫu; ly tâm mẫu ở 13.500 vòng/phút trong 10 phút, hút lớp dịch phía trên sang ống ependof mới và thêm một lượng chloroform: isoamyl alcohol với tỉ lệ 24:1, lắc đều; ly tâm mẫu ở 12.000 vòng/phút trong 5 phút, hút lớp dịch phía trên chuyển sang ống ependof 1,5ml mới và tiến hành tinh sạch DNA theo protocol của Promega và giữ mẫu DNA ở -20oC. Gen rbcL của lục lạp được sử dụng để nghiên cứu phân loại, trong đó chúng tôi sử dụng các cặp mồi kết hợp gồm F8 (GGTGAATTCCATACGCTAAAATG) & F481 (GTAGAACGTGAGCGTATGGA) kết hợp với cặp mồi R646 (AATCTTTCTTTCCATCGCAT) & R1381 (ATCTTTCCATAAATCTAAAGC). PCR được thực hiện với bước khởi đầu gây biến tính DNA ở 94oC trong vòng 3 phút, sau đó là chạy PCR với 35 chu kì theo các bước gây biến tính DNA ở 94oC trong vòng 1 phút, Annealing ở 46oC trong vòng 1 phút, Elongation ở 72oC trong vòng 2 phút và kết thúc chu kì là bước Elongation ở 72oC trong vòng 10 phút. Các mẫu chạy PCR được tinh sạch và giải trình tự bởi Beckman-Coulter Genomic - Pháp.

2.4. Xây dựng cây phân loại

Các trình tự nucleotid của các loài nghiên cứu thuộc chi Hypnea được sắp xếp phân tích bằng công cụ Muscle (MEGA 6, Tamura et al. 2013) gồm 16 mẫu rong hypnea thu thập được và 10 trình tự được lấy từ Genbank đại diện cho các loài và nhóm. Cây phân loại được xây dựng bằng phần mềm MEGA 6 (Tamura et al. 2013) bằng các phương pháp Maximum Likelyhood (ML), Neighbor Joining (NJ) và tính toán posterior probabilities (PI).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thành phần loài và phân bố rong Hypnea

Kết quả điều tra khảo sát vùng biển Nam Trung Bộ Việt Nam, chúng tôi xác định được 9 loài rong Hypnea. Các đặc điểm về hình thái phân loại và đặc điểm sinh thái phân bố của 9 loài rong được mô tả theo các mẫu vật nghiên cứu điển hình thu thập được đại diện cho loài và kết hợp với dữ liệu từ các nghiên cứu về phân loại rong biển của Phạm Hoàng Hộ (1969) và Nguyễn Hữu Dinh và CS (1993) như sau:

- Hypnea cervicornis J.Agardh

Tản màu đỏ, cứng như sụn, thành bụi cao 5 - 8 cm, chia nhánh chạc hai đều hoặc không đều, nhánh hơi cong, rộng 0,4 mm nhỏ dần đến ngọn, nhánh chót nhọn. Nhánh chính có nhiều nhánh nhỏ như gai, kích thước 1-2mm đính thẳng góc. Lát cắt ngang thân cho thấy, bên ngoài do một lớp tế bào to kích thước 15 µm bao quanh vách dày (3 µm); lớp giữa là các tế bào kích thước 50 - 65 µm với vách dày 6 - 8 µm và lõi là các tế bào có kích thước trung bình khoảng 25 µm.

Sinh thái và phân bố: Rong sinh trưởng chủ yếu ở vùng trung triều, độ sâu 1 - 4 m, mẫu thu thập được tại Ninh Hòa, Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa và Sơn Hải (Ninh Thuận), Đảo Phú Quý (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Hypnea charoides J.V.Lamouroux

Rong mọc thành bụi rối, màu đỏ nhạt hoặc đỏ vàng, bám vào vật bám bằng bán bám dạng đĩa ở gốc thân chính và trên đỉnh của nhánh bò. Nhánh đứng dạng trụ dẹp, cao 7 - 10 cm hoặc hơn, rộng 1 - 1,3mm, có thân chính suốt đỉnh, chia nhánh nhiều theo kiểu lông chim không đều hoặc mọc chuyền nhau. Trên toàn thân và các nhánh có nhiều nhánh gai dài. Mặt cắt ngang thân có hình bầu dục tròn, chính giữa là một tế bào trụ nhỏ hình tròn, chung quanh là 1 - 2 hàng tế bào vây trụ lớn, không màu, hình nhiều góc, lớp vỏ gồm 1 - 2 hàng tế bào nhỏ hình tròn hoặc hình vuông, có chứa sắc tố. Túi bào tử bốn cắt thành dạng bậc thang, hình thành ở phần gốc hoặc phần giữa của nhánh chia nhỏ.

Sinh thái và phân bố: Rong bám trên đá vùng triều thấp, độ sâu 2 - 5m ở khu vực Nha Trang, Ninh Hòa (Khánh Hòa), Sơn Hải (Ninh Thuận), Phú Quý, Phan Thiết (Bình Thuận).

- Hypnea cenomyce J.Agardh

Rong mọc thành đám, tản màu đỏ - vàng, hình trụ cao 3 - 5 cm, nhánh chính rộng 0,5 - 1mm, dính vào đá nhờ vào đĩa nhỏ, rong chia nhánh không đều, dạng tản phòng, các nhánh phụ ngoài cùng dài cỡ 1mm như gai. Lát cắt ngang thân cho thấy bên ngoài gồm 1 - 2 lớp tế bào ngoài nhỏ với kích thước chiều rộng mặt cắt 12 - 15 µm; Bên trong gồm các lớp tế bào to hơn dạng hình trụ xen kẽ hình bầu dục hoặc nhiều cạnh. Tứ bào tử phòng ở phần đáy phù ra của nhánh phụ, tảo quả hình cầu to 0,6 - 1mm, cô độc hay nhóm 2 - 3.

Sinh thái và phân bố: Trên đá vùng triều thấp độ sâu phân bố chủ yếu trong khoảng 2 - 5 m. Vùng phân bố gồm Núi Chúa (Ninh Thuận).

- Hypnea cornuta Ktzing

Rong có tản màu đỏ tươi hay đậm, thành bụi dài 20cm nhánh mọc xen, hình trụ, rộng 1 - 2,5 mm, mềm, mang nhánh phụ hình sao với 3 - 6 mũi và nhánh phụ như gai cao 1 - 3 mm, rộng 0,2 - 0,5 mm. Tảo quả thường nhiều trên nhánh hình gai.

Sinh thái và phân bố: Sinh trưởng ở vùng dưới triều độ sâu 7-12m, thường bám vào san hô khu vực Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Hộ Diêm, Núi chúa (Ninh Thuận), Đảo Phú Quý (Bình Thuận).

- Hypnea esperi Bory de Saint-Vincent

Rong mọc thành bụi nhỏ, thân hình trụ tròn, cao 2- 5 cm, nhánh chính rộng 0,4 - 0,7 mm, chia nhánh chạc hai không đều, không đều, trên thân mọc các nhánh dạng gai nhỏ, nhánh thon dần về phía đỉnh. Lát cắt ngang thân cho thấy lõi là các tế bào hình trụ kính thước 80 - 100 µm, tiếp đến là các lớp tế bào hình trụ tròn hoặc nhiều góc, lớp ngoài là một hàng tế bào nhỏ hình bầu dục có chứa sắc tố.

Sinh thái và phân bố: Rong bám vào rong khác, trên đá vùng triều thấp hoặc các vật liệu khác; được tìm thấy khu vực Ninh Hòa (Khánh Hòa), Đảo Phú Quý, Phan Thiết (Bình Thuận).

- Hypnea nidulans Setchell

Rong mọc thành bụi rậm, bụi cao 4 - 6 cm, màu đỏ đậm hay màu xanh. Trục chính rộng 0,5 - 2mm, hơi dẹp; nhánh mọc cài vào nhau, chót nhánh nhọn. Lát cắt ngang thân cho thấy phần ngoài gồm 1 - 2 lớp tế bào nhỏ, phần giữa là các tế bào to bao quanh các tế bào trục nhỏ ở giữa. Tứ bào tử phòng ở một bên của nhánh ngắn đặc biệt, ngăn ngang không đều.

Sinh thái và phân bố: Vùng có rạn san hô, đáy cát, độ sâu 3 -7 m, được tìm thấy khu vực Nha Trang (Khánh Hòa).

- Hypnea pannosa J.Agardh

Rong mọc thành đám lớn, mùa lục vàng, cài rối vào nhau, kích thước 4 - 8 cm; thân hình trụ tròn 1 - 3mm, chia nhánh nhiều, nhánh ngắn, không đều, các thường mọc thành một góc rộng với trục, đỉnh nhánh hình nón. Lát cắt ngang thân cho thấy ở giữa là tế bào hình trụ tròn không lớn, chung quanh là 1 đến 2 lớp tế bào bao quanh kích thước bề rộng 200 - 250 µm, lớp ngoài cùng là lớp tế bào nhỏ rộng 20 µm có chứa sắc tố; Tứ bào tử phòng ở một bên của nhánh nhỏ, thường có hình bầu dục.

Sinh thái và phân bố: Phân bố ở vùng trung triều, thường bám trên đá; được tìm thấy khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quý (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Hypnea spinella (C.Agardh) Kützing

Bụi dài 10cm; tản cứng như sụn, nhánh rộng 2 - 3mm, có nhiều nhánh phụ rộng 0,2 - 1mm, các nhánh phụ ít khi chẻ hai, nhỏ dần về phía đỉnh. Lát cắt ngang thân chính cho thấy phân giữa là các tế bào to đến 50 µm vách dày, bên ngoài là các tế bào hình bầu dục với kích thước chiều dài và rộng gần bằng nhau. Tứ bào tử phòng rộng 15 µm, dài 45 µm, ngăn ngang.

Sinh thái và phân bố: Vùng triều giữa, trên các vũng triều và bờ đá; được tìm thấy khu vực Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Núi Chúa, Hộ Diêm (Ninh Thuận), Phú Quý (Bình Thuận).

- Hypnea valentiae (Turner) Montagne

Bụi dài 6 - 15 cm, màu đỏ đậm hay xanh xanh, thân rộng 0,4 - 1mm, có mang nhánh mọc xen, nhánh chính dài có nhiều nhánh phụ ngắn (1mm) với chót nhánh đơn hay chia chạc hai, mọc thẳng góc từ nhánh chính. Lớp cắt ngang phân thân chính cho thấy bên ngoài là 1 lớp tế bào kích thước 6-8 µm; bên trong là lớp tế bào trung bình, rồi đến lớp tế bào rất to bao quanh tế bào trục nhỏ ở giữa. Tứ bào tử phòng hình xoan, kích thước 20 - 25 µm.

Sinh thái và phân bố: Mọc trên đá, cát vùng bãi triều, cửa sông, trên đá vùng trung triều; tìm thấy khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), Hộ Diêm (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận).

Hình 1: Hình thái một số loài rong thuộc chi Hypnea khu vực Nam Trung Bộ

3.2. Đa dạng di truyền chi Hypnea vùng Nam Trung Bộ

Trong 26 trình tự rong Hypnea được phân tích đa dạng di truyền gồm có 16 trình tự rong Hypnea thu từ tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, 10 trình tự rong Hypnea được lấy từ cơ sở dữ liệu Genbank, trong đó loài E. denticulatum (AY687412.1) được sử dụng làm root để xây dựng cây phát sinh loài. Kết quả xây dựng cây phân loại bằng các phương pháp Maximum Likelyhood (ML), Neighbor Joining (NJ) và PI dựa trên marker phân tử rbcL cho thấy, cây phát sinh loài có đủ 3 nhóm phân loại của Hypnea gồm: nhóm Virgatae (AB095912.1, KT428787.1, KU905158.1, EU345994.1, NVT0199); nhóm Spinuligerae (FJ694947.1, AB033164.2, KF962655.1, NVT0474) và nhóm Pulvinatae (AB033166.2, EU240848.1, NVT0890, NVT0421, NVT0420, NVT0501). Nhóm các mẫu được xác định hình thái học là Hypnea ceiviconis thu thập được từ các địa điểm Nha Trang, Cam Ranh, Núi Chúa, Hộ Diêm, Sơn Hải, Phú Quý, Vũng Tàu tách thành một nhánh riêng biệt trong cây phân loại, trong đó các mẫu này chia thành 2 nhóm (NVT0218, NVT0237, NVT0200) và nhóm (NVT0196, NVT0198, NVT0503, NVT0976, NVT0982, NVT0999). Kết quả này khẳng định được các mẫu ở trên thuộc cũng loài (96/-/0.5), về vị trí trong cây phân loại cần chỉ khẳng định được khi có các nghiên cứu kết hợp với các marker phân tử khác.

Hình 2: Cây phân loại rong Hypnea sử dung marker rbcL

Các số bên dưới mỗi nhánh là giá trị ML bootstrap (bên trái, chỉ thể hiện giá trị > 40%), giá trị NJ bootstrap (ở giữa, chỉ thể hiện khi giá trị > 40%) và BI posterior probabilities (bên phải, chỉ thể hiện giá trị > 0.5).

4. Thảo luận

Vùng Nam Trung Bộ khá đa dạng về loài Hypnea, có 9/14 loài thuộc danh lục các loài Hypnea của Việt Nam được tìm thấy ở đây. Sự đa dạng về loài Hypnea của vùng Nam Trung Bộ có lẽ là kết quả của sự đa dạng các hệ sinh thái của vùng. Các cấu trúc nền đáy, động lực biển và yếu tố khí hậu cũng đóng góp một phần quan trọng về sự đa dạng loài của thực vật biển vùng Nam Trung Bộ. Nhận định này cũng đã đúng khi các nghiên cứu đa dạng sinh học rong biển của một số khu vực ở Nam Trung Bộ như vùng Nha Trang (Dawson 1954) đã ghi nhận được gần 200 loài rong, trong đó có 6 loài thuộc chi Hypnea; đa dạng sinh học và thành phần loài rong của đảo Phú Quý (Nguyễn Hữu Đại & CS 2009) cũng cho thấy đảo Phú Quý là khá đa dạng về rong biển so với một số đảo lân cận khác. Đa dạng sinh học của loài Hypnea có lẽ cũng nằm trong xu hướng đa dạng sinh học chung của vùng Nam Trung Bộ. So với các nghiên cứu trước đây, công trình nghiên cứu đã đóng góp dữ liệu về phân bố cụ thể về loài Hypnea cho từng khu vực được nhận định là có sự đa dạng thành phần loài rong biển cao thuộc vùng Nam Trung Bộ, gồm: Ninh Hòa (3 loài, ghi nhận phân bố mới 02 loài), Nha Trang (7 loài, ghi nhận phân bố mới 01 loài), Cam Ranh (4 loài, 4 loài ghi nhận phân bố mới), Núi Chúa (5 loài, 4 loài ghi nhận phân bố mới), Hộ Diêm - Ninh Hải (3 loài, 3 loài ghi nhận phân bố mới), Sơn Hải (2 loài, 2 loài ghi nhận phân bố mới), Phan Thiết (3 loài), Đảo Phú Quý (6 loài, 2 loài ghi nhận phân bố mới), Vũng Tàu (3 loài, 2 loài ghi nhận phân bố mới).

Ngoài phương pháp so sánh hình thái truyền thống, việc ứng dụng sinh học phân tử trong phân loại ngày càng phát triển mạnh mẽ, các trình tự gene được ứng dụng để phân loại, xây dựng cây phát sinh loài cũng như đánh giá lại tính chính xác của các loài được mô tả. Yamaghishi et al., (2000) được xem là người khởi xướng cho nghiên cứu chi Hypnea ở cấp độ phân tử bằng trình tự nucleotid trong lục lạp mã hóa cho enzyme ribulose 1,5-bisphosphate carboxylase/oxygenase (rbcL/S). Kết quả phân loại đã xác định lại loài rong có tên định danh là Hypnea charoides - valentiae thành 2 loài khác nhau, gồm Hypnea charoides và Hypnea flexicaulis. Cơ sở sử dụng gene rbcL dùng cho phân loại Hypnea được khẳng định thêm bằng các nghiên cứu về loài mới của Geraldino et al. (2009), Nauer (2016). Các mẫu nghiên cứu về đa dạng thành phần loài bằng sinh học phân tử trong nghiên cứu này đã thu được các kết quả khả quan. Các mẫu vật của cùng một loài thu thập ở các địa điểm khác nhau được sắp xếp vào cùng một nhóm trong cây phân loại và các loài khác nhau được phân tách khá rõ ràng trong cây phân loại. Kết qủa phân tích rbcL ở trên đã cho thấy, chi Hypnea ở vùng Nam Trung Bộ chứa cả 3 nhóm loài thuộc chi. Ngoài ra, nhóm rong được xác định là Hypnea ceiviconis cần nghiên cứu sâu hơn ở cấp độ sinh học phân tử với nhiều marker để đánh giá có hay không việc thêm một nhóm loài mới cho chi Hypnea.

5. Kết luận

Chi Hypnea ở vùng Nam Trung Bộ gồm 9 loài, trong đó tỉnh Khánh Hòa có 8 loài, gồm: Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea charoides J.V.Lamouroux, Hypnea cornuta (Ktzing) J.Agardh, Hypnea esperi Bory de Saint-Vincent, Hypnea nidulans Setchell, Hypnea pannosa J.Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing và Hypnea valentiae (Turner). Montagne phân bố ở các địa điểm chính, gồm: Nha Trang (8 loài), Cam Ranh (4 loài), Ninh Hòa (3 loài). Tỉnh Ninh Thuận có 7 loài: Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea charoides J.V.Lamouroux, Hypnea cornuta (Ktzing) J.Agardh, Hypnea cenomyce J.Agardh, Hypnea pannosa J.Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing và Hypnea valentiae (Turner). Montagne phân bố ở các địa điểm Núi Chúa (5 loài), Hộ Diêm - Ninh Hải (3 loài), Sơn Hải (2 loài). Tỉnh Bình Thuận có 7 loài, gồm: Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea charoides J.V.Lamouroux, Hypnea cornuta (Ktzing) J.Agardh, Hypnea esperi Bory de Saint-Vincent, Hypnea pannosa J.Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing và Hypnea valentiae (Turner). Montagne phân bố ở các địa điểm đảo Phú Quý (6 loài) Phan Thiết (3 loài) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 03 loài, gồm: Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea pannosa J.Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing.

Chi rong Hypnea có thể sử dụng marker rbcL với cặp mồi F8 & F481 kết hợp với cặp mồi R464 & R1381 để nghiên cứu phân loại ở cấp độ phân tử. Từ kết quả sinh học phân tử, có thể xác định 3 nhóm loài của chi Hypnea được xác định là có phân bố ở khu vực Nam Trung Bộ, gồm các nhóm Virgatae, nhóm Spinuligerae và nhóm Pulvinatae. Marker rbcL cũng với cặp mồi F8 & F481 kết hợp với cặp mồi R464 & R1381 giúp xây dựng cây phân loại ở mức độ loài với kết quả tốt ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dawson, E. Y. (1954). " Marine plants in the Vincinity of the Institute Oceanography of Nha Trang." Pacific science 8(4): 373-471.

2. Geraldino P.J.L., R. Riosmena-Rodriguez, L. M. Liao and S. M. Boo (2010), "Phylogenetic Relationships within the Genus Hypnea (Gigartinales, Rhodophyta), with a Description of H-Caespitosa Sp Nov", Journal of Phycology, 46(2), pp. 336-345.

3. Geraldino, P. J. L., et al. (2009). "Systematic of Hypnea asiatica sp. nov.(Hypneaceae, Rhodophyta) based on morphology and nrDNA SSU, plastid rbcL, and mitichondrial cox1." Taxon 58(2): 606-616

4. G.H. Boo,V.T. Nguyen, J. Y. Kim, L.L. Gall, J.M. Rico, A. Bottalico& S.M. Boo (2016), “A revised classification of the Gelidiellaceae (Rhodophyta) with descriptions of three new genera, Breviphycus, Huismaniella and Millerella”, TAXON 65(5), pp. 965 - 979.

5. L.N. Hau & S.M. Lin (2006), "Gracilariopsis nhatrangensis (Gracilariaceae, Rhodophyta), a new marine red alga from Nhatrang, southern Vietnam", Botanical Studies, 47, pp. 329-337.

6. Masuda, M. Y. Yamagishi, Y. M. Chiang, K. Lewmanomont and B. Xia (1997), "Overview of Hypnea (Rhodophyta, Hypneaceae). in: Abbott, I.A. (ed.), Taxonomy of Economic Seaweeds, vol. 6. California Sea Grant College System, La Jolla.": pp.127-133.

7. M. Ohno & A. T. Critchley (1998), Seaweed Resources of the World, Japan International Cooperative Agency.

8. Nauer F., V. Cassano & M.C. Oliveira (2016), "Hypnea wynnei and Hypnea yokoyana (Cystocloniaceae, Rhodophyta), two new species revealed by a DNA barcoding survey on the Brazilian coast ", Phytotaxa, 268(2), pp. 123-134.

9. Nauer F., N.R. Guimarães, V. Cassano, N.S. Yokoya & M.C. Oliveira (2014), "Hypnea species (Gigartinales, Rhodophyta) from the southeastern coast of Brazil based on molecular studies complemented with morphological analyses, including descriptions of Hypnea edeniana sp. nov. and H. flava sp. nov.", European Journal of Phycology, 49(4), pp. 550-575.

10. Nguyễn Hữu Đại, Phạm Hữu Trí, Nguyễn Xuân Vị (2009), “Thành phần loài và nguồn lợi rong, cỏ biển của đảo Phú Quý”, Tuyển tập nghiên cứu biển, 16, pp. 225-243.

11. Nguyễn Hữu Dinh và CS (1993). Rong biển Việt Nam(Phần phía bắc)." Nhà xuất bản khoa học kĩ thuật. 344pp.

12. Nguyễn Văn Tú (2014). Seaweed diversity in Vietnam, with an emphasis on the brown algal genus Sargassum, Ghent University

13. Phạm Hoàng Hộ (1969). Rong biển Việt nam (Phần phía Nam), Trung tâm học liệu xuất bản - Bộ Giáo dục và Thanh Niên. 559pp.

14. Tsutsui isao (2005), The common marine plants of southern Vietnam, Usa: Japan Seaweed Association.

15. Yamagishi Y. & M. Masuda (2000), "A taxonomic revision of a Hypnea charoides-valentiae complex (Rhodophyta, Gigartinales) in Japan, with a description of Hypnea flexicaulis sp. nov.", Phycological Research 48(1), pp.27-35.

DIVERSITY OF GENUS HYPNEA

IN THE SOUTH CENTRAL OF VIETNAM

● PhD. NGUYEN VAN TU - MSc. LE THI TRANG

Institute of Tropical Biology, Vietnam Academy of Science and Technology

● MSc. TRAN THI HA - MSc. DAO PHAN THOAI - MSc. NGUYEN THANH CONG

● MSc. NGUYEN THI THU HANG - PhD. TRAN THANH DAI

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

The study is conducted with the aim to investigate the distribution andthe diversity of the hypnea genus in the Khanh Hoa, Ninh Thuan, Binh Thuan and Baria - Vungtau provinces. There are 9 hypnea speces for the area including Hypnea cervicornis J.Agardh, Hypnea charoides JVLamouroux, Hypnea cornuta (Ktzing) J.Agardh, Hypnea cenomyce J.Agardh, Hypnea esperi Bory de Saint- Vincent, Hypnea nidulans Setchell, Hypnea pannosa J. Agardh, Hypnea spinella (C.Agardh) Ktzing and Hypnea valentiae (Turner) Montagne. Compared with the localities in the study area, Khanh Hoa has the highest number of recorded species with 8/9 species. The combination of morphology and phylogenetic is an accurate and necessary approach for the study of seaweed classification, the rbcL marker in combination primer mixed F8 & F481 and mixed R464 & R1381 showed clearly relationships among species within the Hypnea genus in Vietnam South Central Coast. Three are sections of Hypnea have been identified in the South Central including Virgatae, Spinuligerae and Pulvinatae.

Keywords: Hypnea, rbcL, rhodophyta,seaweed, Vietnam.