Đặc điểm vai trò của pháp luật thương mại điện tử và quan điểm hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử trong thời gian tới

ThS. LƯƠNG TUẤN NGHĨA (Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Hà Nội)

TÓM TẮT:

Pháp luật về thương mại điện tử là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại mật thiết với nhau, được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Cho đến nay, khi đề cập đến hoạt động thương mại điện tử thì được hiểu là giao dịch thương mại sử dụng công nghệ web (web-commerce) và công nghệ mobile (mobile-commerce) bởi đặc tính kỹ thuật của những loại hình công nghệ này có thể hỗ trợ một giao dịch thương mại điện tử hoàn chỉnh, từ việc trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ cho đến khâu thanh toán trực tuyến và hậu mãi, chăm sóc khách hàng trực tuyến. Vì lẽ đó, việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Từ khóa: Thương mại điện tử, pháp luật, giao dịch điện tử, công nghệ thông tin.

1. Đặc điểm, vai trò của pháp luật thương mại điện tử

Ngoài những đặc điểm chung của một hệ thống pháp luật, một ngành luật là có tính quy phạm cụ thể, có tính quy phạm phổ biến, có tính cưỡng chế và chặt chẽ về nội dung, hình thức; pháp luật về thương mại điện tử còn có những đặc điểm riêng xuất phát từ đặc thù hoạt động thương mại điện tử như sau:

Một là, pháp luật về thương mại điện tử có sự kết hợp các quy phạm truyền thống với quy phạm hiện đại. Bản chất hoạt động thương mại điện tử là sự kết hợp giữa hoạt động thương mại truyền thống và việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vậy, các quy định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng, ban hành nhằm điều chỉnh những mối quan hệ thương mại, hành vi thương mại, hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng; các hành vi ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, hành vi sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị số để thực hiện hoạt động thương mại.

Hai là, pháp luật về thương mại điện tử có sự giao thoa của các quy phạm pháp luật ở nhiều ngành luật. Rõ ràng, quy định của pháp luật về thương mại điện tử sẽ bao gồm những quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực, ngành Luật: thương mại, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, ngân hàng, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuế… Cho dù pháp luật về thương mại điện tử tồn tại dưới dạng luật, pháp lệnh hay chỉ là một chế định pháp luật thương mại điện tử thì thực tiễn cho thấy rằng, bản thân các ngành luật khác nếu có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, cũng sẽ có những quy định đặc thù. Khi đó, tiêu chí lựa chọn áp dụng pháp luật nào, ngành Luật nào cũng cần được xem xét.

Ba là, pháp luật về thương mại điện tử có độ trễ nhất định nhưng nhanh chóng lạc hậu. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tốc độ đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ cũng như đào thảo công nghệ cũ, lạc hậu diễn ra nhanh chóng. Điều này khiến cho tồn tại xã hội luôn có những hành vi sử dụng, ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới vào mục đích thương mại ở trong trạng thái “chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật”. Nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải nỗ lực, cố gắng để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, những quy định của pháp luật về thương mại điện tử cũng rất nhanh chóng trở nên lạc hậu, lỗi thời bởi đặc thù nêu trên.

Bốn là, pháp luật về thương mại điện tử có đối tượng điều chỉnh bao gồm vật thể và phi vật thể. Tham gia trao đổi, mua bán trên môi trường mạng bao gồm tất cả sản phẩm của ngành sản xuất vật chất và phi vật chất, có vật hữu hình và vật vô hình, sản phẩm dịch vụ, sản phẩm nội dung số, phần mềm, ứng dụng, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ… Với sự phong phú, đa dạng của hàng hóa, dịch vụ tham gia như vậy, pháp luật thương mại điện tử có sự phức tạp hơn rất nhiều so với pháp luật thương mại truyền thống.

Năm là, pháp luật về thương mại điện tử được thực thi chủ yếu trên môi trường mạng. Để điều chỉnh hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng, các quy định của pháp luật về thương mại điện tử được thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm này. Như việc quy định hành vi giao kết, giao dịch điện tử; quy định việc trưng bày, giới thiệu, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trực tuyến;quy định việc thanh toán, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước; quy định công tác quản lý nhà nước; thu thập chứng cứ điện tử, xử lý vi phạm…

Pháp luật về thương mại điện tử có một số vai trò cơ bản sau:

Thứ nhất, pháp luật về thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thương mại nói chung và phát triển thương mại điện tử nói riêng. Bằng việc đề ra đường lối, chủ trương của mình, Đảng thực hiện lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật để cụ thể hóa đường lối, chủ trương đó.

Thứ hai, pháp luật về thương mại điện tử là cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, để các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời là căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Trên cơ sở quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, quy định về hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh trên môi trường mạng, quy định về mô hình hoạt động TMĐT,… pháp luật về thương mại điện tử xác định các hành vi vi phạm pháp luật thương mại điện tử và chế tài xử lý hành vi vi phạm (bao gồm xử lý hành chính và xử lý hình sự); xác định công tác quản lý nhà nước phải thực hiện như: Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử; tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử; tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử; tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử; thống kê về thương mại điện tử; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thứ ba, pháp luật về thương mại điện tử góp phần thúc đẩy hoàn thiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với đặc điểm là hoạt động trên môi trường mạng, không chỉ giới hạn ở các hoạt động kinh doanh điện tử hay hoạt động nhằm mục đích sinh lợi từ môi trường mạng, mà ngay cả các hoạt động của cơ quan nhà nước hiện nay cũng được ưu tiên thực hiện trên môi trường mạng như: cấp phép điện tử; tiếp nhận hồ sơ điện tử; khai thuế và nộp thuế điện tử; khai báo hải quan điện tử;… và các dịch vụ công trực tuyến khác. Qua đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh những hành vi giao dịch điện tử, sự tương tác trực tuyến, những mối quan hệ trên môi trường mạng cũng dần được hình thành. Từ sau thời điểm Quốc hội ban hành Luật Giao dịch điện tử, tiếp đến là việc liên tục ban hành các luật, pháp lệnh, chế định pháp luật, quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động trên môi trường mạng như: quy định về thương mại điện tử, quảng cáo điện tử, hóa đơn điện tử, thuế điện tử, thanh toán điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng, xử lý vi phạm trên môi trường mạng,… có thể thấy, hệ thống pháp luật về điều chỉnh hành vi tương tác trên môi trường mạng ngày càng được hoàn thiện.

Thứ tư, pháp luật về thương mại điện tử góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Quá trình xây dựng pháp luật, ban hành và thực hiện pháp luật về thương mại điện tử, tất yếu phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, lắng nghe ý kiến phản hồi để chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật. Để pháp luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức về pháp luật thương mại điện tử luôn được Nhà nước tiến hành thường xuyên, liên tục. Nhờ đó mà các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về thương mại điện tử, chủ động ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Thứ năm, pháp luật về thương mại điện tử góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thương mại quốc tế, thương mại đa biên, thương mại đa quốc gia thì Luật mẫu về thương mại điện tử nói chung và pháp luật về thương mại điện tử của từng quốc gia sẽ giúp các quốc gia thêm nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác kinh tế, trao đổi, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

2. Quan điểm hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về thương mại điện tử nói riêng.

Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử sẽ góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, đảm bảo tính thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử” là một trong những định hướng lớn về phát triển hạ tầng thương mại được nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do vậy, công tác hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải thể chế hóa được chủ trương này. Pháp luật thương mại điện tử phải tạo được sự công bằng đối với các chủ thể tham gia, phải xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, phải có chính sách phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp, vừa để tạo lập môi trường kinh doanh trực tuyến cạnh tranh, vừa để thu hút sự tham gia đông đảo của các thành phần kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải trên cơ sở kế thừa, phát huy những mặt tích cực và phù hợp của pháp luật về thương mại điện tử hiện hành; sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp; đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Nhận thức trong quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử phải đảm bảo khách quan, toàn diện, thực tiễn, phát triển, lịch sử - cụ thể. Đồng thời, việc tổng kết, đánh giá tác động của pháp luật về thương mại điện tử cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ, khoa học nhằm tìm ra những quy định tích cực, phù hợp, kích thích sự phát triển hoạt động thương mại điện tử, tạo lập môi trường kinh doanh trực tuyến cạnh tranh. Đến quá trình thực hiện pháp luật thương mại điện tử, quá trình đưa các quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế của các chủ thể tham gia thương mại điện tử cần phải phát hiện ra những bất cập, khó khăn, vướng mắc khi triển khai; phát hiện được những quy định bất hợp lý, bất khả thi; phát hiện những “lỗ hổng” của pháp luật thương mại điện tử mà các chủ thể tìm cách né tránh trách nhiệm trước pháp luật; phát hiện được những xung đột giữa quy phạm pháp luật thương mại điện tử với quy phạm của các ngành luật khác. Trên cơ sở đó, tiến hành hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải đảm bảo điều chỉnh, bao quát hết được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động thương mại điện tử, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về thương mại điện tử phải bao quát điều chỉnh được mọi quan hệ phát sinh, hành vi giao dịch, giao kết điện tử, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, điều kiện về hàng hóa, dịch vụ tham gia giao dịch, hành vi vi phạm,... hay các hoạt động thương mại khác trên môi trường mạng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cá nhân được Nhà nước trao quyền lập pháp, lập quy khi nghiên cứu xây dựng pháp luật về thương mại điện tử phải dự liệu được những vấn đề mới, có khả năng phát sinh như: sự xuất hiện trào lưu kinh doanh mới trên môi trường mạng, sự thay đổi khoa học công nghệ, sự phát triển nhu cầu sử dụng thiết bị di động trong đời sống kinh tế xã hội, nhu cầu giao dịch tài sản phi vật chất, tài sản ảo, nhu cầu sử dụng đồng tiền ảo trong thanh toán thương mại điện tử, sự phát triển kinh doanh nội dung số, hoạt động logistics điện tử,...

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải theo tinh thần cải cách hành chính.

Cải cách công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử phải được ưu tiên thực hiện trên môi trường mạng. Pháp luật thương mại điện tử phải thể chế hóa được nguyên tắc này. Các thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực thương mại điện tử cần thực hiện ở mức độ 4 (tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, giải quyết, xem xét hồ sơ trực tuyến, chấp nhận thanh toán trực tuyến phí, lệ phí nếu có). Pháp luật về thương mại điện tử phải có quy định cụ thể cho hoạt động giám sát trực tuyến các giao dịch điện tử trên môi trường mạng, giảm thời gian kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động, tạo môi trường để mọi người thực hiện quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử phải trên cơ sở tham khảo, chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo phù hợp, tương thích với các chuẩn mực, nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế.

Với nội dung, cấu trúc cơ bản dựa theo Luật mẫu Thương mại điện tử của UNCITRAL, pháp luật về thương mại điện tử Việt Nam đã kế thừa những nguyên tắc, quy định khung cơ bản điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Quá trình phát triển khoa học công nghệ trên thế giới tất yếu đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử ở từng quốc gia để kịp thời điều chỉnh những sự vật, hiện tượng phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử. Pháp luật về thương mại điện tử là một bộ phận của pháp luật thương mại quốc tế vì tính chất hoạt động không biên giới của nó và để phát huy hiệu quả, việc xây dựng pháp luật về thương mại điện tử phải phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Thương mại năm 2005.

2. Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

3. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.

4. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

5. Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử.

6. Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

7. Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 7/5/2014 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội.

THE ROLE OF E-COMMERCE LAW AND METHODS TO COMPLETE IT IN NEAR FUTURE

MA. LUONG TUAN NGHIA

Ha Noi Industry and Trade Department

ABSTRACT:

The law on e-commerce is a comprehensive legal framework that is closely interconnected, expressed in legal documents issued by competent state agencies in order to regulate the social relations that arise in the field of e-commerce or are related to the field of e-commerce. Until now, when referring to e-commerce activities, it is understood that commercial transactions using web (web-commerce) technology and mobile (mobile-commerce) technology by the characteristics of the type. This technology can support a complete e-commerce transaction, from displaying merchandise, services to on-line and after-sales payments, and online customer care. Therefore, the improvement of laws regulating e-commerce activities should pay special attention in the coming time.

Keywords: E-commerce, law, electronic transactions, information technology.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây