Đại dịch Covid – 19: Khi cả Thế giới bước vào “công trình” sản xuất máy thở

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (Xâm nhập và Không Xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trên Thế giới, từ các hãng sản xuất ô tô đến đơn vị lắp ráp cho Apple cũng đều đang chuyển sang “công trình” sản xuất máy thở nhằm chống lại đại dịch Covid – 19.

Sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt “Made in Vietnam”

Tập đoàn Vingroup cam kết sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 chiếc máy thở không xâm nhập để kịp thời chống dịch COVID-19.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở Không Xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Tập đoàn Vingroup triển khai sản xuất các loại máy thở
Tập đoàn Vingroup triển khai sản xuất các loại máy thở (Ảnh minh họa)

Việc cung ứng được chia thành 2 nhóm: Nhóm các linh kiện có thể mua được trên thị trường và nhóm các linh kiện Vingroup phải tự chế tạo, hoặc hợp tác/hỗ trợ các đối tác chế tạo do công suất sản xuất của họ đã hết.

Dự kiến các lô linh kiện của Máy thở Không Xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở Xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển tới Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.

Các máy máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các Máy thở Không Xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy Xâm nhập là 160 triệu đồng.

Đơn vị lắp ráp cho Apple tuyên bố “tham chiến”

Flex - một nhà sản xuất hợp đồng chuyên làm máy tính Apple đang bắt đầu lắp ráp hàng nghìn máy thở nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong đại dịch Covid-19.

Đối tác Apple đẩy mạnh sản xuất máy thở
Đối tác của Apple đẩy mạnh sản xuất 30.000 máy thở/tháng

Công ty có trụ sở tại San Jose, California này sẽ cho ra đời từ 25.000 - 30.000 máy thở một tháng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6. Mức sản lượng này tương đương với sản lượng đầu ra hàng năm của cả ngành công nghiệp. Dẫu vậy, nó vẫn chưa là gì so với nhu cầu tới 1 triệu máy thở hiện nay của Thế giới.

Flex tạo ra doanh thu hàng năm 2 tỷ USD bằng việc sản xuất các thiết bị y tế cho các công ty khác. Tuy nhiên, máy thở vốn không phải là sản phẩm được sản xuất bởi các công ty thiết bị y tế, nên đây được xem là một lĩnh vực mới với Công ty.

Các hãng sản xuất xe ô tô Thế giới “chuyển ngạch” sản xuất máy thở, khẩu trang y tế

Hãng General Motors cho biết sẽ hợp tác với công ty Ventec Life Systems - trụ sở tại Washington để sản xuất máy thở tại nhà máy GM 'Kokomo, Indiana, bắt đầu vào tháng 4, với mức 10.000 chiếc máy mỗi tháng, sản lượng khoảng 200.000 chiếc.

GM cũng sẽ sản xuất khẩu trang y tế tại cơ sở Warren, Michigan, bắt đầu từ đầu tháng 4 và tăng tới 50.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày, dự kiến khả năng tăng gấp đôi.

Hãng Ford cho biết sẽ hợp tác với GE Health để mở rộng sản xuất máy thở của GE, đồng thời nghiên cứu phát triển một mẫu sản phẩm đơn giản hơn để Ford có thể tự sản xuất tại nhà máy của mình.

Các hãng xe ô tô Thế giới cũng chuyển ngạch sang sản xuất máy thở
Các hãng xe ô tô Thế giới cũng "chuyển ngạch" sang sản xuất máy thở

Ford cũng sẽ làm việc với hãng 3M để gia tăng sản xuất mặt nạ chống độc của 3M, đồng thời phát triển một mẫu đơn giản hơn để sản xuất tại nhà máy của Ford, sản lượng có thể lên tới 100.000 chiếc/tuần.

Bên cạnh đó, Toyota Motor cũng đang hoàn tất các thỏa thuận với ít nhất hai công ty để giúp tăng sản lượng máy thở và mặt nạ phòng độc. Hãng dự kiến có thể bắt đầu sản xuất loại khẩu trang y tế đặc dụng này vào tuần tới và đang tìm kiếm đối tác để làm màng lọc cho khẩu trang.

Tại Ý, hãng siêu xe thể thao danh tiếng Ferrari cũng đang đàm phán với Siare Engineering, nhà sản xuất máy thở lớn nhất của nước này để tăng cường sản xuất thiết bị máy thở.

Một số hãng xe khác như Volkswagen, Mahindra, Tesla, Saic motor và Gac motor,vv..vv cũng đang bước vào “công trình” sản xuất máy thở để trợ cấp cho ngành Y tế Thế giới.

Ông John Carlson - Giám đốc giải pháp y tế của Flex cho rằng những Tập đoàn này có thể sẽ gặp khó khăn, bởi không có kinh nghiệm làm các thiết bị y tế và sẽ rất mất thời gian khi chuyển đổi dây chuyển nhà máy. "Tổng thể thì đây dường như là một vấn đề đơn giản nhưng các chi tiết lại khá phức tạp. Cả Thế giới đang nỗ lực giải quyết vấn đề này, hy vọng mọi thứ sẽ ổn". Ông John chia sẻ.

Máy thở được xem là một thiết bị y tế cần thiết trong cuộc chiến chống Covid - 19, đặc biệt đối với những bệnh nhân khó thở do nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.

Tính đến nay, trên Thế giới đã có 1.119.198 ca nhiễm Covid - 19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1/6 số người bệnh Covid-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống. 

Thuỳ Linh (TH)