Đại dịch, xung đột có thể định hình lại thương mại toàn cầu trong dài hạn

Nhiều chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể khiến chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu thay đổi vĩnh viễn. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có thể hưởng lợi khi các chuỗi cung ứng tái định hình.

Tái định hình thương mại toàn cầu

Thương mại toàn cầu
Giới phân tích nhận định thương mại toàn cầu sẽ tái định hình thành hai hoặc nhiều khối riêng biệt trong thời gian tới dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine (Ảnh: Arabian Business)

Giới phân tích nhận định việc bùng nổ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể khiến nhiều nước can nhắc về việc cần phải có thêm các đối tác thương mại tin cậy. Cuộc xung đột này đã và đang khiến dòng chảy thương mại của nhiều loại hàng hoá như dầu thô, lúa mì, kim loại, phân bón… được định hình lại trên cấp độ toàn cầu.

Đơn cử, việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu phần lớn dầu thô nhập khẩu từ Nga qua đường biển đang buộc Nga phải đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang các đối tác châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, EU phải tăng cường tìm kiếm nguồn cung dầu thô từ Hoa Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh.

Đối với các loại ngũ cốc, hàng triệu tấn lúa mì của Ukraine đang bị kẹt lại tại nước này do các cảng tại Biển Đen bị phong toả, khiến giá lúa mì toàn cầu chạm mức cao kỷ lục. Trước khi xảy ra xung đột với Nga, các cảng ở Biển Đen của Ukraine xử lý khoảng 90% lượng xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Hiện tại, Ukraine đang phải tìm cách vận chuyển ngũ cốc qua hệ thống đường sắt nối với các quốc gia EU.

"Những yếu tố này có thể định hình lại thương mại toàn cầu trong dài hạn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ khu vực hóa, các chuỗi cung ứng ngắn hơn với những đối tác tin cậy", ông Peter Martin, Giám đốc nghiên cứu tại hãng tư vấn Wood Mackenzie (Anh), nhận định.

Theo ông Peter Martin, đây sẽ không phải là dấu chấm hết của xu hướng toàn cầu hoá nhưng thương mại toàn cầu sẽ tái định hình thành hai hoặc nhiều khối riêng biệt. Khối đầu tiên sẽ bao gồm Hoa Kỳ, EU và các đồng minh như Anh và Nhật Bản - những quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.

Khối còn lại sẽ là các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ - những nước sẽ duy trì giao thương với cả các nước phương Tây và với Nga. Những quốc gia này được nhận định có thể đẩy mạnh nhập khẩu năng lượng và tài nguyên từ Nga nhưng sẽ vẫn càn duy trì mối quan hệ tốt với các thị trường xuất khẩu tiềm năng của phương Tây.

Ông Andrius Tursa, cố vấn thị trường Trung và Đông Âu tại hãng tư vấn Teneo Intelligence (Hoa Kỳ), nhận định hoạt động giao thương bằng đường bộ và đường biển trên toàn cầu cũng  sẽ bị ảnh hưởng. Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra, các doanh nghiệp đều tránh khu vực Biển Đen, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng ở châu Âu.

Đông Nam Á  có thể hưởng lợi

Ông Peter Martin nhận định việc hoạt động thương mại toàn cầu tái định hình có thể giúp một số khu vực như Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi hưởng lợi. Trong khi đó, Nga được dự báo sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất ngay cả khi nước này có thể chuyển hướng một phần các hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid (Không ca nhiễm Covid-19) với các đợt phong toả nghiêm ngặt trong khi phần còn lại của thế giới đã tái mở cửa cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành vận tải biển toàn cầu và gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Báo cáo mới nhất của Hinrich Foundation cho biết “Mọi người bắt đầu thảo luận về sự phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng phát. Những gián đoạn mới đây đã khiến nhiều quốc gia đánh giá lại về mức độ rủi ro đối với chuỗi cung ứng của mình”. Hinrich Foundation là tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững.

Theo đó, Nhật Bản và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng của mình trong hệ thống thương mại toàn cầu mà không khiến chi phí tăng lên quá cao. Đông Nam Á đang trở thành một trong những địa điểm lý tưởng để các quốc gia này tái bố trí chuỗi cung ứng.

Ông Stewart Paterson, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, cho biết “Với mức GDP bình quân đầu người đạt 4.500 USD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đem đến nguồn lao động có chi phí thấp hơn so với Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Jason McMann, Trưởng bộ phận Phân tích rủi ro địa chính trị của Morning Consult (Hoa Kỳ), cho biết Một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất về gần nước hơn, nhằm hạn chế tình trạng giao hàng chậm do đóng cửa nhà máy, nguồn cung lao động và nhiều yếu tố khác".

Quỳnh Trang