Đắk Nông đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản

Đắk Nông là tỉnh nằm trong khu vực Tây nguyên, có sản phẩm nông nghiệp khá đa dạng và được chia 3 nhóm chính với 23 sản phẩm. Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh có 4 sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, nhóm  sản phẩm tiềm năng có 3 sản phẩm cây dược liệu, mắc ca, bò thịt và Nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương có 16 sản phẩm, gồm: sầu riêng, bơ, heo thịt,…

Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Ogarnic…. 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng nông sản của Đắk Nông dự kiến đạt 507,3 triệu USD , chiếm 71,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, đối với nhóm sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều là sản phẩm chủ lực của tỉnh có diện tích, sản lượng lớn; kênh tiêu thụ phục vụ chế biến trong nước hoặc xuất khẩu. Trong đó, cà phê ước đạt 113,3 triệu USD, điều nhân ước đạt 166,4 triệu USD, tiêu đen ước đạt 102 triệu USD, chanh dây 0,8 triệu USD, đậu phụng, nhân điều sấy 0,8 triệu USD; Sản phẩm nông sản khác: quế, gừng, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười…là 113 triệu USD…

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong khâu vận tải hàng hóa, trung chuyển, giao nhận hàng hóa xuất khẩu, nhu cầu của đối tác nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó, một số nước thay đổi, bổ sung chính sách thương mại. Cùng với đó, những quy định giá sàn xuất khẩu, tăng mạnh thuế, giá tối thiểu nhập, quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa, đóng gói, nhãn mác nông sản, thực phẩm nhập khẩu qua biên giới của Trung Quốc cũng đã ít nhiều làm khó doanh nghiệp.

Đối với nhóm sản phẩm trái cây, rau củ như sầu riêng, bơ, xoài, chanh dây, rau của quả,...; Nhóm này có diện tích và sản lượng lớn chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, thời gian bảo quản ngắn và thường thu hoạch tập trung theo mùa vụ nên người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây ăn quả chưa bền vững. Đây là nhóm sản phẩm chịu nhiều tác động từ thị trường.

Từ thực trạng và những khó khăn nêu trên, để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Cụ thể:

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, xác định thị trường trong nước là trung tâm. Tiếp tục tổ chức các Hội nghị trực tuyến xúc tiến các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch, có sản lượng lớn nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước; tăng cường các hoạt động kết nối theo vùng, khu vực vào các mùa vụ của sản phẩm có số lượng lớn để kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương vào các hệ thống phân phối lớn trên cả nước cũng như các nhà thu mua nông sản làm nguyên liệu đầu vào để chế biến xuất khẩu.

Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại) tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống; tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các nhà cung ứng địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các nhà cung ứng địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Nghiên cứu bổ sung chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các khoản vay ưu đãi.

Đắk Nông cũng đề xuất với Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số thông qua việc đề nghị các sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn TMĐT). Ưu tiên hiển thị nhu yếu phẩm, các sản phẩm phòng dịch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương vào vụ thu hoạch trên các sàn TMĐT, tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến

Hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; Hỗ trợ và ưu tiên thương nhân kinh doanh nông sản tham gia chương trình: Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia, Gian hàng cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, ngày mua sắm trực tuyến Quốc gia và tham gia các sàn thương mại quốc tế.

Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chế biến hàng xuất khẩu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước và tiêu thụ các loại nông sản có lợi thế xuất khẩu tại các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Đông,...;

Tỉnh cũng đề xuất được tăng cường cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tiếp cận, có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn bị tác động bởi dịch bệnh.

Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm rau củ quả, trái cây, không ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa, đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm; Đề nghị các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị đầu mối thu mua, quan tâm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm, chợ đầu mối, sàn giao dịch thương mại điện tử...;

Tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị các Bộ ngành quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tìm kiếm đối tác, thị trường xuất khẩu mới để tiêu thụ các sản phẩm nông sản như: tiêu, cà phê, hạt điều; đồng thời thúc đẩy sớm hơn việc đám phán với các nước như Trung Quốc và một số nước trên thế giới mở cửa cho các loại trái cây của Việt Nam (trong đó có một số loại trái cây như Sầu riêng và Bơ,…) được nhập khẩu vào các nước bạn.

Lê Minh Tuấn