Đánh giá cộng đồng tham gia sản xuất gạch gốm trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long dựa trên năm nguồn vốn cơ bản của khung sinh kế bền vững

TS. LÊ LONG HẬU (Khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ) và TS. LÊ PHÚ QUỚI (Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Vĩnh Long)

TÓM TẮT:

Sử dụng số liệu thu thập trực tiếp từ 786 hộ gia đình trong cộng đồng tham gia sản xuất gạch gốm trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nghiên cứu đã đánh giá hiện trạng 5 nguồn vốn sinh kế cơ bản của cộng đồng này. Kết quả cho thấy nguồn vốn sinh kế trong ngũ giác tài sản sinh kế của hộ gia đình các xã trong huyện Mang Thít nhìn chung đều ở mức trung bình thấp, chưa tạo được tiền đề mạnh cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có liên quan làm cơ sở khoa học khi xây dựng và triển khai các chương trình đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.

Từ khóa: Nguồn lực sinh kế, sản xuất gạch gốm, tỉnh Vĩnh Long.

1. Giới thiệu

Từ lâu, Vĩnh Long được mệnh danh là “Vương quốc gạch, ngói” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Được sự ưu đãi của tự nhiên, hàng năm, Vĩnh Long được dòng Tiền Giang bồi tụ phù sa, hình thành nên những mỏ sét nguyên sinh quý giá. Như món quà tặng của thiên nhiên, người Vĩnh Long đã biến nó thành những làng nghề gạch-ngói có giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, nghề làm gạch ngói xuất hiện ở Vĩnh Long từ rất sớm. Theo thống kê năm 2009, tại huyện Mang Thít số cơ sở sản xuất gạch ngói là 1.326 và sản xuất gốm là 48 cơ sở; thu hút trên 16.000 lao động, chiếm 34,72% tham gia ngành nghề nông thôn1. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và xu hướng thương mại hóa toàn cầu ngày càng phổ biến, các sản phẩm gạch-gốm của Mang Thít phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ2. Hiện nay, lao động tham gia trong ngành này đã gặp rất nhiều khó khăn, một số lượng không nhỏ đã phải rời địa phương đi nơi khác để mưu sinh, làm thuê, làm mướn và rơi vào tình trạng đời sống bấp bênh, trong khi nhóm còn ở lại địa phương thì rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tình hình khó khăn này đã kéo theo nhiều vấn đề kinh tế-xã hội là một bài toán không dễ dàng để tìm lời đáp cho các cơ quan ban ngành quản lý ở địa phương. Xuất phát từ thực tiễn trên, việc đánh giá thực trạng của cộng đồng này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có liên quan làm cơ sở khoa học khi xây dựng và triển khai các chương trình đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng tham gia sản xuất gạch-gốm ở huyện Mang Thít, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.

Trong phạm vi bài viết này, năm nguồn vốn hay tài sản sinh kế trong khung sinh kế bền vững (DFID, 1999) (bao gồm vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn xã hội và vốn tự nhiên) của các hộ gia đình trong cộng đồng sản xuất gạch gốm sẽ được đánh giá nhằm làm nổi bật những đặc điểm chính về hiện trang thu nhập và đời sống xã hội của cộng đồng này.

2. Phương pháp tiếp cận và dữ liệu

2.1. Phương pháp tiếp cận

Khung phân tích sinh kế bền vững đề cập đến các yếu tố và thành tố hợp thành sinh kế. Đó là: (1) Các ưu tiên mà con người có thể nhận biết được; (2) Các chiến lược mà con người lựa chọn để theo đuổi các ưu tiên đó; (3) Các thể chế, chính sách và tổ chức quyết định đến sự tiếp cận của họ đối với các loại tài sản hay cơ hội và các kết quả mà họ thu được; (4) Các tiếp cận của họ đối với năm loại vốn và khả năng sử dụng hiệu quả các loại vốn mình có; (5) Bối cảnh sống của con người, bao gồm các xu hướng kinh tế, công nghệ, dân số, các cú sốc và mùa vụ (Ashley and Carney, 1999, tr. 6). Thành phần cơ bản của khung phân tích sinh kế gồm các nguồn vốn (tài sản sinh kế); chính sách, tiến trình thay đổi cấu trúc; bối cảnh dễ tổn thương, chiến lược sinh kế và kết quả của chiến lược sinh kế đó.

Nguồn vốn hay tài sản sinh kế: Là toàn bộ năng lực vật chất và phi vật chất mà con người có thể sử dụng để duy trì hay phát triển sinh kế của họ. Nguồn vốn hay tài sản sinh kế được chia làm 5 loại vốn chính: vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn xã hội và vốn tự nhiên (DFID, 1999, tr.7).

+ Vốn con người (Human capital): Vốn con người là khả năng, kỹ năng, kiến thức làm việc và sức khỏe để giúp con người theo đuổi những chiến lược sinh kế khác nhau nhằm đạt được kết quả sinh kế hay mục tiêu sinh kế của họ. Với mỗi hộ gia đình, vốn nhân lực biểu hiện ở trên khía cạnh lượng và chất về lực lượng lao động ở trong gia đình đó. Vốn nhân lực là điều kiện cần để có thể sử dụng và phát huy hiệu quả bốn loại vốn khác.

+ Vốn tài chính (Financial capital): Vốn tài chính là các nguồn tài chính mà người ta sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu trong sinh kế. Các nguồn đó bao gồm nguồn dự trữ hiện tại, dòng tiền theo định kỳ và khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài như từ người thân hay từ các tổ chức tín dụng khác nhau.

+ Vốn tự nhiên (Natural capital): Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước,… mà con người có được hay có thể tiếp cận được nhằm phục vụ cho các hoạt động và mục tiêu sinh kế của họ. Nguồn vốn tự nhiên thể hiện khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra thu nhập phục vụ cho các mục tiêu sinh kế của họ. Đây có thể là khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn vốn tự nhiên thể hiện qui mô và chất lượng đất đai, qui mô và chất lượng nguồn nước, qui mô và chất lượng các nguồn tài nguyên khoáng sản, qui mô và chất lượng tài nguyên thủy sản và nguồn không khí.

+ Vốn vật chất (Physical capital): Vốn vật chất bao gồm cơ sở hạ tầng cơ bản và hàng hóa vật chất nhằm hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động sinh kế. Nguồn vốn vật chất thể hiện ở cả cấp cơ sở cộng đồng hay cấp hộ gia đình. Trên góc độ cộng đồng, đó chính là cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ cho sinh kế của cộng đồng hay cá nhân gồm hệ thống điện, đường, trường trạm, hệ thống cấp nước và vệ sinh môi trường, hệ thống tưới tiêu và hệ thống chợ. Đây là phần vốn vật chất hỗ trợ cho hoạt động sinh kế phát huy hiệu quả. Ở góc độ hộ gia đình, vốn vật chất là trang thiết bị sản xuất như máy móc, dụng cụ sản xuất, nhà xưởng hay các tài sản nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như nhà cửa và thiết bị sinh hoạt gia đình.

+ Vốn xã hội (Social capital): Vốn xã hội là một loại tài sản sinh kế. Nó nằm trong các mối quan hệ xã hội (hoặc các nguồn lực xã hội) chính thể và phi chính thể mà qua đó người dân có thể tạo ra cơ hội và thu được lợi ích trong quá trình thực thi sinh kế.

Nguồn vốn sinh kế không chỉ thể hiện ở trạng thái hiện tại mà còn thể hiện khả năng thay đổi trong tương lai. Chính vì thế khi xem xét vốn, con người không chỉ xem xét hiện trạng các nguồn vốn sinh kế mà cần có sự xem xét khả năng hay cơ hội thay đổi của nguồn vốn đó như thế nào ở trong tương lai.

Chính sách, tiến trình thay đổi cấu trúc: Đây là yếu tố thể chế, tổ chức, chính sách và luật pháp xác định hay ảnh hưởng khả năng tiếp cận đến các nguồn vốn, điều kiện trao đổi của các nguồn vốn và thu nhập từ các chiến lược sinh kế khác nhau. Những yếu tố trên có tác động thúc đẩy hay hạn chế đến các chiến lược sinh kế. Chính vì thế sự hiểu biết các cấu trúc, tiến trình có thể xác định được những cơ hội cho các chiến lược sinh kế thông qua quá trình chuyển đổi cấu trúc (DFID, 1999).

Bối cảnh dễ bị tổn thương: Đó chính là những thay đổi, những xu hướng, tính mùa vụ. Những nhân tố này con người hầu như không thể điều khiển được trong ngắn hạn. Vì vậy trong phân tích sinh kế không chỉ nhấn mạnh hay tập trung lên khía cạnh người dân sử dụng các tài sản như thế nào để đạt mục tiêu mà phải đề cập được ngữ cảnh mà họ phải đối mặt và khả năng họ có thể chống chọi đối với những thay đổi trên hay phục hồi dưới những tác động trên (DFID, 1999).

Chiến lược sinh kế là sự phối hợp các hoạt động và lựa chọn mà người dân sử dụng để thực hiện mục tiêu sinh kế của họ hay đó là một loạt các quyết định nhằm khai thác hiệu quả nhất nguồn vốn hiện có. Đây là một quá trình liên tục nhưng những thời điểm quyết định có ảnh hưởng lớn lên sự thành công hay thất bại đối với chiến lược sinh kế. Đó có thể là lựa chọn cây trồng vật nuôi, thời điểm bán, sự bắt đầu đối với một hoạt động mới, thay đổi sang một hoạt động mới hay thay đổi qui mô hoạt động (DFID, 1999).

Kết quả của sinh kế: Đó là mục tiêu hay kết quả của các chiến lược sinh kế. Kết quả của sinh kế nhìn chung là cải thiện phúc lợi của con người nhưng có sự đa dạng về trọng tâm và sự ưu tiên. Đó có thể cải thiện về mặt vật chất hay tinh thần của con người như xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập hay sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Cũng tùy theo mục tiêu của sinh kế mà sự nhấn mạnh các thành phần trong sinh kế cũng như những phương tiện để đạt được mục tiêu sinh kế giữa các tổ chức, cơ quan sẽ có những quan niệm khác nhau. Để đạt được các mục tiêu, sinh kế phải được xây dựng từ một số lựa chọn khác nhau dựa trên các nguồn vốn và tiến trình thay đổi cấu trúc của họ (DFID, 1999).

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 800 hộ gia đình là các tác nhân mang tính chất liên kết chuỗi trong hoạt động sản xuất gạch/gốm bao gồm chủ lò, người lao động, người cung ứng nguyên vật liệu và người phân phối sản phẩm. Sau khi hoàn tất điều tra, có 14 phiếu bị loại bỏ do thiếu thông tin, hoặc thông tin thiếu tin cậy. Kết quả, số phiếu còn lại được sử dụng để phân tích là 786.

3. Kết quả và thảo luận

Dựa vào khung phân tích sinh kế (5 nhóm tài sản) và tình hình thực tế tại vùng khảo sát, tác giả đưa ra 11 tiêu chí để phân tích sinh kế của cộng đồng tham gia sản xuất gạch gốm trên địa bàn huyện Măng Thít. Thông tin và số liệu được trình bày cụ thể ở bảng sau:

Theo số liệu khảo sát, trung bình mỗi hộ trên địa bàn có trên 4 thành viên với độ tuổi trung bình là 27,09 tuổi và trình độ giáo dục đạt ở mức lớp 6-7. Với quy mô, độ tuổi và trình độ của cộng đồng tham gia sản xuất gạch gốm hiện nay, sẽ rất khó để tập huấn cho nông hộ về các kỹ thuật và phương thức sản xuất mới khi muốn chuyển đổi sinh kế cho nông hộ. Vốn con người của các đối tượng được khảo sát khá tương đồng nhau ở các chỉ tiêu, riêng chỉ có độ tuổi bình quân của đối tượng người lao động là thấp nhất (22,99 tuổi) và trình độ của nhà phân phối khá thấp (chưa tốt nghiệp tiểu học).

Với diện tích đất bình quân mỗi hộ là 2.742 m2 và được đánh giá là đất có chất lượng vừa trên trung bình, ở mức bình quân là 2,06 (1: kém, 2: trung bình, 3: tốt), theo số liệu khảo sát trên 1/4 là đất ruộng, phần đất còn lại dùng để trồng cây lâu năm và để ở. Nếu xét theo diện tích đất bình quân đầu người chỉ khoảng 677 m2/người, mức rất thấp để có thể đưa khoa học kỹ thuật vào để sản xuất nông nghiệp. Trong các đối tượng được khảo sát, chủ lò và người cung ứng có diện tích đất bình quân cao nhất với gần 5.000 m2/hộ chủ lò và gần 4.000 m2/hộ cung ứng; xét về độ phì nhiêu, đất của người phân phối và người cung ứng có độ phì nhiêu tốt hơn so với đối tượng chủ lò và người lao động.

Vốn vật chất của cộng đồng sản xuất gạch gốm hiện nay rất tốt, trung bình mỗi người có hơn một chiếc điện thoại di động dùng để thông tin, nắm bắt thông tin. Mỗi hộ có trung bình 4,42 chiếc điện thoại, trong khi số nhân khẩu trung bình mỗi hộ là 4,05 người/hộ. Đáng chú là đối tượng người lao động lại có số lượng điện thoại bình quân trên hộ cao nhất với 5,37 chiếc ĐTDĐ/hộ, nhưng đa phần các điện thoại di động có giá trị không cao, chứng tỏ nhu cầu liên lạc để có tìm kiếm việc làm của các lao động này khá cao. Ngược lại, số lượng tivi bình quân hộ lại khá thấp (0,96 tivi/hộ), cho thấy có nhiều hộ không có tivi để làm phương tiện nghe nhìn. Ngoài điện thoại di động, ti vi là phương tiện truyền thông chính mà mỗi hộ sử dụng để theo dõi tình hình kinh tế chính trị xã hội trong và ngoài nước (có 1,06 tivi/hộ). Có 98,38% hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, từ đó tạo điều kiện cho các hộ sắm nhiều tài sản phục vụ sinh hoạt hàng ngày như tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… và hầu hết các tài sản này được mua chủ yếu từ tiền tích lũy trong quá trình lao động của nông hộ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tương đối tốt, bình quân mỗi người trong cộng đồng có 26,02 m2 để ở, trong đó đối tượng chủ lò là hộ có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao nhất (41,74 m2/người) và người lao động là đối tượng có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp nhất (18,85 m2/người).

Tài sản dùng cho sản xuất là tài sản của hộ được dùng để tạo ra thu nhập cho hộ, như máy móc, thiết bị dùng để làm gạch, làm gốm của đối tượng chủ lò; máy cày, máy kéo, phương tiện khai thác đất, phương tiện vận tải của người lao động, người phân phối và người cung ứng. 84,96% giá trị tài sản dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng được hình thành từ nguồn tiết kiệm. Theo dữ liệu điều tra, chủ lò là đối tượng có nhiều tài sản dùng cho sản xuất và phần lớn hình thành từ nguồn tiền tiết kiệm, trong khi đó đối tượng người phân phối có ít tài sản dùng cho sản xuất và chỉ 2/3 tài sản hình thành từ nguồn tiết kiệm, còn lại là thuê mướn và vay tiền để hình thành tài sản. Ngoài tiền tiết kiệm, vốn vay là một nguồn tài trợ không thể thiếu để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, có 28,00% hộ có sử dụng vốn vay, trong đó có 89,29% vay từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, chứng tỏ đây là nguồn vỗn rất quan trọng.

Các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… là nơi tập hợp sinh hoạt chung các đối tượng có cùng điều kiện, đây cũng là một kênh hỗ trợ vốn cho các hộ (8,93% hộ có vay vốn vay từ các tổ chức đoàn hội). Có 28,38% hộ có tham gia các tổ chức đoàn hội, tỷ lệ nông hộ tham gia khá thấp là do họ phải mất nhiều thời gian để sinh hoạt và không thấy được nhiều lợi ích từ việc tham gia các tổ chức này. Tỷ lệ đối tượng là người phân phối tham gia vào các tổ chức đoàn thể cao nhất (58,82%) cho thấy họ có ý thức về việc nắm bắt thông tin từ các tổ chức này để phục vụ cho hoạt động sinh kế.

4. Kết luận và khuyến nghị

Qua phân tích ta thấy rằng các nguồn vốn sinh kế trong ngũ giác tài sản sinh kế của hộ gia đình các xã trong huyện Mang Thít nhìn chung đều ở mức trung bình thấp, chưa tạo được tiền đề mạnh cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy vậy, vốn tài chính, vốn tự nhiên và vốn vật chất của cộng đồng tham gia sản xuất gạch gốm tương đối tốt. Đa phần tài sản sinh hoạt của các hộ được hình thành từ nguồn tiết kiệm, độ phì nhiêu của đất được đánh giá là tốt và hầu hết các hộ đều có đầy đủ phương tiện tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, diện tích đất bình quân đầu người khá thấp (khoảng 677m2/người) và đa phần mặt bằng đất dùng cho hoạt động sản xất gạch gốm, khó cải tạo để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân đang trong độ tuổi sung sức về lao động (tuổi trung bình 27,09 tuổi) nhưng trình độ học vấn lại khá thấp (lớp 6-7) và ít tham gia các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương (chỉ 28,38% có tham gia), điều này cho thấy khó khăn trong việc tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho cộng đồng ■

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Theo đề án “Tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long.”

2https://sites.google.com/site/vanphongttbaoktnttaivinhlong/bai-viet/vinhlongvoilotrinhchuyendhoitapquansanxuatgachdhatsetnung (Truy cập ngày 10/9/2015).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ashley, Caroline and Diana Carney, 1999. Sustainable livelihoods: Lessons from early experience, UK.

2. DFID, 1999. Sustainable Livelihoods Guidance Sheets. http://www.nssd.net/references/SustLiveli/DFIDapproach.htm#Guidance.

3. Scoones, I. (1998) Sustainable Rural Livelihoods: A Framework for Analysis, Working Paper 72, Brighton, UK: Institute for Development Studies.

EVALUATING THE CERAMIC TILE PRODUCTION COMMUNITY

IN MANG THIT DISTRICT, VINH LONG PROVINCE BASED ON FIVE MAJOR

LIVELIHOOD RESOURCE OF THE SUSTAINABLE

LIVELIHOOD FRAMEWORK

● Ph.D. LE LONG HAU

Faculty of Economics, Can Tho University

● Ph.D. LE PHU QUOI

President & Director of Petrolimex Vinh Long

ABSTRACT:

By analyzing data collected directly from 786 households in a ceramic tile production community in Mang Thit district, Vinh Long province, this study evaluate the current status of five major livelihood resources of this communitys households. The result shows that the amount of capital for living among five major livelihood resources of these households is quite low and cannot sustain the development of household economy. The result is expected to provide important information for local authorities and relevant agencies to develop and implement programs that diversify livelihood resources of the community. It will contribute to increase the income and stabilize the local living and economic development.

Keywords: Livelihood resources, ceramic tile production, Vinh Long province.