TÓM TẮT:

Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho Nhà nước mà doanh nghiệp (DN) phải nộp theo quy định của pháp luật. DN được chủ động trong quá trình thực thi nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế không can thiệp vào quá trình này, nhưng sẽ tiến hành đánh giá để chọn lọc các đối tượng có rủi ro cao về thuế để kiểm tra, thanh tra, và áp dụng các biện pháp xử phạt nếu có vi phạm pháp luật về thuế. Vì vậy, để kiểm soát rủi ro về thuế một cách hiệu quả, DN cần nhận diện một cách đầy đủ các rủi ro về thuế và có các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy một số nghiệp vụ có tới 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không nhận diện được rủi ro về thuế hoặc chỉ nhận diện ở mức độ ban đầu. Do đó, việc tiến hành nghiên cứu để đánh giá khả năng nhận diện rủi ro cũng như tính hữu hiệu của các hoạt động kiểm soát rủi ro về thuế của các DNNVV rất có ý nghĩa thực tiễn và đó cũng là mục tiêu của bài nghiên cứu này.

Từ khóa: Khả năng nhận diện, kiểm soát rủi ro về thuế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Tuân thủ pháp luật về thuế là nghĩa vụ của DN đối với nhà nước. Từ những công bố của ngành Thuế cho thấy rất nhiều DN vi phạm nghĩa vụ này mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu thông tin về chính sách thuế, hiểu và vận dụng chưa đúng các quy định về thuế, chậm trễ trong việc thực thi nghĩa vụ thuế... Tình trạng trên đồng nghĩa với việc cơ quan thuế gặp phải rủi ro trong công tác quản lý thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. Để kiểm soát vấn đề này, Chính phủ đã từng bước xây dựng hành lang pháp lý toàn diện và chặt chẽ nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý thuế. Thông qua việc kiện toàn các văn bản pháp luật (VBPL) về thuế, tiến hành triển khai việc khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; ban hành và đưa vào áp dụng quy trình quản trị rủi ro về thuế trong công tác quản lý thuế, nâng cao mức xử phạt cho các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Tất cả những việc này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát rủi ro về thuế. Đứng ở góc độ DN thì điều này đồng nghĩa với việc DN sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan chức năng trong việc tuân thủ pháp luật thuế, nhiều khả năng phải đối mặt với những khoản thuế bị truy thu, các mức phạt nặng nề từ hành vi vi phạm pháp luật thuế nếu không có biện pháp nhận diện và kiểm soát rủi ro về thuế một cách hữu hiệu.

Theo kết quả điều tra năm 2017 của Tổng cục Thống kê thì số lượng DNNVV chiếm khoảng 98.1% trong tổng số DN. Mặc dù chiếm số đông nhưng các DN này lại yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, thiếu kinh nghiệm tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật thuế nên sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương khi bị xử lý về thuế. Nhận diện đúng các rủi ro về thuế và thực hiện các hoạt động kiểm soát rủi ro (HĐKSRR) phù hợp là vấn đề mà các DNNVV cần nghiên cứu thực hiện nhằm giảm thiểu rủi ro về thuế. Từ thực tế trên, nghiên cứu này tiến hành đánh giá khả năng nhận diện rủi ro về thuế, đánh giá các biện pháp mà DNNVV sử dụng để kiểm soát rủi ro về thuế. Từ đó, giúp DN nhìn nhận các rủi ro về thuế một cách đúng đắn cũng như xác định các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Rủi ro có mặt ở khắp nơi, là một phần trong đời sống của mọi cá nhân cũng như các tổ chức trong xã hội. "Rủi ro là những điều không chắc chắn của những kết quả trong tương lai hay là những khả năng của kết quả bất lợi".[1]

Quy trình kiểm soát rủi ro là một quá trình được thiết kế bởi các nhà quản lý và nhân viên của một tổ chức để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý trong việc ngăn ngừa, hạn chế các rủi ro. Quy trình gồm các bước: (1) Xác định mục tiêu, (2) Nhận diện rủi ro, (3) Phân tích đánh giá rủi ro, (4) Hoạt động kiểm soát.

Thuế là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước theo luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Rủi ro về thuế là vấn đề được nhiều đối tượng quan tâm. Dưới góc độ DN, theo Arlinghause (1998), rủi ro về thuế là việc có thể xảy ra số thuế phải nộp khác với số thuế mà DN kỳ vọng vì nhiều lý do khác nhau.

Nghiên cứu rủi ro về thuế và các biện pháp kiểm soát rủi ro về thuế, DN cần quan tâm đến đặc thù công tác quản lý của ngành Thuế hiện nay:

- Cơ chế tự khai tự nộp thuế là cơ chế quản lý thuế mà ngành Thuế đang áp dụng. Cơ chế này được xây dựng dựa trên nền tảng, là sự tuân thủ tự nguyện của đối tượng nộp thuế và kỹ thuật quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Trong đó, đối tượng nộp thuế tự giác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và VBPL thuế để tự xác định nghĩa vụ thuế và tự kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Đối tượng nộp thuế chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của việc kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế không can thiệp vào quá trình thực thi nghĩa vụ thuế của DN mà sẽ tiến hành phân tích, chọn lọc đối tượng có rủi ro cao về thuế theo tiêu chí mà ngành Thuế đề ra để tiến hành thanh tra, kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo luật định nếu có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

- Quản trị rủi ro trong quản lý thuế: Từ năm 2012 đến nay ngành Thuế liên tục ban hành các văn bản pháp luật từ Luật, Nghị định, Quyết định, cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là nội dung quy định, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Theo đó, ngành Thuế sẽ áp dụng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý thuế cho cơ quan thuế các cấp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong các nghiệp vụ: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.

Căn cứ vào bộ tiêu chí và bộ chỉ số, cơ quan thuế sẽ tiến hành phân tích, đánh giá để chọn lọc đối tượng nộp thuế được xem là có rủi ro về thuế cao để lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chủ yếu được sử dụng để xử lý số liệu là thống kê mô tả. Nghiên cứu khai thác các dữ liệu thứ cấp từ các sách, báo, tạp chí, văn bản pháp luật đã được liệt kê cụ thể trong danh mục tài liệu tham khảo. Ngoài ra, thu thập số liệu sơ cấp bằng việc phỏng vấn các đối tượng nghiên cứu được thiết kế phù hợp các mục tiêu nghiên cứu. Cụ thể, lựa chọn và khảo sát mẫu thuận tiện gồm 100 DNNVV ở tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh. Đại diện DN là kế toán trưởng hoặc quản lý kế toán cung cấp các thông tin trên bảng hỏi được thiết kế đề cập đến khả năng nhận diện rủi ro về thuế và các hoạt động kiểm soát được áp dụng. Bên cạnh đó, đối tượng khảo sát phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

Thứ nhất: Đối tượng được xác định theo tiêu chí của DNNVV được quy định tại điều 6 Thông tư số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018.

Thứ hai: DN thuộc đối tượng tự tổ chức, thực hiện công tác kế toán, thuế. Trong trường hợp DN không tự thực hiện mà thuê công ty dịch vụ đảm nhận các công việc kế toán, thuế sẽ không thuộc đối tượng khảo sát.

3. Đánh giá khả năng nhận diện và kiểm soát rủi ro về thuế của DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh

3.1. Đối với  việc nhận diện bước đầu rủi ro về thuế

Tất cả các DN thuộc đối tượng khảo sát đều cho rằng rủi ro về thuế xảy ra khi: DN là đối tượng thanh tra - kiểm tra thuế và không tuân thủ pháp luật về thuế.

Về căn cứ lựa chọn đối tượng thanh tra, chỉ 18% DN khảo sát hiểu rằng cơ quan thuế thực hiện lựa chọn nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra dựa trên việc tính toán, phân tích các tiêu chí và thước đo mà ngành Thuế đặt ra, các đối tượng còn lại cho rằng sẽ bị kiểm tra với tần suất tối đa 5 năm một lần cho tất cả các nghiệp vụ thuế. Do chưa hiểu đúng về rủi ro nên DN khảo sát kém chủ động trong việc thiết kế và thực hiện các HĐKS nhằm né ránh rủi ro này. DN cần nghiên cứu hệ thống VBPLvề quản trị rủi ro trong quản lý thuế để nâng cao nhận thức rủi ro về thuế khi bị chọn làm đối tượng thanh tra, kiểm tra và có các HĐKS phù hợp, như: tuân thủ pháp luật trong các nghiệp vụ thuế, nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chí, bộ chỉ số nhằm thực hiện né tránh việc bị chọn làm đối tượng kiểm tra.

Mặt khác, các DN khảo sát cũng chưa có sự nhận biết đầy đủ về nguyên tắc, quy trình, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN; quyền và nghĩa vụ DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra nên các HĐKSRR về thuế trong quá trình thanh tra kiểm tra chỉ gói gọn trong công tác:

- Tham khảo kinh nghiệm về công tác chuẩn bị phục vụ thanh tra, kiểm tra từ các đối tượng có kinh nghiệm và thực hiện theo.

- Chuẩn bị, hoàn thiện sổ sách, chứng từ nhằm giảm khả năng bị phát hiện sai phạm về thuế của DN khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thanh tra tại trụ sở DN.

DN cần quan tâm và có thêm các HĐKS cho các nội dung liên quan việc tuân thủ quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN; nghiên cứu quyền và nghĩa vụ DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo thực hiện các nội dung có lợi cho DN đúng quy định pháp luật.

3.2. Đối với nghiệp vụ đăng ký thuế

Tất cả các DN khảo sát hiểu rằng phải thực hiện đăng ký thuế theo quy định. Tùy theo phương thức thực hiện việc đăng ký thuế mà DN có các HĐKS phù hợp. Đối với các DN lựa chọn sử dụng dịch vụ đăng ký thuế qua các công ty dịch vụ sẽ thực hiện kiểm soát rủi ro bằng hợp đồng giao khoán việc đăng ký thuế cho công ty dịch vụ. Các DN lựa chọn tự thực hiện nghiệp vụ đăng ký thuế sẽ tiến hành nhiều HĐKSRR nhằm đảm bảo việc đăng ký thuế được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật tránh việc bị xử phạt, như: nghiên cứu các VBPL, tham khảo hướng dẫn của cơ quan quản lý thuế trực tiếp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục, nội dung đăng ký thuế; đảm bảo có đầy đủ các giấy tờ có liên quan khi thực hiện nghiệp vụ đăng ký thuế như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy giới thiệu của người thực hiện nhằm đảm bảo kiểm soát các rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện; thực hiện sớm các thủ tục đăng ký thuế nhằm kiểm soát thời gian thực hiện đăng ký đúng quy định.

Do các DN có phương thức giải quyết vấn đề khác nhau nên HĐKSRR ở nghiệp vụ đăng ký thuế cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung HĐKS mà các đối tượng lựa chọn là phù hợp và hữu hiệu.

3.3. Đối với nghiệp vụ kê khai - nộp thuế

Kê khai và nộp thuế là nghiệp vụ thuế được cơ quan thuế quản lý và xử lý rất triệt để nếu có sai phạm. Vì vậy, phần lớn các đối tượng khảo sát dành nhiều sự quan tâm có mức độ nhận diện tốt rủi ro về thuế trong phần lớn nội dung của nghiệp vụ khai thuế và nộp thuế.

Các DN khảo sát biết nhưng không chắc chắn về các loại tờ khai cần thực hiện, mẫu biểu, cách tính toán các chỉ tiêu trên tờ khai, HĐKSRR chủ yếu là tham khảo hướng dẫn các đối tượng khác để thực hiện việc khai, nộp thuế. Các vấn đề trên đều được quy định trong hệ thống pháp luật thuế, DN khảo sát nên nghiên cứu VBPL, tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan thuế hơn là tham khảo từ những nguồn khác.

Nhóm DN khảo sát còn lại có nhận diện đầy đủ các rủi ro trong vấn đề kê khai nộp thuế nên các hoạt động kiểm soát rủi ro của nhóm rất bao quát, như:

Nghiên cứu VBPL thuế để hiểu rõ các quy định chung về kê khai, nộp thuế, thời hạn khai, nộp các loại thuế tháng, quý, năm; mức độ xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đồng thời có sự hiểu biết cụ thể về các nội dung trên từng sắc thuế nhằm đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ khai nộp thuế của DN.

- Yêu cầu sự trợ giúp từ bộ phận hỗ trợ của cơ quan thuế qua đường công văn nhằm đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của DN.

- Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của ngành Thuế đảm bảo việc cập nhật các thay đổi trong chính sách thuế một cách đầy đủ.

- Nghiên cứu thực hiện quy trình, thủ tục, thao tác về khai, nộp thuế qua mạng, nghiên cứu các lỗi ứng dụng thường xảy ra nhằm đảm bảo quá trình gửi tờ khai, nộp thuế, nhận thông báo thuế qua mạng được thực hiện thông suốt, đầy đủ và đúng hạn.

- Tham gia các diễn đàn kế toán nhằm học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các thành viên nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề tính, kê khai và nộp thuế.

Nhìn chung, do có sự nhận diện rủi ro về thuế ở nghiệp vụ này một cách đầy đủ nên các HĐKS rủi ro về thuế mang tính chủ động và bao quát.

3.4. Đối với nghiệp vụ hoàn thuế

Do phần lớn các DNNVV ít khi thỏa các điều kiện để được hoàn thuế nên có đến 95% DN khảo sát không nhận biết rủi ro và không có các HĐKSRR ở nghiệp vụ này. Riêng các đối tượng khảo sát thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục hoàn thuế thì có mức nhận diện tốt rủi ro về thuế và có các HĐKSRR như: tìm hiểu luật quản lý thuế, VBPL quy định cho từng sắc thuế nhằm đảm bảo biết rõ điều kiện hoàn của từng sắc thuế; tìm kiếm sự hướng dẫn của cơ quan thuế nhằm đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ hoàn thuế; tham khảo tư vấn từ các đối tượng có kinh nghiệm trên các diễn đàn kế toán - thuế nhằm biết được các kinh nghiệm, thủ thuật hoàn thuế có hiệu quả; hiểu rõ cách thức tiến hành kiểm tra hoàn thuế của cơ quan thuế nhằm đảm bảo không có sự tác động tiêu cực trong việc hoàn loại thuế này đến loại thuế khác. Nhìn chung các HĐKS bao quát được các vấn đề tính tuân thủ pháp luật, tính phù hợp với đặc thù của cơ quan trực tiếp thực hiện nghiệp vụ hoàn thuế; kinh nghiệm, thủ thuật của các đối tượng đã hoàn thuế, tác động tiêu cực của việc hoàn loại thuế này tác động đến loại thuế khác.

3.5. Đối với nội dung ấn chỉ

Trong các đối tượng được khảo sát chỉ có 13% là nhận diện ở mức ban đầu về các rủi ro liên quan đến ấn chỉ. Nhóm đối tượng này do chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về rủi ro trong lĩnh vực ấn chỉ nên chưa có các hoạt động kiểm soát hữu hiệu.

Các đối tượng có sự hiểu biết và tìm hiểu về ấn chỉ có nhiều hoạt động kiểm soát rủi ro phù hợp, như:

- Nghiên cứu và thực hiện theo quy định theo hướng dẫn của các VBPL hiện hành trong công tác tạo, in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn.

- Nghiên cứu các quy định xử phạt trong lĩnh vực ấn chỉ, thực hiện đúng các quy định trong lĩnh vực ấn chỉ để tránh bị xử phạt.

- Thận trọng trong việc kiểm tra và sử dụng ấn chỉ, tránh việc sử dụng ấn chỉ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp các ấn chỉ.

- Tham dự tập huấn và tìm kiếm sự trợ giúp của cơ quan thuế trong nghiệp vụ ấn chỉ.

- Tham khảo tư vấn của các đối tượng có kinh nghiệm khác trong lĩnh vực ấn chỉ.

Nhìn chung, đa phần đối tượng khảo sát có sự nhận diện rủi ro sâu sắc về những rủi ro trong lĩnh vực ấn chỉ và có các hoạt động kiểm soát rủi ro phù hợp.

4. Kết luận

Các DNNVV được khảo sát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã bước đầu nhận diện được rủi ro về thuế. Tùy theo, mức độ nhận diện rủi ro mà các đối tượng khảo sát có các hoạt động kiểm soát tương ứng. Đối với các đối tượng khảo sát có sự nhận diện không đầy đủ rủi ro về thuế thì các hoạt động kiểm soát rủi ro mang tính sơ sài, không hữu hiệu và ngược lại hoạt động kiểm soát rủi ro của các đối tượng nhận diện tốt rủi ro về thuế rất bao quát và đầy đủ. Vì vậy, để có thể kiểm soát rủi ro một cách hữu hiệu và hiệu quả thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tích cực nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật về thuế nhằm nhận diện rủi ro về thuế một cách toàn diện và có các hoạt động kiểm soát phù hợp và hữu hiệu hơn ■

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1PGS. TS. Phan Thị Minh Nguyệt, Đầu tư tài chính, NXB Thống kê 2006.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Thị Bạch Vân (2014), Xoay quanh vấn đề người nộp thuế và tuân thủ thuế, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.

2. Bùi Thái Quang (2015), Quản lý rủi ro trong quản lý thuế và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính online.

3. Nguyễn Minh Hà và Nguyễn Hoàng Quân (2012), Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của doanh nghiệp tư nhân, Tạp chí Công nghệ ngân hàng.

4. Văn Công Tuân (2012), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp trên địa Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Bùi Ngọc Toản (2017), Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp - Nghiên cứu thực nghiệm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế.

6.Altman, E. I., Sabato, G., & Wilson, N. (2008). The value of qualitative information in SME risk management. Journal of Financial Services Research, 40(2), 15-55.

7. Atawodi, O. W., & Ojeka, S. A. (2012). Factors that affect tax compliance among small and medium enterprises (SMEs) in North Central Nigeria. International Journal of Business and Management, 7(12), 87.

8. Baurer, L. I. (2005). Tax administrations and small and medium enterprises (SMEs) in Developing Countries. The World Bank.

9. Erle, B. (2008). Tax risk management and board responsibility. In Tax and corporate governance (pp. 205-220): Springer.

10. Đinh Văn Đức, Luận văn Thạc sỹ kinh tế 2009, Quản trị rủi ro trong hoạt động của DN nhỏ và vừa ở Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

11. Văn bản pháp luật về Luật Quản lý thuế: Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

ASSESSING THE ABILITY TO IDENTIFY

AND MANAGE TAX RISKS AT SMES

IN HO CHI MINH CITY

● Master. NGUYEN Y NGUYEN HAN

● Master. DAM THI HAI AU

● Master. NGUYEN THI MINH DUC

Faculty of Economics, Nong Lam University

ABSTRACT:

Tax is a compulsory contribution to the State that enterprises must pay in accordance with the law. Enterprises are proactive in the process of implementing their tax obligations. Tax authorities do not intervene in this process, but can conduct an assessment to select those with high tax risks to inspect and apply penalties if there are violations of tax laws. Therefore, in order to manage tax risks effectively, enterprises need to fully identify their tax risks and take appropriate risk control measures. An actual survey shows that in some operations related to tax, up to 95% of small and medium-sized enterprises (SMEs) do not identify their tax risks or only identify these tax risks at initial levels. Therefore, it is important to conduct a research to assess the ability to identify risks as well as the effectiveness of tax risk control activities of SMEs. 

Keywords: Identification ability, managing tax risks, small and medium-sized enterprises, Ho Chi Minh City.