Đánh giá mức độ biến dị của các dòng vô tính Mắc ca ở các khảo nghiệm tại một số tỉnh miền Bắc

Phạm Thu Hà - Đặng Thị Thu Hà (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá mức độ biến dị của các dòng vô tính mắc ca ở các khảo nghiệm tại một số tỉnh miền Bắc như Lạc Thủy (Hòa Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa) và Tân Yên (Lai Châu). Kết quả cho thấy, có sự phân hóa rõ rệt về các tính trạng sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao cây, đường kính tán và sản lượng quả ở giai đoạn 6 tuổi đối với các khảo nghiệm tại Thạch Thành; Các tính trạng đường kính tán và sản lượng quả ở giai đoạn 5 tuổi tại Tân Yên, nhưng chưa có sự phân hóa rõ với tính trạng D0 và Hvn. Khảo nghiệm tại Lạc Thủy (giai đoạn 6 tuổi) chưa có sự phân hóa rõ rệt về các tính trạng sinh trưởng D0, Hvn, Dt và sản lượng quả. Tỷ lệ sống của các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm trung bình đạt từ 68,8% (Lạc Thủy) đến 84,9% (Thạch Thành).

Từ khóa: tính trạng sinh trưởng, sản lượng hạt, Mắc ca, một số tỉnh miền Bắc.

1. Đặt vấn đề

Mắc ca là tên gọi chung cho 9 loài cây thuộc chi Macadamia, họ Chẹo thui (Proteaceae). Hai loài cây có giá trị thương mại trong 9 loài này là Macadamia integrifolia Maiden &Betche và Macadamia tetraphylla L. Johnson đều có nguyên sản ở vùng ven biển Đông - Nam Queensland và Đông - Bắc New South Wales của Australia, phát triển trong các khu rừng mưa, ở những nơi ẩm ướt và dọc theo bờ sông. Mắc ca là cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, tỷ lệ nhân 30 - 50%, tỷ lệ dầu trong nhân 71 - 80%. Nhân hạt Mắc ca được dùng làm nhân bánh ngọt, nhân socola, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp (Lê Đình Khả dịch, 2015 [1]).

Hiện nay, các giống Mắc ca đã được tiến hành nghiên cứu, trồng khảo nghiệm, và đã xác định được một số vùng có thể trồng được loại cây này ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Đến nay đã có 10 giống Mắc ca được nghiên cứu và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đưa vào sản xuất, đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có quy định hỗ trợ các dự án trồng cây Mắc ca và hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống Mắc ca. Qua các khảo nghiệm Mắc ca ở Việt Nam có thể thấy hầu hết loài cây này sinh trưởng nhanh và cho sản lượng hạt quả cao ở các tỉnh Tây Nguyên, mặc dù các khảo nghiệm Mắc ca đều có thể thích nghi được với điều kiện tự nhiên ở các tỉnh miền Bắc, tuy nhiên sản lượng hạt chưa cao.

Hơn nữa, các nghiên cứu trước đây mới chỉ nghiên cứu đánh giá về biến dị sinh trưởng của một số dòng vô tính Mắc ca tại một số điểm khảo nghiệm đơn lẻ, ở những điều kiện (hoàn cảnh) tương đối giống nhau. Hiện chưa có những nghiên cứu sâu về mức độ biến dị của nhiều dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau theo phương thức hỗn giao các dòng vô tính trên cùng khối thí nghiệm. Chính vì vậy, mục tiêu nghiên cứu trong phạm vi bài báo này nhằm xác định mức độ biến dị và khả năng di truyền giữa các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm tại Lạc Thủy (Hòa Bình), Tân Yên (Lai Châu) và Thạch Thành (Thanh Hóa), làm cơ sở lựa chọn các cá thể của các dòng vô tính thích hợp, sinh trưởng nhanh và cho sản lượng hạt cao phục vụ cho công tác trồng rừng ở các tỉnh miền Bắc.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Vật liệu nghiên cứu là các dòng Mắc ca được nhập giống từ Úc, Trung Quốc và từ nguồn tài trợ của dự án ACIAR bao gồm: 816, 849, A16, 788, 344, A38, 741, OC, A800, QN, 842, ĐC, BV5, 900, DAD, 814, A4, A800, 856, NG8, 695. Các dòng vô tính đều được khảo nghiệm tại Lạc Thủy (Hòa Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa), và Tân Yên (Lai Châu).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế thí nghiệm: Theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, 21 công thức; 4 cây/công thức, 4 lần lặp, được trồng hỗn giao từng dòng vô tính Mắc ca riêng rẽ trên cùng một khối thí nghiệm. Các yếu tố kỹ thuật như: Khoảng cách trồng (7m x 6m, hàng cách hàng 7m, cây cách cây 6m), phương pháp làm đất (phát dọn thực bì, cuốc hố 80 x 80 x 60cm), đất trộn cho vào hố đào: 20cm cuốc hố lấp đất đá, diện tích: 1ha, được áp dụng như nhau ở tất cả các khảo nghiệm tại Lạc Thủy, Thạch Thành và Tân Yên.

- Theo dõi, thu thập số liệu: Các chỉ tiêu sinh trưởng như đường kính gốc (D0), chiều cao cây (Hvn), đường kính tán (Dt) được đo đếm theo các phương pháp thông dụng trong điều tra rừng (Vũ Tiến Hinh, Phạm Ngọc Giao, 1997). Cụ thể: chiều cao cây được đo từ gốc sát mặt đất tới đỉnh ngọn chính, đường kính gốc đo tại vị trí cách mặt đất 5cm, đường kính tán đo theo 2 chiều Đông Tây - Nam Bắc, sau đó lấy giá trị trung bình. Đo đường kính và chiều cao bằng các dụng cụ đo chuyên dùng. Sản lượng quả được xác định bằng cách thu toàn bộ quả (trên từng cây, từng dòng) trên cây của tất cả các cây thí nghiệm.

- Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý bằng các phần mềm R 3.4 (R development core team) (Nguyễn Văn Tuấn, 2014 [5]).

Để kiểm tra thống kê về sự khác nhau từng tính trạng sinh trưởng của từng cặp đôi dòng vô tính Mắc ca tại mỗi khảo nghiệm, đề tài tiến hành phân tích hậu định trong phân tích phương sai bằng tiêu chuẩn Tukey’s Honest Significant Difference trong R để kiểm tra. Nếu xác suất của F. pr (xác suất tính) > 0,05 hoặc 0,001 có nghĩa là các công thức đồng nhất về giá trị so sánh; nếu xác suất của F. pr (xác suất tính) < 0,05 hoặc 0,001 có nghĩa là giữa các công thức có sự sai khác rõ rệt, ở mức ý nghĩa 95% hoặc 99%.

Phạm Thu Hà

Trong đó:  

+ Lsd: Khoảng sai dị có ý nghĩa giữa các trung bình mẫu.

+ Sed (Standard error difference): Sai tiêu chuẩn của các trung bình mẫu.

+ t.05(k) giá trị t tra bảng ở mức xác suất có ý nghĩa 0,05 với bậc tự do k.

- Ngoài ra, đề tài sử dụng các gói (packages) như ggplot2, psych, ggbur, gridExxtra, sommer, asreml,… trong R để phân tích dữ liệu và vẽ các biểu đồ theo các mục tiêu nghiên cứu của bài báo.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Mức độ biến dị về sinh trưởng và năng suất quả Mắc ca trong khảo nghiệm dòng vô tính được khảo nghiệm tại Thạch Thành

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các tính trạng sinh trưởng về đường kính gốc, chiều cao cây, đường kính tán, và sản lượng quả đều có sự phân hóa rõ rệt ở mức độ tin cậy 95% giữa các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tại Thạch Thành, Thanh Hóa ở giai đoạn 6 tuổi. Tỷ lệ sống trung bình của các dòng vô tính khảo nghiệm đạt 84,9%, dao động từ 66,7% (các dòng 741, 849, A38) đến 100% (dòng 788). Đường kính gốc trung bình đạt 9,72±2,47 cm, dao động từ 7,10 cm (dòng 849) đến 12,2 cm (dòng A800), và có sự khác nhau rõ rệt giữa các dòng vô tính khảo nghiệm và so với đối chứng (F.pr = 1,36e-07). Tuy nhiên, kết quả phân tích hậu định trong phân tích phương sai bằng tiêu chuẩn TukeyHSD cho thấy, chỉ có các cặp đôi dòng vô tính như: QN~NG8, BV5~A800, QN~849, A800~849, NG8~788, BV5~788, A16~788, QN~741, A800~741 và 788~741 là có sự khác nhau rõ rệt, các cặp đôi các dòng vô tính còn lại là chưa có sự khác nhau rõ rệt; (CV%: 25,4%, dao động từ 8,9-32,7%). Lượng tăng trưởng bình quân chung về đường kính gốc đạt 1,62 cm/năm.

Chiều cao cây của các dòng vô tính Mắc ca trung bình đạt 4,23±0,83 m, dao động từ 3,15 m (dòng 849) đến 5,04 m (dòng 788) và có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê với mức độ tin cậy 95% (F.pr = 6,15e-07). Tuy nhiên, kết quả phân tích hậu định cho thấy, chỉ có các cặp đôi các dòng vô tính như: 788~344, 849~695, 788~741, 842~788, 849~788, BV5~788, NG8~788, BV5~816, QN~842, 900~849, QN~849, và QN~BV5 là có sự khác nhau rõ rệt, còn lại là chưa có sự sai khác rõ rệt. Đường kính tán cây bình quân của các dòng vô tính Mắc ca đạt 2,98±0,68 m, dao động từ 2,41 m (dòng 344) đến 3,67 m (dòng 788), CV%: 22,8% và có sự phân hóa rõ rệt giữa các dòng vô tính được khảo nghiệm (F.pr = 9,52e-08).

Các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm tại Thạch Thành như: dòng 788, A800 và QN có các chỉ tiêu sinh trưởng nhanh (vượt từ 119,5-125,6% về đường kính gốc, từ 103,1-119,1% về chiều cao cây, và từ 105,4-123,2% về đường kính tán cây so với bình quân) và cho sản lượng quả cao (vượt bình quân từ 131,9-142,4% so với trung bình quần thể).

3.2. Mức độ biến dị về sinh trưởng và năng suất quả Mắc ca trong khảo nghiệm dòng vô tính được khảo nghiệm tại Lạc Thủy

Nghiên cứu cho thấy: Ở giai đoạn 6 tuổi, các tính trạng sinh trưởng đường kính gốc, đường kính tán cây và sản lượng quả/cây của các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm tại Lạc Thủy chưa có sự phân hóa rõ rệt (F.pr = 0,523-0,719), nhưng có sự phân hóa rõ rệt với tính trạng chiều cao cây (F.pr = 0,022). Tỷ lệ sống trung bình của các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm đạt 68,8%, dao động từ 50,0% (các dòng 816, 900, A16 và OC) đến 100% (dòng 741). Đường kính gốc bình quân đạt 11,26±2,09 cm, dao động từ 10,29 cm (dòng 849) đến 12,37 cm (dòng 900), trong đó, có 75% các dòng vô tính có D0 ≤ 12,7 cm; có 50% các dòng vô tính có D0 ≤ 11,5 cm; và có 25% các dòng vô tính khảo nghiệm có D0 ≤10,0 cm; CV%: 6,6-32,4%. Lượng tăng trưởng bình quân chung về đường kính đạt 1,86 cm/năm.

Chiều cao cây giữa các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm trung bình đạt 3,99±0,72 m, dao động từ 3,45 m (dòng 814) đến 4,61 m (dòng 842) và có sự phân hóa rõ rệt giữa các dòng vô tính với mức độ tin cậy 95% (F.pr = 0,022), trong đó, có 75% các dòng vô tính được khảo nghiệm tại Lạc Thủy có Hvn ≤ 5,5 m; 50% các dòng vô tính có Hvn ≤ 4,0 m; và có 25% các dòng vô tính được khảo nghiệm có Hvn ≤ 3,5 m; CV%: 18,0%. Lượng tăng trưởng bình quân chung về chiều cao cây đạt 0,67 m/năm.  Đường kính tán bình quân đạt 2,86±0,46 m và chưa có sự phân hóa rõ rệt (F.pr = 0,591), CV%: 16,1%. Lượng tăng trưởng bình quân chung về đường kính tán cây đạt 0,47 m/năm.

Sản lượng quả bình quân đạt 2,51±1,44 kg/cây, dao động từ 1,31 kg/cây (ĐC) đến 3,38 kg/cây (dòng A38) và chưa có sự phân hóa rõ rệt (F.pr = 0,523). Hệ số biến động về sản lượng quả/cây dao động từ 37,9-73,3%, bình quân 57,4%. Kết quả phân tích biểu đồ hộp cho thấy, có tới 75% các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tại Lạc Thủy ở giai đoạn 6 tuổi có sản lượng quả ≤ 3,5 kg/cây; có 50% các dòng vô tính khảo nghiệm có sản lượng quả ≤ 2,0 kg/cây; và có 25% các dòng vô tính khảo nghiệm có sản lượng quả ≤ 1,3 kg quả/cây.

3.3. Mức độ biến dị về sinh trưởng và năng suất quả Mắc ca trong khảo nghiệm dòng vô tính được khảo nghiệm tại Tân Yên

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tính trạng sinh trưởng đường kính tán cây và sản lượng quả/cây của các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tại Tân Yên (Lai Châu) ở gian đoạn 5 tuổi có sự phân hóa rõ rệt với mức độ tin cậy 95%, nhưng chưa có sự phân hóa rõ rệt với tính trạng D0 và Hvn. Tỷ lệ sống trung bình của các dòng vô tính khảo nghiệm đạt 73,5%, dao động từ 50,0% (dòng 246) đến 100% (dòng A38). Đường kính gốc trung bình đạt 9,53±1,66 cm, dao động từ 7,01 cm (ĐC) đến 9,91 cm (dòng 695), CV%: 19,7-34,2% và chưa có sự phân hóa rõ rệt (F.pr = 0,0675). Lượng tăng trưởng bình quân chung về đường kính gốc đạt 1,88 cm/năm.

Chiều cao cây chưa có sự phân hóa rõ rệt giữa các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm (F.pr = 0,276). Chiều cao cây bình quân đạt 5,00±0,88 m, dao động từ 4,33 m (dòng A16) đến 5,56 m (dòng A38), CV%: 17,6%. Lượng tăng trưởng bình quân chung về chiều cao cây đạt 0,98 m/năm. Đường kính tán cây có sự phân hóa rõ rệt với mức độ tin cậy 95% giữa các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm ở giai đoạn 5 tuổi (F.pr = 0,048), bình quân đạt 3,17±0,69 m, dao động từ 2,50 m (ĐC) đến 3,58 m (dòng A38), CV%: 17,6%. Lượng tăng trưởng bình quân chung về đường kính tán cây 0,62 m/năm.

Sản lượng quả/cây có sự phân hóa rõ rệt với mức độ tin cậy 95% giữa các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm ở giai đoạn 5 tuổi. Tuy nhiên, kết quả phân tích hậu định bằng tiêu chuẩn TukeyHSD cho thấy, chỉ có các cặp đôi các dòng vô tính như: A38~246, 788~695, ĐC~695, A38~741, A38~788, A38~814, A38~816, A38~842, A800~A38, A38~849, A38~900, A800~A38, OC~A800, và ĐC~A800 là có sự phân hóa rõ rệt, và còn lại là chưa có sự phân hóa rõ rệt. Bình quân sản lượng quả đạt 3,13±2,71 kg quả/cây, dao động từ 0,8 kg quả/cây (ĐC) đến 5,75 kg quả/cây (dòng 695), trong đó, có 75% các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm tại Tân Yên ở giai đoạn 5 tuổi có sản lượng quả ≤ 4,0 kg/cây; 50% các dòng vô tính khảo nghiệm có sản lượng quả ≤ 2,0 kg/cây; và có 25% các dòng vô tính khảo nghiệm có sản lượng quả ≤ 1,0 kg quả/cây; CV%: 86,6%.

Kết quả phân tích hậu định cho thấy, các tính trạng sinh trưởng D0, Hvn và Dt có sự phân hóa rõ rệt giữa các địa phương khảo nghiệm khác ở cùng giai đoạn 5 tuổi, nhưng chưa có sự phân hóa rõ rệt giữa điểm khảo sát Tân Yên ~ Lạc Thủy về tính trạng đường kính gốc và đường kính tán cây.

Như vậy, sự khác biệt về các tính trạng đường kính gốc, chiều cao cây, đường kính tán và năng suất quả/cây của các dòng vô tính Mắc ca là tương đối lớn và có ý nghĩa ở các khảo nghiệm tại Thạch Thành ở giai đoạn 6 tuổi và các khảo nghiệm tại Tân Yên đối với tính trạng đường kính tán và năng suất quả/cây ở giai đoạn 5 tuổi.

Bước đầu dựa trên các tính trạng sinh trưởng và năng suất quả có sự vượt từ trên 100% so với trung bình tương ứng của các tính trạng ở mỗi khảo nghiệm có thể lựa chọn các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tương đối tốt ở các địa phương như sau:

- Tại Lạc Thủy ở giai đoạn 6 tuổi đã lựa chọn được 13 dòng, bao gồm các dòng 900, A800, 246, 695, 741, 788, 842, 849, 856, A38, A4, DAD có lượng tăng trưởng ΔD0 > 2,20 cm/năm, ΔHvn > 0,90 m/năm, và ΔDt > 0,73 m/năm, vượt từ 125,5% về đường kính, 126,7% về chiều cao và 126,2% về đường kính tán so với bình quân trung bình quần thể.

- Các dòng vô tính mắc ca được khảo nghiệm tại Thạch Thành (Thanh Hóa) có các chỉ tiêu sinh trưởng nhanh (vượt từ 119,5-125,6% về đường kính gốc, từ 103,1-119,1% về chiều cao cây, và từ 105,4-123,2% về đường kính tán cây so với bình quân) và cho sản lượng quả cao (vượt bình quân từ 131,9-142,4% so với bình quân) như: dòng 788, A800, và dòng QN.

- Các dòng vô tính mắc ca có các chỉ tiêu sinh trưởng nhanh và sản lượng quả/cây cao (vượt từ 183,7-238,3% về sản lượng quả/cây so với trung bình của các dòng mắc ca khảo nghiệm) ở Tân Yên (Lai Châu) như: dòng 695, A38.

Kết quả ban đầu lựa chọn được một số dòng vô tính Mắc ca ở nghiên cứu này cũng tương đối phù hợp với những kết quả nghiên cứu trước đó, khi ban đầu xác định 5 dòng: 482, 741, 800, 900, 695 cho các tỉnh vùng Tây Bắc (QĐ số 2039/QĐ-BNN-TCLN ngày 01/9/2011 [3]), hay các dòng: 800, 695, 741, 900 cho tỉnh Hòa Bình; các dòng OC, 741, 900, 695 cho tỉnh Lai Châu;… (Viện Điều tra Quy hoạch rừng, 2013 [5]). Tuy nhiên, ở nghiên cứu này cũng đã chọn thêm được dòng A38 cho tỉnh Lai Châu, các dòng 788, A800, QN cho tỉnh Thanh Hóa; các dòng A800, 246, 788, 842, 849, 856, A38, A4, DAD cho tỉnh Hòa Bình.

Kết quả ban đầu cho thấy, giống là yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất và sản lượng quả Mắc ca, bên cạnh đó các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là tưới nước và bón phân là hết sức cần thiết. Tránh sử dụng giống kém chất lượng, năng suất không ổn định, điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận kinh tế khi quyết định gây trồng và phát triển cây Mắc ca ở quy mô lớn.

4. Kết luận

- Tỷ lệ sống của các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm trung bình đạt 84,9% (Thạch Thành), 68,8% (Lạc Thủy) và 73,5% (Tân Yên).

- Biến dị về các chỉ tiêu nghiên cứu có sự phân hóa rõ rệt ở mức độ tin cậy 95% đối với các tính trạng sinh trưởng về D0, Hvn, Dt và sản lượng quả của các dòng vô tính Mắc ca được khảo nghiệm tại Thạch Thành (giai đoạn 6 tuổi); và đối với tính trạng sinh trưởng đường kính tán cây và sản lượng quả/cây của các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tại Tân Yên (Lai Châu) ở giai đoạn 5 tuổi, nhưng chưa có sự phân rõ rệt với tính trạng D0 và Hvn; chưa có sự phân hóa rõ rệt về các tính trạng sinh trưởng D0, Hvn, Dt và sản lượng quả của các dòng vô tính Mắc ca khảo nghiệm tại Lạc Thủy (giai đoạn 6 tuổi);

- Các tính trạng sinh trưởng D0, Hvn và Dt có sự phân hóa rõ rệt giữa các địa phương khảo nghiệm khác ở cùng giai đoạn 5 tuổi, nhưng chưa có sự phân hóa rõ rệt giữa điểm khảo sát Tân Yên ~ Lạc Thủy về tình trạng đường kính gốc và đường kính tán cây.

- Đã chọn thêm được dòng A38 cho tỉnh Lai Châu, các dòng 788, A800, QN cho tỉnh Thanh Hóa; các dòng A800, 246, 788, 842, 849, 856, A38, A4, DAD cho tỉnh Hòa Bình. Đây là các dòng vô tính Mắc ca có các tính trạng sinh trưởng, lượng tăng trưởng bình quân chung đều vượt trên 100% so bình quân đại trà và chiếm 25% tổng số cây tốt nhất của các dòng vô tính được khảo nghiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Paul O’Hare, Ross Loebel, Ian Skinner (dịch Lê Đình Khả) (2015). Trồng Mắc ca ở Australia, tái bản lần thứ 1. Hà Nội: NXB Nông nghiệp.
  2. Mai Trung Kiên và cs (2015). Khảo nghiệm giống và đánh giá khả năng phát triển cây Macadamia tại Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011). Quyết định số 2039/2011/QĐ-BNN-TCLN ngày 01/9/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc công nhận giống tiến bộ kỹ thuật.
  4. Nguyễn Văn Tuấn (2014). Phân tích số liệu với R. TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  5. Viện Điều tra Quy hoạch rừng (2013), Quy hoạch phát triển cây Macadaia vùng Tây Bắc giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tháng 10/2013.

ASSESSING THE GROWTH TRAIT DIFFERENCES OF SOME MACADAMIA CLONES GROWN IN SOME NORTHERN PROVINCES, VIETNAM

Pham Thu Ha - Dang Thị Thu Ha

Faculty of Forestry, Thai Nguyen University of Agriculture and Forestry, Thai Nguyen University

ABSTRACT:

This study examines the impacts of genetic variation and genetic ability on growth characteristics and grain yield of 21 clones of Macadamia grown in in Lac Thuy District (Hoa Binh Province), Thach Thanh District (Thanh Hoa Province) and Tan Yen District (Lai Chau Province). The study’s results show that there are significant growth trait differences in terms of stump diameter, tree height, canopy diameter and grain yield of surveyed 6-year plants growin in Thach Thanh District; and growth trait differences in terms of canopy diameter and grain yield of surveyed 5-year plants growin in Tan Yen District. Meanwhile, there are no significant differences in D0 and Hvn traits. The average survival rate of the studied Macadamia clones ranges from 68.8% (Lac Thuy District) to 84.9% (Thach Thanh District).

Keywords: growth traits, grain yield, Macadamia, some Northern provinces.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]