Đánh giá sự hài lòng của người học đối với chất lượng đào tạo nghề của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

GS.TS. NGUYỄN VĂN SONG (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội) - NGUYỄN THỊ KIM LIÊN (Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, Thanh Ba, Phú Thọ) - VƯƠNG THỊ KHÁNH HUYỀN (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của người học đối với chất lượng đào tạo nghề của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, bao gồm: Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, Cao đẳng Nghề Phú Thọ và Cao đẳng Y dược Phú Thọ.

Kết quả cho thấy, người học đánh giá khá cao về chất lượng đào tạo của các trường nghề, tỷ lệ chọn trên hài lòng (hài lòng và rất hài lòng) của các tiêu chí nhỏ trong 5 nhân tố “Chương trình đào tạo”, “Giảng viên và hoạt động giảng dạy”, “Công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả”, “Cơ sở vật chất”, “Tư vấn, hỗ trợ người học” thường dao động từ 50-70%, cao nhất đạt 76,4%.

Từ khóa: Sự hài lòng, chất lượng đào tạo nghề, trường cao đẳng, tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản, trong đó con người là động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững [2].

Tại Phú Thọ, phát triển nguồn nhân lực là một trong 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra [4]. Thống kê năm 2019, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 77%; tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 96,5%; tỷ lệ lao động thất nghiệp 1,91% [6]. Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Hiện tỉnh Phú Thọ có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp [5]. Tuy nhiên, tại các cơ sở này chất lượng đào tạo còn kém, chương trình đào tạo không phù hợp với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu, lạc hậu [1, 3].

Đánh giá sự hài lòng của người học đối với chất lượng đào tạo nghề của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm cung cấp thêm thông tin giúp nhà trường có những điều chỉnh kịp thời để nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu cần thiết.

2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

2.1. Tình hình chung về kết quả đào tạo, tuyển sinh của trường nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Tổng số sinh viên của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dao động từ 10.000 đến gần 13.000 sinh viên. Số sinh viên tuyển mới năm sau giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do số dân thuộc độ tuổi đi học giảm đều qua các năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và tỷ lệ người có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp còn thấp. Đặc biệt, năm 2019 chỉ đạt 9,3% là do các trường chưa kịp thống kê số liệu người học đã có việc làm, dẫn đến số liệu chỉ là tương đối.

Bảng 1. Kết quả đào tạo - tuyển sinh trường nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Kết quả đào tạo - tuyển sinh trường nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ (2019)

2.2. Đánh giá sự hài lòng của người học đối với chất lượng đào tạo nghề của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

2.2.1. Sự hài lòng của người học đối với Chương trình đào tạo

Bảng 2. Sự hài lòng về Chương trình đào tạo

ĐVT: %

Sự hài lòng về Chương trình đào tạo

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2020)

Bảng 2 cho thấy, sự hài lòng của người học với nhân tố chương trình đào tạo được đánh giá khá cao. Tổng của các nhận xét trên hài lòng (hài lòng và rất hài lòng) liên quan đến mục tiêu đào tạo, sự liên kết và thời lượng, khối lượng các môn học đều đạt trên 60%. Riêng có tiêu chí Nội dung đào tạo thường xuyên cập nhật sát với thực tế có điểm đánh giá thấp, 17,78% nhận xét dưới mức không hài lòng.

Hiện nay, thời lượng đào tạo của các trường có tỷ lệ lý thuyết khoảng 30 - 35% và thực hành 65 - 70%, so với quy định thì chương trình đào tạo của các trường đã có sự điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, ngoài các buổi học chính khóa, trường chưa tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề cho sinh viên, do vậy người học ít có cơ hội đi thực tế, thực hành. Bên cạnh đó, tình trạng liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nghề còn chưa cao, người học còn hụt hẫng, bỡ ngỡ khi bắt đầu công việc mới.

2.2.2. Sự hài lòng của người học đối với Giảng viên, phương pháp giảng dạy

Các yếu tố gắn với giảng viên, phương pháp giảng dạy được sinh viên đánh giá tương đối cao. Các yếu tố đều được đánh giá với tỷ lệ hài lòng từ 44% đến 53%, rất hài lòng từ 11% đến 13%. Trái lại, vẫn có tỷ lệ người học không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng. Hiện, đội ngũ giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung đều đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó sau đại học chiếm tỷ lệ trên 60%. Tuy nhiên, đa số giảng viên là người trẻ, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế nhưng vẫn được phân công giảng dạy ngay mà không có nhiều thời gian thỉnh giảng. Điều này dẫn tới kinh nghiệm thực tiễn và khả năng truyền đạt còn nhiều hạn chế, thao tác nghề còn chưa thuần thục. Bên cạnh đó, giáo viên còn giảng dạy theo phương pháp truyền thống, thầy giảng trò nghe, trong khi đó đối tượng người học nghề là người có lực học trung bình nên tinh thần chủ động chưa cao, người học thụ động, không phát huy được tính sáng tạo trong học tập.

Bảng 3. Sự hài lòng về giảng viên (GV), phương pháp giảng dạy

ĐVT: %

Sự hài lòng về giảng viên (GV), phương pháp giảng dạy

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2020)

2.2.3. Sự hài lòng của người học đối với công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả

Bảng 4. Sự hài lòng về Công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả

ĐVT: %

Sự hài lòng về Công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2020)

Kết quả Bảng 4 cho thấy, nhìn chung, sinh viên hài lòng với nhân tố công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả của nhà trường. Các yếu tố được đánh giá cao liên quan đến số lượng học viên một lớp học, công tác tổ chức thi và đánh giá kết quả khách quan, đề thi bám sát nội dung môn học (hơn 70% nhận xét trên mức hài lòng). Công tác này được đánh giá cao bởi quy trình hiện nay đã được thực hiện chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban. Học sinh được phổ biến chương trình đào tạo và quy chế thi từ đầu khóa để chủ động xây dựng kế hoạch học tập. Tổ chức thi cuối kỳ được tiến hành trong quy trình chặt chẽ và nghiêm túc, đúng với phương châm của trường là học thật, thi thật.

2.2.4. Sự hài lòng của người học đối với Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất được người học đánh giá rất tốt, đặc biệt là “Cảnh quan môi trường đẹp, có tính sư phạm cao” và “Phòng học khang trang, sạch sẽ, có đầy đủ trang thiết bị” với mức điểm đánh giá tương ứng là 76,4% và 69,16% trên mức hài lòng. Các yếu tố còn lại cũng có tỷ lệ người học hài lòng ở mức cao, trên 55%.

Các trường đều có hệ thống phòng làm việc, giảng đường hiện đại; có ký túc xá cho các sinh viên ở xa, sức chứa khoảng 500 - 600 người; thư viện rộng rãi, nhiều đầu sách. Thiết bị phục vụ học tập của các trường đã được đầu tư khá đầy đủ và đồng bộ.

Bảng 5. Sự hài lòng về Cơ sở vật chất

ĐVT: %

Sự hài lòng về Cơ sở vật chất

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2020)

2.2.5. Sự hài lòng của người học đối với Tư vấn và hỗ trợ người học

Nhân tố Tư vấn và hỗ trợ người học có điểm đánh giá thấp nhất trong 5 tiêu chí tổng. Chỉ có tiêu chí về chăm sóc sức khỏe, y tế được đánh giá cao với mức trên hài lòng đạt 71.3%, các tiêu chí còn lại có tỷ lệ đánh giá dưới hài lòng cao, đặc biệt là tiêu chí “Các quy định về chế độ, chính sách đối với sinh viên được trường quan tâm giải quyết kịp thời” có mức dưới hài lòng là 24,3%. Công tác tư vấn và hỗ trợ người học ngày càng được quan tâm, chú trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập về các thủ tục hành chính, quản lý sinh viên nội/ngoại trú, học viên có nhu cầu được hỗ trợ nhiều hơn về kĩ năng khởi nghiệp, làm việc tập thể, tính tương tác, kĩ năng thuyết trình.

Bảng 6. Sự hài lòng về Tư vấn và hỗ trợ người học

ĐVT: %

Sự hài lòng về Tư vấn và hỗ trợ người học

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra (2020)

2.3. Giải pháp nâng cao sự hài lòng của người học đối với chất lượng đào tạo nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ nhất, cải tiến chương trình đào tạo theo "đơn đặt hàng" của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh chương trình đào tạo theo mô hình 2+1. Nghĩa là, 2/3 thời gian đào tạo chuyên môn tại trường, 1/3 thời lượng còn lại thực hành trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp.       

Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, để giáo viên nâng cao tay nghề, bắt kịp với nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp, nhà trường nên đưa giáo viên nghề đi thực tập định kỳ tại doanh nghiệp như công nhân đúng chuyên ngành. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia của doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường công tác hỗ trợ sinh viên thông qua đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn; xem xét cấp học bổng khuyến khích học tập và các chế độ chính sách cho sinh viên; tăng cường các chương khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ giới thiệu việc làm. Đồng thời, các trường học cũng cần có nhiều biện pháp cải thiện, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng danh mục tài liệu tham khảo cho học viên,…

3. Kết luận

Kết quả cho thấy, người học đánh giá khá cao về chất lượng đào tạo của các trường nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tỷ lệ chọn trung bình của mức trên hài lòng được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: Công tác tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả (67,38%), Cơ sở vật chất (64,37%), Giảng viên và hoạt động giảng dạy (62,72%), Chương trình đào tạo (60,71%), và Tư vấn, hỗ trợ người học (58,24%). Các tiêu chí có điểm đánh giá kém liên quan đến: Nội dung đào tạo không thường xuyên cập nhật và sát với thực tế, Giáo viên không phát huy được tính tích cực, chủ động của người học; Các quy định về chế độ, chính sách đối với sinh viên;…

Qua đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp chính nhằm nâng cao sự hài lòng của người học trong thời gian tới, gồm: Cải tiến chương trình đào tạo, Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Tăng cường công tác hỗ trợ sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chí Tâm (2019). Những khó khăn trong dạy nghề cho lao động nông thôn ở thị xã Phú Thọ. Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội. Truy cập tại http://laodongxahoi.net/nhung-kho-khan-trong-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-thi-xa-phu-tho-1313801.html
  2. Đỗ Đức Minh (2015). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu đối với giáo dục đại học hiện nay. Báo điện tử Nhân dân. Truy cập tại https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-va-yeu-cau-doi-voi-giao-duc-dai-hoc-hien-nay-240415/
  3. Hà Giang (2018). Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội. Truy cập tại http://laodongxahoi.net/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-tren-dia-ban-tinh-phu-tho-1308988.html.
  4. Phương Ngọc (2019). Công tác kiểm tra, giám sát tạo động lực để Phú Thọ phát triển. Truy cập tại http://ubkttw. vn/tin-tuc-thoi-su?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=pop_up&p_p_mode=view&_101_struts_action=% 2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_type=content&_101_urlTitle=cong-tac-kiem-tra-giam-sat-tao-ong-luc-e-phu-tho-phat-trien.
  5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (2019). Báo về hoạt động ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2019.
  6. UBND tỉnh Phú Thọ (2019). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2019, phương hướng nhiệm vụ 2020.

ASSESSMENT OF STUDENT'S SATISFACTION WITH THE QUALITY

VOCATIONAL TRAINING OF COLLEGES IN PHU THO PROVINCE

Prof. Ph.D NGUYEN VAN SONG

Vietnam National University of Agriculture

• NGUYEN THI KIM LIEN

Phu Tho College of Electrical Engineering

• VUONG THI KHANH HUYEN

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

This study is to assess the student's satisfaction with the quality of vocational training of colleges in Phu Tho province including Phu Tho College of Electrical Engineering, Phu Tho Vocational College, and Phu Tho College of Medicine. This study’s results show that students have a fairly high appreciation of the quality of training provided by these vocational colleges. 50% - 70% of students said that they are satisfied and very satisfied with the sub-criteria among 5 factors named Training programs, Lecturers and teaching activities, Training organization and evaluation of results, Facilities and Consulting and supporting learners.

Keywords: Satisfaction, vocational training quality, colleges, Phu Tho Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]