Đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế Giá trị gia tăng tại các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bànhuyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

TS. NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN - TS. TRẦN THỊ GIANG (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết chỉ ra thực trạng thực hiện Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó phân tích các thuận lợi và hạn chế trong công tác thực hiện Luật Thuế GTGT tại đây. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT, tăng cường công tác quản lý thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới trong thời gian tới.

Từ khóa: Luật Thuế Giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Đặt vấn đề

Thuế là một công cụ kinh tế của Nhà nước mà theo đó họ sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội, đạt được các mục tiêu đề ra.

A Lưới là một trong những huyện nghèo ở miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về mặt giao thông, huyện được nối với thành phố Huế bằng quốc lộ 49, là một quốc lộ rất hiểm trở có ba đèo cao và vực sâu, cùng với đó là vùng đất có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Là một địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như vậy, do đó số doanh nghiệp trên địa bàn là ít, có nguồn vốn thấp, trong đó chiếm hơn 90% là DNNVV, vì vậy số thu hằng năm của địa phương cũng nhỏ, chỉ từ 21 tỉ đồng đến hơn 23 tỉ đồng/năm.

Với số doanh nghiệp ít, có nguồn vốn thấp như vậy nhưng thực trạng chấp hành luật thuế trên địa bàn lại diễn ra chưa thật sự tốt, cụ thể theo số liệu báo cáo của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2019, tổng số thuế phải nộp sau kiểm tra (bao gồm truy thu, phạt và truy hoàn) tại các DNNVV huyện A Lưới đạt trung bình gần 50 triệu đồng/cuộc, trong khi con số này đối với toàn Tỉnh chỉ có 28 triệu đồng/cuộc, chủ yếu là do các hành vi kê khai sai số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, số thuế GTGT phải nộp, số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau, số thuế TNDN phải nộp, chứng tỏ mức độ nắm bắt và tuân thủ pháp luật của các DNVVN tại địa phương còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung cả tỉnh.

Do vậy, bài viết đã lựa chọn đề tài “Đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện A Lưới" làm đề tài nghiên cứu.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Khái niệm thuế GTGT

Theo Điều 2, Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, thuế GTGT được định nghĩa như sau: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.

2.2. Nội dung cơ bản của Luật thuế GTGT

2.2.1. Người nộp thuế GTGT

+ Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa (HH), dịch vụ (DV) chịu thuế GTGT;

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu HH, DV chịu thuế GTGT.

2.2.2. Đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT

a) Đối tượng chịu thuế GTGT: Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế.

b) Đối tượng không chịu thuế GTGT: Bao gồm 26 nhóm HHDV được quy định tại Điều 4 Luật Thuế GTGT.

2.2.3.  Đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (được bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Thông tư số 193/2015/TT-BTC).

2.2.4. Nghĩa vụ của người nộp thuế GTGT

- Đăng ký thuế và cấp mã số thuế: Thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là thời điểm để tính thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc đăng ký thuế phải tuân thủ theo những trình tự thủ tục nhất định gọi là quy trình đăng ký thuế.

- Kê khai thuế GTGT.

- Nộp thuế GTGT.

3. Tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới

3.1. Kiểm định độ tin cậy của các biến số phân tích với hệ số Cronbach’s Alpha

Kết quả kiểm định cho thấy:

Thang đo nhân tố “Kê khai đối tượng chịu thuế” có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,8399 và hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3. Mặt khác, hệ số Cronbach’s Alpha của các biến đều thỏa mãn điều kiện nên thang đo được sử dụng là thang đo lường tốt cho nghiên cứu.

Thang đo nhân tố “xác định giá tính thuế” có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,8247 và tương quan biến tổng của các biến đều lớn trên 0,3 với kết quả này thì ta không cần phải loại bất kỳ biến nào trong yếu tố này vì tất cả chúng đều đảm bảo được độ tin cậy của một thang đo tốt.

Thang đo nhân tố “xác định thuế suất” có hệ số Cronbach’s Alpha và số tương quan biến tổng thỏa mãn điều kiện lần lượt là 0,8561 và trên 0,5 (yêu cầu chỉ cần trên 0,3) cho thấy các biến trong nhân tố này có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và đem lại sự đánh giá chính xác và tin cậy.

Thang đo “áp dụng phương pháp tính thuế” có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,8389, đồng thời nếu loại bỏ bất kì biến quan sát nào thì đều làm cho hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo thấp đi. Điều đó cộng thêm với hệ số tương quan biến tổng đều trên 0,3 nên các biến trong nhân tố này hoàn toàn đạt được độ tin cậy và có thể giải thích, đánh giá chính xác cho kết quả nghiên cứu.  

Thang đo nhân tố “Kiểm tra thuế” có hệ số Cronbach’s Alpha và số tương quan biến tổng thỏa mãn điều kiện lần lượt là 0,8925 và trên 0,3 cho thấy thang đo nhân tố “kiểm tra thuế” là một thang đo lường tốt.

Hệ số Cronbach’s Alpha của nhân tố “vi phạm pháp luật về thuế” có giá trị 0,8792 và hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3, cho thấy đây là một thang đo lường tốt và có thể sử dụng tốt trong các bước phân tích tiếp theo.

3.2. Phân tích nhân tố

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy hệ số tương quan của các nhân tố đều thỏa mãn các yêu cầu mà phương pháp phân tích nhân tố đòi hỏi. Kết quả cho thấy có 6 nhân tố có được từ phương pháp nói trên với các Eigenvalue > 1, hệ số tin cậy Reliability > 0,5, do đó các nhân tố mới này sẽ được sử dụng để tính toán thành các biến mới cho việc phân tích thích hợp để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới.

3.3. Phân tích hồi quy

Việc phân tích hồi quy nhằm để xác định cụ thể từng nhân tố tác động đến tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới. Do vậy, bài viết xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính bội, trong đó biến độc lập gồm: Năm thành lập; Xác định thuế suất GTGT; Kê khai đối tượng chịu thuế GTGT; Áp dụng phương pháp tính thuế GTGT; Kiểm tra thuế GTGT; Vi phạm pháp luật về thuế GTGT và Xác định giá tính thuế GTGT. Biến phụ thuộc là đánh giá của các đối tượng điều tra về tình hình thực hiện luật thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới.

Mô hình hồi quy có dạng:

Yi = β0 + β1*F1i + β2*F2i + β3*F3i + β4*F4i + β5*F5i + β6*F6i + β7*F7i + ui

Trong đó: i là thứ tự mẫu điều tra (i = 1 → 95); β0, β1, β2, β3, β4, β5, β6, β7: là các hệ số hồi quy tương ứng; F1i: Xác định thuế suất GTGT; F2i: Kê khai đối tượng chịu thuế GTGT; F3i: Áp dụng phương pháp tính thuế GTGT; F4i: Kiểm tra thuế GTGT; F5i: Vi phạm pháp luật về thuế GTGT; F6i: Xác định giá tính thuế GTGT; F7i: Năm thành lập; Yi: Biến phụ thuộc (Là đánh giá chung của các đối tượng điều tra về tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới).

Bảng 1. Kết quả phân tích hồi quy các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới

Kết quả phân tích hồi quy các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới

Ghi chú: *: độ tin cậy 90%; **: độ tin cậy 95%; ***: độ tin cậy 99%

Nguồn: Từ kết quả xử lý số liệu điều tra với SPSS

Bảng 1 cho thấy:

- Kết quả kiểm định các biến độc lập:

Các biến: Xác định thuế suất GTGT; Kê khai đối tượng chịu thuế GTGT; Áp dụng phương pháp tính thuế GTGT và Xác định giá tính thuế GTGT đều có giá trị thống kê t lớn và Sig < 0,01. Điều này cho thấy các hệ số hồi quy gắn với các biến độc lập trên đều có ý nghĩa về mặt thống kê với độ tin cậy 99%; hay nói cách khác các biến độc lập trên tác động lên biến phụ thuộc và có mối quan hệ tác động cùng chiều lên biến phụ thuộc.

Các biến: Kiểm tra thuế GTGT và Vi phạm pháp luật về thuế GTGT đều có giá trị thống kê t lớn và Sig < 0,01. Điều đó cho thấy các hệ số hồi quy gắn với các biến độc lập trên đều có ý nghĩa về mặt thống kê với độ tin cậy 95%; hay nói cách khác các biến độc lập trên tác động lên biến phụ thuộc và có mối quan hệ tác động cùng chiều lên biến phụ thuộc.

Biến Năm thành lập có giá trị thống kê t lớn và Sig < 0,01. Điều đó cho thấy, hệ số hồi quy gắn với biến độc lập trên có ý nghĩa về mặt thống kê với độ tin cậy 90%; hay nói cách khác biến độc lập trên tác động lên biến phụ thuộc và có mối quan hệ tác động ngược chiều lên biến phụ thuộc.

Phân tích ANOVA cho thấy thông số F có Sig = 0,000, chứng tỏ rằng mô hình hồi qui xây dựng được là phù hợp với bộ dữ liệu thu thập được.

Hệ số xác định bội R2 = 0,442, cho thấy độ thích hợp của mô hình là 44,2% hay nói một cách khác là 44,2% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích chung bởi các biến độc lập trong mô hình.

Kiểm định d của Durbin - Watson cho kết quả dU < d= 1,929 <4-dU. Điều này chứng tỏ không có hiện tượng tự tương quan bậc 1 và đảm bảo cho các ước lượng, kiểm định, sai số chuẩn của mô hình là hiệu lực và tin cậy.

Hệ số phóng đại phương sai - VIF (Variance inflation factor) của các biến độc lập trong mô hình đều nhỏ hơn 2, do đó hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập không ảnh hưởng đến mô hình hồi qui.

Ta có mô hình hồi qui:

Yi = 33,173 + 0,188*F1i + 0,150*F2i + 0,114*F3i + 0,103*F4i + 0,096*F5i + 0,138*F6i - 0,015*F7i              (1)

Theo mô hình hồi qui (1) thì:

- Xác định thuế suất GTGT - Kê khai đối tượng chịu thuế GTGT - Xác định giá tính thuế GTGT - Áp dụng phương pháp tính thuế GTGT - Kiểm tra thuế GTGT - Vi phạm pháp luật về thuế GTGT - Năm thành lập, theo thứ tự đó có tác động quan trọng đến tình hình thực hiện luật thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới.

- Theo đó, nếu nhân tố Xác định thuế suất thuế GTGT tăng thêm 1 đơn vị thì tác động đến tình hình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới làm biến này tăng thêm 0,188 đơn vị. Cùng với cách giải thích tương tự, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của các nhân tố còn lại trong mô hình.

4. Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao tình hình thực hiện Luật thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới trong thời gian tới

4.1. Những hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT tại các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới

+ Về kê khai đối tượng chịu thuế:

Mặc dù các doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách trong chính sách, pháp luật về thuế trong thời gian gần đây nhưng chính sự thay đổi liên tục này cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Nhiều doanh nghiệp không kịp nắm bắt những thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và pháp luật liên quan đến sản xuất - kinh doanh nói chung.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về thuế còn chậm so với thời hạn thi hành quy định của các văn bản Luật, Nghị định khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh như điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, làm gia tăng chi phí, thời gian,…

Nguyên nhân là do khi có văn bản, chính sách pháp luật mới chưa kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt cũng như dễ dàng thực hiện đúng và đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, đối tượng chịu thuế GTGT chưa phản ánh đúng bản chất của sự vật hiện tượng, việc thuế GTGT phân ra đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế chưa chính xác về mặt khoa học, cùng với việc quy định trực tiếp hàng hoá, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT nên đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT của doanh nghiệp.

+ Về giá tính thuế GTGT:

Luật Thuế GTGT hiện nay quy định nhiều nguyên tắc để xác định giá tính thuế, tuy nhiên trong quá trình thực hiện luật DN vẫn khó để xác định đúng được hết tất cả các nghiệp vụ phát sinh, dẫn đến vi phạm pháp luật về thuế “thụ động”.

Nguyên nhân là do các nguyên tắc này vẫn mang nặng tính chất quy định, chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tế.

+ Về áp dụng phương pháp tính thuế:

Theo pháp luật về thuế GTGT, chỉ khi những đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua hàng hóa, dịch vụ từ những đơn vị cũng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và có lập hóa đơn GTGT hợp pháp thì mới có khả năng được khấu trừ thuế đầu vào một cách chính xác số thuế GTGT đúng theo bản chất của thuế GTGT. Còn trường hợp, những đơn vị nộp thuế GTGT theo phương thức trực tiếp, hóa đơn đầu vào hợp pháp nhưng không là hóa đơn GTGT mà là hóa đơn bán hàng, thì đối tượng nộp thuế không được khấu trừ hoặc được khấu trừ theo một tỷ lệ ấn định mang tính chủ quan. Vì vậy, trường hợp này đi ngược lại với bản chất của thuế GTGT mà thực chất chỉ là một phiên bản của thuế doanh thu. Ngoài ra, đối với những trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh mua hàng không có hoá đơn chứng từ mà chỉ cần bảng kê khai (hầu như không có giá trị pháp lý) thì được khấu trừ khống theo tỷ lệ nhất định (trừ một số hàng hoá không được khấu trừ khống theo Nghị định số 108/2002/NĐ-CP ngày 25/12/2002 của Chính phủ). Vì vậy, đã đưa đến mâu thuẫn là trong một số trường hợp số thuế đầu vào không có thật thì được khấu trừ, một số trường hợp khác là số thuế đầu vào có thật thì không được khấu trừ hoặc chỉ được khấu trừ một phần.

+ Về vi phạm pháp luật về thuế:

Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện A Lưới là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần đều mới thành lập. Do đó, hệ thống hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán chưa đầy đủ, cộng thêm với việc do quy mô nhỏ nên trình độ nhân viên kế toán của doanh nghiệp thường không cao, dẫn đến sai sót trong việc lập chứng từ, sổ sách, hồ sơ kế toán, tính hiệu quả trong việc thực hiện luật thuế không cao.

Bên cạnh những lợi ích về việc áp dụng hóa đơn điện tử, vẫn còn một số bất cập khi doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử rồi vẫn phải sử dụng hóa đơn giấy. Cụ thể và thường xuyên nhất là khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường, các cơ quan quản lý như cảnh sát giao thông, quản lý thị trường,… vẫn yêu cầu xuất trình hóa đơn giấy gây khó khăn cho doanh nghiệp và vô hiệu hóa ý nghĩa của việc ứng dụng hóa đơn điện tử.

Nguyên nhân là do chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý khác nhau trong quá trình thực hiện.

4.2. Đề xuất một số giải pháp

4.2.1. Cần tăng cường công tác tập huấn cho các doanh nghiệp

Thực tiễn cho thấy, các DNNVV trên địa bàn huyện A Lưới còn nhiều hạn chế trong việc nhận thức, hiểu biết đúng các quy định của luật thuế. Do vậy cần thường xuyên chủ động triển khai các Luật Thuế sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bản chất tốt đẹp của hệ thống chính sách thuế của Đảng và Nhà nước, về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, công dân.

4.2.2. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thuế

Trong quá trình thực hiện luật, cán bộ thuế có vai trò là người làm nhiệm vụ kiểm soát, hướng dẫn, điều chỉnh người nộp thuế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thực hiện đúng theo luật định. Mỗi khi có chính sách, văn bản pháp luật mới, cán bộ thuế phải là người tìm hiểu, nắm rõ trước tiên. Cán bộ thuế phải trau dồi nghiệp vụ, sử dụng thành thạo các thiết bị tin học, các phần mềm, ứng dụng có liên quan. Không chỉ phục vụ cho chuyên môn của bản thân mà còn phải phục vụ cho người nộp thuế (doanh nghiệp) tiếp cận sớm thông tin, hỗ trợ khi có vướng mắc cần được giải đáp trong suốt quá trình thực hiện luật.

4.2.3. Nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra thuế

Số lượng doanh nghiệp được kiểm tra hàng năm ít, trong khi đó tỷ lệ các doanh nghiệp không thực hiện đúng luật thuế trên địa bàn lớn, chủ yếu thường sai phạm trong quá trình kê khai, khấu trừ thuế GTGT. Vì vậy, cần thu thập, phân tích thông tin dữ liệu, đánh giá rủi ro của doanh nghiệp để lựa chọn đúng đối tượng cần kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh hành vi của người nộp thuế.

Chú trọng tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nếu có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2008), Luật số 13/2008/QH12: Luật Thuế giá trị gia tăng, ban hành ngày 03/6/2008.
  2. Quốc hội (2017), Luật số 04/2017/QH14: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 12/6/2017.
  3. Chính phủ (2002), Nghị định số 108/2002/NĐ-CP, ngày 25/12/2002 của Chính phủ về việc bãi bỏ quy định khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào theo tỉ lệ (%) đối với một số hàng hóa, dịch vụ.
  4. Bộ Tài chính (2011), Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015, NXB Tài chính, Hà Nội.
  5. Bộ Tài chính (2014), Văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung về Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2014, NXB Tài chính, Hà Nội.
  6. Chi cục Thuế huyện A Lưới (2020), Báo cáo chính trị của Chi bộ CCT khóa IX tại Đại hội Chi bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2022, tháng 3/2020.
  7. Chi cục Thuế huyện A Lưới (2020), Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2020.
  8. Nguyễn Bích Diệp (2016), Thực thi pháp luật thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
  9. Trần Thùy Hoài An (2018), Pháp luật về thuế GTGT, qua thực tiễn tại tỉnh Quảng Trị, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
  10. Nguyễn Việt Hồng Anh (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến không tuân thủ thuế của doanh nghiệp, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  11. Văn Công Tuân (2012), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp (tình huống nghiên cứu tại Chi cục Thuế quận 1 TP. Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

ASSESSING THE IMPLEMENTATION OF THE LAW

ON VALUE ADDED TAX IN SMALL AND MEDIUM-SIZED

ENTERPRISES IN A LUOI DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE

• Ph.D NGUYEN DINH CHIEN

• Ph.D TRAN THI GIANG

University of Economics, Hue University

ABSTRACT:

This paper points out the actual implementation of the Law on Value Added Tax in small and medium-sized enterprises (SMEs) in A Luoi District, Thua Thien Hue Province and analyzes the advantages and limitations in this law implementation. Based on the papers findings, some solutions are proposed to improve the implementation of the Law on Value Added Tax in order to enhance the VAT management effectiveness at SMEs in A Luoi District in the coming time.

Keywords: Law on Value Added Tax, small and medium-sized enterprises, A Luoi District, Thua Thien Hue Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]