TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các tiêu chí đánh giá Tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ (KSNB) hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam theo khuôn mẫu KSNB của COSO - khuôn mẫu về KSNB được hầu hết các nước trên thế giới vận dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng được đánh giá qua sự hiện hữu của các nhân tố: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro tín dụng, Hoạt động kiểm soát tín dụng, Thông tin và truyền thông, Hoạt động giám sát tín dụng. Đồng thời, các nhân tố này phải vận hành theo đúng chức năng của chúng trong thực tế và cùng hoạt động như một thể thống nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề xuất phương pháp đánh giá mục tiêu hiệu quả hoạt động tín dụng qua tiếp cận khuôn mẫu KSNB của COSO và tổng quan các nghiên cứu có liên quan.

Từ khóa: Hiệu quả hoạt động tín dụng, tín dụng, kiểm soát nội bộ, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Ngân hàng thương mại (NHTM) là loại hình trung gian tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Kết quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng tương ứng đến hệ thống tài chính quốc gia cũng như nền kinh tế nói chung. Trong thời gian vừa qua, chịu sự tác động bởi dịch bệnh Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy rằng sẽ có đến 74% trong số 1.200 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Sự gia tăng nợ xấu đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị ngân hàng hiện nay. Rủi ro tín dụng là không thể tránh khỏi. Giải pháp cấp thiết cho các nhà quản trị ngân hàng là định mức được khẩu vị rủi ro tín dụng phù hợp để làm thước đo đối với các quyết định kinh doanh hàng ngày của các đơn vị trong ngân hàng, nhằm cân bằng giữa lợi ích và rủi ro với mỗi quyết định có thể mang lại. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những công cụ được các nhà quản trị ngân hàng sử dụng phổ biến nhất là kiểm soát nội bộ (KSNB). KSNB được thiết lập hữu hiệu sẽ giúp nhà quản lý phát hiện kịp thời và ngăn chặn được sai sót nhằm kiểm soát ngay từ đầu các rủi ro tín dụng có thể phát sinh, đảm bảo hợp lý việc đạt được các mục tiêu liên quan đến hoạt động tín dụng đã được đặt ra. Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các nhà quản trị đã rất quan tâm đến việc thiết lập hệ KSNB theo các chuẩn mực quốc tế, cụ thể là khuôn mẫu KSNB của COSO, một khuôn mẫu về KSBN được nhiều nước trên thế giới vận dụng.

Tổng quan nghiên cứu cho thấy, hầu hết các học giả vận dụng khuôn mẫu về KSNB của COSO để đánh giá về Tính hữu hiệu của việc thiết lập KSNB tại các đơn vị. Tuy nhiên, việc vận dụng khuôn mẫu này vào một hoạt động cụ thể, đặc biệt là hoạt động tín dụng, hoạt động đem lại nguồn thu nhập cao nhất cho các ngân hàng hiện nay để đánh giá Tính hữu hiệu của việc thiết lập KSNB trong hoạt động tín dụng tại các NHTM lại chưa được nhiều học giả nghiên cứu quan tâm

2. Cơ sở lý thuyết

Ủy ban COSO là một Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ về việc chống gian lận trên báo cáo tài chính, thường gọi là Ủy ban Treadway, được thành lập vào năm 1985 dưới sự bảo trợ của 5 tổ chức nghề nghiệp là: Hiệp hội Kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA); Hiệp hội Kế toán Hoa Kỳ (AAA); Hiệp hội Quản trị viên tài chính (FEI); Hiệp hội Kế toán viên quản trị (IMA); Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ (IIA). Ủy ban COSO được thành lập nhằm thống nhất định nghĩa về KSNB để phục vụ cho các đối tượng khác nhau, hướng dẫn các đơn vị có thể xây dựng một hệ thống KSNB hữu hiệu nhằm giảm đi sự khác biệt của các quan điểm về KSNB.

Sau một thời gian dài làm việc, đến năm 1992, COSO đã phát hành báo cáo. Báo cáo COSO 1992 là tài liệu đầu tiên trên thế giới đã đưa ra khuôn mẫu lý thuyết về KSNB một các đầy đủ và có hệ thống. Đến năm 2016, COSO đã ban hành báo cáo mới. Mục tiêu của báo cáo COSO 2016 là thiết lập khuôn mẫu về KSNB, đưa ra các hướng dẫn về quản trị rủi ro và biện pháp để giảm thiểu gian lận, từ đó giúp cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như tăng cường sự giám sát của đơn vị.

2.1. Định nghĩa về kiểm soát nội bộ

Theo báo cáo COSO 2016, KSNB được hiểu là quá trình chịu ảnh hưởng của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo và các nhân viên của đơn vị, được thiết lập qua năm thành phần bao gồm: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông, Hoạt động giám sát nhằm cung cấp sự bảo đảm hợp lý cho việc đạt được các mục tiêu liên quan đến hoạt động, báo cáo và tuân thủ. Theo đó, các mục tiêu được hiểu cụ thể như sau:

  • Mục tiêu hoạt động

Mục tiêu hoạt động liên quan đến việc đạt được sứ mệnh và tầm nhìn cơ bản của đơn vị, là lý do cơ bản để đơn vị tồn tại. Các mục tiêu này thay đổi dựa trên lựa chọn của BLĐ về mô hình hoạt động quản lý, về ngành và hiệu suất. Các mục tiêu được chia thành các mục tiêu nhỏ cho hoạt động trong bộ phận, công ty con, đơn vị hoạt động và chức năng, hướng đến nâng cao hiệu quả của việc đạt được mục tiêu cuối cùng.

  • Mục tiêu báo cáo

Mục tiêu báo cáo liên quan đến việc lập báo cáo để đơn vị và bên liên quan sử dụng. Mục tiêu báo cáo có thể liên quan đến báo cáo tài chính hay phi tài chính và báo cáo nội bộ hay bên ngoài. Mục tiêu báo cáo nội bộ được thúc đẩy bởi các yêu cầu nội bộ để đáp ứng nhu cầu khác nhau như định hướng chiến lược, kế hoạch hoạt động và chỉ số hiệu suất của đơn vị ở các cấp độ khác nhau. Mục tiêu báo cáo bên ngoài được thúc đẩy chủ yếu bởi các quy định và/hoặc tiêu chuẩn do nhà quản lý và đơn vị thiết lập tiêu chuẩn đặt ra.

  • Mục tiêu tuân thủ

Luật và quy định thiết lập tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh tối thiểu được yêu cầu đối với đơn vị. Các đơn vị phải tiến hành các hoạt động và thường xuyên thực hiện hành động cụ thể theo luật và quy định hiện hành. Như một phần của việc xác định mục tiêu tuân thủ, đơn vị cần hiểu được luật, quy tắc và quy định nào áp dụng cho toàn đơn vị.

2.2. Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ

Theo COSO 2016, một hệ thống KSNB hữu hiệu sẽ giúp bảo đảm hợp lý việc đạt được các mục tiêu của đơn vị. Hay nói cách khác, hệ thống KSNB hữu hiệu phải làm giảm thiểu rủi ro của việc không đạt được một, hai hay cả ba nhóm mục tiêu xuống mức thấp nhất. Do vậy, một hệ thống KSNB được gọi là hữu hiệu khi hệ thống này thỏa mãn đồng thời hai tiêu chuẩn sau đây:

Năm thành phần của KSNB và các nguyên tắc kiểm soát liên quan đều phải hiện hữu và vận hành theo đúng chức năng của chúng trong thực tế.

Năm thành phần cùng hoạt động như một thể thống nhất.

Hai tiêu chuẩn trên được hiểu cụ thể như sau:

(i) Tất cả các thành phần hiện hữu và vận hành theo đúng chức năng:

COSO 2016 cho rằng năm thành phần của KSNB là phù hợp và có liên quan đến mọi đơn vị.

Các nguyên tắc kiểm soát là các khái niệm nền tảng gắn liền với từng thành phần của KSNB. Vì vậy, COSO 2016 xem mười bảy nguyên tắc là phù hợp với mọi đơn vị.

 Theo COSO 2016, các nguyên tắc có mối liên quan đáng kể đến sự hiện hữu và và vận hành theo đúng chức năng của từng thành phần liên quan. Theo đó, nếu nguyên tắc tương ứng không hiện hữu và vận hành đúng chức năng thì thành phần liên quan sẽ không thể hiện hữu và vận hành đúng chức năng được. Khi quyết định xem liệu rằng một thành phần của KSNB có hiện hữu và hoạt động theo đúng chức năng của chúng hay không, Quản lý cấp cao cần xác định xem các nguyên tắc liên quan có đang hiện hữu và vận hành theo các chức năng đã được thiết lập hay không.

(ii) Năm thành phần hoạt động như một thể thống nhất:

 Khuôn khổ yêu cầu năm thành phần của KSNB hoạt động cùng nhau theo một thể thống nhất. Hoạt động theo một thể thống nhất được hiểu là sự vận hành của cả năm thành phần tạo ra tác động chung làm giảm rủi ro của việc không đạt được mục tiêu nào đó đến mức thấp nhất có thể chấp nhận được.

Khi đánh giá một hệ thống KSNB là hữu hiệu, Hội đồng quản trị và nhà quản lý cần bảo đảm hợp lý các danh mục mục tiêu sau đây: Hoạt động đạt hữu hiệu và hiệu quả; Báo cáo tài chính được lập một cách đáng tin cậy; Tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan.

3. Tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng

3.1. Tiêu chí định lượng đánh giá tính hiệu quả của mục tiêu hoạt động tín dụng

  • Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng, các học giả tiếp cận theo ba cách về ngân hàng là: tiếp cận theo sản xuất, tiếp cận trung gian hay tiếp cận theo chi phí biên, cụ thể:

Cách tiếp cận sản xuất: tiên phong của cách tiếp cận này là Benston (1965), Bell và Murphy (1968). Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu này cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp sản xuất vì đã sử dụng vốn và lao động để “sản xuất” nên đa dạng tiền gửi và tiền vay khác nhau. Vì vậy, theo cách tiếp cận này, đầu ra được đo lường bằng lượng tiền gửi và khoản vay. Vốn và lao động được xác định là đầu vào.

Cách tiếp cận trung gian: các tiếp cận trung gian nhấn mạnh đến vai trò trung gian của ngân hàng. Ngân hàng sản xuất dịch vụ trung gian tài chính thông qua việc huy động vốn từ nền kinh tế và các khoản huy động khác để đầu tư vào các khoản sinh lời khác như các khoản vay và đầu tư khác. Theo cách tiếp cận này, đầu ra của ngân hàng là giá trị các khoản cho vay và đầu tư. Nguồn vốn huy động cùng với lao động và vốn được xem là yếu tố đầu vào (Georgiou, Athanasoglou và Staikouras, 2008).

Xem xét liệu rằng nguồn vốn huy động là yếu tố đầu vào hay đầu ra là sự khác biệt cơ bản giữa hai cách tiếp cận này. Tiền gửi có thể là yếu tố đầu ra khi chúng được dùng để cung cấp một số dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà khách hàng nhận được để đổi lấy tiền gửi của họ như sử dụng máy ATM, sec thanh toán… Mặt khác, tiền gửi cũng có thể được xem là yếu tố đầu vào vì số tiền thu được được sử dụng để “sản xuất” các khoản vay và các tài sản khác.

Cuối cùng, cách tiếp cận căn cứ vào phân loại chi phí theo kinh nghiệm của nhà quản lý. Nhà quản lý sẽ xác định liệu rằng tài sản hay khả năng thanh khoản của ngân hàng là yếu tố đầu vào hay đầu ra của ngân hàng theo chi phí cơ hội sử dụng đồng tiền. Tùy thuộc vào sự chênh lệch của chi phí cơ hội sử dụng tiền của ngân hàng với lãi suất được tạo ra bởi nhà quản lý giữ lại tài sản/khả năng thanh khoản mà tài sản/khả năng thanh khoản có thể là yếu tố đầu vào hay đầu ra. Nếu chênh lệch này dương thì tài sản/khả năng thanh khoản của ngân hàng là yếu tố đầu vào và ngược lại.

  • Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng

Theo Goetz và Gupta (1996), hầu hết các nhà nghiên cứu đều đo lường hiệu quả hoạt động tín dụng bởi tỷ lệ trả nợ của khách hàng, tỷ lệ này càng cao thì hoạt động tín dụng được xem càng có hiệu quả.

Một số nhà nghiên cứu khác nghiên cứu hoạt động tín dụng chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu hoạt động cho vay như: Nalukenge và Tusiime (2014) cho rằng hiệu quả hoạt động cho vay là tỷ lệ của nợ quá hạn trên tổng dư nợ. Samad (2004) cũng đồng thuận với quan điểm này và nhận định rằng tỷ lệ này càng thấp thì hiệu quả hoạt động cho vay càng cao.

  • Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng đề xuất

Qua tổng quan các nghiên cứu có liên quan, tác giả đề xuất tiêu chí đánh giá mục tiêu hiệu quả hoạt động tín dụng như sau:

Theo báo cáo COSO 2016, hoạt động của đơn vị chỉ được xem là hiệu quả khi đơn vị đạt được tối đa mục tiêu đã đặt ra. Mục tiêu hoạt động là các mục tiêu liên quan đến việc đạt được sứ mệnh và tầm nhìn cơ bản của đơn vị, là lý do cơ bản để đơn vị tồn tại. Mục tiêu hoạt động có thể liên quan đến việc gia tăng kết quả tài chính, năng suất, chất lượng…

Tiếp cận quan điểm đánh giá hiệu quả hoạt động vào thực tế trong hoạt động tín dụng tại các NHTM cho thấy, hàng năm Đại hội đồng cổ đông sẽ đặt ra các mục tiêu về hoạt động tín dụng qua các chỉ tiêu kế hoạch về hoạt động tín dụng là: dư nợ tín dụng, nợ xấu và lợi nhuận trước thuế. Định kỳ, tùy theo đặc thù của các ngân hàng, tiến trình hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch này sẽ được báo cáo cụ thể qua Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng hoặc Báo cáo thường niên. Ngoài ra, tiếp cận tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng của một số học giả điển hình, tác giả đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá mục tiêu hiệu quả hoạt động tín dụng thêm hai tiêu chí sau:

Một là, tiếp cận qua điểm xem ngân hàng là đơn vị trung gian để đánh giá hiệu quả hoạt động. Đầu ra của ngân hàng là dư nợ tín dụng và yếu tố đầu vào là nguồn vốn huy động của ngân hàng. Vì vậy, nguồn vốn huy động cũng cần được xem xét khi đánh giá về tính hiệu quả của mục tiêu hoạt động tín dụng.

Hai là, tiếp cận tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động tín dụng của một số nhà nghiên cứu như Goetz và Gupta (1996), Samad (2004), Nalukenge và Tusiime (2017), tiêu chí cơ cấu dư nợ tín dụng sẽ được lồng ghép đánh giá trong đánh giá về hiệu quả hoạt động tín dụng.

3.2. Tiêu chí đánh giá Tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng

Tiếp cận khuôn mẫu về KSNB của báo cáo COSO 2016 trong việc nghiên cứu đánh giá về Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng, Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng được đánh giá qua các tiêu chí:

Một là, đánh giá sự hiện hữu của các yếu tố Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro tín dụng, Hoạt động kiểm soát tín dụng, Thông tin và truyền thông, Hoạt động giám sát tín dụng tại các NHTM Việt Nam.

Hai là, đánh giá sự vận hành theo đúng chức năng của các yếu tố này với các nguyên tắc tương ứng:

Sau khi đã xác định được sự hiện hữu của các yếu tố Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro tín dụng, Hoạt động kiểm soát tín dụng, Thông tin và truyền thông, Hoạt động giám sát tín dụng tại các NHTM và cần tiến hành khảo sát đánh giá mức độ vận hành theo đúng chức năng của mỗi yếu tố như sau:

Đối với văn bản nội bộ cùng với các thủ tục kiểm soát được thiết lập với mục đích đưa ra các quy định về hoạt động tín dụng và buộc các bộ nhân viên tác nghiệp tín dụng phải tuân thủ, cần tiến hành khảo sát đánh giá về tính hiệu lực của các văn bản nội bộ cùng với các thủ tục kiểm soát được thiết lập. Nghĩa là nhà quản lý đã ban hành các văn bản nội bộ và thiết lập các thủ tục kiểm soát nhằm nâng cao Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng trong ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế, các văn bản này có hiệu lực hay không? Các thủ tục kiểm soát có đạt hữu hiệu không? Cán bộ tác nghiệp tín dụng có thực hiện theo đúng các quy định của văn bản nội bộ đã được ban hành? Thực hiện theo đúng các thủ tục kiểm soát đã được thiết lập?

Với các văn bản, thông báo nội bộ với mục đích hỗ trợ cho cán bộ nhân viên trong việc tác nghiệp như cảnh báo nhóm khách hàng nợ lãi, cảnh báo sớm với các khách hàng sẽ chuyển nhóm nợ, phân tích nhận diện rủi ro tín dụng, phân tích những thay đổi có ảnh hưởng lớn đến KSNB hoạt động tín dụng…, cấn tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hỗ trợ của các văn bản, thông báo này đến việc đánh giá khách hàng của các cán bộ nhân viên tác nghiệp tín dụng.

Với hai yếu tố thông tin và truyền thông và hoạt động giám sát tín dụng, cần tiến hành đánh giá chất lượng của hai yếu tố này theo các yêu cầu được đặt ra của khuôn mẫu COSO 2016.

Ba là, đánh giá các yếu tố cấu thành KSNB tín dụng hoạt động cùng nhau như một thể thống nhất.

Theo COSO 2016, các yếu tố cấu thành KSNB hoạt động cùng nhau như một thể thống nhất được hiểu là sự vận hành của các nhân tố này tạo ra tác động chung đến Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng. Vì vậy, tác giả đề xuất tiến hành đánh giá tác động của các nhân tố này đến Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng thể hiện qua các hệ số hồi quy trong mô hình hồi quy bội thể hiện mối quan hệ của các nhân tố KSNB hoạt động tín dụng có ảnh hưởng đến Tính hữu hiệu của KSNB hoạt động tín dụng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Basel Committee on Banking Supervision (1998), Framework for Internal Control Systems in Banking Organization, available from <https://www.bis.org/publ/bcbs40.pdf>, [5 February 2020]
  2. Benston, G. J. (1965), Branch banking and economies of scale, Journal of Finance, 20, 2, 312–331.
  3. Committee of Sponsoring Organisations of the Treadway commission - COSO (2016). Internal Control - Integrated Framework, New York: AICPA.
  4. Georgiou, E. A., Athanasoglou, P. P., Staikouras, C. C. (2008), Assessing output and productivity growth in the banking industry, avairable from<https://mpra.ub.uni-muenchen.de/31996/>,[5 July 2017]
  5. Goetz, A. M. and Gupta, R. S. (1996), Who Takes the Credit? Gender, Power, and Control over loan use in rural credit programs in Bangladesh, World Development, 24, 1, 45-63.
  6. Nalukenge, I. and Tusiime, I. (2017), The impact of financial management practices and competitive advantage on the loan performance of MFIs, International Journal of Social Economics, 44, 1, 114-131.
  7. Samad, A. (2014), Performance of interest-free islamic banks vis-à-vis interest-based conventional banks of Bahrain, Journal of Economics and Management,12, 2, 1-15.

 

EVALUATE THE EFFECTIVENESS OF INTERNAL CONTROL ON CREDIT OPERATIONS IN VIET NAM COMMERCIAL BANKS

IN ACCORDANCE WITH COSO

Ph.D TRUONG NGUYEN TUONG VY

Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH)

ABSTRACT:

The research studies about the factors measuring the effectiveness of internal control on credit operations in Viet Nam commercial banks based on internal control framework from COSO, which is applied by many countries around the world. The result suggests that the effectiveness of internal control on credit operations is evaluated by several factors: The control environment, Credit risk assessment, Credit control activities, Information and communication, and Credit monitoring activities. Concurrently, all components operate together in an intergrate manner. Besides, this research also recommends the method to evaluate the effectiveness of credit operations by utilizing the internal control framework from COSO and other frameworks from other relevant studies.

Keywords: The effectiveness of credit operations, credit, internal control, commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]