Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại của chính quyền cấp tỉnh

ThS. NCS. LƯƠNG THỊ THÀNH NAM (Sở Tài chính tỉnh Nghệ An) - TS. THÁI THỊ KIM OANH (Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Bài viết này tổng quan và đánh giá các công trình nghiên cứu về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại tỉnh Nghệ An, các nhóm nghiên cứu chủ yếu liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và chính sách phát triển thương mại ở cả cấp độ quốc gia và địa phương, là các chính sách có mối liên hệ mật thiết với nhau và với chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại của địa phương. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ rõ các khoảng trống nghiên cứu của chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại của chính quyền cấp tỉnh.

Từ khóa: chính sách, khuyến khích đầu tư, phát triển thương mại, chính quyền cấp tỉnh.

1. Đặt vấn đề

Sự ra đời của ngành Thương mại - Dịch vụ là kết quả của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chính hoạt động thương mại phát triển đã góp phần tạo điều kiện để các nước phát triển nền kinh tế, tham gia vào quá trình phân công lao động xã hội, cải thiện sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá tổng quan chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại của chính quyền cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng để có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra được các khoảng trống, từ đó làm căn cứ cho quá trình đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu giải quyết đối với các giải pháp chính sách của chính quyền cấp tỉnh đối với khuyến khích đầu tư phát triển thương mại.

2. Nhóm nghiên cứu về chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư

Ở phạm vi quốc gia, nhiều nghiên cứu quốc tế tập trung vào vấn đề chính sách làm thế nào để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, một số chính sách chủ yếu là các chính sách ảnh hưởng đến chi phí lao động đơn vị, gánh nặng thuế doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, chế độ ngoại hối và thương mại (Demekas và cộng sự, 2007). Một phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ quan điểm cho rằng sự khác biệt quốc tế trong chính sách thuế là yếu tố quyết định quan trọng thu hút đầu tư. Có nhiều căn cứ cho thấy việc đánh thuế ảnh hưởng đáng kể đến vị trí của đầu tư trực tiếp nước ngoài (Hines và James, 1999). Chính sách thuế có thể được sử dụng như một công cụ để thay đổi các quyết định đầu tư vốn của các công ty. Một hệ thống thuế đơn giản có xu hướng hấp dẫn hơn đối với vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách thuế có tác động mạnh mẽ đến đầu tư thiết bị và vốn trong dài hạn (Hassett và Hubbard, 1997). Các quy định trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT/WTO) cũng cho thấy sự cần thiết phải điều hòa chính sách thuế quan nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư.

Asiedu (2006) đã sử dụng dữ liệu bảng của 22 quốc gia ở châu Phi trong giai đoạn 1984 - 2000 để xem xét tác động của tài nguyên thiên nhiên, quy mô thị trường, chính sách của chính phủ, sự bất ổn chính trị và chất lượng thể chế của nước sở tại đối với FDI.

Sử dụng phương pháp tiếp cận định lượng, Azam và Lukman (2008) nghiên cứu các yếu tố quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Ấn Độ, Indonesia và Pakistan. Nghiên cứu này xem xét các yếu tố kinh tế khác nhau ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Pakistan, Ấn Độ và Indonesia trong thời gian nghiên cứu từ năm 1971 đến năm 2005. Kết quả thực nghiệm cho thấy quy mô thị trường, nợ bên ngoài, đầu tư trong nước, mở cửa thương mại và cơ sở hạ tầng là yếu tố kinh tế quan trọng quyết định FDI.

Thông qua nghiên cứu tình hình thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực Đông Nam Châu Âu (SEEC), Bellak và cộng sự (2010) đã tập trung nghiên cứu vào các chính sách thuế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách cải thiện thể chế, từ đó vạch ra một số vấn đề chính sách trung và dài hạn.

Xuất phát từ thực tiễn thu hút FDI, Ramasamy và Yeung (2016) chỉ ra rằng các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra các quyết định quốc tế hóa trong việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài dựa trên 5 chính sách: Giảm thiểu rủi ro thể chế; Thúc đẩy quan hệ quốc tế với Trung Quốc; Khởi xướng các hiệp định thương mại với Trung Quốc; Cung cấp và thúc đẩy các ưu đãi về thuế và đầu tư; Khuyến khích thương mại nhiều hơn với Trung Quốc.

Cũng dưới góc độ nghiên cứu bối cảnh về thương mại toàn cầu thế kỷ 21 với những quan điểm, xu hướng mới về toàn cầu hóa, những thách thức và thuận lợi mà toàn cầu hóa mang lại, xu hướng của các vấn đề toàn cầu hóa hiện nay, một số nghiên cứu đã chỉ ra những thay đổi trong việc vận dụng các chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia trên thế giới (Ajami và Goddard, 2006; Katsioloudes, 2007).

Azih (2007) đã nghiên cứu và chỉ ra 6 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đó là: chính sách, thị trường, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, các quy tắc, luật pháp và an ninh xã hội, tuy nhiên chưa đề cập đến vai trò của địa lý và nguồn lực con người đối với môi trường đầu tư.

Các nghiên cứu trong nước đã hệ thống hóa các lý luận về vai trò của các giải pháp tài chính trong quản lý và thu hút FDI, học hỏi kinh nghiệm của một số nước châu Á trong việc sử dụng các công cụ tài chính để thu hút FDI, đánh giá được thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính trong thu hút và quản lý FDI ở Việt Nam (Lê Công Tài, 2001); mô tả được bức tranh toàn cảnh về thu hút FDI ở Việt Nam, đánh giá các mặt thành công và hạn chế các hoạt động thu hút FDI tại Việt Nam (Nguyễn Thị Kim Nhã, 2005; Bùi Huy Nhượng, 2006). Trong đó, đã luận giải một cách khoa học khái niệm “Hiệu quả các dự án FDI đã triển khai” là một nhân tố tác động đến thu hút FDI của một quốc gia (Nguyễn Thị Kim Nhã, 2005), hay có những đóng góp mới về mặt lý luận liên quan đến triển khai và thúc đẩy triển khai thực hiện dự án FDI tạo cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách về FDI (Bùi Huy Nhượng, 2006). Các nghiên cứu cũng đánh giá rằng, Nhà nước đã thu hút được số lượng lớn vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Kết quả là, sau nhiều năm đổi mới, tổng đầu tư xã hội đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Số vốn tăng thêm này đã góp phần làm cho nước ta giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo thêm nhiều việc làm mới và cải thiện chất lượng sống của dân cư (Trần Thị Minh Châu, 2007).

Nhiều nghiên cứu trong nước về chính sách thu hút đầu tư cũng được thực hiện ở quy mô vùng và khu vực, như: Thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn duyên hải miền Trung (Hà Thanh Việt, 2007). Trong nghiên cứu này, tác giả đã phân tích, luận giải về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI trên một vùng kinh tế của một quốc gia, khái quát được bối cảnh kinh tế - xã hội của vùng Duyên hải miền Trung và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của FDI trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng hiệu quả của thu hút và sử dụng vốn FDI tại đây, cùng những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó. Từ đó, nghiên cứu đã đề ra 3 nhóm giải pháp và có những giải pháp đặc thù, áp dụng riêng cho vùng Duyên hải miền Trung. Đỗ Hải Hồ (2011) với nghiên cứu Cải thiện môi trường đầu tư ở các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc cũng đã đề xuất 5 giải pháp cải thiện môi trường đầu tư các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, như sau: một là, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận; hai là, đổi mới chính sách thu hút đầu tư bao gồm các chính sách về thuế, chính sách về đất đai, hỗ trợ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng; ba là, tạo sự minh bạch và nâng cao chất lượng công vụ; bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năm là cải thiện kỹ năng xúc tiến đầu tư và chăm sóc, thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư. Phạm Thị Ánh Nguyệt (2014), với nghiên cứu Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Bình đã đề xuất mô hình kinh tế lượng gồm 4 biến độc lập là 4 chính sách bộ phận và biến phụ thuộc là dự định tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành công nghiệp của các doanh nghiệp.

Nghiên cứu đã kiểm định mối quan hệ phụ thuộc và chứng minh rằng dự định tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành công nghiệp của các doanh nghiệp chịu tác động từ các chính sách này. Nghiên cứu cũng đã đề xuất một hệ thống các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp cho tỉnh Thái Bình. Tác giả Phạm Xuân Tiến (2015), trong luận án tiến sĩ “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư để phát triển thương mại giai đoạn hiện nay”, cũng đã xây dựng hệ thống các nhân tố ảnh hưởng cấu thành năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư để phát triển thương mại. Các nghiên cứu trực tiếp liên quan đến chính quyền tỉnh, như: Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Nghệ An (Đặng Thành Cương, 2012), tác giả đã nghiên cứu, phân tích thực trạng thu hút vốn FDI vào tỉnh Nghệ An, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn FDI trong thời gian tiếp theo, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An.

Điểm mới của nghiên cứu là đã hệ thống bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn FDI theo cách tiếp cận vĩ mô đứng trên góc độ nhà quản lý, luận giải các chính sách để thu hút vốn FDI vào địa phương bao gồm chính sách cơ cấu ngành, chính sách thuế, phí và lệ phí, chính sách về đất đai, chính sách về lao động, về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, chính sách cải cách thủ tục hành chính và chính sách xúc tiến đầu tư. Vương Thị Thảo Bình và cộng sự (2016) với Đề tài khoa học cấp tỉnh Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020, có tính đến năm 2025 đã chỉ ra những lợi thế, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của tỉnh Nghệ An trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhận định Nghệ An nên xây dựng thương hiệu thu hút đầu tư bằng cung cấp nguồn nhân lực nghề tốt và môi trường đầu tư thông thoáng, đề xuất các nhóm giải pháp có liên quan.

3. Các nghiên cứu về chính sách phát triển thương mại

Trong mối quan hệ giữa chính sách thương mại với phát triển kinh tế chung, có thể thấy chính sách thương mại và phát triển kinh tế đã thay đổi hoàn toàn kể từ những năm 1950, trong đó chính sách thương mại được công nhận là trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế (Krueger, 1997). Chính sách thương mại của các nước đang phát triển đã giảm thiểu đáng kể các rào cản về thương mại, tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Các nước đang phát triển ngày càng tham gia nhiều hơn vào các đàm phán thương mại đa phương và song phương. Qua đó, các nước đang phát triển có những chính sách thương mại phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay (Martin, 2001).

Có nghiên cứu đã đi vào phân tích, đánh giá được tác động của hiệp định thương mại, chính sách công đến tăng trưởng kinh tế, sự ảnh hưởng của chính sách công đến các chính sách khác, tuy nhiên, nghiên cứu chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể để đánh giá chính sách công (Cherunilam, 2006). Đồng thời, khảo sát toàn diện về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế từ thương mại và môi trường đầu tư cũng như tác động của nó cho phát triển, cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, từ đó cung cấp những luận cứ cho cải cách thương mại quốc tế hiện hành và cách thức tổ chức trong chiến lược phát triển (Alam, 2007) (Cuốn sách này là mối quan tâm của những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, kinh tế môi trường, thương mại quốc tế). Hay phân tích một số chính sách thương mại chủ yếu trên thế giới, bao gồm: chống phá giá, tự vệ, rào cản kỹ thuật,… (Kerr và Gaisford, 2007). Carbaugh (2010) đã phân tích cụ thể những ảnh hưởng của các chính sách, hiệp định thương mại đối với phát triển kinh tế - xã hội. Xu hướng thay đổi và điều chỉnh các chính sách, hiệp định thương mại trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa phân tích được xu hướng thay đổi và điều chỉnh chính sách, hiệp định thương mại đó phụ thuộc vào yếu tố gì? Tại sao phải thay đổi và thay đổi thì thay đổi như thế nào?

Những nghiên cứu về chính sách thương mại ở Việt Nam đã tập trung vào việc xác lập cơ sở lí luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển thương mại trong bối cảnh hội nhập. Một số nghiên cứu đi sâu vào làm sáng rõ các tác nhân của thương mại trong quá trình hội nhập; yêu cầu, nguyên tắc xây dựng và thực hiện chính sách thương mại; tổng quan kinh nghiệm thực hiện chính sách thương mại của một số nước; thực trạng chính sách thương mại ở nước ta (bao gồm chính sách chung và chính sách công cụ); đồng thời, phân tích toàn diện chính sách thương mại của Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; từ đó đề xuất hệ thống có chiều sâu phương hướng, biện pháp cụ thể để đổi mới và hoàn thiện chính sách thương mại (Hoàng Đức Thân, 2001). Tác giả Nguyễn Phúc Khanh (2002) cũng đã hệ thống được một số vấn đề lý luận của việc phân tích, đánh giá về cải cách chính sách thương mại nước ta, các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách thương mại; phân tích, đánh giá hiện trạng chính sách thương mại từ năm 1986 đến năm 2001; các tiêu chí đánh giá sự tác động của cải cách chính sách đến kết quả hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã thực hiện trong bối cảnh 15 năm sau đổi mới, đến nay những giải pháp đó không còn giữ được tính thời sự.

Tác giả Lê Danh Vĩnh (2006), trong cuốn sách “20 năm đổi mới cơ chế chính sách thương mại Việt Nam: Những thành tựu và bài học kinh nghiệm” đã hệ thống được một số vấn đề lý luận của việc phân tích, đánh giá cơ chế, chính sách thương mại nước ta, các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành cơ chế, chính sách thương mại.

Một số nghiên cứu đã tập trung vào chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập, như: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Mai Thế Cường (2007), đã thống kê một số chính sách thương mại quốc tế được các nước sử dụng, phân tích tác động của các chính sách này bằng các mô hình kinh tế học, đồng thời nghiên cứu một số luận điểm về việc vận dụng chính sách thương mại quốc tế trong điều hành hoạt động xuất nhập khẩu; luận án tiến sĩ về “Điều chỉnh chính sách thương mại của các nước đang phát triển ở châu Á trong mối quan hệ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế - Bài học kinh nghiệm đối với Việt Namcủa Phạm Thị Hồng Yến (2008), đã làm rõ sự cần thiết khách quan phải điều chỉnh chính sách TM trong điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; luận án Tiến sĩGiải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhằm phát triển thương mại của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Đoàn Thị Thanh Hương (2008), đã làm rõ bản chất của mối quan hệ giữa chính sách quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với chính sách phát triển thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ngoài ra cần kể đến cuốn sách Điều chỉnh chính sách thương mại trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Phạm Thị Hồng Yến (2009), đã đưa ra quan điểm chung về chính sách; chính sách thương mại; các công cụ chủ yếu của chính sách thương mại; điều chỉnh chính sách thương mại; các mô hình điều chỉnh chính sách thương mại đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mối quan hệ đó với việc điều chỉnh chính sách thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế trong mối quan hệ điều chỉnh chính sách thương mại. Việc điều chỉnh chính sách được nhấn mạnh ở khâu hoạch định chính sách, còn ở khâu thực thi và đánh giá chính sách thì chưa đề cập nhiều. Nghiên cứu “Chính sách phát triển thương mại bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” (Phan Huy Đường, Phan Anh, 2016) thì đã phân tích và đánh giá để đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách phát triển thương mại bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cho Việt Nam trong thời gian tới. Nghiên cứu “Chính sách thương mại nội địa trong thời kỳ hội nhập” (Trịnh Thị Thanh Thủy, 2016), đã tổng quan một số chính sách thương mại nội địa như: Chính sách phát triển hạ tầng thương mại, chính sách thị trường, chính sách thương  nhân, chính sách mặt hàng và những vấn đề đặt ra đối với chính sách thương mại; đánh giá kết quả các chính sách nội địa trong quá trình hội nhập, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp phát triển thương mại nội địa.

Tuy nhiên, chưa đánh giá được sự thành công và hạn chế của từng chính sách để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Nghiên cứu Xu hướng phát triển thương mại thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam (Nguyễn Thị Nhiễu, 2016), đã đánh giá xu hướng thương mại thế giới đến năm 2020 qua số liệu về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ và tác động đến thương mại Việt nam trong thời gian tới. Thông qua những tác động đó cho thấy chính sách cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh như thế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, những gợi ý về chính sách mang tính định hướng, chưa có những chính sách cụ thể đối với phát triển thương mại Việt Nam.

Nghiên cứu về chính sách thương mại theo hướng tiếp cận không gian có một số công trình như: luận án tiến sĩ Đổi mới quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc của Lương Đăng Ninh (2002). Tác giả đã tiến hành nghiên cứu sâu về quản lý nhà nước đối với hoạt động XNK hàng hóa trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, chưa đề cập đến quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại nói chung trên địa bàn các tỉnh biên giới. Hay như Đề tài khoa học cấp Bộ về Giải pháp phát triển dịch vụ hỗ trợ nhằm thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Thương mại chủ trì thực hiện năm 2003, đi sâu nghiên cứu về dịch vụ và các chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng hóa ở miền núi nước ta, nhưng chưa đề cập đến dịch vụ hỗ trợ kinh doanh XNK hàng hóa ở khu vực này.

Một số nghiên cứu về các chính sách và giải pháp cụ thể cho phát triển thương mại như: Phạm Hồng Tú (2006) với đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại”; luận án tiến sĩ Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở nước ta thời kỳ đến năm 2020 của Đặng Thanh Phương (2018); Đề tài cấp Nhà nước - Bộ Công Thương do Vụ Thị trường trong nước (2010) chủ trì “Chính sách phát triển và quản lý hạ tầng thương mại thúc đẩy phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Trần Việt Thảo (2016) với luận án tiến sĩ Chính sách vĩ mô đối với phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở các đô thị lớn nước ta hiện nay. Các đề tài khoa học cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường hàng hóa trong nước thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Trần Công Sách, 2013) và Nghiên cứu giải pháp chính sách xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 (Hoàng Văn Hoàn, 2013), đã phân tích khá rõ các chính sách về phát triển thị trường và chính sách phát triển sản phẩm chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua. Những nghiên cứu này là tài liệu tham khảo liên quan đến một số chính sách cụ thể nhằm phát triển thương mại trong cả nước nói chung, chưa đi sâu nghiên cứu đến chính sách phát triển thương mại của một địa phương cụ thể. Mặt khác, các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách về phát triển thị trường và chính sách phát triển sản phẩm mới chỉ là các chính sách đơn lẻ trong tổng thể các chính sách liên quan đến phát triển thương mại.

Nhiều tác giả đã đi vào nghiên cứu về các chính sách và các giải pháp phát triển thương mại cho các địa phương, như: Nguyễn Trường Giang (2013), luận án tiến sĩ về Giải pháp phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Phạm Hồng Tú (2014), Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ phân phối thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề tài Khoa học cấp Bộ, đã khái quát về chiến lược, chính sách phát triển dịch vụ phân phối trên các địa bàn; Nguyễn Minh Tâm (2015) với luận án tiến sĩ về Phát triển thương mại Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã tập trung hệ thống hóa, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển thương mại theo hướng văn minh hiện đại.

Dương Thị Tình (2015) với luận án tiến sĩ về Phát triển thương mại bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Vũ Thị Nữ (2020) với luận án tiến sĩ về Phát triển bền vững thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng đã nghiên cứu bổ sung và làm sâu sắc thêm các nội dung về phát triển bền vững thương mại trong phát triển bền vững kinh tế của địa phương và vùng kinh tế. Hình thành khung lý thuyết cho việc tiến hành phân tích, đánh giá phát triển bền vững trên phạm vi cấp tỉnh. Cũng có nghiên cứu đi sâu vào chính sách, giải pháp cụ thể liên quan đến khuyến khích đầu tư phát triển thương mại địa phương như Đoàn Văn Tạo (2018) với luận án tiến sĩ về Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng logistics của thành phố Hải Phòng theo hướng hiện đại.

4. Kết luận

Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá các nghiên cứu có liên quan, chúng tôi rút ra một số nhận định sau:

Thứ nhất, hầu như các nghiên cứu đều tập trung phân tích chính sách của cấp trung ương, các chính sách thu hút đầu tư chủ yếu liên quan đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tìm kiếm các giải pháp chính sách với những biện pháp thu hút đầu tư và nhằm cải thiện môi trường đầu tư; chính sách phát triển thương mại của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cũng như đối với các vùng miền, mặt hàng kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại địa phương.

 Thứ hai, các chính sách thương mại nói chung, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại nói riêng nhanh chóng lạc hậu do môi trường kinh tế - xã hội thường xuyên thay đổi, khoa học chính sách có nhiều bước tiến mới trong khi các nhà làm chính sách địa phương còn những thiếu hụt về năng lực, do vậy cần có những nghiên cứu mới cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn cho chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:    

  1. Jenkins W. (1978), Policy Analysis: A. Political and Organizational Perspective. United State: ST Martin’s Press.
  2. Thomas R. Dye. (1984), Understanding public policy, 5th ed. Englewood Cliffs, N.J, United States: Prentice-Hall.
  3. Peter B. Guy. (1986). American Public Policy: Promise and Performance, 2nd ed. Chatham, N.J, United State: Chatham House,
  4. William N. Dunn (1981). Public policy analysis: an introduction. Englewood Cliffs, N.J, United States : Prentice-Hall.
  5. Peter Aucoin et al (1971). The Structures of Policy Making in Canada. Canada: Macmillan.
  6. Hines and James. (1999). Lessons from Behavioural Responses to International Taxation. National Tax Journal, 54, 305-323.
  7. Anne O. Krueger Krueger. (1997). Trade Policy and Economic development: How We Learn, The American Economic Review, 87(1), 1-22.
  8. Will Martin. (2001). Trade Policies, Developing Countries, and Globalization. Washington, D.C., United States: Development Research Group World Bank.
  9. Francis Cherunilam (2008). International Economics, 5th ed. Noida, Uttar Pradesh, India: McGraw Hill Education.
  10. Shawkat Alam. (2008). Sustainable Development and Free Trade: Institutional Approaches. United State: Routledge.
  11. Nguyễn Phúc Khanh (2002). Cải cách chính sách thương mại của Việt Nam, NXB Thống kê.
  12. Lê Danh Vĩnh (2006). 20 năm đổi mới cơ chế chính sách thương mại Việt Nam: những thành tựu và bài học kinh nghiệm, NXB Thống kê.
  13. Mai Thế Cường (2007). Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  14. Phan Văn Cường (2019). Chính sách phát triển thương mại miền núi khu vực Bắc Trung Bộ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
  15. Nguyễn Trường Giang (2013). Giải pháp phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Thương mại.
  16. Phạm Hồng Tú (2014). Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ phân phối thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề tài Khoa học cấp Bộ, Bộ Công Thương.
  17. Nguyễn Minh Tâm (2015). Phát triển thương mại Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại đến năm 2020, tầm nhìn 2030, luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Thương mại.
  18. Dương Thị Tình (2015). Phát triển thương mại bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  19. Vũ Thị Nữ (2020). Phát triển bền vững thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định, luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương.

An overview of researches on investment policies for commercial development in Nghe An province

Ph.D student, Master. Luong Thi Thanh Nam1

Ph.D Thai Thi Kim Oanh2

1Department of Finance Nghe An Province

2Vinh University

Abstract:

This paper summarizes and evaluates previous researches on investment policies for commercial development in Nghe An province. Researchers mainly analyze policies on attracting investment, improving investment environment and commercial development policies at both national and local levels. These policies are closely related to each other and to Nghe An province’s policies on attracting investment for the commercial development. Based on the paper’s findings, the paper  points out the research gaps and proposes an econometric model to evaluate the impact of investment policies for commercial development in Nghe An province.

Keywords: policy, encouraging investment, trade development, provincial authorities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]