Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của người làm báo

Ngày 29/12/2016 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn

Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên TW Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định: “30 năm qua (1986-2016) là chặng đường lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Hội thảo hôm nay nhằm tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của báo chí truyền thông trong 30 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận, thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới. Đây là những vấn đề đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về báo chí 30 năm qua; vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; những thành tựu và bài học kinh nghiệm; sự phát triển của lý luận báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống; những vấn đề nghiệp vụ báo chí.

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Trong đó, tập trung thảo luận về công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; những sai phạm bất cập thường gặp; trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí; những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp; xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam.

Đặc biệt là những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, liên hệ với việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thực hiện Luật Báo chí 2016.

PGS.TS Phạm Văn Linh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, năm 2016 là năm mà công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Nhiều cơ quan báo chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân.

Theo PGS,TS Phạm Văn Linh: “Trong năm 2017, báo chí cần tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo, quản lý, chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng, khắc phục cơ bản sự chồng lấn giữa các đơn vị, tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận, tự giác trong việc xử lý thông tin”.

Cũng tại Hội thảo, nhiều tham luận giá trị của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, UVTƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Phê bình và Lý luận Văn học nghệ thuật TƯ; nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Hồng Thanh Quang, TBT Báo Đại Đoàn Kết; đại diện Báo Công an nhân dân, đại diện Báo Tuổi Trẻ... lần lượt được trình bày tại Hội thảo đã mang đến nhiều thông tin, sự phân tích, tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí, và chia sẻ những kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường truyền thông hiện đại.

Hoàng Hòa