Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ Trong giai đoạn hiện nay

ThS. VI TIẾN CƯỜNG (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, yêu cầu đặt ra cho công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ phải đạt hiệu quả thiết thực đối với tổ chức cũng như cá nhân công chức được đào tạo, bồi dưỡng. Từ những yêu cầu về đặc trưng riêng của đội ngũ công chức ngành Nội vụ, bài viết nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và cải cách hành chính, cải cách công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Đào tạo, bồi dưỡng, công chức ngành Nội vụ, cải cách hành chính, cải cách công vụ.

1. Đặt vấn đề

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả thực thi công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là việc gốc của Đảng"1; hay "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại"2. Đội ngũ công chức ngành Nội vụ hiểu theo nghĩa rộng là đội ngũ công chức làm công việc nội bộ, công việc nội trị của một quốc gia, bao gồm: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua khen thưởng; tôn giáo; văn thư lưu trữ; công tác thanh niên… Hiểu theo nghĩa hẹp, đội ngũ công chức ngành Nội vụ là đội ngũ công chức đang làm việc tại cơ quan Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; công chức làm việc tại các Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc tại phòng Nội vụ cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

2. Vai trò của đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách công vụ. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng cần đạt được đó là: (i) Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ; (ii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nội vụ; (iii) Phục vụ quy hoạch, phát triển đội ngũ công chức của ngành và (iv) làm căn cứ đánh giá nhân lực định kỳ, hàng năm. Số liệu thực tế qua báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy 100% các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, địa phương mình giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả trong 3 năm thực hiện đã có 98% cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện được đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn quy định; khoảng 71% cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng của các bộ, ngành và 80% của các địa phương được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 67% cán bộ, công chức các bộ, ngành và 56% cán bộ, công chức của địa phương thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Đào tạo trình độ chuyên môn cho cán bộ cấp xã đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định đạt gần 75%; đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn trở lên cho 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng và 87% công chức cấp xã vùng miền núi; 60% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 70% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm; 50% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.3

Chính phủ đề ra mục tiêu cải cách hành chính, cải cách công vụ giai đoạn 2011 - 2020 là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công4. Như vậy, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức được coi là cầu nối để thực hiện quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng một cách có kế hoạch từ người dạy sang người học. Thông qua đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ công chức ngành Nội vụ sẽ tiếp nhận được kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào thực thi công vụ một cách có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ.

3. Đặc trưng của đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ

Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, tại Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, theo đó Bộ Nội vụ có chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Công chức ngành Nội vụ là những người được tuyển dụng và được xếp vào ngạch công chức, làm việc trong các cơ quan thuộc ngành Nội vụ. Bao gồm cơ quan Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phòng Nội vụ cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Ngành Nội vụ là ngành dọc gồm ở cấp Trung ương (Bộ) và xuống đến địa phương (cấp tỉnh, huyện), được quản lý như sau: Công chức cơ quan Bộ Nội vụ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ do Bộ Nội vụ quản lý; công chức thuộc các Sở Nội vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý; công chức làm việc tại phòng Nội vụ cấp quận, huyện, thị xã do Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Nằm trong hệ thống chính trị, đội ngũ công chức ngành Nội vụ mang những đặc trưng chung của đội ngũ công chức trong các cơ quan hành chính công của Việt Nam. Tuy nhiên, đội ngũ công chức ngành Nội vụ cũng có những đặc trưng riêng, được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Nội vụ:

Thứ nhất, thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ, đội ngũ công chức ngành Nội vụ có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị do Chính phủ quyết định. Qua đó có thể nhận thấy nhiệm vụ trọng tâm của nền hành chính là phục vụ chính trị, làm cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ ngày càng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, đổi mới và hội nhập.

Thứ hai, tính pháp quyền là một trong những đặc trưng của nền hành chính Việt Nam, nó được thể hiện trong việc đội ngũ công chức phải hoạt động theo quy định của luật pháp trong hoạch định chính sách và thực thi công vụ. Tính pháp quyền đòi hỏi đội ngũ công chức phải nắm vững quyền lực, sử dụng đúng đắn quyền lực được giao, đảm bảo đúng chức năng và thẩm quyền của mình tại mỗi vị trí việc làm trong khi thực thi công vụ.

Với đặc trưng này, đòi hỏi đội ngũ công chức ngành Nội vụ luôn phải trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý … Chính vì vậy, đội ngũ công chức phải không ngừng hoàn thiện bản thân, đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí việc làm, thích ứng với từng giai đoạn phát triển của ngành Nội vụ và của đất nước.

Thứ ba, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực như: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Từ những điều trên, có thể nhận thấy: Hoạch định, xây dựng chính sách về tuyển dụng, tổ chức biên chế, bố trí sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, tiền lương, thi đua khen thường, tôn giáo, văn thư lưu trữ … nhằm quản lý hiệu quả nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là đặc trưng cơ bản nhất về chuyên môn của đội ngũ công chức ngành Nội vụ.

Đặc trưng nổi bật của đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ được thể hiện ở những nội dung sau:

(i) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước và ở nước ngoài, cán bộ, công chức cấp xã và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

(ii) Hướng dẫn các quy định của Chính phủ về tổ chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

(iii) Thống nhất quản lý hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ, công chức cấp xã;

(iv) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức ngành nội vụ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ, công chức cấp xã;

(v) Phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

(vi) Xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy hoạch nhân lực ngành Nội vụ; đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học các lĩnh vực do Bộ Nội vụ quản lý.           

Nhân lực ngành Nội vụ tính đến tháng 12/ 2012 có 11.786 người, trong đó ở cấp Trung ương là 3.878 người (chiếm 32,9%), ở cấp địa phương là 7.908 người (chiếm 67,1%)5. Qua đó thấy rằng nhân lực ngành Nội vụ ở địa phương chiếm khoảng 2/3 tổng số nhân lực của toàn ngành Nội vụ. Điều này đặt ra vấn đề đào tạo, bồi dưỡng thế nào để cung cấp cho đội ngũ công chức ngành Nội vụ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong 4 lĩnh vực chính của ngành là: Tổ chức nhà nước; thi đua khen thưởng; văn thư lưu trữ và công tác tôn giáo gắn với đặc thù ngành và đặc thù địa phương đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ công chức ngành Nội vụ không hoàn toàn là do tuyển đầu vào ngay từ đầu thi tuyển công chức mà một phần do luân chuyển, chuyển đổi công việc từ cơ quan khác, ngành khác sang ngành Nội vụ. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển cho thấy có đến 68,9% công chức đã có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau trước khi được tuyển dụng/tiếp nhận vào ngành Nội vụ, trong đó: 32,2% là công chức ở ngành khác chuyển sang; 13% là lãnh đạo từ các cơ quan khác chuyển đến; 23,7% là lao động ngoài khu vực nhà nước, lao động tự do được tuyển dụng vào ngành Nội vụ6. Đây cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ở những ngành khác, lĩnh vực khác được chuyển sang làm công tác Nội vụ làm sao đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vu và kỹ năng làm việc. Như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ của đội ngũ công chức ngành Nội vụ.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ trong giai đoạn hiện nay

Đo lường hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ phải gắn với yêu cầu của vị trí việc làm, khung năng lực; kết quả thực thi công vụ mang tính đặc trưng lĩnh vực Nội vụ; mức độ hài lòng của tổ chức, công dân; yêu cầu phát triển của tổ chức và cá nhân công chức được đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực. Từ vị trí việc làm và khung năng lực của các vị trí việc làm trong ngành Nội vụ, các nhà quản lý sẽ dễ dàng nhận thấy công chức dưới quyền đã đáp ứng được những yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng hay chưa. Nếu thiếu thì còn thiếu những kiến thức, kỹ năng gì, cần đào tạo, bồi dưỡng như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó, cả lãnh đạo và người công chức cùng nhìn nhận ra những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng mà vị trí việc làm của ngành Nội vụ yêu cầu cần phải có. Từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức sẽ sát với yêu cầu của vị trí việc làm, đáp ứng được hiệu quả thực thi công vụ, góp phần vào kết quả cải cách hành chính, cải cách công vụ.

Thứ hai, đổi mới khâu xác định nhu cầu tuyển dụng. Cần xác định nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng công chức dựa trên các yêu cầu của vị trí việc làm và khung năng lực của ngành Nội vụ một cách khoa học về đặc thù của ngành để xây dựng các tiêu chí tuyển dụng phù hợp. Nhằm khắc phục thực trạng công chức ngành Nội vụ đa số từ các ngành, lĩnh vực khác được tuyển dụng hoặc luân chuyển sang thì đầu vào tuyển dụng công chức ngành Nội vụ phải được xác định rõ ràng, đảm bảo tính khoa học thì mới tuyển dụng đúng người, sát với yêu cầu của từng vị trí việc làm của ngành Nội vụ. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải cách chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức ngành Nội vụ.

Thứ ba, hoàn thiện quy trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức. Quy trình đào tạo và bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ phải được xây dựng trên cơ sở các quy định của Nhà nước, của ngành về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu gắn với thực tế đặc thù của ngành Nội vụ để xây dựng quy trình đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả nhất từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch, tổ chức đào tạo và kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức. Khi có được một quy trình đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, khoa học sẽ giúp cho việc đào tạo và bồi dưỡng lựa chọn được đúng đối tượng, đúng nội dung chương trình, dễ dàng xây dựng thang đo đánh giá chất lượng của đào tạo và bồi dưỡng, đặc biệt chi phí cho đào tạo và bồi dưỡng thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với chức danh và vị trí việc làm. Với đặc thù ngành Nội vụ là ngành đa lĩnh vực, vì vậy cần chú trọng phân loại đối tượng đào tạo và bồi dưỡng, tránh việc đào tạo, bồi dưỡng chung chung, không đúng đối tượng. Khi xác định đúng đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng thì những khâu sau đó như: xây dựng kế hoạch, xây dựng chương trình, lựa chọn giảng viên và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng… sẽ phát huy được hiệu quả. Từ đó nâng cao được chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ.

Thứ năm, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức. Phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, năng lực để bố trí sử dụng đội ngũ công chức một cách hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp cho mỗi người công chức phát huy được năng lực, sở trường của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Làm tốt công tác bố trí, sử dụng đội ngũ công chức sẽ giảm được việc phải đào tạo, đào tạo lại để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công chức, góp phần chống lãng phí ngân sách và tạo được động lực làm việc khi công chức được bố trí “đúng người - đúng việc”.

Thứ sáu, đổi mới công tác đánh giá đào tạo, bồi dưỡng. Cần đổi mới công tác đánh giá đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, tránh đánh giá hình thức, đánh giá cào bằng. Cần xây dựng bộ công cụ đánh giá sau khi đào tạo và bồi dưỡng, tăng cường các chỉ tiêu đánh giá định lượng để đo lường được kết quả thực thi nhiệm vụ của công chức trên 3 yếu tố: (i) vị trí, chức danh đảm nhận; (ii) năng lực cá nhân ứng với khung năng lực của vị trí việc làm; (iii) kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi công tác đánh giá phản ánh chính xác những nỗ lực, đóng góp của công chức sẽ tạo được động lực làm việc, kích thích đội ngũ công chức tự hoàn thiện bản thân thông qua việc tự đào tạo, sẵn sàng tham gia vào công tác đào tạo và bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, đổi mới và hội nhập trong giai đoạn hiện nay.      

4. Kết luận

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ là nội dung quan trọng và cấp thiết trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách công vụ của nền hành chính công ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực thực thi công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành Nội vụ. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Nội vụ từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch đến lựa chọn giảng viên… đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Mục tiêu cuối cùng của đào tạo và bồi dưỡng là xây dựng và phát triển đội ngũ công chức ngành Nội vụ thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Hồ Chí Minh, toàn tập (2000), tập 5, tr 269, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2Hồ Chí Minh, toàn tập (2000), tập 5, tr 684, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3Bộ Nội vụ (2014), Báo cáo số 2880/BC-BNV ngày 31/7/2014 của Bộ Nội vụ kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015.

4Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.

5Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2014), Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Nội vụ”.

6Viện Nghiên cứu và Phát triển (2016), Báo cáo tổng hợp Dự án “Điều tra khảo sát đánh giá, phân tích nhu cầu và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức ngành Nội vụ, đề ra những giải pháp chiến lược để cung cấp nhân sự và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ năng lực của cán bộ công chức ngành Nội vụ”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Nội vụ, Báo cáo số 2880/BC-BNV ngày 31/7/2014, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015.

2. Chính phủ, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Chính phủ, Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

4. Trần Thị Thu và Vũ Hoàng Ngân (2011), Giáo trình Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức công, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

5. Phạm Hồng Thái (2004), Công vụ, công chức Nhà nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

6. UNDP tại Việt Nam (2009), Báo cáo nghiên cứu cải cách thể chế quản lý hành chính công ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội.

7. Phung Xuan Nha, Le Quan & Ho Nhu Hai (2013), Innovation And Human resource Development, Nxb ĐHQGHN.

TRAINING AND FORSTERING ACTIVITIES FOR CIVIL

SERVANTS IN THE HOME AFFAIRS IN THE

CURRENT PERIOD

Master. VI TIEN CUONG

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

In order to improve the performance of public services, the training and forstering activities for civil servants in the Home Affairs should be practical for participants including orgranizations and civil servants. Based on specific characteristics and requirements about the civil servants in the Home Affairs, this study analyzes and proposes some solutions to improve the effectiveness of training and forstering activities for civil servants in the Home Affairs in order to meet the requirements of implementing civil services and the administrative reform, and the public service reform in the current period.

Keywords: Training, fostering, civil servants in the Home Affairs, administrative reform, civil service reform.