Dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng do OPEC và Nga từ chối tăng sản lượng

Trong phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng lên thêm 2% lên mức cao nhất trong vòng bốn năm trở lại đây sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bác bỏ đề xuấ

Hành động của OPEC diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu thô đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao. Trong phiên giao dịch ngày 24/9, đã có lúc giá dầu thô Brent tăng mạnh thêm 2.14 USD/thùng lên mức 80,94 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2014; và chốt phiên giao dịch đạt 80,65 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng thêm 1,25 USD/thùng, đạt 72,03 USD/thùng.

Theo các chuyên gia nhận định, đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch lần này là phản ứng của thị trường trước việc OPEC và một số nước xuất khẩu dầu thô lớn ngoài tổ chức OPEC từ chối việc tăng sản lượng khai thác. Trước đó, trong ngày 23/9, Ả-rập Xê-út và Nga đã đồng ý không tăng thêm sản lượng khai thác bất chấp Hoa Kỳ gia tăng áp lực kêu gọi các giải pháp hạ nhiệt thị trường dầu thô. Các nước thành viên tổ chức OPEC và các nước xuất khẩu dầu thô ngoài khối OPEC đã nhóm họp tại Algiers cuối tuần trước nhằm bàn luận về việc tăng sản lượng khai thác. Ả-rập Xê-út hiện là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất và giữ vai trò chủ chốt trong khối OPEC và Nga là nước dẫn đầu các quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài khối OPEC.

Trong tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nặng nề chỉ trích OPEC và yêu cầu tổ chức phải có trách nhiệm giảm giá dầu thô. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid al-Falih cho biết “Chúng tôi không gây tác động lên giá”; Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan cũng cho biết OPEC không có phản ứng gì trước yêu cầu của ông Trump.

Theo dự báo của một số chuyên gia, giá dầu thô Brent có thể tăng lên mốc 90 USD/thùng từ nay cho đến dịp Giáng sinh và vượt mốc 100 USD/thùng vào đầu năm 2019 do nguồn cung dầu thô bị thắt chặt khi lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran có hiệu lực toàn bộ vào tháng 11/2018.

Chuyên gia chiến thuật về giao dịch dầu thô Harry Tchilinguirian của tập đoàn Ngân hàng BNP Paribas cho biết “Các dấu hiệu ngày càng cho thấy việc các nước xuất khẩu dầu thô lưỡng lự trong việc tăng sản lượng khai thác sẽ đẩy thị trường rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn cung trong vòng 3 – 6 tháng tới và điều này khiến giá dầu thô tăng lên”.

Trước đó, thị trường kỳ vọng tổ chức OPEC có thể nâng thêm sản lượng khai thác để bù đắp phần nào lượng dầu thô bị thiếu hụt từ phía Iran.

Tập đoàn tài chính J.P.Morgan dự báo lệnh cấm vấn kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran có thể khiến thị trường thiếu hụt 1,5 triệu thùng dầu/ngày; một số đánh giá còn trầm trọng hơn khi dự báo thị trường sẽ mất đi nguồn cung khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày từ Iran.

Theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ, lượng dự trữ dầu thô phục vụ hoạt động thương mại của Hoa Kỳ hiện đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015 bất chấp sản lượng khai thác dầu thô của nước này đang gần chạm mốc cao nhất lịch sử, đạt 11 triệu thùng/ngày.