Đậu tương đang hướng đến tuần tăng giá cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020

Giá đậu tương đang hướng đến tuần tăng giá cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020 trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh thu mua; giá lúa mì và ngô đều đã giảm xuống khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng ngũ cốc trở nên biến động.
Thu hoạch ngô tại bang Illinois Hoa Kỳ
 Nông dân Hoa Kỳ kiểm tra cánh đồng ngô tại bang Illinois (Ảnh: Reuters)

Vào lúc 10h38 sáng ngày 1/5, theo giờ Việt Nam, giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago đã giảm 0,6% xuống mức 8,50-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá đậu tương đã bật tăng 2,1%; trong phiên giao dịch ngày hôm qua, đã có lúc giá đậu tương đạt 8,56 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 23/4/2020.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá đậu tương đã tăng 1,5% - mức tăng theo tuần cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020. Đà tăng của giá đậu tương chủ yếu do Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua đậu tương Hoa Kỳ trong giai đoạn gần đây trong bối cảnh giá đậu tương rơi xuống thấp.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đà tăng giá của đậu tương có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng cao xung quanh vấn đề nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Hãng tin Reuters dẫn lời hai thương nhân cho biết các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã mua vào ít nhất 5 lô đậu tương của Hoa Kỳ tương đương 300.000 tấn đậu tương trong hôm 30/4.

Giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0,6% xuống còn 3,18 USD/giạ (25,4 kg); giá lúa mì theo hợp đồng dược giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT cũng đã giảm 0,9% xuống còn 5,19-3/4 USD/giạ (27,2 kg). Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá ngô đã tăng 1,7% và giá lúa mì tăng 1,5%.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá ngô đã giảm 1,5% và giá lúa mì đã giảm 2%; trong đó, lúa mì đang hướng đến tuần giảm giá thứ ba liên tiếp. Giới phân tích cho biết nhu cầu sử dụng cả ngô và lúa mì đều đã tăng lên trong giai đoạn gần đây. Bên cạnh đó, giá lúa mì còn được hỗ trợ khi có những yếu tố không chắc chắn về triển vọng sản lượng lúa mì. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng cả ngô và lúa mì đều chịu tác động tiêu cực  từ diễn biến đại dịch Covid-19.

Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 chủ yếu do dự báo sản lượng lúa mì của Nga, Ukraine và Liên minh Châu Âu giảm.

Quang Đặng (Theo Reuters)