Đẩy mạnh khuyến công khu vực phía Nam

Chiều ngày 23/8/2018, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị Công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX – Năm 2018.

Thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn

Hội nghị do Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho biết, năm 2017, kết quả hoạt động khuyến công của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 57.615,3 triệu đồng, đạt 84,12% so với kế hoạch năm (68.495,1 triệu đồng), tăng thêm 2,61% so với tổng kính phí khuyến công thực hiện năm 2016 (56.147 triệu đồng).

Tính đến hết tháng 7 năm 2018, kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam là 73.781 73.781 triệu đồng, cao hơn 1,08% so với kế hoạch năm 2017.

Một số địa phương bố trí nguồn ngân sách cao cho hoạt động khuyến công (trên 4 tỷ đồng) là: Thành phố Hồ Chí Minh 4,296 tỷ đồng; Đồng Nai 5,547 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 5,087 tỷ đồng; Bình Dương 5,266 tỷ đồng; Đồng Tháp 5,260 tỷ đồng.

Hoạt động khuyến công góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tháo gỡ phần nào những khó khăn về vốn đầu tư, nhu cầu việc làm của người dân.

Chỉ đạo Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởngCục Công Thương địa phương cho rằng, chính sách khuyến công thời gian qua đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đồng thời góp phần vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm,tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại hội nghị

Chương trình khuyến công đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn các tỉnh, thành phố tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, sự chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa. Tạo cho các cơ sở CNNT và địa phương có những nhìn nhận tích cực về hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vẫn còn hạn chế trong công tác khuyến công

Cũng theo ông Trung, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Để công tác khuyến công đạt hiệu quả trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị địa phương chủ động nhìn thẳng vào tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục.

Hội nghị do Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Đồng thời, xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm; chú trọng nội dung về đổi mới căn bản cách thức xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các đề án điểm, đề án nhóm theo định hướng công tác khuyến công cơ sở CNNT có trọng tâm, trọng điểm theo quyết định số 1288/ QĐ-TTg và các quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công ở Trung ương đã được rà soát sửa đổi ban hành trong thời gian qua.

Trên thực tế, công tác khuyến công đang yếu và thiếu về nguồn nhân lực, đại diện Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Phước cho biết: “Cán bộ làm công tác khuyến công tại các xã, thị trấn, huyện ít và chủ yếu là kiêm nhiệm, nghiệp vụ công tác khuyến công hạn chế, chưa có kinh nghiệm, thường xuyên luân chuyển ảnh hưởng đến công tác tư vấn, hướng dẫn lập đề án; việc khảo sát, xây dựng đề án khuyến công còn yếu”.

Cùng với đó, thực trạng Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số Trung tâm Khuyến công còn thiếu, cán bộ làm công tác khuyến công thường xuyên bị thay đổi nên việc cập nhật, hiểu, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các nội dung của hoạt động khuyến công còn hạn chế.

Trao đổi tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc trao đổi kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công rất ý nghĩa. Qua đó, đề xuất Bộ Công Thương những quan điểm chủ trương những giải pháp cụ thể thiết thực để tiếp tục trình UBND tỉnh, các bộ,Trung ương để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành;công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

Toàn cảnh Hội nghị
Kết luận hội nghị, ông Ngô Quang Trung, cho rằng thời gian tới, các Trung tâm khuyến công cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2018, ít nhất hoàn thành 94% kế hoạch. Các dự án có vấn đề chậm trễ, khó khăn cần báo cáo sớm để đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Các địa phương cần quán triệt xây dựng khuyến công giai đoạn theo từng vùng, cải cách thủ tục hành chính phát triển doanh nghiệp...

Hội nghị cũng đã khen thưởng một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2017 của khu vực phía Nam nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng trong công tác khuyến công nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn nói chung.

Vũ Lê