Đẩy mạnh liên kết kinh tế hướng tới xuất khẩu cà phê của tỉnh Sơn La

ThS. Đặng Huyền Trang (Trường Đại học Tây Bắc)

TÓM TẮT:
Mối liên kết kinh tế giữa hoạt động sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê ở tỉnh Sơn La cần được xây dựng chặt chẽ, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển cà phê, khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La. Bài viết tập trung phản ánh tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động liên kết kinh tế của các cơ sở trồng, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La và đề xuất giải pháp hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp cà phê Sơn La có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Từ khóa: Liên kết kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu, cà phê, tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề
Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc nằm ở tọa độ địa lý từ 20039’ đến 22002’ độ vĩ Bắc. Vùng cà phê Sơn La nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông lạnh và khô kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm dài, nên cây cà phê Arabica ở đây sinh trưởng xanh tốt, cho chất lượng hạt cao. Với những điều kiện đó, tỉnh Sơn La có vị trí tương tự vùng Minas Gerais, Sao Paulo của Brazil và là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam, sau tỉnh Lâm Đồng.
Mặc dù tỉnh Sơn La có lợi thế về điều kiện tự nhiên mang đến chất lượng cà phê thơm ngon, nhưng hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê Sơn La vẫn còn hạn chế, như: Quy mô sản xuất nhỏ, diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo chiếm tỷ lệ khá lớn, chất lượng giống chưa đảm bảo; phát triển sản xuất mang tính tự phát. Chế biến cà phê chủ yếu là sơ chế, sản phẩm hầu hết là cà phê nhân, các doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu, thiếu hàng chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Đặc biệt, liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Trong liên kết kinh tế, người nông dân sản xuất cà phê luôn bị ép giá, nên đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống; năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế,… Vì vậy, cần tìm giải pháp để giúp cà phê Sơn La nâng cao giá trị sản phẩm, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang nước ngoài.
Để thực hiện nghiên cứu này, bên cạnh thu thập các số liệu thứ cấp, tác giả sử dụng bảng hỏi để điều tra khảo sát tại 3 địa bàn sản xuất cà phê tập trung của tỉnh Sơn La với 360 cơ sở trồng, chế biến và tiêu thụ cà phê và 45 cán bộ cấp xã, phường, huyện, thành phố, nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ; hoạt động liên kết kinh tế của các cơ sở trồng, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát thực trạng sản xuất cà phê tại tỉnh Sơn La
Cây cà phê chè (Arabica coffee) đã được trồng tại tỉnh Sơn La trên 60 năm nhưng rải rác trong các hộ nông dân. Tuy nhiên từ năm 1989, Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đầu tư phát triển. Đến năm 2016, diện tích trồng cà phê tại tỉnh Sơn La là 12,038 nghìn ha, trong đó có 8.055 ha cây cà phê đang cho sản phẩm, chiếm 75% tổng diện tích cà phê trồng, với sản lượng cà phê gần 10,344 nghìn tấn; Năng suất trung bình đạt 1,52 tấn nhân/ha, trong khi năng suất bình quân cà phê cùng loại của tỉnh Lâm Đồng đạt 2,8 - 3 tấn nhân/ha.
Sau 10 năm phát triển, từ năm 2006 đến năm 2016, diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh Sơn La tăng lên nhanh chóng. Về diện tích, diện tích trồng cà phê gấp 4,7 lần, tăng bình quân 13,66%/năm; diện tích cây cà phê cho sản phẩm gấp 4 lần, tăng bình quân 16,49%/năm và sản lượng cà phê nhân gấp 3,3 lần, tăng bình quân 15,15%/năm. Các số liệu trên cho thấy, sự tăng trưởng khá cao, ổn định về quy mô diện tích trồng và cho sản phẩm và sản lượng cà phê của tỉnh Sơn La. (Hình 1) Tỉnh Sơn La hiện có trên 200 cơ sở tham gia chế biến cà phê, nhưng chỉ có 9 doanh nghiệp có vườn cây và có quy trình chế biến tương đối đồng bộ và khép kín (tương đương khoảng 20% sản lượng cà phê), còn lại 80% sản lượng vẫn do nhân dân tự thu hái, chế biến, bảo quản theo cách truyền thống rất thô sơ, đơn giản, nên không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng thất thoát rất lớn và sản phẩm kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao. Số lượng cơ sở chế biến cà phê tỉnh Sơn La được thể hiện ở Bảng 1. Về hình thức tổ chức các cơ sở chế biến, Bảng 1 cho thấy số lượng cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La bao gồm các cơ sở chuyên chế biến tập trung quy mô lớn có đăng ký kinh doanh và các hộ gia đình chế biến quy mô nhỏ hầu hết không đăng ký kinh doanh. Năm 2006, các cơ sở chế biến loại này là 96 cơ sở, năm 2016 đã tăng lên đến 209 cơ sở.
Theo kết quả điều tra phỏng vấn, tại tỉnh Sơn La: Trên địa bàn tỉnh có 08 cơ sở có dây chuyền chế biến khép kín với công suất 1 tấn quả/giờ với tổng công suất 4.200 tấn/năm (chiếm 11,9% sản lượng cà phê quả của tỉnh); 03 cơ sở có công suất 4 tấn quả/giờ với tổng công suất 7.200 tấn quả/năm. Phần còn lại được chế biến thủ công trong các hộ gia đình và các hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài hệ thống sơ chế, chế biến quả tươi và quả khô, Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy, Công ty cổ phần Agrivina đã đầu tư hệ thống sát vỏ, làm sạch, phân loại, đánh bóng cà phê nhân.
Về tiêu thụ, toàn bộ cà phê thóc, cà phê nhân được sản xuất và chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu được bán cho các đơn vị ở ngoài tỉnh, trong đó có đơn vị trực tiếp chế biến xuất khẩu và đơn vị rang xay phục vụ tiêu dùng trong nước. Cà phê vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng chủ yếu phục vụ xuất khẩu và cung cấp cho các đơn vị khác ngoài tỉnh, trong đó thị trường chủ yếu gồm: Nhật Bản, Đức,... theo đối tác của Doanh nghiệp Tư nhân Minh Tiến và Công ty TNHH Cát Quế.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế trong những năm gần đây tiêu thụ gần 1/2 sản lượng cà phê của vùng Tây Bắc, với 2 xưởng chế biến và thu gom tại Chiềng Mung - Mai Sơn, Muổi Nọi - Thuận Châu. Đồng thời, Công ty còn thiết lập được mối quan hệ bạn hàng với nhiều cơ sở chế biến khác trong tỉnh, từ đó có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến cà phê xuất khẩu. Những doanh nghiệp nhập khẩu của Công ty Cát Quế chủ yếu là các tập đoàn lớn, yêu cầu chặt chẽ về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng. Do đó, bộ phận mua hàng đòi hỏi phải chặt chẽ về các tiêu chí này mới có thể đảm bảo theo đúng hợp đồng tạm tính ban đầu. Sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty tương đối ổn định qua các năm. Trong đó, khách hàng mua với số lượng lớn nhất là Tập đoàn Atlantic Mỹ với số lượng chiếm tỷ trọng lớn từ 40 - 42% sản lượng tiêu thụ của Công ty.
Như vậy, cà phê của tỉnh Sơn La được tiêu thụ ra ngoài tỉnh, với các sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân và có sự tham gia của các doanh nghiệp quy mô lớn, có cơ sở thu gom, chế biến ở tỉnh và trụ sở giao dịch chính ở ngoài tỉnh Sơn La là chủ yếu. Phần cà phê chế biến sâu và tiêu dùng nội tỉnh chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đây là một trong các hình thức tiêu thụ đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất, chế biến với các cơ sở tiêu thụ, xuất khẩu cà phê ngoài tỉnh, sự liên kết đó mới trở nên bền vững.
2.2. Thực trạng liên kết kinh tế giữa các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La
Liên kết kinh tế giữa các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê là mối quan hệ quan trọng của các chủ thể độc lập gắn kết với nhau qua các hình thức cơ bản như: Mua bán thuần túy; Hợp đồng cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm; Liên kết cung ứng chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ và mua lại nông sản hàng hóa; Liên kết sản xuất dưới dạng góp giá trị quyền sử dụng đất, cho thuê đất sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp, tạo sự gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân… Tuy nhiên, ở tỉnh Sơn La hiện mới đang tồn tại một số mô hình liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê sau:
- Trong liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến cà phê: Trên thực tế, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế chi nhánh Sơn La, Doanh nghiệp tư nhân Minh Tiến ký kết hợp đồng với hộ nông dân, để nông dân thực hiện sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ nhằm đảm bảo điều kiện về vùng nguyên liệu cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ, Ấn Độ và một số nước Bắc Âu. Vì vậy, một mặt các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm mang tính kế hoạch theo yêu cầu thị trường; mặt khác tập huấn hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê theo quy chuẩn. Cụ thể, năm 2016, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế chi nhánh Sơn La đã ký kết với 4.966 hộ nông dân với quy mô diện tích 4.203,274 ha đạt tiêu chuẩn 4C về quy trình sản xuất cà phê nhân chất lượng cao. Năm 2012, Doanh nghiệp Tư nhân cà phê Minh Tiến thực hiện đầu tư và ký hợp đồngthu mua sản phẩm đối với khoảng 2.400 hộ dân trong tỉnh hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình 4C và UTZ.
Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đã đầu tư phát triển cà phê từ năm 1989, trên địa bàn 11 huyện thị, 93 xã phường, thị trấn, với trên 7.200 hợp đồng, tổng vốn đầu tư 68.524,6 triệu đồng. Với cách thức hỗ trợ nông dân từ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây và ràng buộc sau khi thu hoạch nông dân phải bán cà phê quả tươi cho công ty. Với cách thức này, hoạt động sản xuất cà phê được cải thiện, nông dân có thu nhập cao từ cà phê, có những hộ nông dân thu nhập hàng trăm triệu từ cà phê. Tuy nhiên, khi thu hoạch, bà con không muốn bán sản phẩm của mình cho công ty vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do cơ bản là giá công ty đưa ra thấp hơn giá của tư thương. Vì vậy, Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La không có đủ nguyên liệu để sản xuất, không thể thu hồi được các khoản nợ và điều tất yếu xảy ra là sự sụp đổ của Công ty cho thấy sự liên kết kinh tế trong sản xuất và chế biến cà phê tại tỉnh Sơn La còn lỏng lẻo, kém bền vững.
Đánh giá về mức độ hỗ trợ của các cơ sở chế biến với hộ nông dân trồng cà phê và của các cơ sở chế biến cà phê lớn (doanh nghiệp) cho các cơ sở chế biến nhỏ (hộ chế biến) từ kết quả điều tra 360 cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La được thể hiện qua Bảng 2. Kết quả điều tra cho thấy, hỗ trợ của doanh nghiệp chế biến cho hộ nông dân về vật tư ở mức độ hiếm là 16,66% trả lời có, 83,34% trả lời không; về hỗ trợ về kỹ thuật ở mức độ thỉnh thoảng 16,66% trả lời có, 83,34% trả lời không; về ứng tiền trước cho nông dân 100% trả lời không có và hỗ trợ trong khâu vận chuyển ở mức độ hiếm khi 50% số hộ trả lời có và 50% trả lời không.
Tương ứng trong trả lời về hỗ trợ của cơ sở chế biến lớn (doanh nghiệp) về vật tư cho các hộ nông dân tham gia chế biến, đã có 50% số người trả lời có hỗ trợ nhưng ở mức độ hiếm khi, 33,34% trả lời thỉnh thoảng và 16,6% số người trả lời thường xuyên; Về hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ có 83,34% trả lời thỉnh thoảng và ở mức độ thường xuyên 16,66% trả lời có; Về hỗ trợ trong thu gom cà phê, các trả lời có với mức độ hiếm khi là 83,34% và thường xuyên là 16,66%; Về hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm các trả lời có với mức độ thỉnh thoảng và thường xuyên đều là 16,66%, không bao giờ là 68,68%.
Tất nhiên, đây là sự đánh giá qua kết quả điều tra của các chủ thể với mẫu nhỏ, độ chính xác ở mức độ nhất định. Với các kết quả này, những hợp đồng hỗ trợ lẫn nhau giữa các tác nhân là có, nhưng ở mức độ thấp.
Tuy nhiên, do trình độ và mức độ liên kết, nhất là do nhận thức không đầy đủ về lợi ích lâu dài của liên kết, do ý thức và hiểu biết pháp luật không cao, dẫn đến các quan hệ liên kết trong hợp đồng lỏng lẻo, không bền vững.
- Trong liên kết kinh tế giữa chế biến với tiêu thụ cà phê: Đối với các cơ sở chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, các doanh nghiệp lớn như Doanh nghiệp Tư nhân Minh Tiến, Doanh nghiệp Tư nhân Thu Thủy, Công ty cổ phần Agrivina là đầu mối chế biến với công nghệ chế biến ướt, xưởng chế biến rộng với quy mô công suất lớn và là đơn vị bao tiêu sản phẩm trong tỉnh. Giữa các đơn vị này với các đơn vị chế biến cà phê nhỏ lẻ khác trong tỉnh thường tiến hành 3 hình thức mua bán:
Thứ nhất là ký gửi hàng hóa trước và chốt giá bán sau (Trừ chi phí lưu kho, vận chuyển…); Thứ hai là việc mua bán trao tay tức là giao hàng và giao tiền; Thứ ba là ứng trước vốn và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở chế biến với nhau cũng chưa được thực hiện triệt để như không ký kết hợp đồng bằng văn bản hoàn chỉnh, nên hợp đồng không có giá trị pháp lý khi có tranh chấp, thậm chí không ký hợp đồng bằng văn bản.
Đánh giá chung, liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ ở tỉnh Sơn La là rất cần thiết và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, liên kết kinh tế giữa sản xuất và tiêu thụ cà phê ở Sơn La mới chỉ là bước đầu, với các hình thức sơ khai, chủ yếu liên kết giữa trồng và sơ chế cà phê, mang tính tự phát và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chủ yếu do cà phê mới phát triển ở khâu sản xuất, nhưng quy mô nhỏ; hoạt động chế biến và tiêu thụ chưa phát triển tương ứng trên địa bàn tỉnh, mới trở thành cánh tay kéo dài của các công ty chế biến và xuất khâu quy mô khá lớn; bản thân các chủ thể chưa nhận thức được lợi ích nhiều mặt của liên kết kinh tế, nhất là các khâu chế biến sâu và xuất khẩu cà phê; hiểu biết và ý thức pháp luật trong liên kết kinh tế còn thấp…
2.3. Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu cà phê của tỉnh Sơn La
Để phát triển sản xuất cà phê tại tỉnh Sơn La và đẩy mạnh liên kết kinh tế bền vững giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, rà soát và triển khai quy hoạch phát triển cà phê của tỉnh Sơn La làm nền tảng xây dựng chương trình liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững. Mở rộng các hoạt động chế biến sâu và chủ động tiêu thụ, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động về liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê. Để tổ chức tuyên truyền vận động cần lựa chọn phương thức phù hợp với trình độ, tâm lý tập quán, thời gian thích hợp của nông dân, doanh nghiệp. Các nội dung tuyên truyền vận động cần đơn giản, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao thông qua các mô hình trình diễn thành công… cần lưu ý đến vai trò của các trưởng bản tại địa phương.
Ba là, thúc đẩy liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển chuỗi giá trị cà phê. Gắn quyền lợi và nghĩa vụ của các tác nhân trong toàn chuỗi; Xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê Sơn La; Tăng cường chế biến “sâu” và đa dạng sản phẩm; Nghiên cứu tỉ lệ pha trộn cà phê chè, cà phê vối tạo ra sản phẩm đặc thù; Tiếp tục tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cà phê cho nông dân...
Bốn là, xây dựng và lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa. Thành lập các nhóm doanh nghiệp tiên phong, mỗi nhóm chỉ cần từ 3 - 5 doanh nghiệp liên kết hoạt động có điều lệ nhằm mục tiêu nâng giá xuất khẩu để nâng giá mua, đảm bảo đầu ra. Từng bước phát triển thêm các hợp tác xã mới, chú ý tại các khu vực trồng cà phê tập trung theo quy hoạch.
Năm là, có cơ chế hỗ trợ phát triển và liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững của tỉnh Sơn La, như: chính sách thuế, tín dụng và các chính sách thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu, đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cà phê với thiết bị chuyên dùng tiên tiến cần thiết đáp ứng yêu cầu cho ngành Cà phê.
Sáu là, nâng cao ý thức pháp luật trong liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững. Tăng cường ý thức pháp luật phải đi từ nhận thức đến các hoạt động cụ thể như đàm pháp ký kết thỏa thuận, hợp đồng đến thực thi các tiêu chuẩn kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến bảo quản cà phê, thực thi các cam kết về thời gian thực hiện các điều khoản của hợp đồng, số lượng, chất lượng các hoạt động trong thực hiện các điều khoản hợp đồng…
3. Kết luận
Sơn La là địa phương có các điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho sự phát triển của cây cà phê Arabica. Cây cà phê đã được quan tâm đầu tư, đã thực sự mang lại thu nhập và trở thành cây mũi nhọn, chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của cây cà phê Sơn La vẫn còn những bất cập, sản phẩm chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, giá trị gia tăng không cao. Đặc biệt, liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê mới chỉ là bước đầu, thiếu chiến lược liên kết kinh tế giữa sản xuất, với chế biến và tiêu thụ cà phê. Vì vậy, liên kết kinh tế ngành Cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu giản đơn, tự phát, thiếu bền vững, hiệu quả của liên kết kinh tế chưa được khai thác và phát huy.
Trong những năm tới, cây cà phê vẫn được coi là cây chủ lực và tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư. Đối với phát triển của ngành, những vấn đề về quy hoạch, về mở rộng vùng cà phê; mở rộng các chế biến sâu; liên kết kinh tế với các địa phương ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, ngoài nước trong chế biến và xuất khẩu cà phê là những định hướng cơ bản.
Để thực thi các định hướng, vấn đề quy hoạch, rà soát quy hoạch ngành Cà phê của tỉnh, xây dựng chiến lược liên kết kinh tế, nâng cao năng lực các chủ thể liên kết kinh tế, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường các hình thức gắn kết trực tiếp giữa các chủ thể tham gia liên kết, giải quyết tốt các vấn đề lợi ích giữa các bên trong hợp đồng và tranh chấp hợp đồng, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng, nâng cao ý thức pháp luật của những người tham gia liên kết kinh tế... là những giải pháp cần thiết và cấp bách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La (2012), Điều kiện tự nhiên - Tài nguyên nước, truy cập ngày 30/5/2016, từ http://sonla.gov.vn/tai-nguyen-thien-nhien/ /asset_publisher/content/tai-nguyen-nuoc
2. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La (2012), Vị trí địa lý, truy cập ngày 30/5/2016, từ http://sonla.gov.vn/dieu-kien-tu-nhien/-/asset_publisher/content/vi-tri-dia-ly.
3. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2006, 2010, 2016, 2017), Niên giám thống kê tỉnh Sơn La, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
4. Đặng Huyền Trang (2013), Tăng cường liên kết kinh tế giữa các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La, Luận văn thạc sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
5. Đặng Huyền Trang và Cộng sự (2017), Nghiên cứu chuỗi giá trị cà phê chè vùng Tây Bắc Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, Đại học Tây Bắc.
6. Đặng Huyền Trang và Phạm Văn Khôi (2013), “Tác động của phát triển cây cà phê đến xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Sơn La”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 189 (II), Tr. 44-49.
7. Đặng Huyền Trang và Phạm Văn Khôi (2013), “Tăng cường liên kết kinh tế giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê tại tỉnh Sơn La”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 188 (II), Tr. 26-32.
8. Đỗ Thị Nga và Lê Đức Niêm (2017), Liên kết hộ nông sân trong sản xuất và tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên, Nhà xuất bản Đại học Nông nghiệp, Hà Nội.
9. Hồ Quế Hậu (2012), Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
10. Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (2015), Nghị quyết số 112/2015/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020, ban hành ngày 10/9/2015.

DEVELOPING THE ECONOMY TOWARDS EXPORTING COFFEE OF SON LA PROVINCE

MA. Dang Huyen Trang

Tay Bac University

ABSTRACT:

The economic linkages between production, processing and consumption of coffee in Son La province need to be built sustainably, contributing to the development of coffee production of Son La province. The paper focuses on the situation of production, consumption and economic integration of coffee establishments in Son La province. Thus, it proposes measures to promote export and increase the products position domestically and internationally.

Keywords: Economic linkage, product value enhancement, export, coffee, Son La province.