Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, ngăn chặn Covid-19 lây lan

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, từ các lĩnh vực điện tử, may mặc, da giày, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch...

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, chiều 3/3/2020, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, hiện nay phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Các hoạt động triển khai chống dịch được thực hiện theo thông điệp “chống dịch như chống giặc”. Đây là khẩu lệnh hết sức quyết liệt, nhằm ngăn chặn tình hình dịch bệnh với nhiều biện pháp mạnh tay với tinh thần chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

mai tiến dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo thường kỳ tháng 2/2020

"Chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, chúng ta đã có 16 ca nhiễm Covid-19. Đến nay đã 19 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Hôm nay tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều vùng là thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu... do đó Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là trong việc chống dịch", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn lại các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, từ các lĩnh vực điện tử, may mặc, da giày, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch...

Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin.

Nói về việc phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài. “Nếu để một ca nhiễm bệnh vào Việt Nam và để xảy ra lây chéo thì sẽ rất khó kiểm soát dịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào bị động, phải tập trung hỗ trợ các đối tượng nghi nhiễm dịch bệnh. Song song đó, tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong tình hình dịch bệnh, hạn chế thanh toán trực tiếp mà đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Chủ trì cuộc họp báo chiều 3/3 là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ.

Dự họp báo còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ…

Hạ An