Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển bền vững doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay

ThS. LÊ THỊ HUYỀN (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều thời cơ, nhưng cũng đứng trước những thách thức rất lớn. Khoa học công nghệ là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp; khoa học công nghệ luôn đổi mới và tác động rất lớn vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến nội dung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Từ khóa: Khoa học công nghệ, phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Nhận thức chung về vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội
Khoa học công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy sự gia tăng của cải vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm cường độ lao động; giảm chi phí và giá thành sản phẩm; tăng tỷ lệ chất xám trong cấu tạo sản phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, mẫu mã đẹp; rút ngắn chu kỳ sản xuất, năng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong công nghiệp, khoa học, công nghệ phát triển, dần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến sự thay đổi to lớn trong quá trình sản xuất. Trước xu thế toàn cầu hóa, cùng sự chuyển giao và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ đã thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ. Các công cụ lao động giản đơn, mang tính chất tiểu thủ công nghiệp đã được thay thế bằng các dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại. Sức lao động của con người được giải phóng, lao động chân tay dần được thay thế bởi lao động trí óc, lao động giản đơn dần được thay thế bằng sự chuyên môn hóa ngày càng cao. Những sự thay đổi trên làm cho năng suất lao động tăng vượt bậc, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và có chất lượng cao. Cũng nhờ đó, cơ cấu kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng mạnh hơn so với các ngành nông nghiệp. Từ một nước thuần nông, Việt Nam đã xây dựng được nhiều nhà máy, xí nghiệp với những dây chuyền công nghệ tiến tiến; nhiều khu chế xuất công nghệ cao. Điều này đã được ghi nhận tại Đại hội XII của Đảng: “Công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỉ trọng công nghiệp khai thác giảm dần. Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá”.
Trong nông nghiệp, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước chủ trương tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều loại máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất nông nghiệp như máy cày bừa, máy gặt, máy gieo hạt, máy sấy... Nhờ đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất và áp dụng cơ chế quản lý hợp lý, năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp của nước ta ngày càng tăng. Ngành Thủy nông cũng được cải thiện đáng kể với việc đưa vào sử dụng nhiều loại máy bơm có công suất lớn có thể tưới tiêu trên phạm vi rộng. Nhiều giống lúa, hoa màu, giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất có chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, thiên tai tốt, đem lại năng suất cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận những thành tựu mới của khoa học, công nghệ, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn nói chung và cả nước nói riêng. Nước ta đã hình thành được những vùng nông nghiệp trọng điểm, chuyên canh, với những mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo (Việt Nam đứng thứ 2 châu Á và thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo), thủy hải sản, rau, củ, quả... Vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp hiện đại ở nước ta đã được Đảng ta ghi nhận: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có những bước chuyển biến, nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; ứng dụng khoa học - công nghệ.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, làm cho khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt, quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển nền kinh tế tri thức; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh; phát triển khoa học công nghệ là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của tất cả các cấp, các ngành; cần phải xác định rõ các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại, phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần được xác định trong chủ trương, chính sách phát triển trong mỗi doanh nghiệp; trong đó có việc khuyến khích đối với những sáng kiến mang lại lợi ích cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ; không chấp nhận công nghệ lạc hậu; chú trọng thúc đẩy, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cao.
2. Sự cần thiết phải đổi mới công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh
Khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tốt cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Với tự do hóa mạnh mẽ, với những chuẩn mực mới sẽ có cơ hội mới để các doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời có những khó khăn, thách thức mới rất gay gắt mà nếu doanh nghiệp không chuẩn bị bài bản, không đủ khả năng cạnh tranh, không trụ được thì sẽ bị đánh bật ra khỏi thị trường.
Để nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần nhiều yếu tố như thể chế, chính sách, đất đai, vốn; trình độ người lao động, trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp… nhưng đặc biệt là yếu tố về khả năng nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh. Chỉ có đổi mới công nghệ mới nâng cao được năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Từ đó mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; phát triển sản xuất - kinh doanh nhanh và bền vững. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp trong mọi giai đoạn phát triển.
3. Về tình hình doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh
Trong các năm gần đây, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phá sản hoặc ngừng hoạt động tăng lên. Nếu năm 2010 chỉ có 47.000 doanh nghiệp phá sản thì riêng trong 10 tháng năm 2015 đã có hơn 60.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động. Như vậy, riêng trong 10 tháng năm 2015, số doanh nghiệp giải thể đã tăng gấp gần 1,3 lần so với cả năm 2010.
Trong 3 tháng đầu năm 2017 cả nước có 26.478 DN thành lập mới. Bình quân mỗi ngày có 294 DN ra đời nhưng cũng có tới 265 DN rời khỏi thị trường. Tính chung, cứ 10 DN thành lập mới, thì có tới 9 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Trong số doanh nghiệp giải thể, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Nguyên nhân nào khiến cho các DN tư nhân phải phá sản, ngừng hoạt động tăng mạnh?
Theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải thể của doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân then chốt là sự yếu kém trong ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo báo cáo mới đây của VCCI, 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ.
Một vòng đời công nghệ vào khoảng 10 năm, nghĩa là sau khoảng một thập niên sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời. Hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới, đó là thông tin tại báo cáo do Bộ Khoa học và Công nghệ mới đưa ra. Trong đó, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang.
Nhưng đáng lo ngại hơn cả là các chỉ số liên quan đến đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đang thể hiện một sự tụt hậu không chỉ với thế giới mà ngay trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ đổi mới công nghệ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 đặt ra là tăng bình quân mỗi năm 13%, nhưng kết quả chỉ tăng 10,68%/năm.
Mức độ sẵn sàng về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới. Tuy nhiên, theo xếp hạng năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 102 thế giới, trong đó mức độ ứng dụng công nghệ là rất thấp. Trong giai đoạn 2008-2014, mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ mới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 71/134 xuống vị trí 134/148 quốc gia, thấp hơn rất nhiều so với ngay cả vị trí 82 của Campuchia. Khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệpViệt Nam còn "tụt dốc" nhanh hơn từ vị trí 54 xuống 135 trong 5 năm. Vị trị này cũng thấp hơn vị trí 82 của Campuchia.
Về cơ bản cho đến nay, thực trạng chung của các DNNVV Việt Nam vẫn là sử dụng những công nghệ đã lạc hậu, tập trung vào gia công, sơ chế hoặc sản xuất các sản phẩm đơn giản. Trong khi đó giá thành sản phẩm lại cao, không có sức cạnh tranh trên thị trường. Một cuộc khảo sát nhỏ tại tổ cấp C/O số 1 thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì trung bình cứ 10 DN đến xin cấp C/O để xuất khẩu hàng hóa thì có 6 DN là DN gia công hàng hóa cho DN nước ngoài hoặc là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, với 4 DN còn lại thì hầu hết là các DNNVV chuyên sản xuất các sản phẩm ở dạng đơn giản hoặc sơ chế, hoặc chỉ đơn thuần là nhập linh kiện và lắp ráp, rất hãn hữu có DN sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm ở trình độ cao. Đặc biệt so sánh trong khu vực ASEAN về mặt công nghệ thì Việt Nam còn ở trình độ thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy hoạt động đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các DNNVV. Công nghệ lạc hậu sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp, tiêu hao nguyên vật liệu và năng lượng cao, gây ô nhiễm môi trường và cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm không thỏa mãn nhu cầu của thị trường về giá cả và chất lượng. Đồng thời, cải thiện công nghệ để nâng cao năng suất sản phẩm là điều cần thiết của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và 15 Hiệp định thương mại tự do FTA đi vào hiện thực. Nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ buộc bị đào thải và đóng cửa bởi thiếu năng lực cạnh tranh.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức được rằng, yếu tố đổi mới công nghệ trong sản xuất là một vấn đề sống còn. Tuy nhiên, họ vẫn "lực bất tòng tầm". Với nguồn vốn hạn hẹp phần lớn doanh nghiệpvẫn phải chấp nhận nhập khẩu máy móc của Trung Quốc, Đài Loan để sản xuất hàng hóa theo kiểu "gia công", chất lượng thấp. May mắn hơn, họ có thể nhập máy móc cũ của Nhật Bản có công nghệ đi sau ít nhất khoảng 10 năm.
4. Một số kiến nghị về phát huy về vai trò của khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Từ vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng; từ thực trạng tình hình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đứng vững và phát triển khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tác giả xin đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, qua khảo sát thực tế cho thấy: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là điểm yếu nhất cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận vốn, thị trường mới, đổi mới trang thiết bị, xác định chiến lược kinh doanh và năng lực quản trị. Từ thực tế trên, ở góc độ vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt hơn nữa để đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp.
Cách tiếp cận đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cần toàn diện, đồng bộ hơn; không chỉ là vấn đề đổi mới công cụ, máy móc, thiết bị. Đây chỉ là phần cứng trong đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp cần chú trọng cả 3 yếu tố phần mềm của công nghệ là: yếu tố thông tin, phương pháp, quy trình, bí quyết; yếu tố tổ chức điều hành, quản lý và yếu tố con người. Khi phối hợp đồng bộ cả 4 yếu tố trên thì chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động rà soát, đánh giá một cách khách quan việc ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong sản xuất - kinh doanh xem mình đang đứng ở vị trí nào. Trình độ khoa học công nghệ ở mức tiên tiến, trung bình hay lạc hậu; tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ đạt bao nhiêu % doanh thu; đánh giá khả năng tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp xem khó khăn nhất, yếu nhất ở khâu nào. Sau đó đối chiếu với các tiêu chuẩn, điều kiện của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để làm cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực sao cho linh hoạt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng doanh nghiệp. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có điều kiện nên đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học để có giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, việc hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc tham gia TPP đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, mọi người dân phải nỗ lực vượt bậc, không ngừng đổi mới và sáng tạo. Chính phủ cần điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu dựa trên đổi mới sáng tạo và thành tựu của khoa học công nghệ. Trong đó có các nhiệm vụ giải pháp quan trọng liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ và các chương trình hỗ trợ khác. Sớm xây dựng và triển khai Đề án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích phát triển doanh nghiệp; trong đề án cần có sự tham gia của ngành khoa học công nghệ, các hiệp hội; xác định rõ lộ trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đối với các Quỹ quốc gia như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia không nên chỉ chú trọng đến các DN KH&CN, các DN khởi nghiệp, không nên chỉ tập trung vào các đề tài nghiên cứu mà cần chú ý đến các thực tế hoạt động của các DNNVV. Cần có sự phối hợp với các cơ quan chủ quản, các Hiệp hội ( như Hiệp hội Chè, Hiệp hội Cà phê, Hiệp hội Thép…) và các địa phương để nhận định đúng về tình hình công nghệ chung của các DN, từ đó có kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đối với các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các Bộ, ngành và địa phương cần có sự chuyển hướng từ tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, đầu tư chủ yếu cho các đơn vị nhà nước, các DN quốc doanh sang các DN ngoài quốc doanh. Cần có những khảo sát, các cuộc tiếp xúc với DN để có những kế hoạch hỗ trợ phù hợp đầu tư tài chính cho các DNNVV đổi mới công nghệ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân
2. Trang web Tạp chí Tài chính
3. Trang web Kinhte.vn
4. Trang web Bộ Công Thương

PROMOTING THE APPLICATION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN VIETNAM

MA. LE THI HUYEN

Faculty of Business Administration, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

As Vietnam implements new generation free trade agreements, small and medium enterprises have many opportunities but also face great challenges. Science and technology are the key driving force for the rapid and sustainable development of enterprises. They are constantly innovating and have a great impact on the competitiveness of enterprises. The article deals with the promoting the application of science and technology to develop small and medium enterprises in Vietnam.

Keywords: Science, technology, development, socioeconomic, small and medium Enterprises.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây