Về thu: Phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân khoảng 15,5%GDP. Tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 khoảng 85-86% tổng thu NSNN.

Về chi, bội chi NSNN và nợ công: Dự kiến tổng chi khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8%GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1%GDP.

Tuy nhiên, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021-2023 trong việc bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo,...

Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức, với một số giải pháp trọng tâm là:

Thứ nhất, về thu ngân sách nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19;

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế.

Thứ hai, về chi ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện; thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.

Rà soát các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Việc xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện của từng nguồn vốn, từng dự án cùng từng bộ, địa phương. Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công.

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay của ngân sách nhà nước nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ; giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Thứ năm, hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành công tác quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế - kỹ thuật,...làm cơ sở xác định và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp, gắn với yêu cầu nâng cao khả năng tự chủ, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế hỗ trợ đảm bảo các đối tượng nghèo, chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công cơ bản.

Tăng cường cơ chế giao dự toán kinh phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Có lộ trình đẩy mạnh cơ chế đấu thầu, đặt hàng phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công và khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đảm bảo tính đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan trong quản lý, giám sát, khai thác và sử dụng tài sản công.

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục và hiện đại hoá công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực có quan hệ với người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, quản lý bảo hiểm, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tăng cường tính công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của xã hội trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thứ tám, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để quán triệt quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.