Để GSP là bàn đạp tốt cho FTA

Trước khi FTA Việt Nam - EU được thực hiện, các doanh nghiệp cần coi GSP như một bàn đạp tốt để tận dụng các ưu đãi, khắc phục những hạn chế để đáp ứng các điều kiện ngày càng khắt khe của EU.

Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp, nên về cơ bản, những nỗ lực tự do hóa thương mại sẽ mang lại cơ hội lớn cho cả hai bên. Tuy nhiên, trước khi FTA được thực hiện, các doanh nghiệp cần coi GSP như một bàn đạp tốt để tận dụng các ưu đãi, khắc phục những hạn chế để đáp ứng các điều kiện ngày càng khắt khe của EU. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

FTA Việt Nam - EU: Bước tiến lớn của tự do hóa thương mại giữa hai thị trường

Ngày 2/12/2015, tại Brúc-xen, Bỉ, Việt Nam và EU đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng rất cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển. Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), Đầu tư, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm của Chính phủ, Sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), Phát triển bền vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Pháp lý - thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông thủy sản, của Việt Nam. Về phía EU, các mặt hàng được hưởng lợi nhiều gồm có máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Ở góc độ đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư với các dự án chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, nước ta có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Ngoài ra, việc ký kết FTA với một đối tác phát triển cao như EU cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh-xã hội cho nước ta.

Vai trò của GSP khi FTA đi vào đời sống

Cùng với việc tham gia ngày càng nhiều hiệp định mậu dịch tự do song phương và khu vực, mức thuế nhập khẩu trong các hiệp định này sẽ giảm xuống sau một thời gian thường là 10 năm thì ý nghĩa của GSP cũng giảm dần và bị triệt tiêu. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho quá trình tự do hóa thương mại sâu, rộng hơn một cách chủ động và hiệu quả, cần tranh thủ tận dụng chế độ GSP và cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao sức cạnh tranh để tăng năng lực xuất khẩu bền vững.

Khi Việt Nam ký FTA với EU, Việt Nam sẽ không còn được hưởng cộng gộp khu vực theo GSP. Khi có FTA, các thuế suất áp dụng cho tất cả các mặt hàng sẽ được giảm xuống = 0%, GSP chỉ là ưu đãi thuế suất. Như vậy, lợi thế mà GSP mang lại ít hơn FTA mang lại.

Việt Nam đang gặp cạnh tranh với các nước đang có FTA với EU. Chỉ riêng mặt hàng giày dép, hiện nay, Trung Quốc đang chiếm 61,8% thị phần nhập khẩu của EU, còn Việt Nam chỉ có 20,9% thị phần.

FTA giữa Việt Nam và EU mang lại lợi ích nhiều hơn cho Việt Nam vì nó giống như một hợp đồng có thỏa thuận song phương; còn GSP chỉ là đơn phương do EU cấp cho Việt Nam, không thích cũng có thể đơn phương rút lại. Hơn nữa, đây chỉ là thuế suất ưu đãi chứ không được giảm xuống còn 0% như FTA.

Để có sự chuẩn bị tốt cho việc thực hiện FTA, trên nền tảng những ưu đãi GSP đang được hưởng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có công cụ tốt để xây dựng các chiến lược thương mại thích hợp và luôn chủ động về công tác nghiên cứu, thông tin thị trường. Các thương vụ của Việt Nam tại EU sẽ là cầu nối quan trọng cho các doanh nghiệp hai bên trong việc trao đổi thông tin và các cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.
Thùy Linh