Dịch COVID-19 gây cản trở tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, gia tăng số người nhiễm

Dịch COVID-19 đã làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng so với năm 2020. Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đổi mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh/thành phố triển khai giãn cách xã hội, các hoạt động triển khai bị gián đoạn; nhân lực ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Trung tâm phòng, chống bệnh tật các tỉnh/thành phố tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch COVID nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Việc triển khai giám sát quản lý chất lượng xét nghiệm bị chậm tiến độ, khách hàng không đến tiếp cận với các cơ sở xét nghiệm cố định.

test hiv
COVID-19 làm gián đoạn các dịch vụ xét nghiệm HIV/AIDS.

Để ứng phó với những khó khăn trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai:

- Cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại 04 tỉnh/thành phố: Cần Thơ (11/2020), Hà Nội, Nghệ An (04/2021) và Bình Dương (11/2021), bước đầu ghi nhận kết quả khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả "có phản ứng" và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

- Hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên "Hãy ở nhà và tự xét nghiệm" đã đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hàng chục nghìn bộ tự xét nghiệm HIV được vận chuyển, chuyển phát qua đường bưu điện hoặc là được giao tới cho những người có nhu cầu xét nghiệm.

Đa số khách hàng đặt mua bộ xét nghiệm đều là nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới và ở độ tuổi từ 19 đến 24, trong đó khoảng 30% chưa từng xét nghiệm HIV trước đó, 85% khách hàng đặt mua bộ tự xét nghiệm cho biết chính những nội dung trực tuyến đó đã khiến họ muốn xét nghiệm HIV.

Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do COVID-19 là một biện pháp cần thiết để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 mà không bị gián đoạn.

Tối ưu hóa phác đồ điều trị

Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến việc tiếp cận và duy trì điều trị cho người nhiễm HIV và người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).

Với người bệnh, người sử dụng dịch vụ PrEP:

Giãn cách xã hội, sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã dẫn đến tình trạng người bệnh không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ. Một điểm rất lưu ý ở đây là do kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh/thành phố khác. Do đó, giãn cách xã hội do COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị ở những trường hợp này.

Người nhiễm HIV mắc COVID-19, đặc biệt là người điều trị thuốc ARV chưa ổn định, thì nguy cơ điều trị nội trú, nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn người không nhiễm HIV. Hiện chưa có đánh giá chính thức nhưng qua các phản ảnh riêng lẻ, thì đã có một số người nhiễm HIV bị tử vong do COVID-19.

hiv
Giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới các dịch vụ điều trị HIV.

Tình trạng các doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của COVID-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực. Điều này đã dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV. Ngoài ra, tại các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, nhiều người nhiễm HIV là công nhân trong doanh nghiệp đã lựa chọn phương án quay trở về quê hương, không tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế mà họ đang điều trị.

Với các đơn vị cung cấp dịch vụ:

Một số cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV bị phong tỏa, cách ly do COVID -19, một số cơ sở y tế điều động sang thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Điều này dẫn đến việc người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV, điều trị PrEP tại các cơ sở này phải chuyển sang điều trị tại các cơ sở khác.

TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, để ứng phó với tác động của đại dịch với việc điều trị HIV/AIDS sẽ tiếp tục tối ưu hóa phác đồ điều trị thuốc ARV cho người bệnh, lựa chọn thuốc ARV có khả năng ức chế virus cao, ít tác dụng phụ, giảm số lượng viên thuốc, giảm số lần uống. Đồng thời, chuyển phần lớn người nhiễm HIV sang sử dụng thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT để đảm bảo người bệnh được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục khi không còn nguồn thuốc viện trợ miễn phí.

Điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện (điều trị trong ngày) và cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người bệnh ổn định và mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như đồng nhiễm HIV/lao, đồng nhiềm HIV/viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV…

Tăng cường tuyền thông trên các nền tảng xã hội

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19 nên việc thay đổi cả hình thức cũng như nội dung truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để có thể truyền thông đúng và trúng là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra còn phức tạp, các hoạt động truyền thông triển khai tại cộng đồng và có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc tập trung đông người đã không được triển khai. Chính vì vậy, các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội được tăng cường.

Việc tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS cũng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh và Truyền hình ở trung ương và địa phương là cần thiết.

Bên cạnh đó, với khả năng tiếp cận đông đảo các nhóm khách hàng đích, việc tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Tik tok, Zalo, các ứng dụng... là một kênh quan trọng không thể bỏ qua.

Đồng thời, tuyên truyền các thông điệp qua cụm panô, khẩu hiệu, băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ thu hút được sự chú ý cao.

 

T.Xuân