Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục, Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thư ngỏ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 8261/KH-BCT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”.

Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp nói chung đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong Thư ngỏ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Bộ Công Thương đánh giá sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trong vài tháng vừa qua không chỉ có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, người tiêu dùng, sự ổn định của toàn xã hội mà còn có khả năng đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, thậm chí là sự tồn tại của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 thông qua một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 8261/KH-BCT, trong đó hạn chế các hoạt động có thể dẫn đến tập trung đông người mà tập trung thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tuyến, trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu.

Thứ hai, xây dựng và áp dụng triệt để, thường xuyên, liên tục các biện pháp theo khuyến cáo của các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm an toàn vệ sinh, an toàn sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, khách hàng, người tiêu dùng tại trụ sở, địa điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng và áp dụng các công cụ hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh tiêu dùng an toàn, từng bước khôi phục lại các hoạt động như trước khi bùng phát dịch bệnh. Biến “nguy” thành “cơ”, biến thách thức thành cơ hội, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là các hành vi như quảng cáo gian dối, cung cấp hàng hóa không bảo đảm về chất lượng, bán giá cao bất hợp lý, trục lợi, ép buộc người tiêu dùng.

Cũng trong Thư ngỏ, Bộ Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể để đồng hành cùng các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 cũng như các Chỉ thị, Quyết định đã được Bộ Công Thương ban hành trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Thư ngỏ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Thư ngỏ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19
Thư ngỏ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19
Thy Thảo