Dịch vụ logistics với mục tiêu tăng sức cạnh tranh và giảm chi phí cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Thực trạng và một số giải pháp

ThS. NGUYỄN THẾ VINH (Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG (Sở Xây dựng, tỉnh Bình Dương)

TÓM TẮT:

Dịch vụ logistics có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân, các dịch vụ logistics tạo ra mối liên kết kinh tế, thương mại, tài chính của toàn bộ chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị của hàng hóa, từ sản xuất, lưu thông, phân phối đến tiêu dùng. Không chỉ trong phạm vi từng địa phương, từng vùng trong cả nước, mà logistics còn kết nối dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia và từng địa phương. Bài viết đã khái quát những thành tựu ngành logistics của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2016-2020 và đề xuất những giải pháp phát triển ngành Logistics của tỉnh trong thời gian tới.

Từ khóa: tỉnh Bình Dương, dịch vụ logisitics, doanh nghiệp.

 1. Đặt vấn đề

Theo Hội đồng quản trị logistics Mỹ-1988: Logistics là quá trình lên kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí của dòng lưu chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho, thành phẩm và các thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ, nhằm mục đích thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng.

Theo khái niệm của Liên hiệp quốc-UN: Logistics là hoạt động quản lý quá trình lưu chuyển nguyên vật liệu qua các khâu lưu kho, sản xuất ra sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra còn khá nhiều khái niệm khác về logistics. Tuy nhiên, theo đa số các nhà nghiên cứu, logistics chính là hoạt động quản lý dòng lưu chuyển của nguyên vật liệu từ khâu mua sắm qua quá trình lưu kho, sản xuất ra sản phẩm và phân phối tới tay người tiêu dùng. Mục đích nhằm giảm tối đa chi phí phát sinh hoặc sẽ phát sinh với một thời gian ngắn nhất trong quá trình vận động của nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như phân phối hàng hóa một cách kịp thời.

Nhận thức được vai trò của dịch vụ logistics, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại”(3) là một thành tố vô cùng quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế của Tỉnh.

Nhu cầu về dịch vụ logistics tại Bình Dương ngày càng tăng cao, vì đây là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí tiếp giáp với các tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp khá tốt của cả nước như Đồng Nai, Bình Phước,... Đặc biệt, Bình dương gần Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương trọng điểm của hoạt động xuất nhập khẩu và trung tâm thương mại du lịch của cả nước, trung tâm logistics của vùng. Bình Dương là một trong những tỉnh nhận được quan tâm và hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số thu hút đầu tư (FDI) và GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu năm 2020, Bình Dương cũng là địa phương của Việt Nam lọt top 21 thành phố thông minh nhất thế giới do ICF bình chọn (năm 2018, 2019, 2020), và là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao so với cả nước (82% năm 2020).

Về công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), và 12 cụm công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 9,64 %/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9,31%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 10,86%/năm(4). Do đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu tại tỉnh rất lớn, hàng năm tăng trên 10%. Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại dịch vụ tại Bình Dương cũng phát triển nhanh với các đô thị sầm uất mọc lên nhanh chóng đã và đang đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải phát triển các trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất và lưu thông, phân phối tiêu dùng.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế, thương mại và hội nhập quốc tế của tỉnh, mặt khác để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn một cách hiệu quả, góp phần thực thi định hướng chiến lược và quy hoạch về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics, Bình Dương cần xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn trong thời gian tới.

2. Thực trạng phát triển ngành logistics của tỉnh Bình Dương

2.1. Về hoạt động dịch vụ logistics trọn gói

   Là tỉnh nằm trên trục giao thông trọng điểm từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Phước, Tây Nguyên và đi Campuchia (qua cửa khẩu Hoa Lư); Theo hướng Tây-Tây Nam, từ Bình Dương đi Tây Ninh và Campuchia (qua cửa khẩu Mộc Bài); và từ Bình Dương đi Đồng bằng sông Cửu Long khá thuận lợi. Từ Bình Dương dễ dàng đi ra cửa biển Vũng Tàu và tiếp cận với các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay và tương lai.

 Thời gian qua, Bình Dương đã chú trọng phát triển các dịch vụ logistics trọn gói, bao gồm: phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, kho ngoại quan,… Trong đó, có có các đơn vị tiêu biểu như: ICD Sóng Thần (Thành phố Dĩ An) đi vào hoạt động từ năm 2003, với tổng diện tích 500.000 m2, trong đó 150.000 m2 bãi container và 160.000 m2 kho các loại; Trung tâm Logistics Dĩ An có tổng diện tích quy hoạch khoảng 100 ha với vốn đầu tư là 125 triệu USD, cung cấp dịch vụ kho chứa hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ ngành giày da, túi xách và vận chuyển container, thủ tục hải quan,… đi vào hoạt động từ năm 2009.

Ngoài ra, Bình Dương còn có khoảng 62 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển,… Trong đó, có thể kể đến một số trung tâm logistics tiêu biểu như: Công ty cổ phần Giao nhận vận tải U&I đã đi vào hoạt động từ năm 2007; Trung tâm Kho YCH - Protrade (YCH -Protrade DistriPark) đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2010; Công ty cổ phần Kho vận miền Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2010; Công ty TNHH Mapletree Logistics (Singapore) đi vào hoạt động năm 2011;….(1)

Ngoài ra, còn có các kho nhỏ lẻ nằm ngoài các khu công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước đầu tư để cho thuê lại, chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu với diện tích nhỏ (từ 2.000 đến 3.000 m2) cung cấp các dịch vụ khác như: vận tải, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận hàng hóa nằm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của hệ thống các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

2.2. Hoạt động các dịch vụ khác có liên quan đến logistics

Trước đây, do hạn chế về cơ sở hạ tầng như không có sân bay, cảng biển, trọng tải tàu container bị giới hạn không được quá 2.000 tấn vì chiều cao tĩnh không của một số cầu lớn không đáp ứng được, Bình Dương không được xem là nơi thích hợp để dịch vụ logistics phát triển. Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực khắc phục các hạn chế cũng như khai thác tốt lợi thế nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh và cơ sở hạ tầng sẵn có, ngành dịch vụ logistics ở Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động dịch vụ cảng đường sông

Bình Dương đã quy hoạch 10 cảng sông và hiện đã có 4 cảng đi vào hoạt động khai thác vận chuyển hàng hóa, du lịch gồm: Cảng tổng hợp Bình Dương, Cảng Thạnh Phước, Cảng Bà Lụa và Cảng An Sơn được nâng chiều cao tĩnh không lên 7m. Hệ thống giao thông đường thủy đã đưa vào khai thác hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của các cảng đường sông.

Hoạt động dịch vụ vận tải đường bộ

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Giai đoạn 2015-2020, vận tải đường bộ tăng bình quân 46%/năm, chiếm 98,7% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh. Tỉnh cũng tập trung phát triển hạ tầng giao thông: Quốc lộ 13 (từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Bình Dương đi Bình Phước), đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một số tuyến đường của tỉnh: DT743, 744, 747, triển khai xây dựng tuyến đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng(2). Các công trình này sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động công nghiệp, dịch vụ cũng như nâng cao hiệu quả logistics trong địa bàn tỉnh.

Hoạt động dịch vụ vận tải đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 8,6 km, nằm trên địa bàn Thành phố Dĩ An và hiện có 2 nhà ga gồm: Ga Sóng Thần với công suất hàng năm vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa và Ga Dĩ An với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tránh vượt các đoàn tàu Bắc Nam và xếp dỡ hàng hóa đoàn tàu sắt Thống Nhất, năng lực xếp dỡ hàng hóa của ga bình quân là 5 xe/ ngày.

Hoạt động dịch vụ hải quan và kho ngoại quan

Đây là khâu quan trọng trong việc phát triển logistic, gồm 2 dịch vụ cơ bản là kho ngoại quan và đại lý hải quan. Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 21 kho ngoại quan, 4 kho CFS và 34 đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng sông, cảng ICD hiện hữu. Vào năm 2020, để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận, Bình Dương cần phát triển thêm tối thiểu 70 ha kho ngoại quan và kho CFS(1).

Trong những năm qua, nhờ tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ, Bình Dương đã vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Điều này tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Bình Dương phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.

2.3. Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics ở tỉnh Bình Dương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Một là, các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Dịch vụ thương mại chưa phát triển đầy đủ, rộng khắp, chỉ mới tập trung ở một số thành phố phía Nam, thương mại điện tử chưa cao,… Nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp được dịch vụ 1PL, 2PL, số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ 3PL còn hạn chế. Các nhà cung cấp dịch vụ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin.

Hai là, doanh nghiệp logistics phân bố không đồng đều tập trung ở một số khu vực nhất định, chủ yếu tập trung tại địa bàn Thành phố Dĩ An, Thành phố Thuận An. Việc phát triển dịch vụ logistics hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung chính vào hệ thống đường bộ, chiếm trên 90% khối lượng vận chuyển hàng hóa, kết nối giữa các phương thức vận tải còn thiếu và yếu, dẫn đến hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đang chịu áp lực khá lớn, tình trạng kẹt xe ngày càng nhiều. Chi phí vận tải vẫn là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics.

Ba là, nguồn nhân lực chất lượng cao, đa số lao động trong ngành là lao động phổ thông, chưa được đào tạo chính quy theo đúng chuyên ngành Logistics.

Bốn là, chi phí lưu kho còn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường sông, đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia  tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để làm đầu mối phân phối hàng hoá. Phần lớn có quy mô đầu tư chưa đồng bộ nên đã hạn chế vai trò cũng như các chức năng cơ bản của một trung tâm logistics. Thiết bị lưu kho, xếp dỡ lạc hậu, không đồng bộ, làm chậm quá trình bốc dỡ, gây hỏng hóc hàng hóa. Chi phí của các trung tâm logistics lạnh của địa phương còn cao do giá điện cao,…

2.4. Một số giải pháp

Từ những thành tựu và hạn chế trên, tỉnh Bình Dương cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Một là, để phát triển dịch vụ logistics đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần xây dựng, quy hoạch cụ thể cho trung tâm logistics theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành dịch vụ logistics. Đồng thời, thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ dưới nhiều hình thức, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp thông tin kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, cải tiến thủ tục Hải quan điện tử.

Hai là, tổ chức rà soát quy định phân công, phân cấp công tác quản lý, các văn bản quy định về hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn, đảm bảo rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành (Công Thương, Hải quan, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương,...) thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng logistics, đôn đốc và tham mưu các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành, giải quyết khó khăn vướng mắc của tổ chức, cá nhân.

Ba là, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Cần có cách thức hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ và nhận thức đúng về quy trình cung cấp các dịch vụ logistics, đặc biệt là trong quá trình vận tải; Đào tạo có hệ thống nguồn nhân lực có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.

Bốn là, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và khai thông đường thủy. Khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp, cảng sông; chú trọng đến dịch vụ trọn gói như: kinh doanh kho bãi, vận chuyển hàng hóa, đại lý hải quan, dịch vụ tư vấn, đóng gói bao bì… đạt chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải tự nâng cao chất lượng phương tiện - dịch vụ, củng cố và phát triển thương hiệu, từng bước hình thành các doanh nghiệp có đội xe lớn, tập đoàn vận tải có trụ sở chính đặt trên địa bàn. Tỉnh cần quan tâm và tạo nhiều điều kiện về chính sách cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào các lĩnh vực như: cảng đường sông, ICD như: giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép đầu tư, xây dựng… Mặt khác, ngành Thuế cũng cần rà soát lại chính sách thuế để có hướng hỗ trợ, miễn, giảm cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Năm là, để thúc đẩy các hoạt động đầu tư và sử dụng có hiệu quả trong phát triển dịch vụ logistics của địa phương, tỉnh Bình Dương cần thực hiện tốt chính sách tăng cường liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cần rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của Vùng, làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về: cảng biển, đường giao thông, sân bay của Vùng. Xây dựng cơ chế phối hợp Vùng trong việc đầu tư sân bay, cảng biển và giao thông kết nối nhằm tránh phân tán nguồn lực (kể cả kêu gọi đầu tư tư nhân) và thiếu gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong Vùng.

3. Kết luận

Trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, ngành logistics là ngành phát triển năng động, hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế ở tất cả các quốc gia. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển ngành logistics của Việt Nam nói chung và ở các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Dương nói riêng là tất yếu và có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần nâng cao việc sử dụng các nguồn lực, phát huy tối đa những lợi thế, tiềm năng góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương trong quá trình phát triển.

Để phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng của tỉnh, hệ thống logistics của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, tỉnh Bình Dương cần xây dựng chiến lược phát triển logistics phù hợp; Chú trọng quy hoạch lại hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ logistics; Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành logistics. Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ cao trong thực tế không chỉ tạo diện mạo mới cho Bình Dương mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tỉnh ủy Bình Dương (2019). Báo cáo số 404-BC/TU, ngày 30/12/2019 về Tổng kết Chương trình 24-CTr/TU, ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016 - 2020.
  2. Tỉnh ủy Bình Dương (2012). Báo cáo số 475-BC/TU, ngày 11/9/2020 về Tng kết Chương trình s 43-CTr/TU, ngày 13/7/2012 thực hin Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đầng bộ nhm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
  3. Tỉnh ủy Bình Dương (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, 24.
  4. Tỉnh ủy Bình Dương (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025), Tr.41.

 

THE ROLE OF LOGISTICS SERVICES IN ENHANCING

THE COMPETITIVENESS AND REDUCING COSTS OF ENTERPRISES IN

BINH DUONG PROVINCE: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

                     Master. NGUYEN THE VINH 1                     

NGUYEN HOANG PHUONG 2

1 Thu Dau Mot University

2 Department of Construction - Binh Duong Province

ABSTRACT:

Logistics services play a huge role in the national economy. Logistics services create economic, commercial and financial links of the entire supply chain or value chain of goods from production, distribution to consumption. Logistics services not only connect locals or regions within a country but also links the flows of goods and services in different regions around the world. Logistics services play an important part in ensuring the competitiveness of each country or each locality. This paper summaries the achievements of Binh Duong Province’s logistics sector in the period from 2016 to 2020 and proposes some solutions to develop the province’s logistics industry in the coming time.

Keywords: Binh Duong Province, logistics services, enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]