Điện Biên: Cây mắc ca giúp xóa đói giảm nghèo

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, cây mắc ca đã chứng minh là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương và đang được kỳ vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên.

Năm 2012, những cây mắc ca đầu tiên được Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên trồng thí điểm tại bản Đứa, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo và xã Tà Lèng, Thành phố Điện Biên Phủ, với diện tích gần 20ha, theo mô hình “liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản”. Năm 2013, cây mắc ca tiếp tục được trồng thí điểm 10 ha tại xã Quài Nưa - Tuần Giáo. Qua quá trình theo dõi, cây mắc ca khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và khả năng phát triển tốt. Đến nay đã có 1.400 ha mắc ca được trồng trên địa bàn huyện Tuần Giáo và có khoảng 300ha bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt gần 90%.

Hiện diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước đạt 3.387 ha

Cây mắc ca là loài cây có tuổi thọ hàng trăm năm, có thể trồng trên đất dốc, đất nương bạc màu. Đặc biệt, cây có khả năng hạn chế rửa trôi xói mòn đất, có thể trồng thành rừng phòng hộ với mật độ trên 400 cây/ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, cung cấp nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến ở nhiều nước trên thế giới. Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cam kết, sau khi thu hoạch người dân được hưởng 15%/giá trị 1kg quả tươi đã góp phần tạo niềm tin cho người dân góp đất về nguồn thu nhập từ cây mắc ca. Nhờ đó, mắc ca trở thành cây trồng chủ lực, xây xóa đói giảm nghèo của huyện Tuần Giáo.

Theo giá thị trường, hiện nay quả mắc ca được bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha mắc ca trồng khoảng 280 cây, sau 3 năm trồng, cây cho quả bói và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Nếu thực tế sau này đúng như vậy và chỉ cần giá bán là 120.000 đồng/kg, thì 1ha mắc ca năng suất thấp nhất ở những năm thứ 5 được khoảng trên 1 tấn quả, cho người trồng thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/ha. Trong khi đó nếu trồng 1 ha ngô, trồng lúa, trừ mọi chi phí, chỉ cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng.

Cây cà phê có thể trồng xen với cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế kép 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nông nghiệp có thể trồng xen cây cà phê với cây mắc ca. Như vậy, nếu trồng mắc ca xen cà phê sẽ cho hiệu quả kinh tế kép.

Trồng cây mắc ca đã có những tác động tích cực tới đời sống, thu nhập góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Điện Biên. Hiện diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.387ha. Chủ trương của tỉnh Điện Biên là đẩy mạnh phát triển cây mắc ca ở những nơi có điều kiện thích hợp. Các địa phương phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng đề án phát triển cây mắc ca. Đề án bao gồm cả hướng dẫn về kỹ thuật, chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Cùng với một số cây trồng như: Cao su, cà phê, sơn tra, cây mắc ca được kỳ vọng là loại cây xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân trên địa bàn.

PV