Điện Biên: Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Với nhiều lợi thế về du lịch cộng đồng, Điện Biên đang hướng đến việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Điện Biên với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng. Thành phố Ðiện Biên Phủ và các huyện, Ðiện Biên, Tuần Giáo có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây ăn quả và rau màu. Huyện Tủa Chùa, Mường Ảng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp (cà phê, chè). Huyện Mường Nhé, Nậm Pồ có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 sản phẩm làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau như: Thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rượu Mông Pê…

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, giúp quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Để phát triển hơn các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch hàng năm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2019… tại các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, hội chợ thương mại để tăng cường giới thiệu các sản phẩm văn hóa, đặc sản của tỉnh đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Để phát huy lợi thế và phát triển các nông sản gắn với phát triển du lịch, thời gian tới, Điện Biên sẽ tập trung nguồn lực để kiểm soát tốt việc phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực gắn với phát triển các sản phẩm làng nghề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện một số quy trình xếp hạng làng nghề, chứng nhận làng nghề truyền thống, nghệ nhân làng nghề, chú trọng nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản có thế mạnh gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới (chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP), tăng cường đầu tư kinh phí thực hiện các dự án nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc trong tỉnh lên các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Điện Biên quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng loại nông sản

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng loại nông sản, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, tiêu chí (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…) theo chuỗi liên kết giá trị để kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nhằm tạo sự yên tâm cho du khách khi đến với du lịch Điện Biên…

Thời gian qua, một số huyện trên địa bàn tỉnh như huyện Điện Biên, Tuần Giáo đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái. Tại đây đã hình thành các vườn cây theo mô hình nông thôn mới, đã thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn. Bên cạnh đó, các mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản tại các hộ nông dân hoặc làng nghề ngày càng được các gia đình lựa chọn và được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, các địa phương đã lựa chọn và phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn của địa phương mình.

Hưng Nguyên