Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 15/4

Giá đậu tương đã bật tăng trở lại tuy nhiên đà phục hồi vẫn bị kìm hãm trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đậu tương tại Hoa Kỳ và Trung Quốc ở mức thấp.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc
 Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 3/2020 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp kỷ lục (Ảnh: CHINA DAILY)

Giá đậu tương trong phiên giao dịch hôm nay (15/4) đã bật tăng trở lại sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/3/2020 trong phiên giao dịch hôm qua (14/4). Cụ thể, vào lúc 11h03 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,4% lên mức 8,50-1/4 USD/giạ (27,2 kg).

Giá lúa mì đạt 5,49-3/4 USD/giạ (27,2 kg) và giá ngô tăng 0,2% lên 3,32-3/4 USD/giạ (25,4 kg). Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá lúa mì và giá ngô đã lần lượt giảm 1% và 1,7%.

Mặc dù giá đậu tương đã phục hồi trở lại nhưng vẫn đang bị kìm hãm bởi nhu cầu sử dụng đậu tương trên thị trường đang ở mức yếu. Tại thị trường Hoa Kỳ, giới phân tích nhận định việc các nhà máy chế biến thịt của nước này tiếp tục phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng bã đậu tương – nguyên liệu chủ yếu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc.

Giá mặt hàng bã đậu tương trên sàn CBOT đang hướng đến tuần giảm giá thứ tư liên tiếp. Giới phân tích nhận định giá mặt hàng bã đậu tương hiện vẫn ở mức tương đối cao trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ở mức thấp.  

Đối với thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, lượng nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 3/2020 đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do mưa kéo dài tại Brazil khiến việc chuyển giao các lô đậu tương xuất khẩu bị trì hoãn cùng với đó sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu nội địa Trung Quốc sụt giảm. Brazil hiện là một trong những quốc gia cung ứng đậu tương lớn nhất của Trung Quốc.

Trên thị trường lúa mì, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết khoảng 62% diện tích canh tác lúa mì vụ đông niên vụ 2019/2020 của nước này hiện trong tình trạng tốt hoặc rất tốt. Ai Cập, quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cho biết đã mua vào 120.000 tấn lúa mì từ Nga; mức mua vào của Ai Cập thấp hơn so với dự báo của giới phân tích.

Trrên thị trường ngô, giá mặt hàng ngô hiện chịu áp lực giảm ngày càng tăng khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol tại Hoa Kỳ sụt giảm trong bối cảnh các hoạt động di chuyển và kinh tế tại đây bị đình trệ. Khoảng 1/3 lượng ngô được thu hoạch tại Hoa Kỳ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, giá dầu thô sụt giảm mạnh cũng khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol sẽ càng giảm thấp hơn.

Quang Đặng (Theo Reuters)