Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 22/4

Giá ngô đã tăng trở lại nhờ lực mua bắt đáy khi giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, giá lúa mì bật tăng cao do thị trường lo ngại nguồn cung sụt giảm.
Thu hoạch ngô
 Hoạt động thu hoạch ngô tại Hoa Kỳ (Ảnh: Tumbling Run)

Vào lúc 11h02 sáng nay (ngày 22/4, theo giờ Việt Nam), giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,1% lên 3,17-1/2 USD/giạ (25,4 kg). Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá ngô đã tăng 1%; trong phiên giao dịch này, đã có lúc giá ngô giảm xuống còn 3,09 USD/giạ - mức giá thấp nhất kể từ tháng 9/2009.

Giới phân tích nhận định giá ngô tăng trở lại chủ yếu do các nhà giao dịch tham gia mua bắt đáy khi giá ngô giảm về thấp. Giá ngô hiện vẫn chịu áp lực giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol ở mức thấp dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Khoảng 1/3 sản lượng ngô của Hoa Kỳ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học ethanol.

Ông Phin Ziebell, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định “Các yếu tố cơ bản của thị trường hiện vẫn ở mức yếu. Giá ngô hiện bị kìm hãm bởi dự báo sản lượng ngô năm nay của Hoa Kỳ sẽ ở mức cao và diễn biến đại dịch Covid-19 vẫn khiến nhu cầu về ngô sụt giảm nghiêm trọng”.

Trong ngày 20/4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, tính đến ngày 19/4, đã có khoảng 7% diện tích canh tác ngô của nước này được xuống giống; con số này ngang bằng với mức dự báo của giới chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.

Trên thị trường lúa mì, giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 1% xuống còn 5,40-1/2 USD/giạ (27,2 kg); chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá lúa mì đã giảm 0,2%. Tính từ đầu tuần đến nay, giá lúa mì đã tăng mạnh hơn 2% sau khi USDA cho biết các điều kiện nông vụ trên toàn Hoa Kỳ ở mức kém hơn dự báo của thị trường; đồng thời, khiến thị trường lo ngại nguồn cung lúa mì sẽ giảm xuống.

Cụ thể, USDA cho biết chỉ có 57% diện tích canh tác lúa mì vụ đông 2019/2020 của nước này trong tình trạng từ tốt đến rất tốt, giảm so với mức 62% của tuần trước. Con số này cũng thấp hơn mức dự báo từ 59% - 64% của giới chuyên gia.

Nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới cũng có thể giảm xuống khi Nga và Ukraina cho biết có thể tạm hoãn xuất khẩu trong vài tuần. Nhu cầu tích trữ lương thực trên toàn cầu hiện đang tăng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0,1% xuống còn 8,40-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá đậu tương đã tăng 0,5%.

Quang Đặng (Theo Reuters)