Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 24/4

Giá đậu tương đã tăng phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp nhờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua đậu tương; giá ngô cũng đã phục hồi tăng trở lại nhờ lực mua bắt đáy khi giá về mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Thu hoạch đậu tương
 Thu hoạch đậu tương tại Hoa Kỳ (Ảnh: bilaterals.org)

Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 24/4, theo giờ Việt Nam), giá đậu tương giao tương lai theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,1% lên 8,47-1/2 USD/giạ (27,2 kg), đánh dấu phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua , giá đậu tương đã tăng 0,5%. Tính từ đầu tuần đến nay, giá đậu tương đã tăng 0,6%; trong tuần trước, giá đậu tương đã giảm 2,5%.

Đà tăng của giá đậu tương trong những phiên giao dịch gần đây chủ yếu do thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua đậu tương. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất trên thế giới.

Ông Tobin Gorey, giám đốc bộ phận chiến lược thị trường hàng hoá nông sản của Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, cho biết “Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết Hoa Kỳ đã xuất khẩu được 272.000 tấn đậu tương của niên vụ 2019 đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, một đơn hàng đặt mua đậu tương từ Hoa Kỳ cũng giúp giới đầu tư kỳ vọng các bên mua hàng đang quay trở lại tham gia thị trường”.

Trong ngày 23/4, hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị mua vào 30 triệu tấn nông sản, bao gồm 10 triệu tấn đậu tương, 20 triệu tấn ngô và 1 triệu tấn bông cho kho dự trữ quốc gia nhằm bảo vệ nước này khỏi sự đứt vỡ của các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Điều này giúp thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ gia tăng thu mua nông sản từ Hoa Kỳ.

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá ngô được giữ không đổi tại mức 3,26 USD/giạ (25,4 kg). Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá ngô đã tăng 0,4%. Tính từ đầu tuần giao dịch đến nay, giá ngô đã tăng 1,2% - mức tăng theo tuần cao nhất trong 7 tuần trở lại đây. Trong tuần này, đã có lúc giá ngô sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, tuy nhiên, lực cầu mua bắt đáy đã giúp giá ngô phục hồi tăng trở lại.

Tuy nhiên, đà phục hồi của giá ngô vẫn bị kìm hãm bởi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol vẫn ở mức thấp trước các tác động của đại dịch Covid-19. 1/3 sản lượng ngô tại Hoa Kỳ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học ethanol.

Giá lúa mì giao tương lai đã tăng 0,5% lên 5,47-1/2 USD/giạ (27,2 kg); chốt phiên giao dịch hôm qua, giá lúa mì đãng tăng 0,2%. Tính từ đầu tuần giao dịch đến nay, giá lúa mì đã bật tăng 2,6%; trong tuần trước, giá lúa mì đã giảm 4,1%.

Đà tăng của giá lúa mì chủ yếu nhờ thông tin Ukraine và Nga, hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới, có thể hạn chế xuất khẩu trong vài tuần tới. Bên cạnh đó, tình trạng khô hạn tại khu vực Biển Đen và Châu Âu có thể khiến sản lượng lúa mì tại các khu vực này sụt giảm. Điều này sẽ giúp nâng cao cơ hội xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ.

Quang Đặng (Theo Reuters)