Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 25/4

Giá ngô và đậu tương đã giảm xuống sau 3 ngày tăng liên tiếp do áp lực chốt lời của giới đầu tư trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nông sản còn đối mặt nhiều rủi ro khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Thu hoạch ngô tại Hoa Kỳ
Thu hoạch ngô ngọt tại bang Minnesota, Hoa Kỳ (Ảnh: Jackson Forderer/MPR News)

Trong phiên giao dịch ngày 23/4 (ngày 24/4, theo giờ Việt Nam), giá ngô và đậu tương trên thị trường tương lai tại Hoa Kỳ đã giảm xuống sau 3 ngày tăng liên tiếp do giới đầu tư chốt lời trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá nông sản trên toàn cầu vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Giá ngô giao tháng 7/2020 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 3 cents xuống mức 3,23 USD/giạ (25,4 kg). Giá ngô chịu áp lực giảm do nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol đã sụt giảm mạnh khi đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động di chuyển và hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Khoảng 1/3 sản lượng ngô được thu hoạch tại Hoa Kỳ được sử dụng cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, các dự báo cho thấy tình trạng thời tiết tại các khu vực trồng ngô chính tại Hoa Kỳ đang ở mức tốt, điều này đã gia tăng áp lực giảm lên giá ngô.

Giá đậu tương giao tháng 7/2020 trên sàn CBOT đã giảm 7-1/4 cents, chốt phiên giao dịch tại mức 8,39-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Trong ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua 136.000 tấn đậu tương của Hoa Kỳ, đây là ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc đặt mua đậu tương từ Hoa Kỳ. Tính chung cả tuần này, Trung Quốc đã mua vào 606.000 tấn đậu tương của Hoa Kỳ.

Tất cả các lô hàng đều là đậu tương niên vụ 2019/2020. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đẩy mạnh việc thu mua đậu tương trong bối cảnh giá mặt hàng này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng trở lại đây vì đại dịch Covid-19.

Mặc dù Trung Quốc đã cam kết sẽ gia tăng thu mua nông sản từ Hoa Kỳ theo thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được hai nước ký kết vào đầu năm nay, một số chuyên gia cảnh báo vẫn nên thận trọng quan sát việc thu mua nông sản của Trung Quốc. Tập đoàn ngân hàng Commerzbank lưu ý “Vẫn chưa có lịch trình thu mua hàng hoá chính xác từ phía Trung Quốc, việc gia tăng thu mua nông sản hiện nay chỉ xuất phát từ việc nước này tận dụng mức giá xuống thấp trên thị trường”.

Giá lúa mì trên thị trường tương lai tại Hoa Kỳ cũng chịu áp lực giảm xuống trong bối cảnh mưa diễn ra tại một số khu vực trồng lúa mì chính của Châu Âu sau thời gian dài khô hạn; đồng thời, giá lúa mì điều chỉnh giảm sau khi đã vượt ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.

Giá lúa mì giao tháng 7/2020 trên sàn CBOT đã giảm 14-1/4 cents xuống còn 5,30-1/2 USD/giạ (27,2 kg).

Quang Đặng (Theo Reuters)