Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 27/3

Giá nông sản thế giới đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt giá đậu tương nhờ nhu cầu sử dụng tăng và lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago đã tăng 2,5% - hướng đến mức tăng theo tuần cao nhất kể từ ngày 4/10/2019.

Giá đậu tương đã tăng 0,5% lên mức 8,84-1/2 USD/giạ (27,2 kg) vào lúc 8h56 sáng nay (ngày 27/3, theo giờ Việt Nam). Trên thị trường tương lai Trung Quốc, giá đậu tương đã tăng 3% lên mức 4.739 NDT/tấn – chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 do nhiều lô hàng nhập khẩu đậu tương bị giao trễ.

Giá đậu tương tại Hoa Kỳ tăng cao chủ yếu do thị trường kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng lên. Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nguồn cung đậu tương từ các quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn khu vực Nam Mỹ như Brazil và Argentina có thể sẽ giảm xuống khi các nước này siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển để phòng chống sự lây lan của dịch virus Covid-19.

Hiện các nhà máy chế biến đậu tương tại Trung Quốc đang lo ngại sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại các quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn có thể khiến nguồn cung trên thị trường sụt giảm.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết một số nhà máy chế biến đậu tương tại Trung Quốc đã phải giảm công suất hoạt động do thiếu hụt nguồn cung. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới với nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào Hoa Kỳ, Brazil và Argentina.

Giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT cũng đã tăng gần 1% tính từ đầu tuần đến nay; trong tuần trước (16 – 20/3), giá ngô đã giảm mạnh 6%. Trong khi đó, giá lúa mì tiếp tục tăng mạnh 5% trong tuần này; trong tuần trước, giá lúa mì đã tăng 5%.

Đà tăng của giá lúa mì chủ yếu do nhu cầu sử dụng lúa mì đang tăng cao trên thị trường khi người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thực phẩm khi đại dịch virus Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước.

Trong ngày 26/3, Bộ Nông nghiệp Nga cho biết giá ngũ cốc của nước này sẽ được giữ ổn định và không có căn cứ cho thấy nguồn cung lương thực của nước này sẽ sụt giảm trong thời gian tới. Nga vừa qua đã tuyên bố dừng xuất khẩu các loại ngũ cốc đã qua chế biến như sản phẩm kiều mạch ăn sẵn, gạo và bột yến mạch trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 20/3/2020.

Quang Đặng (Tổng hợp)